Nguyệt Quỳnh
Nhưng lửa của tình yêu khi tức giận
Sẽ ra tro mọi lồng cũi mọi ngai vàng
Và những tên bạo chúa khôn ngoan
Hết ảo tưởng thôi van xin chờ đợi
Lửa sẽ bừng lên tự soi sáng cho mình
(Mấy đoạn thơ về lửa - Lưu Quang Vũ)
Sẽ ra tro mọi lồng cũi mọi ngai vàng
Và những tên bạo chúa khôn ngoan
Hết ảo tưởng thôi van xin chờ đợi
Lửa sẽ bừng lên tự soi sáng cho mình
(Mấy đoạn thơ về lửa - Lưu Quang Vũ)
Những câu thơ trên dường như diễn tả đúng nhất tâm tình và hình ảnh những ngọn đuốc sống của các nhà sư Tây Tạng. Người ta nghe thấy những tiếng hô dõng dạc của họ hoà vào trong ngọn lửa: “Tự do cho dân tộc Tây Tạng!”; “Trung Quốc hãy chấm dứt đàn áp dân Tây Tạng…” Ngọn lửa đầu tiên bùng lên là ngọn lửa của vị sư trẻ mới 21 tuổi.
Mặc đù đối với giáo lý phật giáo, sự sống của con người, của muôn vật đáng quí vô cùng. Sự tự thiêu hàng loạt của các nhà sư này chứng tỏ điều họ cần còn đáng quí hơn chính cả mạng sống của họ. Và như những câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Phút đốt cháy là phút nảy mầm, con người trao lửa cho nhau, từ những lồng ngực tròn căng…” Tất cả đều còn rất trẻ, vị sư đầu tiên tự thiêu vào đầu tháng ba năm 2011. Kế đến tại tỉnh Tứ Xuyên, sư Tsewang Norbu 29 tuổi, với quyết tâm không để ai cứu chữa, vị sư này đã uống xăng rồi mới tẩm xăng bên ngoài và tự mình châm lửa đốt. Những cuộc tự thiêu như thế cứ tăng nhanh dần, người thứ chín là một ni cô mới tròn 20 tuổi tại thành phố Aba, người thứ 12 là sư Dawa Tsering 38 tuổi từ tu viện Ganzi. Đây là những hy sinh vô cùng cao quí nhưng cũng cho thấy sự vô cùng tuyệt vọng của những người bị trị dưới bàn tay đẫm máu từ Bắc Kinh, đặc biệt từ thời Hồ Cẩm Đào nắm chức Bí thư Tỉnh ủy Tây Tạng. Chính nhờ công “bình ổn” Tây Tạng đó mà họ Hồ được Đặng Tiểu Bình gọi về thủ đô để chuẩn bị cho lên ngôi “bình ổn” toàn nước Tàu.
Ngài Karmapa, vị sư cao cấp của Phật Giáo Tây Tạng, người thân cận với Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Mỗi bản tin về tự thiêu từ Tây Tạng gửi ra làm tràn ngập tim tôi những đau đớn”. Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng cũng không tán đồng việc tự thiêu này. Ngài nói với đài BBC trong một cuộc phỏng vấn rằng những hành động như vậy đòi hỏi sự dũng cảm rất nhiều nhưng mang lại rất ít hiệu quả vì Trung Quốc càng đàn áp mạnh hơn. Ngài nói rằng chỉ có “dũng” sẽ không đủ và người Tây Tạng cần phải dùng “trí” nữa. Nhưng ngài cũng cho rằng dưới chính sách cai trị “diệt chủng văn hóa” khắc nghiệt của nhà cầm quyền Trung Quốc, người dân Tây Tạng đã phải dùng phương pháp này chỉ vì tuyệt vọng.
Nét đặc thù văn hoá của dân tộc hiền hoà này được thế giới biết đến qua những bức tranh cát tuyệt hảo Mandala. Các nhà sư Tây Tạng đã bỏ hàng giờ có khi lên đến hàng tuần để hoàn tất một bức tranh cát. Nhưng ngay sau khi hoàn thành, họ lại xoá sạch ngay những bức tranh ấy. Sự xoá sạch những công trình này để thuyết phục người xem về bản chất vô thường của muôn sự vật trên thế gian này, dù có sặc sỡ, hoành tráng đến đâu đi nữa. Các tín đồ phật giáo Tây Tạng tự coi bản thân họ là một Mandala, vạn vật, kể cả chính họ là một vị Phật tiềm năng. Sau khi xoá, cát trong tranh được gom lại đựng vào trong một cái bình và được mang đến một dòng sông. Họ đổ cát ấy xuống dòng sông để sông mang cát ra đại dương, mang đi khắp thế giới hầu mong mang lại hòa bình và sự hài hòa cho cả hành tinh con người.
Hàng loạt các vụ tự thiêu của những con người nhân ái ấy đã làm rung động trái tim thế giới. Thế nhưng Trung Quốc lại gọi những hành động này là một loại “khủng bố”. Trong khi đó, các trò man rợ của công an đối với dân chúng Tây Tạng, đặc biệt là đối với thân thể các ni cô trong ngục tù, lại được ca tụng là công trạng bình ổn xã hội.
