"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 15. Juli 2010

Chuyện tưởng như đùa!

Lữ Giang

Trong tuần qua, các cơ quan truyền thông trên thế giới đã bàn khá nhiều về vụ án gián điệp Nga vừa bị bắt tại Mỹ. Phóng viên thời sự quốc tế Paul Reynolds của BBC News đã nhận định rằng vụ điệp viên Nga ở Mỹ "như một trò hề được lịch sử lặp lại... Nhưng lần này, lịch sử được lặp lại như một trò diễn của những đám hề".

Quả thật có nhiều “hoạt cảnh” do cơ quan an ninh tường thuật lại đã khiến những nhà chuyên môn phải thắc mắc: Gián điệp chi mà lạ rứa?”. Nhưng dầu sao, vụ án này khi được đưa ra ánh sáng cũng sẽ giúp nhiều người Việt chống cộng ở hãi ngoại biết rõ hơn thế nào là gián điệp, nó không gióng như những gì họ thường tố nhau trên báo chí, trên các đài phát thanh, và nhất là trên các diễn đàn Internet!

VÀI KHÁI NIỆM CĂN BẢN CẦN BIẾT

Trước khi bàn về vụ án gián điệp Nga, cần nói qua khái lược về tình báo của Liên Bang Nga và khái lược về tội gián điệp.

1.- Khái lược về cơ quan tình báo của Nga

Như mọi người đã biết, cơ quan tình báo Nga trong thời chiến tranh lạnh được gọi là KGB, chữ viết tắt của “Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti” có nghĩa là "Ủy ban An ninh Quốc gia". Cơ quan này được thành lập kể từ ngày 13.3.1954 để thay thế các tổ chức tình báo cũ.
Kể từ ngày 6.11.1991, cơ quan KGB bị giản tán và được thay thế bằng hai tổ chức mới là FSB (Federal'naya Sluzhba Bezopasnosti) phụ trách về tình báo quốc nội (gióng FBI) và SVR (Sluzhba Vneshney Razvedki) phụ trách về tình báo hải ngoại (gióng CIA).

 2.- Khái lược về tội gián điệp

Tội gián điệp đầu tiên được ấn định trong Công Ứớc IV tại The Hague ngày 13.10.1907 liên quan đến luật chiến tranh trên bộ và bản phụ đính.
Riêng tại Mỹ, tội gián điệp (espionage) được ấn định trong các điều 792 - 798, 1831 - 1832 của Đoạn 18 Bộ Luật Liên Bang Hoa Kỳ (United States Code) và điều 106 của Bộ Quân Luật Thống Nhất, gồm các tội sau đây: (1) Tiết lộ các tài liệu được xếp loại (disclosure of classified information), (2) Gián điệp kinh tế (economic espionage), (3) Ăn cắp những bí mật mậu dịch (theft of trade secrets), và (4) Tiết lộ những thông tin có phương hại đến quốc phòng.
Nói một cách tổng quát, gián điệp là xử dụng các điệp viên (spies) để lấy những tài liệu bị luật xếp vào loại cấm tiết lộ, nhất là của chính phủ, để khám phá ra các bí mật về quân sự, chính trị hay kinh tế.
Những hành vi thủ đắc, gởi đi, chuyển đi, truyền thông hay tiếp nhận những thông tin liên quan đến quốc phòng mà biết rằng thông tin đó được xử dụng để làm hại cho Hoa Kỳ hay làm lợi cho bất cứ quốc gia ngoại quốc nào, đều bị coi là phạm tội gián điệp.
Những điều luật về tội gián điệp nói trên quy định nhiều chi tiết rất phức tạp và hoàn toàn không gióng như “tội gián điệp” mà đa số người Việt chống cộng thường tưởng tượng ra và chụp cho nhau.
Tuy nhiên, trong vụ gián điệp Nga, Bộ Tư Pháp đã không truy tố các nghi can về tội gián điệp mà truy tố về tội “âm mưu làm gián điệp không khai báo cho các chính phủ nước ngoài” (theo VOA). Thật ra, tội danh này nếu ghi cho đúng phải là tội “hoạt động như là một phái viên không đăng ký của một chính phủ ngoại quốc" (acting as an unregistered agent of a foreign government). Đây là một tội danh được quy định trong “Đạo Luật về Phái Viên Ngoại Quốc Đăng Ký” (Foreign Agent Registration Act). Đạo luật này bắt buộc bất cứ ai có những hoạt động tại Hoa Kỳ theo mệnh lệnh, lời yêu cầu, hay dưới sự hướng dẫn hoặc kiểm soát của một chủ thể ngoại quốc (foreign principal) đều phải đăng ký tại Bộ Tư Pháp. Tội này nhẹ hơn tội gián điệp nhiều.

