Xuân Yến
Nói về cái đẹp thì đã là một phạm trù phức tạp. Nói về vẻ đẹp của một người phụ nữ, còn phúc tạp hơn gấp bội. Vì rằng quan niệm về cái đẹp của mỗi con người là hoàn toàn khác nhau, và không có một định mức nào là chuẩn mực cho vẻ đẹp của người phụ nữ cả.
Trên những tạp chí trong nước và cả thế giới, họ hay dùng từ TOP để xếp hạng những người phụ nữ đẹp nhất trong năm, đẹp nhất thập niên hay đẹp nhất thập kỷ. Vẻ đẹp ấy cũng chỉ được đánh giá một cách giới hạn qua con mắt thẩm mỹ của một số người bình chọn. Còn phần đông, họ đều có những ý kiến và nhìn nhận khác nhau về vẻ đẹp ấy!
Xét về thời gian, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng được đánh giá khác nhau qua từng thời đại khác nhau. Ta thấy những tranh khỏa thân vào thời Phục Hưng, vẻ đẹp của người phụ nữ được phô diễn và tán dương qua nét tròn lẳng, khỏe khoắn và rất gợi tình. Kế tiếp là thời kỳ người ta tung hô vẻ đẹp của những “chiếc đồng hồ cát”. Cái bụng dưới hơi đầy mỡ trong thời kỳ Phục Hưng được xem là đẹp, thì giờ đây được thay thế bằng cái eo bé tẹo, nằm cân đối giữa vòng một nở nang và vòng ba tròn trịa. Điển hình là nàng Marilyn Monroe với thân hình “không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”. Đến thời sau này thì mới có khái niệm “chân dài”. Bỏ qua những nét tròn lẳng của cơ thể, phụ nữ thời bây giờ dù lép trên, lép dưới, trước sau như một, nhưng hễ có “chân dài” thì được gọi là đẹp!
Xét về không gian, thì cái đẹp cũng được đánh giá khác nhau một trời, một vực. Ví như Tây Phương họ tự hào vì mắt xanh, mũi cao, Phụ nữ Hàn thì đẹp vì cặp mắt một mí lúc nào cũng như nai vàng ngơ ngác, Phụ nữ Việt Nam mình thì “giết” các chàng bằng cặp mắt lá răm và mái tóc dài rất đặc trưng.
Tôi muốn nói về vẻ đẹp của người Phụ Nữ Việt…
…Đuôi gà cao, khăn mỏ quạ và quần nái đen với hàm răng đen tuyền, một thời là hình tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, bây giờ chỉ còn được nhắc đến qua thi ca và sách vở…
Xã hội thay đổi, kéo theo không ít những đổi thay! Không nói đến sự du nhập văn hóa của các nước khác vào Việt Nam ta, mà chỉ nói đến cái tính “hợp thời” thôi, cũng đủ cho ta hình dung được một vẻ đẹp đầy hiện đại và cá tính của phụ nữ Việt Nam thời bây giờ. Nếu như trước đây, trong những cuộc thi sắc đẹp được diễn ra trong nước, những phụ nữ có thân hình cao ráo, cân đối, đặc biệt là khuôn mặt khả ái, mắt phượng mày ngài với những nét phúc hậu ẩn hiện trên khuôn trăng, thì những cô này đặc biệt chiếm ưu thế về mặt hình thể.
Nhưng bây giờ, cũng những cuộc thi ấy, nhưng tiêu chí chọn “người đẹp” lại khác hẳn những năm “xưa”. Khuôn mặt phải góc cạnh mới được. Mắt phải xếch, mũi không cần kín, càng hỉnh thì càng cá tính mạnh, miệng phải rộng (hình như càng rộng càng tốt, nhìn cho giống Julia Roberts). Hoặc là có một làn da chocolate, nhìn cho ra vẻ “Tây phương” một tí. Tôi vỗ tay cho những cái nhìn mới mẻ, nhưng thầm tiếc cho cái dáng vẻ đặc trưng của người con gái Việt, họ đành đoạn lấy cái sự “giống” người này người kia trên thế giới để làm cái “đặc trưng” cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Tiếc lắm thay!!!
