Trần Trung Đạo
Macy’s là một trong 20 công ty buôn bán sản phẩm tiêu dùng
lớn nhất nước Mỹ. Đứng đầu danh sách là Walmart. Cách đây vài năm, trên diễn
đàn Internet, một người hay một nhóm người Việt nào đó tố cáo công ty Macy’s
“treo cờ Cộng Sản”, tức cờ nền đỏ sao vàng. Thế là hàng trăm người lên tiếng
phản đối theo. Thậm chí có người viết thư gởi thẳng cho ban giám đốc Macy’s yêu
cầu công ty này phải hạ ngay “lá cờ máu” đó xuống.
Theo các tài liệu về công ty Macy’s, trong khi làm việc cho
hãng Emily Morgan, Rowland Hussey Macy thấy một cô gái xâm một ngôi sao đỏ.
Thấy đẹp, ông ta cũng tìm thợ xâm cho mình một hình sao đỏ. Ngày 28-10-1858, công
ty Macy’s chính thức thành lập. Nhưng một công ty thì phải có thương hiệu, nghĩ
đến hình xâm mình ưa chuộng, ông quyết định dùng cờ nền trắng sao đỏ là thương
hiệu chính thức cho công ty. Công ty Macy’s làm ăn khấm khá, mở nhiều cơ sở
vùng Đông Bắc, bao gồm Massachusetts và New York, nhưng tham vọng của ông Macy
không chỉ quanh quẩn miền bắc đất hẹp người thưa nhưng nhắm vào thị trường đông
dân trù phú ở miền nam. Macy’s thu phục các công ty nhỏ như O’Connor Moffat ở
San Francisco, John Taylor Dry Goods Co. ở Kansas. Trong thời gian này, Macy’s
dùng một số thương hiệu khác nhau, nhưng sau khi đã chế ngự thị trường, Rowland
Macy chỉ dùng một hình sao đỏ như thương hiệu chính thức cho công ty từ đó đến
ngay.
Theo tài liệu chính thức của đảng CSVN, tác giả lá cờ nền đỏ
sao vàng là ông Nguyễn Hữu Tiến làm nghề thầy giáo, tham gia đảng Cộng Sản, bị
tù và vượt ngục. Năm 1935, ông được Xứ Ủy Nam Kỳ giao trách nhiệm vẽ lá cờ để
sử dụng trong các cuộc đấu tranh. Ông đã vẽ lá cờ nền đỏ sao vàng. Lá cờ này
được Xứ Ủy Nam Kỳ chấp thuận và xuất hiện trong các cuộc đấu tranh do đảng Cộng
Sản tổ chức và lãnh đạo, trong đó có cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 23-11-1940. Ngày
28-8-1941 ông Nguyễn Hữu Tiến bị xử bắn cùng các lãnh đạo trung ương khác của
đảng Cộng Sản như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Vǎn Tần, Hà Huy Tập. Ông Hồ Chí Minh
rất thích lá cờ này và thường dùng trong các hoạt động của phong trào Việt
Minh, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản. Cờ nền đỏ sao vàng xuất hiện
không chính thức trong ngày 2-9-1945 vì đến ngày 5-9-1945, ông Hồ mới ký sắc
lịnh dùng cờ của Xứ Ủy Cộng Sản Nam Kỳ làm cờ chính thức cho nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa. Sau đó lá cờ nền đỏ sao vàng được đưa sang quốc hội gồm khoảng
300 đại biểu bù nhìn của đảng Cộng Sản, không tính 70 đại biểu từ các đảng không
Cộng Sản thêm vào sau không bầu, thông qua. Sau giai đoạn khó khăn từ 1945 đến
1950, đảng Cộng Sản với sự yểm trợ bằng máu xương và súng đạn từ hai đàn anh
Cộng Sản quốc tế, đã chiếm được một nửa nước Việt Nam. Nhưng mục tiêu của Đảng
không dừng lại ở miền bắc đất hẹp người thưa nhưng nhắm vào khu vực đông dân
trù phú ở miền nam. Ngày 20-12-1960, trung ương đảng CSVN lập thêm chi nhánh
miền nam và để che giấu dư luận quốc tế, Đảng dùng cờ nửa xanh nửa đỏ làm
thương hiệu cho cơ sở miền nam. Nhưng sau khi chiếm trọn miền nam vào
30-4-1975, việc che đậy không còn cần thiết, Đảng dùng cờ nền đỏ sao vàng cho
cả nước từ đó đến nay.