LÀM GÌ MÀ BỊ GỌI LÀ GIÁN ĐIỆP?

Theo các tin được phổ biến, nhóm này đã hoạt động từ năm 2000. Các nghi phạm đã bị bắt sau các cuộc điều tra kéo dài hàng năm của cơ quan FBI.
FBI đã sử dụng những thiết bị nghe lén giấu trong nhà của nghi phạm, video giấu kín trong các nhà hàng và khách sạn cũng như giám sát email và các cuộc điện thoại của họ.
FBI đã chặn thu được các thông điệp mà các điệp viên này trao đổi với nhau hoặc với trung tâm.
Ngoài tội làm phái viên của chính phủ ngoại quốc không khai báo, 9 nghĩ can còn bị truy tố về tội rửa tiền.
Ông Eric Holder, Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, nói rằng, 10 nhân viên mật vụ Nga bị Hoa Kỳ trục xuất trong vụ trao đổi điệp viên đã nhận được nhiều trăm ngàn đôla từ chính phủ Moscow.
Các gián điệp đã bị bắt gặp nhận tiền từ viên chức Nga ở Mỹ trong một loạt vụ việc. Có nghi can hình như đang nhận tiền của một viên chức Nga ở một quốc gia Nam Mỹ, trong khi đó người khác lấy túi tiền từ ghế công viên. Tháng 6/2006, hai nghi can tới Wurtsboro, New York, đào một túi tiền được chôn dưới đất bởi một nghi phạm khác hai năm trước đó.
Theo ông Eric Holder, Nga coi 10 điệp viên này là rất quan trọng đối với hoạt động thâu thập thông tin tình báo của họ. Nhưng ông lại nói rằng “những người này đã không chuyển giao thông tin bí mật nào cho Nga”.

GIÁN ĐIỆP HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Qua các thông tin được phổ biến, các nhà phân tích đều nhận thấy hoạt động của những người bị cáo buộc là điệp viên như tài liệu đã mô tả là không bình thường.

1.- Các điệp viên được đào tạo và “Mỹ hóa” để hoạt động lâu dài

Theo tài liệu, các điệp viên đã được cơ quan tình báo hải ngoại của Nga (SVR), trụ sở tại Moscow Center, đào tạo để moi thông tin trong giới làm chính sách ở Mỹ. Những người này đã được chỉ thị thu thập nhiều loại thông tin, bao gồm thông tin về vũ khí hạt nhân, chính sách đối ngoại và sinh hoạt chính trị ở quốc hội Hoa Kỳ.
Trước khi rời Nga, họ được cho sử dụng các giấy tờ tùy thân của những người đã chết và được chỉ đạo "Mỹ hóa" để thực hiện các hoạt động lâu dài. Họ được đảm bảo cho học hành, được cấp tài sản, xe hơi, nhà cửa... để có thể “hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và phát triển quan hệ trong giới làm chính sách ở Mỹ và gửi thông tin về". Một số người đã được theo đuổi bậc đại học ở Mỹ, làm việc và tham gia các hiệp hội nghề nghiệp. Có người còn có con với nhau.