Đó là mới nói về vẻ đẹp của sắc vóc. Còn vẻ đẹp của tâm hồn thì càng có nhiều điều đáng để bàn…
Cái hàng rào phong kiến khắc nghiệt thời xưa đã được tháo tung, giải phóng cho số phận của người phụ nữ Việt thoát khỏi những định kiến hà khắc và đôi khi đến mức dở hơi của một xã hội cổ hủ. Phụ nữ được quyền bình đẳng. Họ không còn phải “phu tử, tòng tử”, họ không còn phải chịu cảnh Chồng mình “năm thê, bảy thiếp”, hay phải nấp sau cửa bếp để chỉ lo chuyện cơm nước. Họ được quyền thể hiện mình, họ được quyền ra ngoài xã hội và làm những công việc phù hợp với năng lực. Đó là một sự thay đổi quá lớn và rất đáng được hoan nghênh. Vẻ đẹp của phụ nữ thời nay còn được đo lường ở sự thành công, tính mạnh mẽ, sự tự tin vào bản thân và làm chủ được cuộc sống của mình.
Nói như vậy, không có nghĩa là ta hất đổ đi cả một bát nước đầy những chuẩn mực về vẻ đẹp tâm hồn của ông bà ngày xưa để lại. Cái “tam tòng” thì có thể được thay đổi. Còn “tứ đức”, xin thưa rằng: Công, Dung, Ngôn, Hạnh chưa bao giờ là lỗi thời, chưa bao giờ là mất đi trong cái nhìn của mỗi người dân Việt, chưa bao giờ là quê mùa trong cái cốt cách của người phụ nữ Việt Nam…
Để định nghĩa và hiểu về Công, Dung, Ngôn, Hạnh, nếu ai đã quên những kiến thức cơ bản của thời phổ thông, thì chịu khó đi tìm mà học lại. Còn biết rồi, hiểu rồi, nhưng để thực hiện được là cả một vấn đề không hề đơn giản. Điều này phụ thuộc vào cái nề nếp và gia giáo trong mỗi gia đình, mà ở đó, người Mẹ phải luôn là tấm gương thật rõ, thật sáng để hướng cho con gái mình noi theo. Không thể nói một người phụ nữ đã sống nửa đời đễnh đoản và buông thả, tự dưng chuyển cái rụp sang thành một người phụ nữ có hết “mười thương” được, điều đó thật sự là một điều…hoang tưởng!
Một điều nữa không kém phần quan trọng, đó là không phải lúc nào, thời nào và không phải bất cứ một người phụ nữ nào cũng “bê nguyên” cái “tứ đức” đó mà vận vào nếp sống và nếp nghĩ của mình được. Phải tùy ở mỗi thời, tùy vào mỗi hoàn cảnh và tùy ở mỗi người, mà Công, Dung, Ngôn, Hạnh được “tiếp-biến” bằng những hình thức và phương cách khác nhau. Một người phụ nữ thông minh và tinh tế, họ sẽ làm được điều này một cách rất thuần thục.
Nói gì thì nói, nhưng bất cứ khi nào, và bất cứ ở đâu, thì người phụ nữ Việt Nam ta cũng nên biết hãnh diện vì cái gốc máu đỏ, da vàng của mình. Mình đang có những tố chất rất riêng mà những người phụ nữ đẹp của những nước khác không hề có được. Không cần phải “hóa trang” cho giống “sao “ này, “sao” kia, không cần phải lao mình theo cái sự biến đổi đến chóng mặt của thời đại. Mình phải biết tự tin rằng mình đang rất đẹp với cái cốt cách rất đặc trưng của một cô gái Việt trong con mắt của những người dân nước bạn. Như vậy cũng đủ đem lại một chút an ủi cho cái “tứ đức” kia rồi.