Ngô Nhân Dụng
Vào đầu thế kỷ thứ 16 ở nước ta có một ông vua được “nhân dân Hà Nội” đặt tên là Vua Lợn (Trư vương, 豬王). Nghe nói có người Tầu bảo ông ta có tướng tinh “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.” Triều đại của Vua Lê Tương Dực chỉ được bẩy năm, nhưng ông có nhiều sáng kiến. Ông đã xây cửu trùng đài cao hơn hẳn Chùa Một Cột, rồi xây cung điện với 100 mái nhà. Ông lại bầy ra nhiều trò giải trí trên Hồ Tây, thí dụ cho các thiếu nữ khỏa thân chèo thuyền, những cuộc vui mà tới thế kỷ 20 Thủy Cung Thăng Long đã noi theo trên đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội.
Tên cậu đọc theo lối Hán Việt là Kim Chính Ân (viết bằng chữ
Đại Hàn là 김정은, chữ Hán là 金正恩). Nhưng nếu quý vị cứ phải
nhìn hoài chân dung của “lãnh tụ tối cao” 28 tuổi này, nếu mỗi ngày cứ phải
ngắm khuôn mặt bụ bẫm nghiêm và buồn này, thì quý vị phải đồng ý với tên gọi
Cậu Ủn. Hai cái má phinh phính như mông trẻ con; khuôn mặt tròn chặn cắm trên
cái cổ núng nính; mái tóc đen bóng chải ngược dựng đứng trên đầu; màng tai và
gáy đều cạo trắng hếu như da con lợn mới làm lông. Mái tóc cậu chải theo lối
ông bố, mai mốt cậu sẽ đeo cái kính đen thật to giống bố, để trông thấy bớt vẻ
lùn tè vì mập mạp quá. Quả thật, trông cậu có cái tướng Trư Vương! Vì vậy người
Hà Nội chợt nhớ Lê Tương Dực đời xưa, đã kháo nhau: Cậu Ủn lên nối ngôi Bố Ỉn
rồi.
Đặt danh hiệu như vậy có thể thất lễ đối với dân Hàn Quốc
nói chung, và riêng đối với người Bắc Hàn. Dù sao họ cũng là những ông vua một
nửa quốc gia, làm chủ một cõi giang sơn, dọc ngang nào biết trên đầu có ai!
Nhưng chỉ một danh hiệu như thế mới diễn tả được lòng khinh
bỉ của mọi người, không riêng gì người Việt, đối với một gia đình ngự trị gieo
rắc thống khổ cho 24 triệu đồng bào của họ. Ngay bây giờ, đang có ba triệu
người đang đói, vì không đủ thức ăn. Nạn đói chắc đang đe dọa nặng nề cho nên
trong bài bình luận đầu năm trên ba tờ nhật báo ở Bắc Hàn, họ đã phải nhắc tới.
Cả ba tờ báo, sau khi hô hào, “Năm 2012 sẽ là một năm Thắng Lợi Vinh Quang;”
nhưng mặt khác cả ba đều nhắc nhờ cần giải quyết “Vấn đề thực phẩm nóng bỏng;”
trên đường xây dựng một “quốc gia phú cường!”
Trong khi dân chết đói hàng triệu người như vậy, cậu Ủn từ
nhỏ đã được bố cho đi học ở Thụy Sĩ dưới một tên giả, mỗi ngày có tài xế đưa
đón. Anh của cậu đi Macao đánh bài và làm công tác rửa tiền qua các ngân hàng
và sòng bài, một ngân hàng đã bị tình báo Mỹ tố giác. Một người anh bị bắt giữ
ở phi trường Nhật Bản trong khi đi du hí, với tội dùng giấy thông hành tên giả
mạo. Khi sắp chết, ông Ỉn nhìn quanh thấy chỉ còn cậu Ủn đáng mặt lên ngôi nối
nghiệp nhà. Từ tháng Mười năm 2010 cậu liên tiếp được phong các chức đại tướng
4 sao, phó chủ tịch quân ủy trung ương, phó lãnh tụ đảng, vân vân. Và sau khi
ông Ỉn qua đời, cậu được suy tôn làm lãnh tụ tối cao quân đội, lãnh tụ tối cao
của đảng Lao động Thống nhất, xác định ngôi vị khi dẫn đầu tang lễ Bố Ỉn.
