"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 31. Dezember 2011

Không được phép dâng lễ Giáng Sinh

Không được phép dâng lễ Giáng Sinh

VRNs (31.12.2011) – Giáng Sinh là đại lễ không chỉ dành cho người Công Giáo mà còn là ngày lễ lớn của tất cả những người không theo Kitô giáo. Trong ngày này, tất cả mọi người cùng được nghỉ ngơi, vui chơi, hát hò, ăn mừng như ngày sum họp gia đình, gặp gỡ người thân.

Sài Gòn vào những năm của thập kỷ 80, khi xã hội chưa có nhiều vật chất tiến bộ như ngày nay, hầu hết mọi người già trẻ đều đổ ra đường đi bộ suốt đêm dù lạnh và đói trong ngày Chúa Giáng Sinh. Mọi người vui vẻ đi bên nhau, chúc nhau hạnh phúc, bình an và được nhiều hồng ân Chúa. Những năm gần đây, phương tiện đi lại phát triển theo nhịp sống thì con người ít có thời gian hơn cho những cuộc vui chung mà thường đi xé lẻ trong phạm vi gia đình hoặc chỉ từng nhóm bạn.
Thế nhưng, trong tiếng cười hoan hỉ của nhiều giáo xứ khắp mọi miền đất nước, trong tiếng tung hô “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” thì đâu đó vẫn còn tiếng than vắn thở dài, sầu bi khốn khổ, buồn thỉu buồn thiu của không ít gia đình vì không “được phép” dâng lễ ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới của Việt Nam với lý do “vấn đề an ninh, vùng nhạy cảm” về tôn giáo.
Để biết rõ hơn về những sinh hoạt tôn giáo và khát vọng của người dân thuộc vùng “nhạy cảm”, PV. VRNs của chúng tôi có cuộc trò chuyện với Linh mục Đa Minh Trần Văn Vũ hiện đang phục vụ tại vùng biên giới Việt Lào nhân gặp ngài tại Pleiku trong buổi cơm tối ngày 25/12/2011.
PV: Thưa Cha, xin Cha cho cho biết hiện Cha đang ở xứ nào, có bao nhiêu giáo dân theo đạo Công Giáo?
Cha Vũ: Hiện em đang coi xứ Đăk Dăk, xã Đăk Môn, huyện Đăklei, tỉnh Kontum, là huyện cuối cùng giáp tỉnh Quảng Nam về phía Tây Bắc của tỉnh Kontum. Hiện Em đang coi hai điểm, điểm thứ nhất cách Kontum 85 cây số và điểm thứ hai vào sâu hơn điểm thứ nhất khoảng hơn 20 cây số, giáp biên giới Lào. Một giáo xứ có nhiều làng, các làng cách nhau xa nên mình chia ra thành hai cụm. Cụm bên ngoài thuộc xã Đăk Môn có khoảng 3.600 giáo dân gồm 6 làng nhỏ, còn cụm bên trong thuộc xã Đắk Long gần vùng biên giới Lào có khoảng 750 giáo dân cũng chia thành hai điểm. Hiện tại, Tòa Giám Mục đã đang và sẽ tiếp tục xúc tiến xin cho giáo xứ này lên nhà thờ. Nguyện xin Chúa ban ơn lành để giáo xứ chúng con sớm có nhà thờ, giáo dân vùng biên giới được dâng Thánh Lễ như tất cả các giáo xứ khác, đặc biệt là trong các ngày Giáng Sinh, Mùa vọng, Phục Sinh.
PV: Hôm nay đi dâng lễ Giáng Sinh, Cha có gặp khó khăn gì không, thưa Cha?
Cha Vũ: đại khái là chưa được dâng lễ được ở các vùng “nhạy cảm” gần biên giới. Tuy rằng mình làm lễ theo đức tin tôn giáo nhưng mình phải lệ thuộc về hành chính và an ninh của đất nước, vì cái vùng biên giới nó khác. Mình xin dâng Lễ cho hai nơi nhưng người ta chỉ cho một nơi là xã Đăk Môn và mình đã dâng Lễ vào tối ngày 24 rồi. Còn một điểm nữa mình xin làm lễ mà không được cho phép nhưng mình vẫn làm là xã Đăk Long vào sáng 25 này. Vì là con cái Chúa, chúng ta có bổn phận dâng Lễ để giáo dân được chiêm ngắm, tạ ơn Chúa Hài Đồng và cũng cầu nguyện cho chính quyền hiểu được công việc, đức tin tôn giáo của giáo dân mà sớm có chính sách thích hợp cho người Công giáo vùng biên giới, sớm có nhà thờ để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa.
 
