"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 2. Oktober 2011

TRÍ THỨC VIỆT NAM quanh bồn trí tuệ


Trần Kiêm Đoàn

Bài học chữ Nho mở lòng của thế hệ Quốc văn Giáo khoa thư là “Nhan Súc thuyết Tề vương quý sĩ” nghĩa là Nhan Súc thuyết giảng cho vua Tề biết trọng đãi người trí thức.  Nhan Súc là một hiền sĩ đương thời. Một hôm vua Tề cho mời đến bàn việc nước. 

Sau khi chủ khách an vị, vua nói:
- Súc tiền! Nghĩa là: “Nhan Súc, bước tới đây!”
Nhan Súc trả lời:
- Vương tiền! Nghĩa là: “Vua bước tới đây!”
Vua Tề hoang mang vì xưa nay chưa hề ở vào  hoàn cảnh bị động như thế bao giờ.


Nhan Súc lên tiếng:
- Nếu vua gọi mà tôi bước tới trước, người đời sẽ cho tôi là quỵ lụy trước quyền thế.  Nếu tôi gọi mà vua bước tới trước trước, thiên hạ sẽ cho là vua biết trọng kẻ hiền tài.  Nếu để cho tôi mang tiếng xấu là kẻ xu phụ quyền thế; sao bằng để cho vua được tiếng thơm là biết trọng kẻ hiền tài!

Bài học nhỏ nói về vị thế mà đồng thời cũng là thân phận trí thức trước quyền lực chính trị.

Trí thức Việt Nam xưa nay phần đông thường ở thế yếu – thế bị động và chống đỡ – trước những thế lực chính trị.  Kẻ sĩ ngày xưa như những ông nghè, ông cống suốt một đời đèn sách và hành xử lý tưởng kinh bang tế thế của đời mình quanh quẩn trong những ao hồ Tứ  thư, Ngũ kinh.  Khi còn đèn sách thì cố công dùi mài kinh sử để thi đỗ ra làm quan.  Khi ra trường đời lại loay hoay trong giới hạn của lòng trung quân ái quốc tù đọng Nho giáo.  Bởi vậy,  bao nhiêu tên tuổi các bậc đại khoa ghi đầy ở Văn Miếu Hà Nội, ở đền Văn Thánh Huế hay đâu đó khắp xứ cũng chỉ còn là… hương trầm trong gió sương cổ tích mà thôi.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, quần chúng ngó lên, kẻ sĩ ngó xuống và thì thầm vào tai nhau: “Bốn nghìn năm văn hiến!”  Tất cả đều cảm thấy tự hào về một quá khứ trong trí tưởng.  Trong lúc đó, suối nguồn tư tưởng trong ta lại chưa đủ sâu dày để xây lên một dòng chảy riêng cho một triết lý thuần Việt.  Ta có hơi nhiều ông Trạng thông minh đỉnh ngộ và ranh mãnh đầy tiểu xảo trong hiện thực và ước mơ; nhưng lại không có được một triết gia trầm tĩnh và vững chải của một cánh rừng đại mộc tư tưởng. Ta có nhiều câu lạc bộ trí thức từ Bắc chí Nam, khắp trong nước và ngoài nước, nói chuyện hoàn cầu và hoàn vũ nổ giòn như pháo bông ngày đại khánh; nhưng lại chưa có những nhóm Chuyên Viên Tham Vấn Chuyên Môn làm chỗ dựa tham khảo đáng tin cậy cho sinh hoạt tri thức và những vấn đề quốc kế dân sinh. Thế giới ngày nay càng ngày càng có nhìều nhóm trí thức cùng lĩnh vực chuyên môn tập hợp lại để tạo nên một trí tuệ tập thể gọi là Bồn Trí Tuệ (Think Tank). Giáo sư Nguyễn Xuân Khoa gọi Think Tank là “Vựa Tư Tưởng”. Vựa, là hình ảnh bình dân, diễn cảm như vựa cá, vựa thóc; nhưng Tư Tưởng, có xa rời đại chúng quá chăng.  Trạng Quỳnh, thằng Bờm cũng có Bồn Trí Tuệ riêng trong điệu sống độc đáo giữa đời.