Chính hình ảnh dân Bắc Hàn khóc lóc vật vã trong đám tang đã
khiến cho lòng khinh bỉ của mọi người biến thành một nỗi giận; không thể nào
tha tội cho bố con họ Kim được. Cả loài người nhìn vào cảnh những ông già bà
cả, đàn ông đàn bà cho tới trẻ em khóc thảm thiết, kêu trời kêu đất thương tiếc
ông Kim Jong Il, khóc như cha chết, hơn cả khóc khi cha chết. Người bình thường
phải tự hỏi: Làm sao họ có thể đóng kịch tài tình như vậy?
Nhưng đó không phải là đóng kịch, nhiều người thương khóc
như máy, nhưng thành thật. Ông Kim Jong Il có lần nói ông biết cả nước có một
phần ba yêu ông, một phần ba ghét ông thậm tệ, và một phần ba trung lập. Tất
nhiên chỉ có những người trong số một phần ba yêu ông Ỉn là được xuất hiện
trước ống kính trong tang lễ. Và có nhiều phần là họ khóc thật. Chính sách của
Bố Ỉn là “Quân đội Trước hết!” Tất cả tài nguyên quốc gia được giành ưu tiên
cho một triệu 200 ngàn quân, từ tướng lãnh, sĩ quan xuống tới binh lính. Cộng
thêm đám công an chó săn, sẽ lên thành hai triệu. Khi thóc gạo, rau thịt được
thế giới đưa tới cứu dân Bắc Hàn khỏi chết đói, thì mọi thực phẩm được ưu tiên chia
cho quân đội, công an, dân đói mặc dân. Cộng thêm vợ con của họ, chúng ta sẽ có
khoảng 8, 9 triệu người, một phần ba dân số Bắc Hàn trung thành với lãnh tụ.
Những người này tất nhiên biết rằng: Ông Ỉn ông Ủn còn, thì mình còn; ông Ủn Ỉn
mất thì mình cũng không tồn tại được!
Trong đám khuyển mã này, có những người đã được tẩy não toàn
diện từ thời thơ ấu. Họ không được phép biết một chút gì về thế giới bên ngoài,
chỉ được học tập tấm gương “chói sang, quang vinh” của các lãnh tụ Kim lớn Kim
con. Mở miệng ra ai cũng phải nói: “Nhờ ơn Bác Kim kính yêu, Bác Kim vĩ đại!”
Cứ tin vào bộ máy tuyên truyền thì cha con nhà Kim đã cứu dân Hàn Quốc khỏi bị
đế quốc Mỹ đàn áp, bóc lột, thoát khỏi cảnh đồng bào họ ở miền Nam đang đói
khổ. Khi dân Bắc Hàn thiếu gạo, thiếu áo mặc, bị đói, bị rét, thì guồng máy
tuyên truyền cũng đổ tội cho bọn Mỹ và Ngụy quyền miền Nam gây ra. Với phương
pháp giáo dục nhồi sọ từ sau chiến tranh Cao Ly, năm 1952 đến nay, ít nhất có
một phần ba dân Bắc Hàn khóc Kim Jong Il một cách thành thật, như Tố Hữu khóc
Stalin: “Hỡi ơi Ông chết có trời đất không? Thương cha, thương mẹ, thương chồng
- Thương mình thương một, thương ông thương mười!”
Nhìn hình ảnh dân Bắc Hàn khóc lãnh tụ, chúng ta thấy như
những cảnh trong truyện cổ tích của Doãn Quốc Sỹ. Tác giả Sợ Lửa đã viết một
truyện chính trị giả tưởng, tả một chính quyền độc tài đã “chế tạo” ra những
người dân và binh lính theo lối sản xuất hàng loạt bằng giáo dục nhồi sọ từ khi
mới sinh ra; rồi đưa lính đi xâm lăng nước láng giềng theo chiến thuật biển
người của Mao Trạch Đông. Thời 1960 đọc truyện ngắn của Doãn Quốc Sỹ, chẳng ai
tin đó có thể thành sự thật. Nay nhìn cảnh những người dân Bắc Hàn khóc Kim
Jong Il, chúng ta thấy trước mắt kết quả của một bộ máy giáo dục nhồi sọ như
vậy.
Loài người nổi giận, không phải là giận những người dân khóc
thương một bạo chúa. Đáng giận dữ, đáng khinh bỉ nhất là những bạo chúa đã chế
ra và sử dụng bộ máy tẩy não từ hơn nửa thế kỷ nay! Những điều mà chúng ta đọc,
sản phẩm từ óc tưởng tượng của Doãn Quốc Sỹ, hay của Aldous Huxley trong Brave
New World, của George Orwell trong 1984 không ngờ đang diễn ra trước
mắt, có thực 100%!