Dù có vài tình tiết trùng hợp lý thú, công ty Macy’s và đảng
CSVN chẳng liên hệ gì nhau. Sự so sánh chỉ nhằm chứng minh rằng cờ nền đỏ sao
vàng của đảng CSVN và cờ nền trắng sao đỏ của công ty Macy’s đều chỉ là thương
hiệu của một hai tổ chức kinh doanh. Một công ty quốc tế ở Mỹ hay một tiệm bán
đồ cũ ở Việt Nam cũng đều có thương hiệu và sự tồn tại của thương hiệu gắn liền
với thời gian hoạt động của công ty. Giả thiết, một ngày nào đó công ty Macy’s
bị công ty Target mua, ngôi sao đỏ sẽ bị thay bằng hai vòng tròn trắng đỏ,
thương hiệu của công ty Target. Tương tự, một ngày, chắc chắn sẽ có ngày đó,
chế độ CSVN sụp đổ, lá cờ nền đỏ sao vàng cũng sẽ tiêu tùng theo chế độ.
Trong quan điểm đó, tôi chia sẻ ý kiến của nhà báo Lê Diễn
Đức viết trong Facebook góp ý bài báo “Những lá cờ” của tác giả Bá Tân đăng
trên Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Theo tôi, cờ đỏ sao vàng
không phải là cờ của Tổ quốc VN, của dân tộc VN, mặc dù tôi đã từng học tập,
lớn lên dưới lá cờ này và nhiều lúc đã tự hào vì cha ông tôi đã chiến đấu dưới
lá cờ này. Nhưng chính xác mà nói thì đó là cờ hiệu của nhà nước CHXHCN VN do
Đảng CSVN cầm quyền. Nước VN có mấy ngàn năm lịch sử, trải qua bao nhiêu triều
đại và chế độ với những là cờ khác nhau. Cờ đỏ sao vàng có chính thức từ ngày
2/9/1945, chỉ là biểu tượng của một nhà nước với ý thức hệ cộng sản, không đại
diện cho cả chiều dài lịch sử của dân tộc.”
Dưới đây là vài bằng chứng.
Tại châu Âu. Trước 1989, “cờ tổ quốc” của Hungary gồm ba màu
đỏ, trắng, xanh lá cây, ở giữa là huy hiệu sao đỏ và búa liềm của đảng Cộng
Sản. Quốc kỳ của Hungary hiện nay, trong lúc vẫn duy trì ba màu truyền thống
của dân tộc Hung, ở giữa là hai đường cung trống rỗng, đánh dấu sự cắt bỏ chủ
nghĩa Cộng Sản khỏi đất nước Hungary. Khoảng trống được giữ lại giữa lá cờ còn
để nhắc nhở sự hy sinh của các thế hệ Hungary trong cuộc nổi dậy vào tháng Mười
1956. Ngày đó, đường phố Budapest ngập đầy những lá “cờ tổ quốc” bị xé nát như
những xác lá cuối mùa thu. Tiến sĩ Nicholas Martin, giáo sư ngôn ngữ học tại
Pasadena City College, vào thời điểm đó là một cầu thủ Water Polo và đang đại
diện cho Hungary trong Thế Vận Hội 1956 tại Melbourne, nhắc lại kỷ niệm không
thể nào quên trong đời ông: “Việc đầu tiên tôi làm là xé ngay lá cờ Cộng Sản
Hungary trong làng Thế Vận và chúng tôi tuyên bố đại diện cho một quốc gia
Hungary tự do”.
Nhưng vào những ngày cuối của Thế Vận 1956 cũng là lúc đoàn xe
tăng của Hồng Quân Liên Xô đang cán lên xác những người dân Hung yêu chuộng tự
do được trang bị bằng gậy gộc, đội tuyển Hung gặp đội tuyển Liên Xô trong giải
chung kết Water Polo. Trận đấu được báo chí tường thuật là trận đấu “máu hòa
trong nước”. Kết quả đội tuyển Hungary đã thắng đội tuyển Liên Xô tỉ số 4-0. Thật
ra, các cầu thủ Liên Xô cũng chỉ là những cầu thủ vô tội, chẳng may phải gánh
chịu các trận tấn công liên tục của các tuyển thủ Hungary đang sôi máu căm thù.