Đối với truyền thống văn hóa hiếu học, xếp sĩ đứng đầu sự phân chia giai cấp xã hội của dân ta thì vai trò người trí thức xưa nay vẫn là hình ảnh tiêu biểu cho chất xám, cho trí tuệ của đại chúng.  Chất xám đơn thuần không tạo ra trí thức mà trí thức là người biết sử dụng hữu hiệu chất xám.  Hay nói theo khái niệm nôm na của quần chúng thì trí thức là người có tri thức, có trí tuệ.  Loay hoay định nghĩa màu mè hay tìm tòi những thuộc tính chi li của trí thức sẽ vướng vào chủ nghĩa hình thức chưa cần thiết lúc nầy.  

Dầu đứng ở bất cứ phía nào, ta cũng không thể phủ nhận được rằng, đầu tư trí thức (giáo dục, nghiên cứu) là một trong những phương tiện thiện xảo nhất giúp làm cho dân giàu nước mạnh. Đa số các nước nghèo trên thế giới hiện nay đều có sự thiếu quân bình giữa số dân và các cơ sở đầu tư giáo dục. Cụ thể là môi trường đào tạo trí thức quá thấp so với số dân cư. Nước Mỹ tuy mới lập quốc 233 năm nhưng hưởng được sự giàu mạnh như hiện nay, không phải là một sự tình cờ may rủi mà rõ ràng là do sự đầu tư xông xáo và lâu dài vào môi trường giáo dục; nhiệt tình và thành thật chiêu hiền đãi sĩ; mở rộng tấm lòng và vòng tay đón nhận chất xám toàn cầu không phân biệt biên cương màu sắc. Hiện nay, với số dân 305 triệu người, Mỹ có tới khoảng 4500 trường đại học và trên dưới 100 nhóm Chuyên Viên Tham Vấn Chuyên Môn – Think Tank – phần lớn có thế lực toàn cầu. Riêng một tiểu bang California giàu nhất nước Mỹ, với dân số 36 triệu người thì cũng đã có tới 399 trường đại học. New York, với dân số 20 triệu, có 307 trường đại học.  Trong lúc đó, Việt Nam ta có một dân số tới 85 triệu người nhưng mới có khoảng trên dưới 50 trường đại học to nhỏ và chỉ 001 nhóm Chuyên Viên Tham Vấn Chuyên Môn đầu tiên có tên là Viện Nghiên Cứu Phát Triển  – Think Tank IDS – vừa mới tự động giải tán sau Quyết Định 97 đã ban hành của chính phủ Việt Nam.

Giới quan sát khách quan và nghiêm chỉnh trong cũng như ngoài nước đã tỏ ra ngạc nhiên không ít về những tình huống hầu như nghịch lý về phía Chính Phủ cũng như về phía Nhóm Chuyên Viên IDS.  Nếu nói một cách hồn nhiên đầy tính hoạt kê của người bình dân không xu phụ quyền thế mà cũng chẳng đeo mang trí thức thì chính quyền Việt Nam  “chưa tậu được bò đã lo rình mỏ kẻ trộm”; trí thức IDS thì “muốn vào rừng mà nửa chừng bó tay” (?!)

Sau hơn 30 năm trải qua nhiều chặng đường có lúc phong quang, có lúc gập ghềnh với nhiều mày mò, trăn trở Việt Nam đã lọt qua nhiều cửa ải không kém phần gian khó, truân chuyên để bước vào cộng đồng thế giới.  Ngày nay, Việt Nam đã có mặt với thế thành viên bình đẳng trong hầu hết các tổ chức then chốt toàn cầu và phân vùng như Liên Hiệp Quốc, WTO, Ngân Hàng Thế Giới, Thế Vận Hội, ASEAN… Nhu cầu hiển nhiên trước một vị thế mới trong quan hệ đa dạng như thế là sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chuyên biệt và chuyên môn.