ĐGM Micae và LM Minh Công dâng Lễ Giáng Sinh trong nhà mượn của giáo dân Kbang

PV: Vậy lúc Cha đang làm Lễ thì người ta phát hiện hay dâng Lễ xong rồi thì người ta mới phát hiện? Người ta xử lý như thế nào, thưa Cha?
Cha Vũ: Đúng ra hôm nay em làm hai lễ trong vùng gần biên giới thuộc xã Đăk Long vì hai làng xa nhau trên 8 cây số nên chia ra hai cụm. Đang làm Lễ cho cụm đầu khoảng 300 giáo dân thì người ta phát hiện nhưng người ta vẫn để cho mình làm Lễ tiếp, họ cũng tham dự Thánh Lễ luôn. Chắc tham dự hai ba lần nữa là họ cũng theo đạo luôn (Cha cười rất tươi và tự tin). Họ chẳng làm khó dễ gì mình cả, chờ xong Lễ thì họ nói chuyện với mình, họ đề nghị ngưng ở điểm thứ hai. Cho nên còn một điểm nữa không được dâng lễ cho khoảng 450 người còn lại. Tội nghiệp, giáo dân trong đó cũng mong được dâng Thánh Lễ Giáng Sinh lắm. Tới nơi không được làm Lễ, mọi người buồn lắm, mình cũng mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho nhau trong mùa Thánh Ân này.
PV: Trong lúc đi truyền giáo ở những vùng “nhạy cảm”, Cha gặp những khó khăn nào?
Cha Vũ: dạ chưa, tương đối thuận lợi. Phần đông người dân tộc bây giờ đã biết tiếng Kinh, nghe được tiếng Kinh. Nhưng để đi sâu đi sát với cộng đồng của họ thì mình phải dùng ngôn ngữ của họ. Cái đó cũng phải có thời gian để hoà nhập chứ đâu thể một sớm một chiều mà mình có thể đáp ứng ngay được vì mình mới lên đó có một tháng chứ mấy.
Nhìn chung, các em ở vùng càng xa càng cao thì học vấn càng thấp, xu hướng bỏ học nhiều. Có nhiều lý do để các em bỏ học như lo kinh tế cho gia đình, nào là trường lớp quá xa, sự nhận thức của bố mẹ về học vấn không cao. Sắp tới, mình sẽ mở các lớp nội trú cho các em ở xa, vào vùng sâu mở lớp xóa mù hoặc lớp bổ túc cho các em thất học. Còn em nào đã lớn rồi mà nghỉ học thì mình mở lớp hướng nghiệp. Nói chung, mình tập trung vào vấn đề giáo dục. Đối với người lớn tuổi là các bà mẹ trong gia đình, phụ nữ và thì dạy nấu ăn, nữ công gia chánh, dạy văn hóa, sống nhân đạo hoặc xoay quanh vấn đề giáo dục và xã hội.
PV: Sắp tới Cha có dự định mời Sơ, Thầy các dòng về giúp không, thưa Cha?
Cha Vũ: Trong chương trình giáo dục thì có. Chương trình giáo dục em mới dừng lại điểm ở mấy tháng hè, nhất là về bổ túc văn hóa. Các em bị lổ hỏng văn hóa rất là nhiều, trình độ văn hóa căn bản các em bị mất cho nên mình muốn bù đắp lại căn bản bị mất để các em tự tin hơn trong năm học mới. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là vấn đề giáo lý ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện để quan tâm lắm về vấn đề giáo lý. Em ở trên đó thì trực tiếp và cụ thể hơn về vấn đề giáo dục, giáo dục văn hóa cũng như vấn đề bảo vệ đức tin. Để có đức tin thì phải đào tạo giáo lý viên, đào tạo giáo khu, cũng phải có chức việc. Như vậy, mỗi giới mỗi ngành sẽ có các Sơ các Thầy chuyên môn để mà tổ chức.
 
Lớp học giáo lý, học bổ túc văn hóa tại nhà thờ Phú Yên H’ra

PV: Xin Cha cho biết những khao khát mong muốn cho giáo dân vùng cao trong tương lai?
Cha Vũ: Điều khao khát là mong muốn nâng cao đời sống dân trí của giáo dân bằng việc đẩy mạnh giáo dục, xây dựng giáo xứ trên nền tảng giáo dục. Nói như vậy không có nghĩa là mình bỏ bê người già và người lớn tuổi, không phải không chăm sóc người nghèo khổ. Đó là phần phụ phải làm và cái trước mắt phải làm. Về sâu xa là để phát triển dân làng và nâng cao dân trí là chỉ có con đường giáo dục.
********
Chia tay Cha Vũ, tôi gặp nhiều Thầy, Linh mục và Sơ hiện đang phục vụ ở các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Phần đông đều đề cặp ‘vấn nạn học vấn của người dân tộc vùng cao đều chạy theo thành tích, các em bị mất căn bản, thậm chí không biết đọc, không biết viết, không thể làm toán các phép tính đơn giản trong phạm vi 100 nhưng vẫn được xếp vào lớp bốn, lớp năm như các bạn nhỏ người Kinh miền xuôi vậy. Sau thời gian bổ túc văn hóa hoặc cho các em nội trú bốn tháng đến nửa năm nhưng phấn đấu lắm các em cũng ở hạng trung bình hoặc trung bình khá cũng là chuyện đáng mừng’.
Như Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh luôn nhắn nhủ ‘không gì quý báu cho bằng học vấn, kiến thức cho các em vì của cải, cái nhà, con trâu, đồng ruộng người ta có thể lấy đi nhưng kiến thức ở trong đầu có giết mình thì họ cũng không thể nào lấy được. Kiến thức học hành là một thứ tối quan trọng và cần thiết với tất cả đồng bào sắc tộc, hơn vạn lần cái thiếu đói, thiếu rét hiện nay’.
Nguyện xin ơn Chúa tuôn đổ và tuôn đổ dồi dào hơn cho những người khai sáng, đem ánh sáng văn hóa đến những vùng miền khó khăn, vì chính chốn gian nan ấy là máng cỏ hang bò lừa sinh ra Hài Nhi Giêsu thuở trước.
Nguyễn Quân TT. VRNs.