Trần Gia Phụng
1.- NGUYỄN ÁI QUỐC VÀO HỘI TAM ĐIỂM
Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử hiện đại hoạt động kín đáo, thường thay tên đổi họ, và thường che giấu hành tung của mình. Một trong những điều được ông che giấu suốt đời là việc ông gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) Pháp năm 1922. Hồ Chí Minh đã dùng tên khác, viết sách để tự ca tụng mình, nhưng hoàn toàn không hé lộ một tý nào về việc ông gia nhập hội Tam Điểm. Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cũng tránh né không nói đến trong các bản tiểu sử của Hồ Chí Minh.
Tài liệu bằng tiếng Việt đầu tiên và duy nhất lưu hành ở Hà Nội, nói về việc Hồ
Chí Minh gia nhập Hội Tam Điểm có lẽ là sách Nguyễn Ái Quốc tại Pari 1917-1923,
Nxb: Thông Tin Lý Luận ấn hành năm 1989, tác giả là bà Thu Trang. Trong sách
nầy, bà Thu Trang viết rằng: “Theo một mật báo đã ghi ngày 14 tháng 6 năm 1922,
Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Franc-Maçonnerie (Tam điểm)...” (tr.
201.)
Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử hiện đại hoạt động kín đáo, thường thay tên đổi họ, và thường che giấu hành tung của mình. Một trong những điều được ông che giấu suốt đời là việc ông gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) Pháp năm 1922. Hồ Chí Minh đã dùng tên khác, viết sách để tự ca tụng mình, nhưng hoàn toàn không hé lộ một tý nào về việc ông gia nhập hội Tam Điểm. Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cũng tránh né không nói đến trong các bản tiểu sử của Hồ Chí Minh.
Mẩu tin nầy không bị ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng CSVN kiểm duyệt hay gạch bỏ, có thể nhờ câu tiếp theo của bà Thu Trang: “Điều nầy chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ. Mặc dù theo truyền thống, Hội trên chỉ dành cho giới giáo sĩ, quý tộc hoặc những nhà trí thức bác học tên tuổi v.v... Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào hội nầy là do được sự giới thiệu (ít nhất phải có hai hội viên cũ giới thiệu) như một nhà báo lỗi lạc, hay một nhà cách mạng đã có tên tuổi? Khó mà đoán được...” (tr. 201.)
Cần chú ý các điểm: 1) Bà Thu Trang không phải là người Việt ở trong nước, mà bà đã định cư ở Paris từ năm 1961. Bà được Nhà xuất bản Thông Tin Lý Luận Hà Nội giới thiệu là “một nữ trí thức Việt kiều ở Pháp, với lòng tôn kính Bác Hồ” (Lời nhà xuất bản, tr. 5.) 2) Năm xuất bản là năm 1989, tức 20 năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời (1969). Năm đó, nhà cầm quyền cộng sản các nước trên thế giới tương đối cởi mở, kể cả Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nên mẩu tin nầy không có gì làm mất uy tín đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). 3) Đa số người Việt trong nước ít biết Hội Tam Điểm là hội gì, chủ trương như thế nào?