Người Việt trong cũng như ngoài nước vốn cần cù, thông minh; đầy đủ khả năng chất xám, tinh thần tự tin và lòng tự trọng để tiến bước song hành với mọi thành viên đối tác trong cộng đồng thế giới ngày nay.  Xã hội càng tiến nhanh, nhu cầu học hỏi và tham khảo càng bức thiết.  Giới lãnh đạo trong các nước giàu mạnh trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã công khai tham khảo và dựa vào những dữ kiện được tìm tòi, phân tích và chắt lọc từ các nhóm Tham Vấn Chuyên Môn (Bồn Trí Tuệ - Think Tank).  Mỗi Bồn Trí Tuệ trong từng khung cảnh chuyên môn như thế là một tập đại thành của nhiều đầu óc xuất sắc.  Nhà nước, tập đoàn, công ty của Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước công nghiệp phát triển nói chung đều  phải trả những món tiền rất lớn mỗi khi cần tham khảo ý kiến chuyên môn cho những vấn đề đối ngoại cũng như đối nội cần thiết.  Có khi nhà nước phải trực tiếp tài trợ cho các Think Tank.  Hàng trăm Think Tank của Mỹ đã đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào sự giàu mạnh của xứ nầy.  Ngay ở Ấn Độ, một quốc gia mà giới lãnh đạo luôn có mặc cảm tự tôn là thuộc giai cấp minh triết, nhưng Bồn Chứa Trí Tuệ IDSA (Institute of Defense Studies and Analysis) đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cho chính sách đối ngoại và quốc phòng của xứ nầy.  Gần xứ ta nhất là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, những Think Tank đã đóng một vai trò tích cực để giữ cho Trung Hoa lục địa và các vùng thuộc địa tự trị công khai hay âm thầm tìm hiểu và đối thoại với nhau, giữ được sự độc lập và phồn vinh có lợi cho tất cả mọi phía như ngày nay.

Việt Nam có tới bốn nghìn năm văn hiến sao lại chỉ mới có một Bồn Trí Tuệ chưa đầy đã vỡ.  Xứ ta là “siêu nhân” không cần những Bồn Trí Tuệ nầy chăng?

 Câu trả lời cố nhiên là không phải thế. Vậy thì tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại ra Quyết Định 97 với danh nghĩa là minh thị và bổ sung quy chế thành lập hội đoàn trí thức, quy định nội dung nghiên cứu, khống chế tinh thần phản biện?

Trước nhu cầu tạo sức mạnh tổng hợp để đánh giặc và quản lý xã hội trong thời chiến, khái niệm “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ” các sản phẩm tinh thần và vật chất tập thể tuy hơi ngồ ngộ trong cảm nhận, nghịch lý trong tư duy và chẳng có chi trong thực tế nhưng có thể hiểu được.  Thế nhưng, đất nước đã hết chiến tranh gần 35 năm và đang chen vai thích cánh bước vào thị trường thế giới đầy gai góc và thử thách.  Một quyết định quản lý tự do nghiên cứu; chỉ đạo lĩnh vực tìm tòi, sáng tạo và phát kiến ; kiểm soát tham luận và phản biện của giới trí thức dân tộc như thế là một bước thụt lùi nghiêm trọng trong tiến trình hoàn thiện và phát huy năng lực chuyên môn của trí thức.  Trong bối cảnh cụ thể của đất nước dân chưa đủ giàu, nước chưa đủ mạnh so với các quốc gia lân bang đồng thời mà tung ra Quyết Định trói buộc trí thức như thế thì quả là giới cầm quyền Việt Nam đã chế tạo riêng một “tuyệt đại tối siêu sản phẩm của thế kỷ” – nói theo kiểu tửng tửng của một nhân vật trong Harry Porter khi đụng đến những chuyện kỳ lạ khó hiểu.  Không hiểu thì làm sao yêu mến được; không yêu mến được thì làm sao nhận lãnh; không nhận lãnh thì làm sao cống hiến, dấn thân?!