Tại châu Á. Mông Cổ, sau thời đại huy hoàng của Thành Cát Tư
Hãn và các con ông, vào thế kỷ 14, quê hương của đại đế bị chia cắt thành hai
mảnh và phân hóa trầm trọng. Vào thế kỷ 17, Mông Cổ bị đặt trong vòng cai trị
của nhà Thanh và phần lớn khu Nội Mông đã trở thành đất của nhà Thanh, hiện nay
là Khu tự trị Nội Mông thuộc Trung Quốc. Lợi dụng cách mạng Tân Hợi Trung Hoa
1911, các phong trào yêu nước Mông Cổ tuyên bố độc lập nhưng chưa kịp làm gì đã
bị quân Trung Hoa đánh bại và chiếm đóng. Trong lúc số phận Mông Cổ, một trong
những đế quốc lừng danh trong lịch sử nhân loại sắp bị xóa tên khỏi bản đồ thế
giới, quân đội Bạch Nga dưới quyền Bá Tước Ungern, bị Cộng Sản Nga đánh đuổi,
tràn sang biên giới và đánh bại quân Trung Hoa. Trong cái rủi có cái may, sự
xâm lược của quân Nga vô tình cứu Mông Cổ thoát khỏi nạn đồng hóa. Khi Liên Xô
thắng, nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ, trong vùng Ngoại Mông, được thành lập. Tuy
bị đặt trong vòng kiểm soát của Liên Xô, về đối ngoại Mông Cổ là một quốc gia
độc lập, thành viên của Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế. Khi Liên Xô
sụp đổ, giống như các nước trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô, Mông Cổ trở thành
nước Cộng Hòa Mông Cổ. Hai chữ “nhân dân” trong tên nước bị xóa bỏ. Trong thời
Cộng Sản, “cờ tổ quốc” của Mông Cổ gồm ba phần, hai bên màu đỏ, phần giữa mà
xanh với dấu hiệu sao vàng của đảng Cộng Sản bên trái. Ngày 15 tháng Giêng
1992, quốc hội Cộng Hòa Mông Cổ biểu quyết xóa bỏ ngôi sao vàng Cộng Sản khỏi
lá cờ và thay vào đó bằng ngọn lửa biểu tượng cho tinh thần Soyombo phát triển,
thịnh vượng và thành công của dân tộc Mông Cổ.
Tại châu Phi. Ethiopia là một trong những chiếc nôi của văn
minh nhân loại nhưng trong thập niên 1980 của thế kỷ 20 quốc gia 82 triệu người
này đã chịu đựng nạn nghèo đói tận cùng và ách Cộng Sản dã man. Chỉ trong vòng
5 năm, khoảng 10 phần trăm dân số bị chết trong đói khát hay chết dưới bàn tay
của bạo chúa Mengistu. Kỷ nguyên Mengistu được báo chí gọi là “khủng bố đỏ” để
so sánh với “khủng bố trắng” do thực dân Âu châu gây ra cho các nước Phi châu
trước đây. Sau khi thiết lập chế độ độc đảng vào năm 1987, Mengistu Haile
Mariam và đảng Lao Động Ethiopia do y thành lập tuy vẫn giữ ba màu đỏ, vàng và
xanh lá cây truyền thống đoàn kết châu Phi nhưng ngay giữa lá cờ, Mengistu đã
thêm huy hiệu nền đỏ sao vàng biểu tượng cho quyền lãnh đạo trung ương của đảng
Cộng Sản. Nhiều đảng phái chống Mengistu ra đời và phối hợp hoạt động dưới danh
nghĩa của Mặt Trận Dân Chủ Cách Mạng Ethiopia. Cuối cùng chế độ khát máu
Mengistu bị lật đổ vào tháng 5 năm 1991. Ngày nay, Ethiopia vẫn còn là một nước
nghèo với 40 phần trăm dân số sống bằng nông nghiệp và không có nguồn tài
nguyên thiên nhiên nào lớn nhưng là một trong những quốc gia Phi châu có mức
phát triển nhanh. Con đường dân chủ hóa của Ethiopia bắt đầu từ 1994, là con
đường đầy gai góc nhưng đã tiến xa so với thời bạo chúa Cộng Sản Mengistu. Sau
khi được tự do khỏi xích xiềng Cộng Sản và có hiến pháp dân chủ, quốc kỳ đại
diện cho quốc gia Ethiopia gồm ba màu truyền thống đỏ, vàng, xanh lá cây và tia
sáng có chiều dài bằng nhau kết thành hình ngôi sao trên vòng tròn màu xanh
nước biển biểu tượng cho tinh thần bình đẳng, chính thức được phê chuẩn ngày
6-2-1996.
