Không phải chỉ có những cô gái nghèo tại Việt Nam mong ước
được lấy một anh Việt kiều hào hoa, phong nhả mà ngay cả các cô gái xinh đẹp có
học hay con cháu của các cán bộ giàu có, thế lực vẫn ao ước lấy chồng Việt kiều
để dọn đường cho tương lai, dòng họ mai sau.
Nhiều cô may mắn gặp được những Việt kiều tử tế, có học, có
công ăn việc làm vững vàng biết chăm sóc cho gia đình.
Nhưng bên cạnh đó, có một số cô cũng gánh chịu những bất
hạnh, đau đớn bẽ bàng khi làm vợ những ông Việt kiều thô kệch, ít học, tham lam
và vô trách nhiệm.
Các cô gái trẻ vì đặt quá nhiều niềm tin và hy vọng vào các
chàng Việt Kiều để rồi cả một đời dở dang và không còn mơ ước đi tìm một tình
yêu mới.
Giấc mơ đi Mỹ…
Bất cứ cô gái nào lớn lên cũng mơ mộng rằng một ngày nào đó
mình sẽ tìm được một tấm chồng xứng đáng để „bõ công trang điểm má hồng, môi
son”.
Việt kiều Mỹ thường được các cô gái tại Việt Nam ưa chuộng
và xem như tiêu chuẩn hàng đầu để các cô có thể sang định cư tại Mỹ, có cuộc
sống giàu sang, sung sướng.
Nhưng các cô gái tại Việt Nam không biết được tin tức về đời
sống của người Việt bên Mỹ hoặc chưa thực sự tìm hiểu nhau một cách đầy đủ nên
những mối tình vội vã, hoặc trao đổi, bán mua cũng dẫn đến những kết thúc đáng
buồn.
Nhiều ông Việt kiều ế vợ không có nghề nghiệp vững chắc,
không biết lo làm ăn, thích ăn chơi, cờ bạc nhưng ham các cô trẻ đẹp thì thường
trở về Việt Nam kiếm vợ. Có ông tự xưng là bác sĩ, kỹ sư… để lừa những cô gái
nhẹ dạ, cả tin.
Dù ở bên Mỹ không tìm ra vợ, nhưng khi về Việt Nam lại đắt
giá. Các bà, các cô chỉ nghe cái mác Việt kiều là xem các ông như cục vàng. Một
bên thì thích đi Mỹ, một bên thì thích các cô trẻ đẹp. Hai nhu cầu nầy gặp nhau
nên dễ tạo ra những cuộc hôn nhân vội vã.
Do đó, khi sang Mỹ mới biết người chồng Việt kiều của mình
xuất thân từ những thành phần nghèo lao động tay chân, hay làm Nails.
Một thời gian sau nàng có thẻ xanh 10 năm thì nàng sẵn sàng
chia tay ông chồng hờ.
Những cuộc mua bán, đổi chác hay những vở kịch trong trò
chơi vợ chồng cuối cùng cũng phải hạ màn. Nhiều cô gái yêu thật đã vỡ mộng.
Có cô xinh đẹp, con nhà giàu sang có trình độ đại học bên
Việt Nam vì mê thiên đường nước Mỹ đã lấy những người ít học. Cuộc đời các cô
bị ràng buộc và bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng.
Những câu chuyện buồn
Cô Trần Thị Phụng người Sài Gòn. Gia đình buôn bán trong
ngành trang trí nội thất rất khá giả. Cô quen với một Việt Kiều tên là Kha làm
nghề Nails nên rất thường về Việt Nam.
Một lần Kha bị xe đụng gãy hai chân, Phụng đã giúp đỡ, chăm
sóc cho Kha trong suốt thời gian Kha điều trị tại Việt Nam. Sau đó, Kha nẩy
sinh tình cảm với Phụng nên cưới Phụng.
Một năm sau, Phụng sinh ra một bé trai và Kha đã làm giấy
bảo lãnh Phụng sang Hoa Kỳ đoàn tụ. Nhưng cuộc sống chung không được hạnh phúc.