Hai đời lãnh tụ họ Kim đã nhào nặn cái đầu dân Bắc Hàn với
một bộ máy tẩy não học được từ Stalin và Hitler. Họ đã biến đồng bào của họ
thành những bộ máy mù lòa, nhắm mắt tin tưởng vào các lãnh tụ yêu nước vĩ đại,
kính yêu, vân vân. Người dân nào còn chưa tin tưởng thì cũng không dám để lộ
ra. Nếu đồng chí của anh biết anh thiếu tin tưởng vào ông Ỉn, ông Ủn, thì anh
sẽ đi Cổng Trời; cuộc đời của anh sẽ tàn ngay.
Soljenitsyn kể mỗi lần Stalin đọc xong một bài diễn văn, tất
cả mọi người phải đứng lên vỗ tay; mà trong lúc vỗ tay, anh nọ lấm lét nhìn anh
kia, chỉ sợ mình vô tình ngưng vỗ tay sớm quá! Sau nửa thế kỷ nhồi sọ, người
dân Bắc Hàn cũng vậy. Những người vật vã than khóc vừa lau nước mắt vừa ngó qua
những người bên cạnh, xem có ai khóc thảm thiết hơn mình không. Nếu thấy, phải
thành khẩn nhận khuyết điểm, phải đập đầu, vặt tóc, đấm ngực mình, khóc lóc
thảm thiết hơn, kẻo bị báo cáo.
Khi đem người dân làm vật thí nghiệm nhồi sọ, tẩy não, các
lãnh tụ cộng sản và phát xít đã khinh thường con người, coi “nhân dân” tệ hơn
loài vật. Nhìn đám dân đen họ chỉ thấy những cái máy không hồn, tha hồ nhào
nặn, thì họ mới đang tâm đem dân ra làm thí nghiệm như thế. Họ làm cả một dân
tộc mất phẩm giá, 24 triệu con người làm nô lệ mà không thấy nhục nhã!
Nhìn cảnh những người dân Bắc Hàn khóc lóc, chúng ta cảm
thấy xấu hổ, đồng thời còn sợ hãi nữa. Vì biết rằng chính mình cũng có thể bị
nhồi sọ như vậy! Nếu không may gặp hoàn cảnh tương tự, chúng ta cũng có thể
được huấn luyện để than khóc lãnh tụ như người Bắc Hàn! Ai cũng có thể là dân
Bắc Hàn! Doãn Quốc Sỹ viết, “Tước đoạt nhân phẩm của một cá nhân nào cũng làm
thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại.” Chứng kiến cảnh những người dân Bắc
Hàn bị họ Kim nhồi sọ, loài người nổi giận, vì thấy cả nhân loại đang bị những
ông Ỉn ông Ủn khinh miệt!
Người Việt Nam gọi tên hai lãnh tụ Bố Ỉn và Bố Ủn, cũng vì
nỗi giận đó. Mặc dù trong lòng chúng ta không ai muốn xúc phạm đến danh dự của
người dân Hàn Quốc, miền Nam hay miền Bắc. Bài học cho nhân loại, là trong lịch
sử đời nào cũng có thể sinh ra những bạo chúa bắt dân làm tôi mọi. Mà người dân
cứ thế cắn răng chịu đựng, chịu mãi thành quen coi là cuộc sống bình thường,
không ai thắc mắc chi cả!
Nhưng mặt khác, như ký giả Caroline Fourest mới viết trên
nhật Le Monde vào dịp cuối năm qua, chúng ta hy vọng ở những nước độc tài đảng
trị sẽ có một nhóm thiểu số tích cực khác, có can đảm đứng lên đòi xóa bỏ cái
kim tự tháp độc tài, hoặc lật ngược nó lên. Bà nhắc lại những cuộc cách mạng
Hoa Nhài ở Trung Đông trong năm qua. Để kết luận rằng, “Sau một năm 2011 với
bao nhiêu bạo chúa bị lật đổ, năm 2012 sẽ cho chúng ta một thế giới đang chuyển
hóa, trong đó tất cả các con đường đều bầy ra trước mắt loài người.” Người dân
những nước đang còn sống dưới chế độ độc tài phải lựa chọn. Phải phục hồi lại
nhân phẩm cho mỗi người và cho cả dân tộc. Hay là nhắm mắt cúi đầu tiếp tục
chịu đựng cảnh những lãnh tụ kiểu Ủn Ỉn cha truyền con nối ngồi trên đầu dân
mình.