Tại Kampuchea láng giềng. Trước
ngày 17-4-1975, lá cờ Cộng Hòa Khemer gồm hai màu xanh đỏ với hình Angkor Wat
bên góc trái và ba ngôi sao trắng bên góc phải. Ngày 22-5-1975, lá cờ này bị
thay đổi bằng cờ nền đỏ với Angkor Wat vàng của chế độ diệt chủng Pol Pot. Điều
16 trong hiến pháp “Dân chủ Kampuchea” công bố ngày 5 tháng Giêng 1976, giải
thích “màu đỏ là màu cách mạng, biểu tượng cho quyết tâm của nhân dân Kampuchea
để giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước”. Cờ của chế độ Pol Pot không phải
là cờ mới được vẽ nhưng có lịch sử gắn liền với sự ra đời của đảng Cộng Sản
Kampuchea được thành lập vào 1951 sau khi đảng Cộng Sản Đông Dương “tự động
giải tán” ngày 11-11-1945. “Cờ tổ quốc” của chế độ diệt chủng Pol Pot được phác
họa khá giống với “cờ tổ quốc” của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay chỉ khác vị
trí của sao vàng được thay bằng Angkor Wat vàng. Sử gia David P. Chandler trong
bài phân tích về hiến pháp Cộng Sản Kampuchea (The Constitution of Democratic
Kampuchea: The Semantics of Revolutionary Change) do ký giả Đức Siegfried
Ehrmann trích lại trong bài báo Lá cờ với một quá khứ đầy cực hình (A flag with
a tortured past), cũng thừa nhận cờ của chế độ Pol Pot “giống như cờ của phong
trào được gọi là Việt Minh trong đầu thập niên 1950”. Sau một thời gian dài đầy
biến cố, quốc kỳ của Kampuchea Quân Chủ Lập Hiến hiện nay gồm hai màu xanh đỏ
truyền thống như đã được dùng trong thời Cộng Hòa Khemer với biểu tượng Angkor
Wat trắng được đặt ở trung tâm.
Tóm lại, từ 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết cho đến 8 nước
Cộng Sản Đông Âu, 3 nước Cộng Sản vùng Baltics (Latvia, Lithuania, Estonia),
Cộng Sản Phi châu (Ethiopia), Cộng Sản Á Châu (Kampuchea), có quốc gia thay đổi
ít như Ba Lan hay quốc gia thay đổi hoàn toàn như Nga, nhưng không có một nước
nào tiếp tục sử dụng lá cờ của chế độ Cộng Sản làm cờ đại diện cho quốc gia
thời sau Cộng Sản.
Lịch sử diễn ra trước mắt như thế, rõ ràng và dễ hiểu. Tuy
nhiên, từ hai phần ba thế kỷ từ 1945 đến nay, ban tư tưởng trung ương đảng CSVN
đã nhồi sọ, tẩy não các thế hệ Việt Nam để họ tin một cách tự nhiên, tin một
cách chân thành rằng lá cờ nền đỏ sao vàng của Xứ Ủy Cộng Sản Nam Kỳ, thương
hiệu đối ngoại của đảng CSVN là cờ tổ quốc.
Thế nào là tổ quốc?
Hiểu một cách đơn giản và gần gũi, tổ quốc là đất nước, là
cội nguồn và là căn nhà chung của một giống dân có cùng một lịch sử, văn hóa,
truyền thống, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển. Ngay trong Đại Tự Điển do Trung tâm Ngôn
ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và nhà Xuất bản
Văn hóa Thông Tin ấn hành năm 1998 cũng định nghĩa tổ quốc là “Đất nước, gắn
liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ
quốc Việt Nam của chúng ta.”
Với định nghĩa đó, thương hiệu của đảng CSVN không thể gọi
là cờ tổ quốc và càng không nên dùng, dù là dùng như một lá chắn, để biểu dương
lòng yêu nước của mình.
Biểu tượng của tự do dân chủ không nhất thiết phải là một lá
cờ mà có thể là một hình chữ V như Boris Yeltsin ra dấu khi đứng trên chiếc xe
tăng, một ngón tay còn dính mực xanh chứng tỏ vừa làm xong nghĩa vụ công dân
của người phụ nữ Iraq, một giọt nước mắt vui mừng của người mẹ Ai Cập hay trong
nhiều năm tại Miến Điện là bức ảnh của bà Aung San Suu Kyi.
Mặc dù chỉ là biểu tượng nhưng cách dùng biểu tượng cũng thể
hiện ý thức chính trị của người dân tại quốc gia đó. Nếu ai để ý sẽ thấy, trong
số hàng triệu sinh viên Trung Quốc tham dự cuộc biểu tình suốt bảy tuần lễ tại
Thiên An Môn tháng Tư 1989, rất ít người mang theo cờ đỏ năm sao vàng của đảng
CS Trung Quốc. Lá cờ của phong trào dân chủ là cờ trắng với hàng chữ đòi hỏi
“Tranh luận dân chủ”. Họ đi tìm một biểu tượng. Những ngày cuối của cuộc biểu
tình tuổi trẻ Trung Quốc đã can đảm chọn tượng Nữ Thần Tự Do làm biểu tượng
chính thức cho cuộc đấu tranh vì về mặt tinh thần, nữ thần tự do không có quốc
tịch và không đứng trên biên giới của một nước nào.