Hội Tam Điểm (Franc - Maçonnerie do tiếng Anh: Freemasonry) nguyên là một hội đoàn giáo dục, nhắm truyền bá cho hội viên một triết lý sống có đạo đức. Xuất hiện ban đầu ở Anh vào thế kỷ 17 như một nhóm nghề nghiệp (thợ nề, thợ chẻ đá). Về sau nhóm trở thành một hội đoàn hướng đến lý tưởng cao cả như bác ái (fraternity), bình đẳng (equality) và hoà bình (peace). Dần dần hội cho gia nhập cả những người giàu có hoặc có địa vị trong xã hội. Lý tưởng chấp nhận tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa mọi người của hội Tam Điểm đi đôi với chủ nghĩa tự do thời thế kỷ 18. Hội Tam Điểm phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, bị Giáo hội Ky-Tô giáo La Mã chống đối, vì Giáo hội cho rằng hội Tam Điểm tranh quyền với Giáo hội. Do đó, hội Tam Điểm không được chấp nhận ở các quốc gia theo Ky-Tô giáo La Mã. Dầu vậy, dần dần hội Tam Điểm phát triển khắp nơi. Hiện nay, trên thế giới, hội Tam Điểm đông nhất là hội Hoa Kỳ, chiếm khoảng 75% hội viên toàn cầu. Có nơi hội Tam Điểm chia ra thành nhiều phái và có khi chống đối nhau.(1)
Như thế, tuy cùng đề cao lý tưởng và quyền lợi công nhân, nhưng hội Tam Điểm phóng khoáng, tự do, trong khi đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị độc tài và hai bên rất chống đối nhau. Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập đảng Cộng Sản Pháp từ cuối năm 1920 đầu năm 1921. Nguyễn Ái Quốc chuyển qua hội Tam Điểm là hội đối nghịch với đảng CS vào năm 1922. Bà Thu Trang giải thích rằng “Điều nầy chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ...” Tuy nhiên, xin đừng quên một điều là lúc đó, đời sống Nguyễn Ái Quốc tại Paris rất khó khăn. Tình trạng nghèo khó nầy được ông mô tả lại khá rõ trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch dưới bút danh Trần Dân Tiên. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc vào hội Tam Điểm để tìm kiếm một cơ hội thăng tiến mưu sinh mới?
Nguyễn Ái Quốc vào Hội Tam Điểm ngày 24-6-1922, thì trong tháng 7-1922, Nguyễn Ái Quốc hai lần gặp gỡ Phạm Quỳnh tại Paris, cũng là một nhân vật Tam Điểm Việt Nam. Nguyên lúc đó, vua Khải Định (trị vì 1916-1925) hướng dẫn phái đoàn Việt Nam sang dự cuộc đấu xảo (hội chợ triển lãm) ở Marseille (Pháp). Phạm Quỳnh tháp tùng theo phái đoàn nầy. Lúc đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo, nghị viên Hội đồng thành phố Hà Nội, và đã gia nhập Hội Tam Điểm ở Hà Nội.
Theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề tài “Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp.
Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những “chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”, và không nêu tên những người ông đã gặp trong nhật ký. Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]: “Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)”. [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.] (Xin xem phần tài liệu phía dưới.)
Vài tháng sau khi gia nhập Hội Tam Điểm, Nguyễn Ái Quốc ra khỏi hội nầy và suốt đời giấu kín việc vào hội Tam Điểm vì một điều dễ hiểu, hội Tam Điểm đối nghịch với đảng CS. Vậy phải chăng vì Phạm Quỳnh biết rõ chuyện Nguyễn Ái Quốc gia nhập hội Tam Điểm ở Paris sau hai cuộc tiếp xúc vào tháng 7-1922, mà Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quốc, ra lệnh thủ tiêu Phạm Quỳnh ngày 6-9-1945, tại một địa điểm cách Huế 20 km, để giấu kín bí mật của mình?
Theo lời tác giả Thu Trang, “Nguyễn Ái Quốc đã không ở lâu trong Hội nầy [Tam Điểm], vì cuối năm 1922 trên báp L'Humanité, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng tay chỉ trích hội ấy với những lời lẽ hết sức cứng rắn.” (sđd. tr. 201.) Thật ra, lý do chính Nguyễn Ái Quốc dứt điểm hội Tam Điểm, vì lúc đó ông được đại diện Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản mời sang Nga hoạt động. Lời mời nầy vẽ ra trước mắt ông một cơ hội thăng tiến mưu sinh mới.
Nguyên vào tháng 10-1922, D. D. Manuilsky, đại diện ĐTQTCS, từ Moscow qua Paris dự Đại hội kỳ 2 đảng CS Pháp. Nhân đó Manuilsky mời Nguyễn Ái Quốc sang Moscow tham gia Hội nghị Quốc tế Nông dân vào năm 1923.(2) Sự việc nầy có nghĩa là Manuilsky chọn Nguyễn Ái Quốc để đưa qua Liên Xô huấn luyện. Nhận được lời mời Manuilsky, Nguyễn Ái Quốc vĩnh biệt hội Tam Điểm.
