Nguyễn Dương
Xin mượn ý của một câu khá nổi tiếng của nhà báo Huy Đức (Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen) để làm cái tựa của bài viết này vì có lẽ không có cái tựa nào hay hơn nữa.
Việc
nhà báo Hoàng Khương (HK) bị cơ quan công an Tp HCM khởi tố và bắt tạm
giam vì tội “đưa hối lộ” đã làm rúng động dư luận trong và ngoài nước và
dần dần cái tội của HK được công an lộ ra với hai “phạm trù” tội danh
chính là: “Gài bẫy công an”, “Lợi dụng cương vị của mình nhằm ép Huỳnh
Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi vi phạm pháp luật”.
Trước
hết phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên nhà báo HK viết bài
điều tra theo kiểu “gài bẫy” như vậy. Các đồng nghiệp đã thống kê trong
khoảng 3 năm trở lại đây, HK đã viết gần 40 bài điều tra với cách khai
thác tư liệu theo kiểu này.
Điểm đáng chú ý
trong các bài điều tra của HK là “bắt tận tay, day tận trán” với những
đoạn ghi âm, hình ảnh không thể chối cãi của kẻ nhận hối lộ, tham ô. Anh
còn ghi rõ đích danh tên, cấp bậc (có nhiều sĩ quan cấp tá) của đối
tượng nhận hối lộ lên trên mặt báo. Chính HK lần đầu tiên trong giới báo
chí lề phải đã công khai gọi cảnh sát giao thông còn ghê hơn cướp cạn.
Chính nhờ dám dấn thân, chấp nhận nguy hiểm nên HK đã có những bài viết
mà chứng cứ, tư liệu đủ sức thuyết phục ngành công an đuổi khỏi ngành,
thậm chí khởi tố hàng loạt cán bộ chiến sĩ của mình (mặc dù rất đau và
cay cú). Thử hỏi nếu chỉ viết làng nhàng như một số tờ báo khác, lấy tư
liệu theo kiểu vô thưởng vô phạt thì làm sao có thể vạch mặt được những
công an biến chất. Chính những bài báo được thực hiện theo cái cách của
HK đã làm cho báo Tuổi Trẻ nâng cao vị thế của mình, đáp ứng được mong
mỏi của dư luận, thực hiện tốt chức năng chống tiêu cực mà Đảng và Nhà
nước đang kêu gọi. Ngoài ra trong những loạt bài điều tra của HK có
nhiều bạn đọc đã biểu dương, ủng hộ nhà báo này, thậm chí có người còn
đề nghị trao tặng Huy chương tuổi trẻ dũng cảm, công dân tiêu biểu của
Thành phố…
Cũng nên nhớ rằng vấn nạn đòi
tiền mãi lộ, chạy hồ sơ vi phạm trong ngành CSGT ai cũng biết, đây được
xem là miếng mồi béo bở của ngành công an, đến nỗi có vị lãnh đạo cấp
tướng công an cũng phải thốt lên “Không biết ở ngoài đường có gì hấp dẫn
mà anh nào (công an) cũng xin ra đứng đường”. Bộ Công an, Thanh tra
Công an các tỉnh đều có lực lượng đặc nhiệm rải quân đi khắp nơi, dùng
nhiều biện pháp mật phục, trá hình để phát hiện cán bộ chiến sĩ của mình
tiêu cực. Nhưng hỡi ôi đã nhiều năm trôi qua chẳng thấy có mấy anh CSGT
nào bị phát hiện kỷ luật cả. Trên các diễn dàn Quốc Hội, trả lời báo
chí các tướng tá ngành công an đều than thở khó có thể điều tra, phát
hiện xử lý cán bộ chiến sĩ của mình vì khó tìm thấy bằng chứng. Tại sao
ngành công an có binh hùng tướng mạnh trong tay, nhiều chiêu trò độc
đáo, chỉ cần hai bao cao su đã qua sử dụng cũng có thể bắt người mà lại
không tóm được một đồng chí CSGT nào cả!
Và
chúng ta cũng thừa biết để có những bằng chứng, tư liệu đắt giá thì HK
cần phải sử dụng những đòn phép của riêng mình. Vỏ quýt dày phải có móng
tay nhọn, muốn bắt cọp phải vào hang cọp và phóng viên HK đã dũng cảm
làm chuyện đó cho dù cách lấy tư liệu của anh đến nay vẫn chưa được xem
là chính thống!
Điều ngạc nhiên và khá buồn
cười là từ trước đến nay chẳng thấy ai nhắc nhở, tuýt còi HK. Ngay như
báo Tuổi trẻ, đơn vị chủ quản của nhà báo này vẫn chưa một lần nhắc nhở
anh phải cẩn trọng trong quy trình tác nghiệp của mình. Thậm chí HK đã
từng được trao giải nhì giải báo chí Tp HCM năm 2010 với loạt bài điều
tra “Trả giá chung chi”, phản ánh nạn nhũng nhiễu chung chi của Hải quan
Thành phố. Đáng nói là cách thức lấy thông tin cũng giống như đã thực
hiện trong bài điều tra “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.
Trở
lại với tội trạng “gài bẫy” công an, “Ép công an thực hiện đến cùng
hành vi vi phạm pháp luật” chúng ta thấy thật là một trò hề không hơn
không kém. Nếu theo lập luận kiểu này thì các anh CSGT giống như những
chú nai con ngơ ngác, những chú thỏ tội nghiệp bị gài bẫy, đưa vào tròng
một cách oan uổng. Xin thưa hổng phải vậy đâu. Họ chính là những thợ
săn thiện nghệ đó. Cứ hỏi các bác tài xế, những người đã từng bị CSGT
hỏi thăm sức khỏe thì sẽ biết. Chỉ cần thoáng thấy bóng dáng chiếc xe từ
xa, CSGT đã biết sẽ thổi phạt bao nhiêu lỗi, mức giá chung chi sẽ như
thế nào. Chỉ cần nhìn qua hiện trường là đã biết cần phải “điều chỉnh”
chỗ nào và kèm theo đó là bao nhiêu chai. Và những nạn nhân của họ thì
đừng hòng chạy thoát.