Chỉ khoảng một tháng Phụng sang Mỹ, Kha đã bỏ nhà ra đi. Kha bỏ luôn người vợ
trẻ và đứa con chưa đầy 4 tháng, rồi từ đó biệt vô âm tính.
Đã hơn 1 năm trôi qua, Phụng chỉ nghe Kha gọi điện thoại hỏi
thăm vài lần nhưng Kha không cho vợ biết mình đang ở đâu? Phụng ngao ngán
tâm sự:
“Hồi xưa ở Việt Nam, đi chơi chung nhóm. Ổng gặp tai nạn rồi
con giúp ổng thôi. Ổng bị té xe, chân ổng gãy hai khúc. Thấy ổng ở Việt Nam có
một mình không có người thân gì hết trơn, nên mỗi buổi sáng con đem đồ ăn sáng
rồi chở đi bác sĩ nầy kia, chớ cũng không có quen trước tình cảm gì hết.
Sau đó, thì gia đình ổng về muốn cưới hỏi thì con cũng chịu.
Xong rồi quá trình sinh sống cũng lục đục. Nhưng mà ổng vẫn bảo lãnh đi. Qua
xong rồi cũng lục đục tiếp nữa, rồi gia đình ảnh nữa. Nói chung là cũng hổng có
được hạnh phúc vui vẻ gì hết. Cho nên ổng bỏ đi.
Con ở lại đó cũng đâu có được đâu tại vì là nhà của mẹ ảnh.
Nên con quyết định đem con về Việt Nam xong rồi quay qua để con làm việc, mới
có bốn tháng. Con với chồng con không có gặp nhau đã 1 năm rồi. Con qua đây tại
vì đứa con thôi à! Nghĩ qua đây nó đi học có tương lai.”
Mỗi cuộc đời là một cảnh ngộ khác nhau. Không ai giống ai
nhưng nỗi buồn của họ đều giống như nhau. Cũng như cô Ngọc Liên hiện sinh sống
tại New York. Cách đây mười lăm năm, cô đã bỏ ra hai mươi ngàn đô la để làm
giấy tờ đi du học.
Tiền học phí quá đắt và cô không thể nào tiếp tục nên đã đi
làm Nails để sống. Cô đã đồng ý kết hôn với một người lớn hơn cô mười tuổi, đã
có một đời vợ.
Ban đầu Ngọc Liên chỉ muốn làm giấy hôn thú để được ở lại,
nhưng sau đó thì cô đã bằng lòng lấy anh làm chồng.
Người chồng hờ hững chỉ biết mê cờ bạc, chẳng ngó ngàng gì
đến vợ nên cuộc đời cô cũng lênh đênh, và hạnh phúc tạm bợ cũng đổ vỡ. Cô có
thể ở lại Hoa Kỳ. Nhưng tuổi xuân cũng trôi theo thời gian.
Ngọc Liên hồi tưởng lại chuyện xưa với bao nối tiếc cho cuộc
đời của mình:
“Bên Việt Nam nghèo tiền đâu ra mà trả nợ tiền học hả chị?
Sang đây làm để trả nợ tiền học, trả nợ tiền ở Việt Nam sang đây chớ chị. Tính
ra đi gần 20 ngàn cách đây 15 năm rồi. Ở ngoài Bắc đi đắc lắm.
Em có biết đâu, biết thế này thì em chẳng đi làm gì chị ơi! Ở
Việt Nam cho xong. Sang bên nầy cũng hoàn cảnh mà thôi. Biết như thế nầy thì ở
nhà còn hơn. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Ban đầu chỉ làm giấy tờ để ở lại thôi. Chớ đâu có biết đâu
mà lấy. Cho đến khi làm giấy tờ thì anh ấy thương em thật thì cứ lấy. Ôi! Biết
đâu được lòng người đâu chị ơi! Sang bên nầy rồi thì người thật thì ít, người
giả thì nhiều chả biết đâu hở chị.”