(Cách hành xử ngược ngạo này làm người ta nhớ tới cảnh những kẻ bán nước tống người yêu nước vào “cơ sở giáo dục” tại Việt Nam hiện nay; hoặc cảnh những nhóm công an thường phục và đầu gấu khủng bố thật các giáo dân, thậm chí ném mìn vào nhà Nguyện, thì được khen thưởng và trả tiền, trong lúc các nhóm công an sắc phục đốt hàng tỷ đồng để thu hình tập trận phòng chống khủng bố tưởng tượng).
Cũng có người đặt câu hỏi: tại sao ở Tunisia chỉ một vụ tự thiêu đã khiến toàn dân đứng dậy, trong khi tại Tây Tạng đã có đến 12 vụ tự thiêu mà ngọn lửa cách mạng vẫn không bùng lên được? Sự kiện này có thể nói bắt nguồn từ hai lý do chính. Lý do thứ nhất là đất nước Tây Tạng còn bị công an Trung Quốc xiềng xích quá chặt. Và cùng với công an là con số dân chúng người Hán được đưa qua để thực hiện chính sách đồng hoá. Số dân Hán này hợp tác chặt chẽ với công an để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Do đó, cần phải có những bước giữa để nong rộng bớt vòng xích hiện nay trước đã, qua các hành động bất bạo động. Lý do thứ hai, tuy cách thức tự thiêu, dù cao quí, vẫn rất khó thành công vì số đông người Tây Tạng không thể bắt chước được. Yếu tố số đông khó có thể đạt được qua cách thức này, trong khi các cuộc cách mạng thành công tại Á Rập đã chứng minh vũ khí chiến lược này để đối đầu với một chế độ độc tài. Người dân tay không cần những cách thức dễ hơn để kết thành số đông.
Chuyện Tây Tạng cũng nhắc dân tộc Việt về số phận tương lai của mình nếu tiếp tục con đường hiện tại. Ngày Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ hai không còn là một dự đoán. Tai họa ấy đang diễn ra trong tiệm tiến và hòa bình. Đây mới là thứ “diễn biến hòa bình” đúng nghĩa! Nhìn về lãnh thổ, Trung Quốc đã lấy gọn Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và nhiều vùng đất dọc theo biên giới, chưa kể các vùng rừng cho không dưới danh nghĩa “cho mướn nửa thế kỷ”; Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển chung quanh 2 quần đảo này đã trở thành “sân sau” của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, mượn tiếng khai thác bôxít tại Tây Nguyên họ đã đưa hàng ngàn người Trung Quốc lên “nóc nhà của Đông Dương”. Hàng trăm các hãng thầu Trung Quốc với hàng trăm ngàn người Hoa lập các khu riêng với bảng hiệu, tiền tệ mua bán, và sinh hoạt như đang sống tại Tàu. Thế vẫn chưa đủ, lãnh đạo Hà Nội còn cho xây hẳn những vùng chuyên biệt của người Hoa trên khắp các tỉnh, từ Nam chí Bắc. Hình ảnh lá cờ sáu sao trên tay các em bé Việt Nam khi đón Tập Cận Bình là hình tượng rõ nét nhất về một đất nước Việt Nam tương lai mà Bắc Kinh muốn nhìn thấy và Hà Nội đã vâng chịu.
Cái
vòng kim cô của Trung Quốc đã nằm sẵn trên đầu nhưng kẻ lãnh đạo đất
nước Việt Nam. Những ngày cuối năm, bản tin về các bản án tù dành cho
người yêu nước cứ dồn dập, các thanh niên công giáo đã bị bắt cóc và
đang bị bắt cóc mỗi ngày. Muốn hay không muốn thì bóng đêm đen tối của
đất nước cũng đang đến gần. Điều khác thường xảy ra chỉ có thể được
quyết định bằng chính sự dũng cảm của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có đem
được một mùa xuân đích thực cho quê mẹ như dân tộc Tunisia, Ai Cập hay
không là chọn lựa của chính chúng ta. Và phương thức đấu tranh xem ra
khả thi và hữu hiệu nhất ở giai đoạn này vẫn là phương pháp đấu tranh
bất bạo động. Đã có rất nhiều dân tộc chọn phương thức đấu tranh này,
đặc biệt trong suốt nửa thế kỷ qua, và đã thành công.
Những ngọn lửa tự thiêu ở Tây Tạng làm tôi chợt nhớ đến Lưu Quang Vũ. Anh là một nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa. Anh đã thắp lên ngọn lửa của chính mình ngay từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Tôi yêu vô cùng ngọn lửa của Lưu Quang Vũ — ngọn lửa không phải được đốt lên từ thân xác mà từ hành động. Ngọn lửa đó dường như đã được chuyển trao từ bao thế hệ cha ông:
“Nhân dân có gì giống lửa phải không anh.
Gió bão ngàn đời vẫn nối nhau chẳng tắt…”