Nếu Quyết Định 97 của thủ tướng Việt Nam mang đầy đủ những điều nghịch lý khó hiểu như thế đối với trí thức IDS thì quyết định tự giải thể để khỏi đương đầu với những vấn nạn không có cơ hội lý giải hay viễn ảnh xung đột, mâu thuẫn không có khả năng hóa giải là một sự lương thiện trí thức của những người chủ xướng đang đứng quanh Bồn Trí Tuệ.

Một khi tự do phát kiến của trí thức bị trói buộc và giới hạn thì học thuật chỉ còn là một quá trình thụ động học thuộc lòng, bắt chước, vuốt đuôi như cái học nhà Nho đã hỏng và đã làm đất nước chững lại giữa suy đồi.  Chỉ tiêu đào tạo hàng vạn tiến sĩ trong những năm tớì của Việt Nam ta sẽ về đâu.  Luận án tiến sĩ không thể là những tập hợp của các tập bài học, bài thi Tam Trường ngày xưa nữa.  Luận án tiến sĩ (doctoral dissertation) ngày nay phải là những phát kiến, phát minh mới mẻ, sinh động trong môi trường học thuật.  Muốn sáng tạo và phát huy tác dụng chất xám của giới trí thức thì điều kiện tiên khởi là phải có tự do tri thức.  Mặc cảm lo sợ phạm trường quy và “trọng húy” ngày xưa đã đào tạo một lớp kẻ sĩ thụ động, tầm chương trích cú.  Sự lãnh đạo sáng suốt của bất cứ thời nào và nơi đâu đều có sự nhất quán rằng, muốn cho dân giàu nước mạnh thì cần phải biết đầu tư trí thức. Những vị minh quân trong những triều đại cực thịnh đều có những vị gián quan can đảm và những quốc sư sáng suồt bên cạnh.  Kẻ sĩ nịnh thần ngày xưa và trí thức diễn văn phòng hội làm vui lòng lãnh đạo ngày nay đã tự liệt mình váo hàng sĩ phiệt.  Học phiệt đào tạo sĩ phiệt là cặp phạm trù nhân quả chỉ làm cho chế độ chính trị và đất nước suy vong như lịch sử nhân loại đã chứng minh.

Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) tưởng như đã lãng quên đang bừng sống lại trong những năm gần đây với dân Việt ở quê nhà cũng như ở hải ngoại. Đó là ngày giỗ của Khuất Nguyên, một trí thức thi nhân đã trầm mình xuống sông Mịch La tự vẫn cách đây hơn 2300 năm.  Khuất Nguyên tuyệt vọng vì bị vua Sở Hoài Vương một thời trọng dụng và về sau bạc đãi vì vua nghe nịnh thần tâu dối. Nghe chuyện, có lão ngư ông ngồi trên bến sông, vuốt râu, gõ bồn (trí tuệ?) mà hát:

Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã anh.
Thương Lương chi thủy trọc hề khả dĩ trạc ngã túc.

Xin tạm phóng dịch:
           
Thương Lương dòng nước trong xanh,
Thì ta ngã nón rửa quanh mái đầu.
Thương Lương dòng nước đục ngầu,
Thì ta vẫn rửa, mặc dầu rửa chân.
           
Trước trong ta rửa mặt, nước đục ta rửa chân, cớ sao lại phải hủy diệt chính mình.
Với người trí thức, rửa là cống hiến chất xám và dấn thân hòa điệu sống phục vụ cho đời. Lời lão ngư ông trên bến sông ngày xưa ấy đã nói gì với sự lựa chọn thái độ của người trí thức hôm nay?

Trần Kiêm Đoàn, MSW; Ph.D
PSY- EASTWEST FOUNDATION