Người chồng hờ bên cạnh Ngọc Liên chỉ biết đến những trò
chơi đỏ đen mà không quan tâm gì đến người vợ trẻ. Ngọc Liên nói tiếp:
“Chả cần đâu chị ơi! Cứ đi làm về rồi tối thứ sáu ra Casino,
tối Chủ Nhật về. Lúc hết tiền thì cần mình, có tiền thì đâu có cần mình đâu.
Tuần nào hết lương tuần đó. Anh làm lương cao lắm! Anh làm mấy chục ngàn một
năm. Nhưng tiền bao nhiêu anh cho vào bài hết. Sang đây bao nhiêu năm mà chẳng
có cái gì hết. Ăn no chỉ có bài không.”
Một phụ nữ khác tên là Thanh. Cô xinh đẹp, có học nhưng lại
là người bất hạnh nhất. Cô quen Lâm do mai mối. Sau đó, Lâm về Việt Nam cưới cô
và bảo lãnh cô sang Hoa Kỳ. Cô gái trẻ cứ tưởng đời mình toàn một màu hồng.
Giấc mơ được sang Mỹ tiếp tục Đại Học đã không thành. Người
chồng lớn hơn cô hai mươi tuổi chỉ thích có con nhưng lại ích kỷ, nhỏ nhen, keo
kiệt nên chẳng biết nâng niu người vợ trẻ. Đến nỗi cái bào thai trong bụng cũng
đã chết khô mà không ai biết:
“Chồng cũ của cháu nghe lời ba má hổng có thương cháu. Chỉ
muốn lấy để có con thôi. Tại vì ổng lớn tuổi. Nhưng mà hồi đó cháu cũng mang
thai một lần được hai tháng. Cuộc sống cực khổ quá chịu không nổi nên cái thai
chết trong bụng luôn. Ngày nào đi học cũng đón xe bus. Trời lạnh nhiệt độ chỉ
có 7 độ. Chiều về cũng vậy, sáng đi cũng vậy. Sức nào chịu nổi.
Cháu còn muốn gục nữa nói chi baby trong bụng. Nó đâu có
chịu nổi rồi nó chết trong bụng luôn đến lúc phát hiện thì cái thai chết khô
rồi phải mổ lấy ra. Mà hồi đó cháu mới có 24 tuổi chớ mấy. Đâu có biết cái gì.
Học xong ở bên đó rồi, cái đi qua bên đây.
Qua đây muốn đi học nữa, ổng đâu có cho đi học đâu. Ông kêu
học làm chi đi làm kiếm tiền đi. Đi học làm móng tay móng chân đi mà mùi thuốc
móng tay móng chân cháu chịu đâu có nổi. Da mặt nó sưng hết lên. Ói mửa quá
trời! Rồi mang thai nữa. Hửi mùi chịu không nổi thế rồi đâu có học được.
Xong rồi, mấy đứa bạn nói vô trường tóc học đi. Học lấy bằng ra làm. Sau đó cháu có
trở lại trường Nova học được 2 năm. Nhưng mà lúc học, lúc nghỉ. Đi làm nhiều
hơn đi học. Tại vì lúc đó không có thời gian đi học nữa nên nghỉ luôn. Bây giờ
chỉ có đi làm thôi.”
Khi Thanh
có thai không được chồng chở đi khám thai, không được chồng giúp đỡ mà ông
chồng vũ phu còn đánh vợ mặt mũi bầm tím đến nỗi những người đồng nghiệp phải
gọi cảnh sát để cách ly Thanh ra khỏi cuộc sống khổ sở vì bị chèn ép. Cô cho
biết mình luôn bị đe đọa đuổi về Việt Nam nếu chia tay với anh ta:
“Hôn phu
hôn thê gì đó, diện đó hoặc là du học qua đây lấy ở lại luôn. Cực lắm! Tại vì
mình không có gia đình rồi cái người làm giấy tờ cho mình! Thì người ta nghĩ
mình nhờ vã người ta đó. Rồi nhiều khi người ta hay kiếm chuyện.