Bảy tháng sau biến cố Thiên An Môn, cuộc biểu tình chống chế
độ Nicolae Ceausescu tại Timosoara, Rumani cũng diễn ra tương tự. Hơn 100 ngàn
dân, đa số là thanh niên sinh viên, xuống đường chống chế độ độc tài CS không
mang theo “cờ tổ quốc” như họ vừa được dạy ngày hôm trước mặc dù lúc đó chế độ
Ceausescu vẫn còn rất mạnh và các cuộc đàn áp đẫm máu sắp sửa diễn ra tại thành
phố này.
Hầu hết tuổi trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên sau 1975. Tâm
hồn của các em là những tờ giấy trắng, xã hội vẽ lên đó những con đường, những
tín hiệu và các em đi trên con đường đó, nhận diện cuộc đời qua các tín hiệu
đó. Xã hội trong trường hợp Việt Nam là bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản,
một tổ chức chuyên nghiệp với trách nhiệm khống chế mọi lãnh vực, suy nghĩ và
nhận thức của con người.
Dù sao, tuổi trẻ sinh ra và lớn lên khi lá cờ đỏ sao vàng đã
có rồi, bị đầu độc để hiểu sai lịch sử, còn có thể thông cảm, những giáo sư,
trí thức, nhà văn, nhà thơ học nhiều hiểu rộng, có dịp ra nước ngoài học tham
khảo thêm nhiều tài liệu khách quan mà vẫn tin lá cờ nền đỏ sao vàng của đảng
Cộng Sản là cờ tổ quốc mới là đáng trách. Họ thích khoe khoang bằng cấp, trình
độ học vấn và luôn nhấn mạnh đến tinh thần khách quan khoa học nhưng lại sống
và hành động như một thói quen, cảm tính, một phản xạ sinh tồn tự nhiên, chấp
nhận những hiện tượng nghịch lý, phi lý một cách dễ dàng. Điều đó cho thấy
không gian giữa kiến thức và nhận thức vẫn còn là một khoảng cách khá dài.
Cho đến nay, lý do được viện dẫn nhiều nhất để biện minh cho
tính chính thống của cờ đỏ sao vàng là căn cứ vào quốc hội khóa 1 và hiến pháp
1946.
Cả thế giới đều biết trong chế độ Cộng Sản quốc hội chỉ là
tấm bình phong dân chủ để che mắt dư luận. Đảng mới là trung tâm quyền lực
tuyết đối điều khiển mọi hoạt động của đất nước. Ngày 6-1-1946, ngoại trừ 70
đại biểu không bầu gọi là “đại biểu truy nhận” từ các đảng Việt Nam Cách Mạng
Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng được thêm vào sau đó, hầu hết trong số
333 đại biểu là đảng viên đảng Cộng Sản hay các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng
Sản và phải qua sự giới thiệu của Việt Minh, một tổ chức tương tự như Mặt Trận
Tổ Quốc ngày nay.
Một vài quan điểm biện minh cho hiến pháp 1946 xem đó như là
hiến pháp dân chủ, giá trị, thế nhưng giá trị của một hiến pháp không phải vì
đó là một văn bản có nội dung súc tích, chứa đựng tầm nhìn xa nhưng ở chỗ thực
hiện và áp dụng hiến pháp trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Hiến pháp
1946 mặc dù trên danh nghĩa được thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946 nhưng chưa
từng được chính thức công bố cho đến khi được thay bằng hiến pháp 1959.
Giống như trò hề bầu cử quốc hội khóa 13 năm ngoái, năm 1946
người dân cũng không có một chọn lựa nào khác ngoài những tên tuổi đã được Đảng
đưa ra. Nhiều nơi như ở Quảng Nam, ban tuyên truyền của đảng ủy địa phương sợ
đồng bào bỏ phiếu trắng vì không nhớ hết tên nên đã phổ danh sách đại biểu
thành vè, thành thơ và bắt dân học thuộc lòng. Báo Quảng Nam năm ngoái còn hãnh
diện khoe khoang thành tích tuyên truyền của Đảng khi đăng lại những bài thơ
lục bát chuyển từ danh sách đại biểu như Trần Đình Tri, Lê Văn Hiến, Phan Bôi,
Huỳnh Ngọc Huệ, Phan Thanh, Lâm Quang Thự, Phan Thao v.v..