Ra khỏi hội Tam Điểm để gia nhập một tổ chức khác thích hợp với mình hơn, là chuyện bình thường. Chuyện bất bình thường ở đây là vào tháng 6 tuyên thệ gia nhập hội Tam Điểm, thì khoảng chưa đầy nửa năm sau, Nguyễn Ái Quốc lại “thẳng tay chỉ trích hội ấy với những lời lẽ hết sức cứng rắn.” (Bà Thu Trang, đã dẫn.) Ngay từ lúc nầy, mới bước vào con đường chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tự chứng tỏ là một con người “cơ hội chủ nghĩa”, vừa lật lọng, vừa phản bội.
Bên cạnh sách bằng tiếng Việt, bà Thu Trang, với tên Thu Trang-Gaspard viết lại chuyện Nguyễn Ái Quốc ở Paris bằng tiếng Pháp, nhan đề sách là Hồ Chí Minh à Paris (1917-1923), do Nxb. Éditions L'Harmattan ấn hành tại Paris năm 1992, nội dung giống sách trên.
Về việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập hội Tam Điểm, ngoài những tài liệu của bà Thu Trang trên đây, còn có một số tài liệu chi tiết hơn của các tác giả Pháp. Một trong những người nầy là Jacques Dalloz. Ông viết sách Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002. Sách nầy trình bày đầy đủ những nhân vật Tam Điểm ở Việt Nam, trong đó có Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc.
Riêng về Nguyễn Ái Quốc, ngoài sách trên, trong bài báo nhan đề “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale” [Người Việt trong hội Tam Điểm thuộc địa], tạp chí Revue française D'Histoire d'Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d'Histoire d'Outre-mer, tr. 105, Jacques Dalloz viết: “Vào đầu năm 1922, do sự giới thiệu của một nhà chạm trỗ tên là Boulanger, ông ta dự lễ gia nhập của tổ Fédération universelle (Paris GODF). Phiếu của ông ta ghi là: “Nguyễn Ái Quấc, sinh ngày 15-2-1895 (Việt Nam), thợ tô sửa hình, thợ vẽ.” (tạm dịch từ nguyên bản Pháp văn là: “Au début de 1922, il s'est présenté à l'initiation de la loge la Fédération universelle (Paris GODF), recommandé par le graveur Boulanger. Sa fiche indique: “Nguyen Ai Quâc, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur en photo, dessinateur”.) (3)
Trong mệnh đề nầy có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất là danh xưng Nguyễn Ái Quấc và thứ hai ngày sinh của Nguyễn Ái Quấc.
2.- DANH XƯNG NGUYỄN ÁI QUẤC (QUỐC) và HỒ CHÍ MINH
Danh xưng Nguyễn Ái Quấc (Quốc) lúc đầu không phải là tên một người, mà là tên chung của bốn người. Đó là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành.(4) Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng dùng một bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc, đồng ký bản “Revendications du peuple annamite” [Thỉnh nguyện thư của dân tộc Việt], bằng Pháp văn do Phan Văn Trường viết, gởi cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles (Paris) sau thế chiến thứ nhất, bắt đầu từ 18-1-1919. Thỉnh nguyện thư của các ông xuất hiện lần đầu trên báo L'Humanité [Nhân Đạo] ngày 18-6-1919.
Trong bốn người cùng dùng chung biệt hiệu (Nguyễn Ái Quốc), Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường sống và hoạt động chính trị tại Pháp khá lâu, đang bị mật thám Pháp theo dõi, không tiện ra mặt. Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) là sinh viên du học, đang hưởng học bỗng của Pháp để theo học ngành hóa học,(5) nên không thể công khai chống Pháp.
Chỉ có Nguyễn Tất Thành là người mới đến, chưa bị mật thám chú ý. Nguyễn Tất Thành tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh tại Nghệ An, con ông Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) và bà Hoàng Thị Loan. Lúc nhỏ, Nguyễn Sinh Cung học chữ Nho, rồi chuyển qua tân học, theo chương trình Pháp. Sau khi đậu tiểu học khoảng năm 17 tuổi, Nguyễn Sinh Cung vào học lớp nhất niên (năm thứ nhất bậc trung học tức lớp 6 ngày nay) trường Quốc Học (Huế) năm 1907.
