"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 17. September 2011

Lịch sử bị xuyên tạc triệt để



Mùa thi đại học 2011 vừa qua, Việt Nam có hàng ngàn điểm 0 (zero) và hàng chục ngàn điểm 1 cho môn lịch sử - một kỷ lục xưa nay hiếm. Xảy ra sự vụ này, phải chăng do học sinh quá dốt, dù hơn 95% trong số họ đã tốt nghiệp PTTH?
 
Học sử để làm gì?
 
Ở VN, học lịch sử để làm gì, có lẽ không cách nào trả lời được. Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ.
 
Hồi còn học phổ thông, lớp 11 và 12 của tôi đều do một thầy dạy lịch sử chủ nhiệm, trong tiết học đó, lớp của thầy ồn đến kinh khủng, lúc nào cũng bị giám thị nhắc nhở; cuối năm chẳng bao giờ được khen thưởng. Lúc ấy tôi nghĩ thầy chắc bị chán nhà trường, chán đời nên không thiết gì, lúc nào vào lớp cũng chỉ nói có một câu, ai không thích lịch sử thì tranh thủ học bài môn khác, ngủ hoặc giải lao. Trong mấy buổi học đầu, thầy cứ hỏi ai sẽ thi văn sử địa, trong lớp cũng chỉ có năm sáu đứa tụi tôi, còn lại thi các khối khác, các môn khác, nên mới đầu năm lớp 11, ai cũng tranh thủ chạy đua học thêm học tủ những môn sẽ thi đại học.
 
Cuối cấp 3 năm nó, cả trường tụi tôi có mấy chục đứa thi văn sử địa, một nửa trong số đó học ông thầy vừa nói ở trên, vì trường chỉ có hai giáo viên môn này. Và một phép lạ đã xảy ra, trong một nửa số đi thi đó, phần lớn là rớt đại học bởi môn địa lí và môn văn, riêng môn lịch sử điểm khá cao.
 
Nhiều năm sau về thăm thầy, nghe thầy nói mới vỡ lẽ: “Khi trong đầu học sinh đã không có môn lịch sử, mà nhà trường - bộ giáo dục lại quá thực dụng, muốn chạy theo thành tích đậu đại học cao, vậy ép tất cả học chung môn lịch sử làm gì cơ chứ? Chỉ có những em nào muốn thi môn này thì sẽ chú ý nghe giảng bài, tìm thầy cô để hỏi, tìm sách để đọc; mà mỗi lớp chỉ có mấy đứa muốn thi lịch sử thôi”.
 
Thầy tôi cũng hỏi thêm rằng: “Em thi văn sử địa để vào khoa ngữ văn báo chí, từ ngày vào và ra trường đến nay, có mấy khi môn lịch sử thực sự giúp ích em chuyện kiếm việc kiếm tiền, hay cũng chỉ môn văn. Rồi từ ngày em lập gia đình, ra ở riêng, môn lịch sử mà thầy đã dạy, sách giáo khoa đã viết… giúp được gì? Chắc rất ít và không rõ ràng chút nào phải không, vì cái nghề của em cũng chỉ gắn với chút đỉnh văn chương thôi. Xã hội ngày nay chuyên môn hóa theo lối thực dụng và méo mó rồi em ơi, mỗi ngành, mỗi nghề cần chuyên sâu hơn cần bề rộng, văn cho ra văn, sử cho ra sử, chứ văn sử địa bất phân, cũng vô dụng lắm”.
 
Như ông George Dandin trong hài kịch của Molière từng ngạc nhiên vì mình đang nói văn xuôi mà không hay biết, đa phần người dân cũng đã sống qua lịch sử mà không cần nhận ra!
 
Chính cái tư duy quá thực dụng này: học là để đậu đại học, kiếm việc làm… đã đẩy những môn vốn học để có hiểu biết, để “thành người” như lịch sử vào ngõ cụt.
 