Công an bị "gài bẫy", bị ép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến cùng" một cách "oan uổng" như thế này đây
Cụ thể trong bài điều tra “CSGT giải cứu xe đua trái phép” của HK (Báo Tuổi trẻ 10/7/2011)
chúng ta thấy nguyên CSGT Huỳnh Minh Đức tuy chỉ là thượng úy nhưng đã
tác oai tác quái như thế nào. Qua cái cách Đức “bao” chạy hồ sơ, xử lý
vi phạm chúng ta thấy tay nghề của ảnh đã đến mức thượng thừa. Nhìn Đức
ngồi đếm tiền miệng lẩm nhẩm một chai, hai chai, ba chai… đến mười lăm
chai một cách ngọt xớt khiến ta phải lạnh người. Đúng là ghê hơn cướp
cạn.
Một “đòn lạ” mà công an đã thực hiện
trong vụ này đó là: Trong loạt bài điều tra mà HK thực hiện vào tháng
10/2011 dọc tuyến Bắc Nam về nạn mãi lộ, Thanh tra Bộ Công an và một số
công an các tỉnh có cán bộ chiến sĩ bị HK vạch mặt chỉ tên đã đến tòa
soạn báo Tuổi trẻ và phóng viên HK để xin mượn tư liệu, bằng chứng nhằm
phối hợp điều tra, xử lý quân mình. Nhưng thực chất đây chỉ là đòn phép
nhằm nắm bắt những biện pháp nghiệp vụ mà HK đã thực hiện, nhất là phát
hiện những người đã giúp anh là “chim xanh” thực hiện loạt bài điều tra
này. Và chính báo Tuổi trẻ cùng HK đã sập bẫy. Khi đã nắm được “thóp”
của HK thì công an đã ra tay. Thời cơ đến là lúc anh thực hiện tiếp loạt
bài nói ở trên. Thế là games over.
Ở đây
ngành công an đã không chơi đẹp và sòng phẳng. Nếu thực tâm muốn làm
trong sạch lực lượng thì ngành công an phải ghi công HK. Nếu xem đó là
sai sót của anh thì chỉ nên nhắc nhở phạt thẻ vàng, đằng này không chỉ
phạt thẻ đỏ đuổi khỏi sân mà họ còn quyết định treo giò vĩnh viễn. Đáng
nói là đã gần kề tết cổ truyền của dân tộc, vợ của HK bụng mang dạ chửa.
Không hèn hạ là gì.
Như vậy ngày đầu năm
2012, lực lượng công an đã thiết thực lập thành tích Mừng Đảng mừng Xuân
với chiến công khởi tố bắt tạm giam nhà báo HK, một cây bút chống tiêu
cực nổi tiếng trong làng báo chí Việt Nam. Từ đây chắc chắn sẽ chẳng còn
nhà báo nào dám đụng đến ngành công an và như vậy các anh CSGT cứ yên
tâm mà mãi lộ. Đó là cái được của ngành công an.
Vậy qua vụ này chúng ta mất cái gì?
Những
lời hiệu triệu chống tham nhũng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về
một bầy sâu mọt, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Đẩy lùi một bước
quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tệ tham nhũng” sẽ
trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Người dân sẽ không còn tin vào chế độ
khi mà lời nói không đi đôi với việc làm. Bi kịch hơn khi có người đã
nói bây giờ không phải là một bầy sâu nữa mà là một lũ dòi bọ.
Cộng
đồng thế giới sẽ nghĩ gì khi một phóng viên viết bài chống tiêu cực thì
vào tù còn những kẻ tham ô, nhũng nhiễu thì cứ tiếp tục nhởn nhơ và
ngày càng lớn mạnh. Vậy đất nước này có thực tâm chống tiêu cực, tham
nhũng hay không khi bịt miệng báo giới?!
Làng
báo chí Việt Nam đã mất đi một phóng viên dám dấn thân, không biết bẻ
cong ngòi bút. Và “nước mắt lề phải” cứ tiếp tục chảy trong sự cam chịu.
Là “sự ích kỷ của làng báo” khi những con cừu tội nghiệp sẽ tiếp tục im
lặng cũng chỉ vì miếng ăn. Tệ hơn nữa sẽ là “dậu đổ bìm leo” như cái
cách mà báo chí của ngành công an đưa tin hay câu phát biểu ngô nghê của
ông Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố, một người mà có thể chưa từng
đi viết bài điều tra lần nào.
Riêng báo Tuổi
trẻ sẽ mất đi một lượng độc giả khá lớn khi đem con bỏ chợ. Thậm chí
trên các diễn đàn cộng đồng mạng đã phát động phong trào tẩy chay báo
Tuổi trẻ.
Theo một đồng nghiệp rất thân
thiết với nhà báo HK cho biết thì cha của anh đã làm đơn gửi đến Chỉ
tịch nước, Tổng Bí thư để kêu oan cho con trai của mình. Nếu như không
được can thiệp ông sẽ tự thiêu trước tòa soạn báo Tuổi trẻ để phản đối
công an bắt giam con mình, một công dân đi đầu trong việc chống tiêu
cực.
Cái được và cái mất ở đây sao nghe chua xót quá.