Một người bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung ghi nhận lúc học Quốc Học, Cung vẫn mang tên nầy. Tài liệu nầy cho biết thêm rằng đang học lớp nhất niên trường Quốc Học [tương đương với lớp ngày nay], Cung cùng học sinh Quốc Học tham gia biểu tình trong vụ Trung Kỳ dân biến tại Huế tháng 4-1908. Pháp đàn áp cuộc dân biến. Cung lo sợ bị bắt, liền bỏ học, trốn vào nam.(6) Ông ghé Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, rồi làm giáo viên dạy Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào năm 1910, với tên mới là Nguyễn Tất Thành.(7) Như vậy, có thể Nguyễn Sinh Cung đổi tên thành Nguyễn Tất Thành trong khoảng thời gian nầy.
Trong khi đó, phụ thân của Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc) đang làm thừa biện [thư ký] bộ Lễ ở Huế, được bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5-1909, tức được thăng chức. Điều nầy chứng tỏ Pháp và triều đình Huế lúc đó không quan tâm đến hoạt động của học sinh Nguyễn Sinh Cung, nên không ghép Nguyễn Sinh Huy vào tội không biết dạy con và mới cho phụ thân của Cung thăng quan. Năm sau (1910), quan huyện Nguyễn Sinh Huy dùng roi mây đánh chết người nên bị sa thải.
Dạy học tại trường Dục Thanh được nửa năm, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn, đi Pháp ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền Nam nước Pháp, ngày 6-7-1911.
Sau hơn hai tháng có mặt ở Pháp, Nguyễn Tất Thành viết tay hai lá đơn đề ngày 15-9-1911, có nội dung giống nhau; một gởi cho tổng thống Pháp, một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin vào học École Coloniale (Trường Thuộc địa) ở Paris, nơi đào tạo những quan chức cho các nước thuộc địa Pháp. Đơn của Nguyễn Tất Thành bị người Pháp từ chối.
Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi tàu biển một thời gian. Sau đó, ông cư trú ở Luân Đôn (London), thủ đô của Anh. Giữa năm 1919, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, tiếp xúc với nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Nhờ sự giới thiệu của ba người nầy, Thành bắt đầu làm quen với giới chính trị Paris, nhất là giới chính trị đối lập với chính phủ Pháp.
Sau khi cả bốn người cùng ký bản “Revendications du peuple annamite”, ba người trước tránh mặt vì lý do an ninh, Nguyễn Tất Thành thường đại diện nhóm, dùng tên Nguyễn Ái Quốc để liên lạc với báo giới và chính giới. Có thể do đó, dần dần Thành dùng luôn bút hiệu Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của ông. Trong suốt cuộc đời còn lại, Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Ái Quốc còn có cả vài chục tên khác nhau, cho đến khi ông lấy tên cuối cùng là Hồ Chí Minh.
Có một điểm đáng chú ý: Nguyễn Sinh Cung bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng tên Nguyễn Ái Quốc và kết thúc sự nghiệp chính trị bằng tên Hồ Chí Minh. Hai tên nầy đều do Nguyễn Sinh Cung chiếm dụng của người khác.
