Bà Bùi Thị Minh Hằng,
47 tuổi, bị công an bắt ngày 27 tháng Mười Một bên ngoài Nhà thờ Đức Bà
ở Thành phố Hồ Chí Minh với lý do bị cho là “gây mất trật tự công
cộng.” Khi đó, bà Hằng đang biểu tình trong im lặng để phản đối việc bắt
bớ những người tham gia biểu tình ôn hòa ở Hà Nội trong buổi sáng ngày
hôm đó. Ngay ngày hôm sau, công an đưa bà vào quản chế tại “cơ sở giáo
dục” không qua tòa án xét xử.
“Không
có gì để biện hộ cho hành động của chính quyền Việt Nam tống một người
biểu tình ôn hòa vào một nơi thực chất là trại cưỡng bức lao động,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Quản
chế Bùi Thị Minh Hằng không qua xét xử là biểu hiện ngang ngược của
việc coi thường nhân quyền đối với cá nhân bà Hằng cũng như bất chấp
điều khoản bảo đảm tự do ngôn luận được ghi trong chính Hiến pháp Việt
Nam.”
Bà
Bùi Thị Minh Hằng là một nhà vận động cho quyền lợi về đất đai, trong
thời gian gần đây trở nên nổi tiếng với tư cách một người phản đối chính
phủ Trung Quốc. Bà đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc chính
quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa diễn ra vào các ngày Chủ nhật từ tháng Sáu đến tháng Tám ở Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy
ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra lệnh quản chế hành chính bà Bùi Thị
Minh Hằng 24 tháng theo Pháp lệnh 44 về Xử lý Vi phạm Hành chính. Bà
Hằng không có cơ hội yêu cầu mở một phiên tòa xem xét lại lệnh trên.
Điều
25 của pháp lệnh cho phép các cán bộ đương chức có thẩm quyền rất rộng
để quản chế người khác với các lý do tùy tiện, không rõ ràng. Bất kỳ một
cá nhân nào cũng có thể bị đưa vào một “cơ sở giáo dục” nếu bị cho là
đã “thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước
ngoài, tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người
nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên
nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Luật
sư của bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Hà Huy Sơn, đã gửi đơn khiếu nại về
lệnh quản chế đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế
Thảo, trong đó phát biểu rằng việc bắt giữ và quản chế là trái luật.
Hiện vẫn chưa có phúc đáp cho đơn khiếu nại.
“Pháp
lệnh 44 cho phép công an và chính quyền địa phương trừng phạt những
người họ không ưa mà không cần qua thủ tục xét xử tại tòa án,” ông Robertson nói. “Đó
là một văn bản pháp luật nguy hiểm, khiến lời tuyên bố tôn trọng pháp
chế của chính phủ Việt Nam trở thành trò cười, nên cần phải bị bãi bỏ.”
Trong
quyết định đối với Bùi Thị Minh Hằng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội
cũng dẫn Nghị định 76, hướng dẫn cụ thể về việc đưa người vào “cơ sở
giáo dục.” Điều 30 của Nghị định này quy định những cá nhân bị đưa vào
“cơ sở giáo dục” phải “lao động mỗi ngày 8 giờ” và phải “hoàn thành định
mức lao động được giao.”
Điều
26 của Nghị định nêu trên trao quyền cho giám đốc cơ sở tùy tiện quyết
định việc gia hạn thời gian quản chế, nếu “người đã chấp hành xong quyết
định mà vẫn chưa thực sự tiến bộ.” Nếu người bị quản chế không hoàn
thành định mức lao động được giao, hay không vâng lời cán bộ cơ sở, có
thể sẽ bị kỷ luật vì không “tiến bộ” và bị giam giữ tùy tiện thêm một
thời gian nữa để “quản lý, giáo dục.”
Việt
Nam từng thẳng tay đàn áp những nhà vận động đã công khai lên tiếng chỉ
trích chính phủ Trung Quốc. Năm 2008, chín ngày trước khi ngọn đuốc
Olympic Bắc Kinh đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền bắt giam nhà
vận động Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), người viết blog phản đối
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như về nhiều
vấn đề khác. Sau đó ông bị kết án 30 tháng tù với tội danh trốn thuế
được ngụy tạo, rồi sau đó bị giam giữ bặt vô âm tín từ ngày 20 tháng
Mười năm 2010, đúng ngày mãn hạn tù và đáng lẽ phải được trả tự do.
Trong
tháng Mười một năm 2011, Việt Nam kết án Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành
năm năm tù giam vì đã phát sóng một chương trình phát thanh Pháp Luân
Công sang Trung Quốc. Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc, nhưng không bị
cấm ở Việt Nam.
Trước
lần bị bắt gần đây nhất, Bùi Thị Minh Hằng từng bị câu lưu ít nhất bốn
lần trong vòng năm tháng vì đã tham gia biểu tình. Bà bị bắt ngày 16
tháng Mười khi đang đi bộ cùng bạn bè quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội,
đội chiếc nón có dòng chữ HS-TS-VN, là những chữ viết tắt của “Hoàng Sa –
Trường Sa – Việt Nam.” Một số người mặc thường phục đã giật và hủy hoại
chiếc nón của bà. Khi bà gọi công an can thiệp, họ bắt luôn bà.
Bà
bị công an tạm giữ suốt từ ngày 16 đến 19 tháng Mười, và bà đã tuyệt
thực trong suốt thời gian đó. Trong ngày mồng 2 tháng Tám, bà cũng bị
câu lưu một thời gian ngắn vì đã đứng bên ngoài tòa án và ôn hòa ủng hộ
Ts. Cù Huy Hà Vũ, người đang chống bản án với tội danh “tuyên truyền
chống Nhà nước.”
Trung
Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác đều tuyên bố chủ quyền đối với
các đảo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lâu, chính quyền Việt
Nam rất nhiều lần tùy tiện bắt và giam giữ những người lên tiếng về các
vấn đề được cho là có tính nhạy cảm trong chính sách ngoại giao.
“Bắt
giam những người thể hiện quan điểm về quan hệ ngoại giao với các nước
láng giềng cũng là vi phạm nhân quyền không khác gì hành động bắt giữ
những người lên tiếng về những vấn đề trong nước,” ông Robertson phát biểu. “Quyền tự do ngôn luận bao gồm ngôn luận về cả những vấn đề trong nước lẫn quốc tế.”
Để biết thêm những báo cáo về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xin truy cập: http://www.hrw.org/asia/vietnam
Để có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406, hay robertp@hrw.org
Ở London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-7908-728333 (mobile); hay adamsb@hrw.org
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay siftonj@hrw.org