Rõ ràng, với một giáo trình lịch sử chán phèo, khô khan, nhồi sọ... thầy tôi dư sức biết nó không thể giúp học trò của mình đậu đại học, nên mới tìm cách dạy khác đi. Thầy đã chỉ cho những học trò thực sự muốn thi văn sử địa cái lõi của môn lịch sử là gì. “Học sinh chưa đủ sức để chống lại cả một chủ trương ‘bóp chết’ học trò, nên chỉ còn cách lách qua nó mà bước tới thôi. Bởi học giỏi môn sử ở trường ốc bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa dốt môn ấy bấy nhiêu, vì triết lý, tinh thần và sử liệu đã bị xuyên tạc rồi”, thầy tôi tâm sự.
 
Xã hội… không có đất dụng võ
 
Học lịch sử không có cơ hội kiếm tiền bằng các môn cơ bản khác, ấy là thực tế quá rõ ràng. Còn học lịch sử có giúp ích gì về “tu thân”, củng cố “lòng yêu nước”… thì càng khó thấy. Bởi học cái sai thì “sửa cái thân” mình thành sai; còn yêu nước đã thành độc quyền mất rồi.
 
Ví dụ, nếu lịch sử được dạy đúng thì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc phải được ủng hộ, chứ không phải bị đàn áp, cấm đoán. Nếu lịch sử được hiểu đúng thì các dự án kiểu “cõng rắn cắn gà nhà” như khai thác bô-xít đã không diễn ra.
 
Cái thực tế phũ phàng này đang dần được phơi bày, đó là nhờ internet, học sinh có thể tự biết nhiều điều về lịch sử khách quan, nên mất niềm tin vào “chính sử chủ quan” của trường quy. Chính internet sẽ làm cho thế hệ mới thay đổi cái nhìn và hiểu biết về lịch sử VN.
 
Cho nên, các bài tập lịch sử của học sinh được truyền thông trong nước gọi là “bài lịch sử lạ” chưa hẳn đã phản ánh đúng thực chất của việc dốt sử, mà có khi, phản ánh đúng thái độ của người làm bài. Có nhiều bài chỉ vì viết sai quan điểm chỉ đạo giáo dục lịch sử, đã bị cho điểm “liệt”, chứ không hẳn sinh viên viết sai, nếu so với lịch sử khách quan.
 
Ví dụ như chuyện Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình. Sự thật là đọc vào buổi chiều ngày 2/9/1945, cả ngàn người chứng kiến nay vẫn còn sống, nhưng cứ bắt học sinh viết là “sáng mùng hai tháng chín”.
 
Không chỉ nhồi nhét cho học sinh cái suy nghĩ rằng lịch sử chỉ có các chiến thắng và “đồng bộ” lịch sử dân tộc với lịch sử của đảng Cộng sản VN. Nền giáo dục VN cứ liên tục “biên tập” và bóp méo sự thật lịch sử khách quan, nhất là lịch sử cận đại và hiện đại, nên khi có cơ hội đối chiếu, học sinh đã mất niềm tin. Cho nên, học một thứ mà về thực dụng cũng chẳng có ích gì, mà về tri kiến thì chỉ có biết bậy, biết sai… vậy học làm gì.
 
Nhìn cách mà VN dạy sử trong mấy chục năm qua, có nhiều cơ sở để nghĩ rằng họ đang muốn cho đa phần học sinh sợ sử; và dốt sử càng tốt. Vì lịch sử (vốn đã diễn ra) nên không thể thay đổi, nhưng vẫn có thể được viết lại, cho đúng hoặc khách quan hơn. Bộ Giáo dục VN muốn học sinh phải căm thù lịch sử đến mức xa lánh nó, đừng hiểu gì càng tốt, vì nếu quá gần gũi, biết đâu họ viết lại, hoặc lật lại lịch sử thì… than ôi.
 
Mấy chục năm qua VN đã làm được việc này, vì học sinh thiếu phương tiện đối chiếu. Nhưng hiện tại và tương lai, có lẽ tình hình sẽ khác, nếu chúng ta có những sử liệu công minh hơn được đăng tải trên mạng. Chính thế, khoan hãy thất vọng hay lên án với hàng ngàn học sinh thi đại học chỉ được điểm 0 (zero) môn sử, điều mà từ năm 1975 đến nay chưa từng thấy. Bởi với một lịch sử đang bị xuyên tạc triệt để, hàng ngàn điểm 10 có ích gì.