Nguyên tại Nam Kinh (Trung Hoa), Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt Nam, đã lập ra Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh. Khi đến Hồ Nam năm 1937, Hồ Học Lãm lấy bí danh là Hồ Chí Minh.(8) Năm 1938, Nguyễn Sinh Cung, lúc đó lấy bí danh là Hồ Quang, từ Liên Xô qua Trung Hoa lần thứ ba. Theo lệnh của Hồ Quang, những đảng viên cộng sản như Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan)... len lỏi vào hàng ngũ của Hồ Học Lãm. Hồ Học Lãm già yếu, ít hoạt động. Các đảng viên cộng sản liền núp dưới danh hiệu Việt Minh để hoạt động cho đảng CS, rồi dần dần chiếm dụng danh xưng nầy. Thủ lãnh Hồ Quang, cũng chiếm dụng luôn bí danh thủ lãnh Hồ Chí Minh từ năm 1942.(9)
Riêng danh xưng Hồ Chí Minh, Nguyễn Sinh Cung rất thích thú với tên nầy. Theo Trần Quốc Vượng, sử gia Hà Nội, trong bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)", thì ông Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Hồ Chí Minh, không phải là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm, mà là con ông Hồ Sĩ Tạo. Trước khi đám cưới, bà vợ của ông Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên ông Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của ông Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Theo Trần Quốc Vượng, Hồ Sĩ Tạo thương đứa con rơi, mới gởi gắm Nguyễn Sinh Sắc vào học trương Quốc tử giám ở kinh đô Huế. Trần Quốc Vượng còn viết rằng: "Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm." (10)
3.- NGÀY SINH CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ HỒ CHÍ MINH
Khi đến Pháp năm 1911, Nguyễn Sinh Cung dưới tên mới là Nguyễn Tất Thành, làm đơn xin vào học trường Thuộc Địa Paris. Trong đơn, Nguyễn Tất Thành tự khai là sinh năm 1892.(Xin xem tài liệu phía dưới.) Nay trong đơn vào hội Tam Điểm, Nguyễn Ái Quấc tức Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung, tự khai là sinh ngày 15-2-1895. Theo tài liệu của đảng CSVN, Hồ Chí Minh tức Nguyễn Sinh Cung lúc nhỏ, sinh ngày 19-5-1890. Ngày sinh nầy được đưa ra chính thức năm 1946, khi Hồ Chí Minh mới cầm quyền chưa được một năm.
Nhìn vào ba ngày hay năm sinh do chính Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quấc, rồi Hồ Chí Minh, tự tay viết ra, rõ ràng hoàn toàn không giống nhau cả năm lẫn ngày tháng. Năm 1911, khi xin vào học trường Thuộc Địa, có thể lúc đó phải theo điều kiện tuổi tác ghi danh vào học, Nguyễn Tất Thành đề là sinh năm 1892, tức vừa trên 18 tuổi vào năm 1911. Năm 1922, khi xin vào hội Tam Điểm, không hiểu dựa vào đâu, Nguyễn Ái Quấc ghi rằng ông ta sinh năm 1895, tức 27 tuổi vào năm 1922.
Chuyện ngày 19-5, sinh nhật Hồ Chí Minh là một thủ thuật chính trị. Nguyên sau khi Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945, theo quyết định của tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945, quân đội Nhật bị giải giới bởi quân Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16 và bởi quân Anh ở Nam vĩ tuyến 16. Tối hậu thư nầy không nói đến ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân Nhật bị giải giới, nên Pháp liền lợi dụng kẻ hở nầy, trở lại Đông Dương.
Ở nam vĩ tuyến 16 (từ Tam Kỳ trở vào), Pháp theo quân Anh, đến Sài Gòn rồi dần dần tái chiếm miền Nam. Ở bắc vĩ tuyến 16, Pháp thương lượng với Trung Hoa, và đi đến hiệp ước Trùng Khánh ngày 28-2-1946, theo đó Trung Hoa chịu rút quân từ ngày 1 đến 15-3-1946, và chậm nhất là ngày 31-3-1946. Ngược lại, Pháp trả về cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Hoa ở Đông Dương, miễn thuế người Hoa ở Hải Phòng, và người Hoa chuyên chở hàng hóa ngang qua Bắc Việt sẽ khỏi phải chịu thuế.
Sau hiệp ước nầy, sáng sớm ngày 6-3-1946, sư đoàn 9 bộ binh Pháp đến Hải Phòng, dưới sự chỉ huy của trung tướng Jean Valluy. Túng thế, Hồ Chí Minh liền báo tin cho Pháp biết là ông ta đồng ý ký hiệp ước với Pháp. Vào buổi chiều cùng ngày, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà Nội, Hồ Chí Minh, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, vội vàng ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp. Cùng ký bản văn nầy, ngoài Hồ Chí Minh, còn có Vũ Hồng Khanh (lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng), phó chủ tịch Quân sự uỷ viên hội của chính phủ. Về phía chính phủ Pháp, đại diện là Jean Sainteny.