Trung Bộ có Trần Đình Tri
Cùng Lê Văn Hiến vậy thì đồng song
Phan Bôi một dạ, một lòng
Cùng Huỳnh Ngọc Huệ vốn dòng đấu tranh
Cứu tế có chị Phan Thanh
Có Lâm Quang Thự cùng anh Phạm Bằng
Trần Tống tuổi trẻ tài năng
Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều
Quế Sơn đồng chí Phan Diêu
Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân
Trần Viện nhiều nỗi gian truân
Còn Nguyễn Thế Kỷ mười phần quyết tâm…
Cùng Lê Văn Hiến vậy thì đồng song
Phan Bôi một dạ, một lòng
Cùng Huỳnh Ngọc Huệ vốn dòng đấu tranh
Cứu tế có chị Phan Thanh
Có Lâm Quang Thự cùng anh Phạm Bằng
Trần Tống tuổi trẻ tài năng
Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều
Quế Sơn đồng chí Phan Diêu
Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân
Trần Viện nhiều nỗi gian truân
Còn Nguyễn Thế Kỷ mười phần quyết tâm…
Và tác giả bài báo vui mừng kết luận “Mười bốn ứng cử viên ở
các huyện đồng bằng và trung du do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử
với số phiếu cao tuyệt đối.”
Đọc bài báo chỉ để thấy tội nghiệp cho các thế hệ ông bà
chúng ta đã bị các tầng lớp phong kiến áp bức tận cùng, bị thực dân bóc lột và
cuối cùng bị đảng Cộng Sản lừa gạt và dẫn dắt như lớp người nô lệ trong thời
đại mới. Sau lần “bầu cử” 1946, đảng CSVN không thấy cần có quốc hội nên suốt
14 năm sau đó, Đảng chẳng màng nghĩ đến chuyện bầu bán “cơ quan quyền lực cao
nhất” này làm gì cho tốn công tốn của. Sáu mươi lăm năm dài dằng dặc từ khóa 1
đến khóa 13, đừng nói chi văn minh nhân loại đã tiến quá xa mà cả hình dạng
trái đất cũng đã đổi thay nhiều nhưng số phận làm nô lệ cho chủ nghĩa Cộng Sản
của người dân Việt Nam vẫn không thay đổi.
Lý do thứ hai, lá cờ nền đỏ sao vàng là cờ tổ quốc vì đã
thắm máu của nhiều người Việt Nam yêu nước trong cuộc “chiến tranh chống thực
dân Pháp đầy chính nghĩa”. Từ những ngày gian truân trên núi rừng Việt Bắc cho
đến khi lá cờ này được cắm trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries, và đó là
một chiến thắng không thể phủ nhận.
Tạm gát qua bên vai trò then chốt của các tướng lãnh Trung
Quốc trong trận Điện Biên Phủ và mục đích cuối cùng của đảng Cộng Sản, máu xương
của hàng triệu người Việt Nam đổ xuống không chỉ ở lòng chảo Điện Biên Phủ mà
trong suốt gần một thế kỷ Pháp thuộc, phát xuất từ lòng yêu nước. Không ai chối
cãi hay phủ nhận điều này. Như tôi đã viết nhiều lần trước đây, tình yêu dành
cho quê hương của họ là một tình yêu thuần khiết và trong sáng. Họ ngã xuống
cho thanh bình sớm được vãn hồi trên quê hương khổ đau và bất hạnh Việt Nam. Họ
là những công nhân đôi tay còn dính dầu máy, là những nông dân từ bỏ ruộng
vườn, ra đi theo tiếng gọi của núi sông vang vọng từ Mê Linh, Lam Sơn, Bạch
Đằng, từ bốn ngàn năm lịch sử.
Những người Việt Nam đó đã chết chỉ vì một mục đích duy nhất
cho con cháu họ được sống trong thanh bình, tự do, độc lập chứ không phải sống
trong xiềng xích độc tài nô lệ, và quan trọng nhất, họ không chết vì lá cờ của
đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tôi thật sự tin, trong một nước Việt Nam tự do dân chủ, sự
hy sinh của đồng bào trong suốt gần một trăm năm dưới ách thực dân, dù chết ở
đâu và chết như thế nào, chẳng những không bị lãng quên mà còn được vinh danh
xứng đáng. Giống như trong các tổ chức khác, trong hàng ngũ đảng Cộng Sản có
nhiều người yêu nước nhưng bản thân đảng Cộng Sản như một tổ chức chính trị
chưa bao giờ là một đảng yêu nước. Dùng lá cờ của chế độ Cộng Sản độc tài để
vinh danh những người đã chết vì nguyện vọng độc lập tự do cho dân tộc là một
hình thức phỉ báng họ.
Lý do thứ ba, lá cờ nền đỏ sao vàng phải được gọi là cờ tổ
quốc vì đã thắm máu của nhiều người Việt Nam yêu nước trong cuộc chiến “chống
Mỹ xâm lược anh hùng” và cuối cùng đã cắm lên “trên đỉnh cao nhất của dinh Độc
lập Sài Gòn”.