2.- Hoạt động của các điệp viên

Có thể nói, đa số các hoạt động của các điệp viên được tiết lộ đều rất vớ vẫn.
Họ được giao nhiệm vụ quan hệ với một số khoa học gia, các nhà tài chánh và chính trị Mỹ để lấy tin tức, tài liệu, chẳng hạn như:
Quan hệ mật thiết với một nhà khoa học Mỹ tham gia thiết kế bom phá boongke và là một cựu viên chức tình báo.
Cô Cynthia Murphy có nhiệm vụ gặp riêng một chuyên gia tài chính ở New York. Ông ta là người đã từng tham gia tích cực vào các hoạt động gây quỹ và là bạn của một viên chức nội các không được nêu tên. SVR khuyến cáo Cynthia Murphy: "Có thể ông ta sẽ giúp cung cấp những thông tin về chính sách ngoại giao của Mỹ, nói chuyện về Tòa Bạch Ốc hay mời cô tới những nơi như trụ sở của đảng ở New York",
Vào tháng giêng năm 2009, Richard và Cynthia Murphy được yêu cầu cung cấp thông tin tại sao Tổng thống Barack Obama lại hoãn chuyến thăm Nga vào mùa hè năm đó. Họ cũng phải tìm hiểu quan điểm của Mỹ xung quanh hiệp ước cắt giảm vũ khí START và phương hướng mà Washington sẽ theo đuổi trong việc đối phó với chương trình nguyên tử của Iran. Họ còn được yêu cầu gửi thông tin về nhân thân của những viên chức Mỹ có thể tháp tùng Obama hoặc tham gia vào việc làm chính sách ngoại giao.
Một nghi can khác ở Massachusetts đã liên lạc với một người làm trong trung tâm nghiên cứu về vũ khí nguyên tử của Chính phủ Mỹ và tìm hiểu về các chương trình nghiên cứu liên quan đến các đầu đạn nguyên tử loại nhỏ dùng vào việc phá hầm ngầm sâu dưới đất.
Cô Anna Chapman, 28 tuổi, đã được truyền thông Mỹ gọi là “nhan sắc tử thần,” sau khi cô bị bắt và 90 tấm ảnh của cô xuất hiện trên trang Facebook cho thấy cô có mặt nhiều nơi trên thế giới, chung quanh là giới thượng lưu của nhiều giới xã hội Nga, Anh và Mỹ. Cô được truyền thông chú ý nhất vì là nhân vật xuất hiện y hệt như các nữ điệp viên trong phim James Bond: Đẹp, triệu phú, có bằng cao học kinh tế. Cô làm chủ một công ty địa ốc trên mạng có tên Property Finder Ltd. Cô sống trong một căn chung cư ngay ở khu thương mại Manhattan. Trước tòa Mỹ, luật sư của cô nói công ty của cô trị giá khoảng 2 triệu USD.
Hôm 27/6, một nhân viên chìm của FBI ở New York và một nhân viên khác ở Washington, đã đóng giả là nhân viên tình báo Nga, gặp nghi can Anna Chapman ở một tiệm ăn tại New York và nghi can Mikhail Semenko ở một góc đường cách Tòa Bạch Ốc vài khu phố. Họ giao cho hai người này tài liệu tình báo để chuyển đi. Chỉ có Semenko thực hiện, còn Chapman nghi ngờ nên không chuyển.

3.- Cách thức liên lạc

Các điệp viên đã sử dụng phần mềm mã hóa thông tin tinh vi qua hình ảnh đăng lên các trang web công cộng để chuyển tải thông điệp về Moscow. Những hình ảnh này thoạt nhìn chẳng có gì đáng chú ý nhưng chứa những thông điệp tình báo và chỉ được giải mã bằng một phần mềm đặc biệt. FBI cho biết đã thu giữ những đĩa có mật khẩu tại nhà các nghi phạm và phần mềm đặc biệt nói trên.
Các điệp viên cũng liên lạc với người quản lý của họ bằng việc dựng một mạng lưới không dây giữa hai chiếc máy tính xách tay. Trong một trường hợp, một nghi phạm làm việc trên laptop ở một quán cà phê trong khi một viên chức Nga lái xe bán tải đi qua, cho phép họ trao đổi dữ liệu.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Hôm 28.6.2010, Phụ tá biện lý Mỹ Michael Farbiarz khi phát biểu trước Tòa liên bang ở Manhattan, đã gọi việc truy tố 11 người vừa bị bắt chỉ là "phần nổi của tảng băng" về âm mưu của cơ quan tình báo Nga SVR, hậu thân của KGB, nhằm thu thập tin tức chiến lược về Mỹ.
Ngày 29.6.2010, Nga đã lên án việc bắt giữ những người này như một hành động đi ngược về thời Chiến tranh lạnh và một số nhà lập pháp cao cấp ở Nga nói rằng có thể ai đó trong chính quyền Mỹ muốn phá hoại mối quan hệ thân thiện giữa Tổng thống Obama và Moskva.
Các nhà phân tích cho rằng vụ án gián điệp này có nhiều điều không thực tế và nghịch lý vì những lý do sau đây:
1.- Các điệp viên đã hoạt động với những phương pháp đã lỗi thời của thập niên 70 ở thế kỷ trước.
2.- Mạng lưới tình báo có vẽ được tổ chức rất chặt chẽ, lên kế hoạch rất sát sao, nhưng dường như chẳng mang lại hiệu quả. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết các điệp viên này đã không chuyển giao thông tin bí mật nào cho Nga.
3.- Các điệp viên muốn lấy tin tức từ Washington, nhưng lại nằm xa thủ đô Washington, như ở Massachussetts hay New Jersey.
4.- Thông thường các điệp viên hoạt động theo tổ tam tam hay đơn tuyền, trong khi 11 điệp viên của Nga bị phát hiện đã hoạt động chung trong một cụm lớn. Ông Nikolai Kovalev, cựu Giám đốc FSB (tức cơ quan tình báo quốc nội của Nga) đã nhận xét::
"Bất kể một điệp viên chuyên nghiệp nào cũng sẽ cười phá lên khi biết rằng 11 người mà phía Mỹ cho là gián điệp lại làm việc cùng nhau. Một điệp viên chỉ kết nối với một người khác, đó là nguyên tắc vàng đối với tất cả các điệp vụ trong tất cả các cơ quan tình báo của bất cứ quốc gia nào".
Chuyên gia Lucas nhận xét:
“Tôi cho rằng hoạt động gián điệp không phải là nhiệm vụ chính của họ. Họ là những điệp viên “ngủ”, những người tạo ra cho mình một vỏ bọc hợp pháp đáng tin cậy. Những người như vậy thường thu thập thông tin cần cho những điệp viên khác đang hoạt động gián điệp thực sự”.
Có lẽ quan điểm của Lucas là đúng. Nhóm điệp viên bị bắt chỉ là mặt nổi, có nhiệm vụ hổ trợ cho các điệp viên chuyên nghiệp đang hoạt động đàng sau. Rất nhiều người tin rằng cơ quan an ninh Hoa Kỳ bắt các điệp viên cắc ké này không phải là để phá vở mạng lưới tình báo của Nga tại Mỹ, mà chỉ để trao đổi 4 điệp viên quan trọng của Mỹ đang bị Nga bắt giữ.