Trong khi đó, từ tháng 9-1945, quân đội Pháp theo quân Anh đến Đông Dương, chiếm Nam Lào, nhưng không tiến lên phía Bắc, vì vùng nầy do quân đội Trung Hoa giữ. Sau hiệp ước Trùng Khánh ngày 28-2-1946, quân Trung Hoa rời khỏi Lào ngày 12-3-1946. Pháp liền chiếm Vạn Tượng (Vientiane hay Viang Chan) ngày 23-4-1946.
Giải quyết xong việc Trung Hoa chịu rút quân khỏi Việt Nam, từ ngày 14-5-1946, đô đốc D'Argenlieu, cao uỷ Pháp tại Đông Dương, bắt đầu mở cuộc kinh lý khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 lần đầu tiên. D'Argenlieu đến Vạn Tượng ngày 17-5-1946, và dự tính sẽ đến Hà Nội vài ngày sau.
Đô đốc D'Argenlieu là cao uỷ Pháp tại Đông Dương, nghĩa là vừa đại diện nước Pháp, vừa được xem là nhà lãnh đạo các nước Đông Dương. Việt Nam mới ký thỏa ước Sơ bộ 6-3-1946 theo đó điều 1 ghi rằng Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Hồ Chí Minh đón rước D'Argenlieu nghĩa là đón rước quốc trưởng đến thăm Hà Nội.
Việc Hồ Chí Minh ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp, chính thức hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam, hoàn toàn trái ngược với lời thề diệt Pháp của Hồ Chí Minh khi trình diện chính phủ vào ngày 2-9-1945, gây sự bất bình trong các đảng phái chính trị và trong đại đa số quần chúng. Nay lại đón rước D'Argenlieu đến Hà Nội và phải theo đúng nghi thức quốc gia, ít nhất phải có treo cờ chào mừng. Chắc chắn điều nầy càng gây thêm bất bình nơi quần chúng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền VM vẫn ra lệnh treo cờ trong ba ngày 18, 19 và 20-5-1946. Việt Minh cho biết treo cờ không phải để chào đón đô đốc D'Argenlieu, mà để mừng sinh nhật Hồ Chí Minh, ngày 19-5. D'Argenlieu đến Hà Nội chiều ngày 18-5-1946. Hồ Chí Minh và D'Argenlieu gặp nhau hai lần trong hai ngày liên tiếp 19 và 20-5-1946, nhưng không đạt kết quả đáng kể.(11)
Trước sự kiện nầy, có dư luận cho rằng Hồ Chí Minh lúng túng trong việc phải treo cờ đón D'Argenlieu cho đúng nghi thức, mới có sáng kiến đặt chuyện treo cờ để mừng sinh nhật, nhắm làm cho ông ta và chính phủ của ông ta khỏi mất thể diện, đồng thời làm cho dân chúng khỏi bất bình. Dư luận nầy có phần hữu lý ở chỗ trước đó, Hồ Chí Minh không bao giờ nói đến chuyện sinh nhật của mình, nay tự nhiên bày ra chuyện mừng sinh nhật. Hơn nữa, có điểm đáng chú ý là trong đơn xin vào hội Tam Điểm, Nguyễn Ái Quấc ghi rằng ông ta sinh ngày 15-2-1895; nay Hồ Chí Minh lại công bố sinh nhật của ông ta là 19-5. Thế là nghĩa làm sao?
*
Tóm lại, ngày nay, không ai lấy làm lạ về việc Nguyễn Sinh Cung đã đổi nhiều tên, nhiều họ, nhiều năm sinh, tháng đẻ khác nhau, cho đến tên cuối cùng là Hồ Chí Minh với sinh nhật là ngày 19-5-1890. Điều đặc biệt là ngày chết của Hồ Chí Minh cũng không phải là một ngày. Người Việt Nam xem ngày chết rất quan trọng, thường tổ chức kỵ giỗ để tưởng nhớ người quá cố. Thế mà ngày chết của Hồ Chí Minh cũng được đảng Lao Động chính trị hóa, để phỉnh lừa dân chúng.
