"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 21. September 2011

Nói và làm: Quản lý thì đừng sở hữu!

Lê Khắc


 (VEF.VN) – Đầu 2011, Thủ tướng đã yêu cầu đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN. Bởi sự mất cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm trong DNNN đã làm nảy sinh tình trạng nơi thì can thiệp quá sâu, nơi bỏ lỏng chức năng quản lý của chủ sở hữu. 

Hàng loạt DNNN thua lỗ mới được công bố một lần nữa nhắc lại sự yếu kém và những bấp cập trong quản lý và hoạt động DNNN. Trong đó, không thể không nhắc đến việc chậm trễ trong cải cách, đổi mới mà một trong những ví dụ là khó khăn và kéo dài trong việc tách quyền chủ sở hữu DN ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước.



Trong thông điệp đầu nhiệm kỳ mới 2011-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới yêu cầu đổi mới xây dựng cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.


Thực tế điều này không có gì mới vì chúng đã được quy định trong luật và đã được hiện thực hóa bằng các cơ chế cụ thể trên thực tế nhưng đến nay quá trình này chậm và khó.

Trong Luật Doanh nghiệp, hai nguyên tắc về thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước đã được quy định khá rõ ràng, đó là tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với các chức năng khác của nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu một cách tập trung và thống nhất. Trên thực tế, cùng với quá trình cổ phần hóa DN, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã ra đời để thực hiện điều này. Theo đó, tổ chức này sẽ là một đơn vị tiếp nhận phần vốn nhà nước tại các DN, để thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhất.


Đây có thể coi là mấu chốt quyết định quá trình tách bạch vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vai trò hoạch định chính sách của các đơn vị quản lý hành chính nhà nước.


Tuy nhiên, Tổng công ty đầu tư – kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nhiều lần kêu ca, quá trình chuyển quản lý vốn nhà nước ở DN từ các bộ ngành và địa phương về SCIC gặp nhiều khó khăn và chậm trễ. SCIC được thành lập nhằm tập trung quản lý, kinh doanh vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhưng ngay ở khâu đầu tiên là chuyển vốn về để quản lý đã trắc trở.


Trong khi đó, một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại các DN có cổ phần chi phối của nhà nước cho thấy 27% chủ sở hữu không có vai trò trong quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; 21% chủ sở hữu không có vai trò về các chính sách đầu tư lớn; 40% chủ sở hữu không có vai trò gì trong quyết định các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp với người có liên quan… Chỉ có khoảng 47% chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có vai trò trong quyết định phương án phân phối lợi nhuận…


Ngược lại, sự can thiệp của chủ sở hữu nhà nước vào các quyền của bộ máy điều hành của doanh nghiệp lại cao hơn với 72% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 67% doanh nghiệp nhà nước đã sở hữu cho rằng họ thường xuyên hoặc đôi khi phải có sự đồng ý của chủ sở hữu nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền của HĐQT, tổng giám đốc…  30% doanh nghiệp nhà nước đa sở hữu phải thường xuyên có sự đồng ý của cổ đông nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền quyết định của bộ máy quản lý, điều hành cho dù sự đồng ý này trên thực tế chỉ là phê duyệt chủ trương.


Điều này cho thấy thực tế, các cơ quan nhà nước đã không làm hết trách nhiệm của mình trong vai trò chủ sở hữu, thậm chí, trong một số trường hợp lại trở thành tác nhân gây nên những khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Sự mất cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm này đã làm nảy sinh tình trạng nơi thì quá chặt và can thiệp quá sâu, nơi bỏ lỏng chức năng quản lý của chủ sở hữu.  Nhưng tất cả có một kết quả chung là không hỗ trợ tốt cho DN hoạt động.


Tuy nhiên, điều lạ là khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, hay thất bại trong kinh doanh, việc chỉ rõ trách nhiệm của từng chủ thể rất khó. Điều này cho thấy sự chồng lấn, không phân định các chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và chủ sở hữu DN. Và dù luật đã ghi rõ, cơ chế đã có nhưng thực thi vẫn rất khó khăn và chậm chạp. Hy vọng, với chỉ đạo mới từ Thủ tướng sẽ xốc lại và đẩy nhanh việc này.


Tuy nhiên, ai cũng biết, việc làm này “gỡ” bớt việc và “giảm” bớt quyền của cơ quan nhà nước, chấm dứt tình cảnh “một cổ nhiều tròng” mà các DN đang gánh chịu. Và dường như các bộ ngành hay địa phương chưa ai muốn từ bỏ nên việc tách bạch quyền chủ sở hữu mãi vẫn chưa thể dứt điểm. Tất nhiên, khi được tháo gỡ khỏi cái “ách” này thì các DN không còn lý do vướng mắc, hạn chế trong quản lý để bao biện cho yếu kém của mình. Từ đây, sẽ chấm dứt nhưng ưu đãi đang gây bất bình đẳng giữa DN nhà nước với DN tư nhân.


Bất cập thì ai cũng thấy, cách giải quyết cũng đã có nhưng thực hiện vẫn diễn ra mang tính chất miễn cưỡng và đối phó. Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa cũng đang rất chậm. Với tình hình này thì quá trình đổi mới DN e rằng còn phải trì hoãn. Đi kèm đó là hiệu quả và chất lượng DNNN cũng chậm được cải thiện. Với những tín hiệu mới, chúng ta hy vọng những quy định sẽ được thực thi, những cơ chế sẽ được vận hành tốt nhằm tách bạch chức năng quản lý DN kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước của các bộ ngành. Đó là một điều cần thiết để hoạt động của DN nhà nước minh bạch và hiệu quả hơn.


L.K.