BỐN ĐIỆP VIÊN QUAN TRỌNG CỦA MỸ

Chuyện trao đổi điệp viên đã xẩy ra nhiều lần trong quá khứ như: Vụ Mỹ trao đổi Đại tá KGB Rudolf Abel của Nga để lấy Gary Powers, người điều khiển chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Liên Xô năm 1960. Vụ Mỹ trao trả gián điệp Liên Sô Gennadiy Zakharov, một nhân viên của phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York, để lấy ký giả Mỹ Daniloff. Vào năm 1985 đã xẩy ra một vụ trao đổi gián điệp lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh: 23 người phương Tây bị phạt tù vì hoạt động gián điệp ở Đông Đức và Ba Lan được trả tự do để đổi lấy 4 điệp viên cộng sản Đông Âu, trong đó có Marian Zacharski, gián điệp nổi tiếng nhất của Ba Lan, v.v.
Trong vụ gián điệp nói trên, Nga cũng đã đồng ý trao đổi 4 điệp viên của Mỹ để lấy các điệp viên vừa bị bắt. Tin của Ria Novostin ngày 10.7.2010 cho biết chiếc phi cơ chở 10 điệp viên Nga đã trở về Washington sau khi trao đổi điệp viên với người Nga. Nơi trao đổi là thành phố Vienna ở Áo. Sau đây là những nét đại cuơng về 4 điệp viên Mỹ được Nga trao trả:

1. Điệp viên Igor Sutyagin

Igor Sutyagin, một chuyên gia vũ khí hạt nhân, gốc Nga, năm nay 45 tuổi, bị an ninh Liên bang Nga bắt giữ vào tháng 10 năm 1999 khi đang đảm nhiệm vai trò một chuyên gia kiểm soát vũ trang của Nga. Năm 2004, ông đã bị truy tố về tội phản bội tổ quốc vì đã bí mật chuyển giao các thông tin được cơ quan an ninh Nga xếp loại cho một công ty của Anh mà Moscow xác định là bình phong của CIA. Mặc dầu không nhận tội, ông đã bị tuyên án 15 năm tù.

2. Điệp viên Sergei Skripal

Sergei Skripal năm nay 59 tuổi, cựu đại tá phục vụ trong cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Năm 2004, ông bị bắt giam vì có liên hệ, tiếp xúc bí mật với nhân viên ngoại giao Anh. Y thừa nhận đã tiết lộ thông tin về hàng chục đồng nghiệp cũ như điểm gặp gỡ, địa chỉ, mật khẩu...    
Theo tờ Kommersant của Nga, Sergei Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD vì “công trạng” cung cấp cho Anh thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.
Năm 2006 Sergei Skripal bị kết án 13 năm tù về tội hoạt động gián điệp cho Anh.