Nhiều người cho rằng vì hoạt động chính trị, Nguyễn Sinh Cung phải hành động như thế. Điều nầy chẳng có gì sai trái. Vấn đề là những hoạt động chính trị của Nguyễn Sinh Cung đã đem lại được gì cho đất nước Việt Nam?
Nguyễn Sinh Cung tức Hồ Chí Minh nói rằng ông tranh đấu để giải phóng dân tộc. Cái giá của việc giải phóng theo kiểu Hồ Chí Minh mà dân tộc Việt phải trả thật quá cao. Nếu chọn lựa đi một con đường khác, không phải là con đường cộng sản, thì có thể tốt hơn. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam ra khỏi tay thực dân Pháp thì rơi vào tay thực dân nội địa (autocolonisation) [chữ của nhà báo Pháp Jean Lacouture], tức đảng CSVN, còn ác độc hơn thực dân Pháp. Giải phóng là cởi bỏ xiềng xích thực dân chứ không phải thay đổi xiềng xích thực dân, và để tiến lên chứ không phải để đi xuống.
Hồ Chí Minh nói rằng ông ta chống Pháp để giành lại độc lập? Nước Việt Nam càng ngày càng nhượng bộ và lệ thuộc Trung Quốc. Hồ Chí Minh bảo rằng ông ta tranh đấu cho tự do dân chủ? Dân chủ của Hồ Chí Minh là dân chủ theo kiểu “đảng cử dân bầu”. Còn về tự do, sau năm 1954, khi các nhà trí thức, văn thi sĩ Bắc Việt yêu cầu trả văn học nghệ thuật lại cho văn nghệ sĩ, nghĩa là để cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, thì Hồ Chí Minh và đảng Lao Động trả lời bằng cách bắt bớ, giam cầm, đày đọa cho đến cuối đời hàng lọat trí thức, văn thi sĩ, mà rõ nét nhất là vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội năm 1956.
Hồ Chí Minh cải cách ruộng đất, hứa hẹn để thăng tiến đời sống nông dân? Hơn hai trăm ngàn người chết vì cải cách ruộng đất, toàn bộ đất đai của dân chúng do cha ông để lại bị quốc hữu hóa vào tay nhà nước cộng sản. Hồ Chí Minh đánh Mỹ để cứu nước? Thật ra là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc... (12)
Đó là những câu trả lời về mục đích cuộc đời chính trị của một nhân vật lịch sử thay tên đổi họ, như tắc kè thay màu da, chỉ để làm những việc hại dân, hại nước, nhất là du nhập và ứng dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto 21-6-2007)
CHÚ THÍCH
1. Tam Điểm: Các hội viên Franc-Maçonnerie khi viết thư cho nhau, thường gọi nhau là huynh đệ/anh em (frère), hay thầy (maýtre), thường viết tắt: F hay M và thêm vào phía sau 3 chấm (điểm) như 3 đỉnh hình tam giác đều. Vì vậy, người ta gọi hội Franc-Maçonnerie là hội Tam Điểm. (Tập san Historia Spécial, Paris: số 48, tháng 7-8/ 1997, tr. 127.)
2. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 1: 1892-1924, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 224.
3. Hội Tam Điểm gồm nhiều “obédiences”, xin tạm dịch là “phân bộ”. Mỗi obédience gồm nhiều “loges”, xin tạm dịch là “tổ”. Ở đây, Nguyễn Ái Quấc gia nhập vào tổ (loge) Fédération universelle thuộc obédience (phân bộ) GODF. GODF là viết tắt của chữ : Grand Orient de France.
4. Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam [Hồ chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tt. 44-45.
5. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 374. Học bỗng lên tới 5,759.50 francs. Lúc đó, số tiền nầy khá lớn.
6. Lê Thanh Cảnh, tạp chí Hoài niệm Quốc Học, Huế: 1956, tr. 37-39. Ông Lê Thanh Cảnh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung.
7. Hồ Tá Khanh, Thông sử công ty Liên Thành, Paris: 1983, tr. 34.
8. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, sđd. t. 168.
9. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, tập 2, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 281.
10. Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb. Trăm Hoa, California, 1993, tt. 256, 258.
11. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu tập A 1939-1946, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1996, tt. 333-334.
12. Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.