Sau 37 năm với hàng ngàn tài liệu được công bố, hàng trăm
tác phẩm được viết ra, đã chứng minh một cách tận tường và chi tiết lịch sử
hình thành và mục tiêu của đảng CSVN từ 1930 cho đến nay. Hàng hàng lớp lớp
thanh niên Việt Nam bị xua vào cuộc chiến gọi là “chống Mỹ cứu nước” chỉ để
thỏa mãn tham vọng Cộng Sản hóa toàn cõi Việt Nam, và ngoài ra, để làm những
tên lính đánh thuê trung thành cho Liên Xô và Trung Quốc.
Trong các thập niên 1930, 1940, một mặt hô hào đoàn kết
nhưng mặt khác Đảng thẳng tay tận diệt mọi thành phần yêu nước, từ các chính
khách, lãnh tụ đảng phái tên tuổi như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn bị cắt
cổ ở miền bắc, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi bị giết ở miền trung, Phan Văn Hùm,
Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Hồ Vĩnh Ký bị giết ở miền Nam, cho đến các bậc
lãnh đạo của hai tôn giáo được khai sinh ngay trong lòng dân tộc là Cao Đài,
Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ vì họ có quan điểm đấu tranh chống Pháp khác với mục
tiêu xích hóa Việt Nam của đảng Cộng Sản. Không khác gì các chế độ phong kiến
bất nhân, chẳng những cá nhân họ bị giết mà con cái họ dù còn trong tuổi vị
thành niên cũng không được tha như trường hợp năm người con của nhà cách mạng
Bùi Quang Chiêu.
Hôm nay, Liên Xô đã sụp đổ nhưng mối họa Trung Quốc do đảng
CSVN rước về chẳng những chưa chịu ra đi mà đang tiếp tục gậm nhấm từng phần
lãnh thổ Việt Nam, tàn sát và đe dọa đời sống của ngư dân vô tội. Trung Quốc là
lý do chính để Việt Nam từ một quốc gia bán đảo phì nhiêu nhìn ra biển Đông bao
la bát ngát trở thành là một nước nghèo nàn, chậm tiến, bị cô lập trong một
vũng ao tù nước đọng không lối thoát ra đại dương.
Tại sao Trung Quốc yểm trợ CSVN trước 1975 và đánh Việt Nam
sau 1975?
Đảng Cộng Sản Trung Quốc được xem là cha mẹ đỡ đầu, dành
từng hạt gạo để nuôi dưỡng đảng CSVN ngay cả trong lúc hàng triệu dân Trung
Quốc chết đầy đường, không phải vì một nước “cộng sản anh em”, không phải vì
“chủ nghĩa quốc tế vô sản”, không phải vì tình cảm “sắn liền sắn khoai liền
khoai” (nhái theo âm Quan Thoại bài hát Tình Hữu Nghị Việt Nam – Trung Hoa của
Đỗ Nhuận) đậm đà tình nghĩa, nhưng chỉ vì Việt Nam là một sân sau, một vùng
độn, một vòng đai, một lãnh thổ nối dài của Trung Quốc.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, trong tác phẩm mới nhất
Về Trung Quốc (On China) vừa xuất bản, đã trích lại một đoạn đối thoại giữa
Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai trong cuộc viếng thăm Trung Quốc của họ Phạm vào
năm 1968. Chu Ân Lai: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây
giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam”. Phạm Văn Đồng nhiệt
tình đáp đúng ngay ý chủ: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất
cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Chu Ân Lai: “Đó chính là lý do chúng tôi
ủng hộ các đồng chí”. Phạm Văn Đồng phấn khởi: “Chiến thắng của chúng tôi sẽ có
ảnh hưởng tích cực tại châu Á, sẽ đem lại những thành quả chưa từng thấy”. Chu
Ân Lai đồng ý: “Các đồng chí nên nghĩ như thế ”.
Một lá cờ tắm máu bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã chết chỉ
vì phải đem thân làm tôi mọi, làm phên dậu châu Á cho chủ nghĩa bành trướng
Trung Quốc xứng đáng được gọi là cờ tổ quốc?
Khi sân sau Việt Nam rơi vào quỹ đạo Liên Xô, nỗi sợ hãi bị
bao vây như Chu Ân Lai chia sẻ với Phạm Văn Đồng quay về ám ảnh giới lãnh đạo
CS Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình đã quyết định chặt đứt vòng xích bằng cách dạy
cho đàn em phản trắc CSVN “một bài học”.