3. Điệp viên Alexander Zaporozhsky

Alexander Zaporozhsky là một nhân viên cao cấp của SVR, bị kết án 18 năm tù vào năm 2003 về tội phản bội tổ quốc.
Alexander Zaporozhsky đã từng đảm nhận chức vụ Cục phó Cục nghiên cứu Mỹ của SVR và bị bắt vì đã chuyển giao các tài liệu có chứa thông tin về hoạt động của các cơ quan tình báo Nga ở ngoại quốc. SVR đã theo dõi ông và trong một chuyến đi Argentina vào năm 1994, SVR thấy ông đã tiếp xúc với người của CIA. Năm 1997 ông tự động bỏ nơi công tác, rời Nga đến Mỹ sinh sống. Năm 2001, ông đã bị mật vụ Nga bí mật bắt và dẫn độ về nước. Các kết quả điều tra cho thấy Alexander Zaporozhsky đã chuyển nhiều thông tin bí mật về hoạt động của cơ quan tình báo Nga cho Mỹ. Thậm chí ông đã cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Robert Hanssen và Aldrich Ames, hai điệp viên hai mang trong đội ngũ tình báo Mỹ.

4. Điệp viên Gennady Vasilenko

Thiếu tá Gennady Vasilenko từng là một viên chức quan trọng của KGB. Năm 1988 ông bị bắt tại Havana, Cuba, và đưa về Moscow thẩm vấn vì có quan hệ với Jack Platt, một viên chức CIA ở Washington. Nhưng sau 6 tháng bị giam giữ, ông được phóng thích.

Năm 2005 ông bị bắt về tội buôn bán vũ khí của quân đội một cách bất hợp pháp. Năm 2006 ông bị kết án 3 năm tù về tội sở hữu vũ khí trái phép và chống chính quyền khi làm trưởng phòng an ninh cho đài truyền hình NTV của Nga.

TÌNH BÁO TRONG CĐNVHN?

Chúng tôi nhớ lại, vào sáng 29.10.2003, ba nhân viên FBI đã đến nói chuyện với các nhà báo ở Little Saigon, báo động về việc nhà cầm quyền CSVN đã gởi nhiều cán bộ tình báo sang Hoa Kỳ để thâu nhận tin tức. Với những tin tức này, CSVN có thể dùng để tuyển mộ những người làm việc có lợi cho trong nước, dù những người đó vô tình không biết. Tôi nhớ ký giả Đỗ Sơn có hỏi rằng theo FBI, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có những nhược điểm nào khiến CSVN dễ xâm nhập, một nhân viên FBI nói rằng một trong những nhược điểm quan trọng nhất là sự chia rẽ.

Sau đó, FBI đã cho phổ biến một Thông Báo yêu cầu những ai trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ biết được các hoạt động tình báo của cộng sản nằm vùng tại Hoa Kỳ xin viết thư về số 180 Grant Ave. suite 1100, Oakland, CA 94162, hay gọi điện thoại số (510) 451 – 9782.

Tuy nhiên, vì FBI quên dạy cho người Việt chống cộng biết theo quốc tế công pháp và theo luật pháp Hoa Kỳ thế nào là gián điệp, nên chỉ một thời gian ngắn FBI đã nhận được vô số đơn tố nhau là tay sai cộng sản hay gián điệp cộng sản, nhưng chẳng có ai thật sự là điệp viên cộng sản cả! Vì thế, FBI lại phải mở họp báo, quỳ xuống nói với người Việt chống cộng, đại khái như sau: ““Chúng con lạy qúy cụ, xin quý cụ đừng gởi đơn tố cáo cho chúng con nữa. Chúng con mệt lắm rồi!”

Một viên chức FBI kể lại, họ có nhận được một lá đơn tố cáo ông Bùi Bỉnh Nghi, chủ nhiệm tờ Việt Nam Thời Báo ở San José là đặc công cộng sản nằm vùng, vì trên báo của ông ta có khi viết là thành phố Hồ Chí Minh, thay vì đổi lại thành thành phố Sài Gòn! Sau đó, FBI tuyên bố hủy bỏ Thông Báo nói trên.

Mặc dầu Thông Báo nói trên đã bị hủy bỏ từ lâu, nhưng người Việt chống cộng vẫn còn đem ra để hù nhau, và thỉnh thoảng mở báo hay Internet ra vẫn còn thấy tố nhau là “gián điệp cộng sản nằm vùng”! Thì ra Thông Báo của FBI đã góp phần không ít trong việc biến cộng đồng người Việt tỵ nạn thành “CỘNG ĐỒNG NÓN CỐI”!

Nhiều người nghĩ rằng lâu lâu Mỹ cho công bố một vụ án gián điệp như vụ án nói trên, người Việt chống cộng sẽ hiểu rõ hơn thế nào là gián điệp. 

Ngày 13.7.2010
Lữ Giang