Trường hợp
của cháu cũng y chang như vậy. Tại vì hồi đó mình chưa có thẻ xanh người ta cứ
hù dọa mình hoài. Người ta nói bây giờ chưa có thẻ xanh mà cứ lằng nhằng người
ta đuổi về Việt Nam. Cháu nói là về thì về có gì đâu sợ. Mãi sau cháu mới bảo
ly hôn đi về Việt Nam cũng được. Không có cần.
Về sau đó
thì mới đi ra ngoài sống. Cháu đi ra ngoài cũng không biết đi đâu. Hổng biết
mướn nhà ở đâu nữa. Xong rồi có có khách làm tóc, cô cũng dễ thương lắm! Cô mới
hỏi nhà tao còn dư cái phòng. Mầy muốn về ở với tao không? Thế là cô đón về nhà
cho ở.”
Và cả những trớ trêu
Những cuộc
hôn nhân ngắn ngủi đã để lại trong cuộc đời các cô gái ngây thơ những nỗi buồn.
Những ông chồng vũ phu, vô học lợi dụng luật di trú để chèn ép, trù yếm và đối
xử với vợ như nô lệ.
Nhưng cũng
có những cô vợ ma mãnh, dữ dằn lợi dụng sang Hoa Kỳ làm có tiền thì coi chồng
cũng chẳng ra gì. Cô Ngọc Liên phê phán:
“Nhiều
người đi sang đây làm nhiều tiền rồi nhiều khi coi chồng cũng chẳng ra cái gì. Ví
dụ em thấy nhiều người bảo lãnh vợ sang bên nầy chị biết không rồi đi làm có
một tí tiền, thì làm nails thì phải có tiền rồi. Ông chồng đi làm hãng thì ông
cũng mua bảo hiểm cho mình. Phải không ạ?
Thế nhưng
đâu có nghĩ đến chuyện lâu dài đâu. Nhiều người chỉ nghĩ trước mắt. Rồi ông nọ,
ông kia, thằng nọ thằng kia. Có chị bên tiệm kia kià, ông chồng bảo lãnh sang,
bảo lãnh bố mẹ vợ sang. Ra cứ gọi chồng là thằng già nầy, thằng già nọ kia.”
Ngọc Liên đã hơn 15 năm sống cô đơn sau cuộc ly hôn với
người chồng cờ bạc, cô vẫn chưa tìm ra được một tấm chân tình để gởi gấm cuộc
đời. Tôi hỏi Ngọc Liên có còn muốn bước thêm bước nửa không thì cô chỉ trả lời:
“Đấy là cái duyên số chớ biết đâu mình gặp một người tốt thì
cái đó phải do trời chớ chị. Mình muốn cũng không được, mà không muốn cũng
không được. Vợ chồng là cái duyên cái số. Mình cứ ăn ở phải, mình sẽ gặp phải.
Có nhiều người hỏi em lắm nhưng tìm người đàng hoàng thì khó. Mình đâu phải vơ
bèo vạt tép.”
Phụng thì gặp lại người tình cũ ngày xưa. Còn Thanh, giấc mơ
của cô bây giờ là làm thật nhiều tiền để mở một tiệm uốn tóc. Có ai hỏi cô câu
chuyện tình năm cũ và hiện cô có mơ ước gì không? Cô chỉ cười buồn đáp:
“Nhiều người giới thiệu cho cháu nhưng cháu cũng không thích
ai. Hình như một lần sợ rồi không muốn nữa. Thôi cô ơi! Thà sống một mình cho
nó khoẻ hơn. Cháu thấy ở một mình cho nó sung sướng. Khỏi phải lo nhiều. Muốn
ăn thì ăn. Đói thì ăn mì gói khỏi phải lo nấu cơm cho người nầy ăn người kia
ăn.”
Nhiều cô gái may mắn đã tìm được tình yêu, hạnh phúc tại Hoa
Kỳ. Nhưng cũng không ít cô đã thấy thiên đường sụp đổ khi tình yêu chỉ là một
quán trọ bên đường.
Cầu chúc cho trái tim Thanh, Phụng, Ngọc Liên sẽ lại nở hoa.
Vì hạnh phúc lứa đôi phải do chính chúng ta tìm kiếm và xây đắp.
Phong Thu, RFA