Cuối 1978 đến đầu 1979, Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến đi
nước ngoài dài nhất trong cuộc đời y, từ các cường quốc cựu thù Anh, Mỹ, Nhật,
cho đến các nước nhỏ hay đang phát triển như Thái Lan, Mã Lai, Singapore và cả
Nepal, Miến Điện chỉ với mục đích cô lập “Cu Ba phương Đông”. Họ Đặng đã lấy
được lòng nguyên thủ các quốc gia y thăm viếng. ASEAN lên án Việt Nam xâm lăng
Kampuchea. Nhật Bản lên án Việt Nam. Tổng thống Carter đồng ý cung cấp tin tức
tình báo các hoạt động của 50 sư đoàn Liên Xô trong vùng biên giới phía bắc
Trung Hoa. Chưa đầy hai tuần sau khi từ Mỹ về, họ Đặng xua quân đánh Việt Nam. Thân
xác của hàng vạn tuổi trẻ Việt Nam ngã xuống dọc biên giới Việt Trung chỉ vì nợ
máu xương giữa hai đảng Cộng Sản.
Từ đó đến nay, khi đánh khi đàm, khi vuốt ve khi đe dọa
nhưng các mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn
không thay đổi. Trung Quốc muốn Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc về
chế độ chính trị, là một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an
ninh châu Á của Trung Quốc và độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển
Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp. Những
diễn biến chính trị kể từ sau lễ ký kết công hàm Thành Đô 1990 đến nay cho
thấy, lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đã nắm giữ cả phần xác lẫn phần hồn của giới
lãnh đạo CSVN.
Một lá cờ được làm mục tiêu tác xạ của hải quân Trung Quốc
trên biển Đông, đại diện cho một đảng chỉ biết khúm núm trước kẻ thù nhưng vô cùng
tàn ác với đồng bào cùng máu mủ xứng đáng được gọi là cờ tổ quốc?
Không phải ngày nay Trung Quốc mới là một nước lớn mà đã lớn
trong thời Nam Hán hơn một ngàn năm trước và không phải nước sông Hồng Việt Nam
mới đỏ hôm nay mà đã đỏ từ máu của quân xâm lược khi Ngô Quyền đóng cọc trong
lòng sông hơn một ngàn năm trước. Lịch sử đã chứng minh, Trung Quốc giàu mạnh
nhưng không phải là một quốc gia đáng sợ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Việt
Nam là sợ chính mình không đủ can đảm vượt qua quá khứ bản thân, không đủ can
đảm thừa nhận sự thật và sống vì sự thật.
Tôi biết, nhiều chú bác anh chị, nhất là từ miền bắc sống
sót sau cuộc chiến Việt Nam, có thân nhân, đồng đội chết dưới lá cờ đỏ sao
vàng. Thân xác họ được gói trong lá cờ đó và hôm nay trên mộ họ vẫn còn cắm lá
cờ đó. Tuy biết cái sai của chế độ nhưng không phải dễ dàng dứt đi được vì
không ai nhẫn tâm chặt đứt cánh tay mình, cắt bỏ đi một phần xương thịt của
chính mình. Một chiếc áo cũ ném đi lòng còn vương vấn đừng nói chi một người
thân, đồng đội, anh em, một phần đời trai trẻ. Không, tôi không nghĩ các chú
bác anh chị nên quên quá khứ hay giết chết đi kỷ niệm. Đúng ra, không ai có thể
hay có quyền ra lịnh đó. Vượt qua không có nghĩa là quên đi nhưng biết đặt kỷ
niệm, đặt quá khứ vào đúng chỗ trong một ngăn tủ riêng tư và đóng góp phần đời
còn lại cho một tương lai tốt đẹp chung của con cháu mình, đất nước mình. Con
người có tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi về chiều nhưng dân tộc thì không. Dân tộc
Việt Nam bốn ngàn năm nhưng vẫn còn rất trẻ. Và một ngày, các chú bác anh chị
sẽ thấy mình, giống như dân tộc, trẻ lại vì khát vọng hồn nhiên của thuở tuổi
hai mươi đang chảy cùng đất nước trong giai đoạn phục hưng đầy sức sống.
Lịch sử nhân loại cho thấy, không một chế độ độc tài nào tồn
tại vĩnh viễn. Một ngày, dân tộc Việt Nam sẽ có một lá cờ tổ quốc, biểu tượng
của ý chí vươn lên, tinh thần độc lập, khát vọng tự do đã được hun đúc, trui
rèn trong lửa đỏ, vượt qua bao khốn khó gian lao trong suốt chiều dài lịch sử.
Để sớm có ngày đó, người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, phải dứt khoát
chọn lựa một con đường, một lối thoát cho chính mình và cho dân tộc mình. Không
thể phó thác sinh mạng chín chục triệu người và tương lai giòng giống Việt cho
thiểu số ăn trên ngồi trước, nắm giữ quyền lực theo kiểu cha truyền con nối và
cong lưng làm tôi mọi ngoại bang. Và lối thoát duy nhất, chọn lựa duy nhất của
thời đại là dân chủ.
Trần Trung Đạo