"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 24. August 2014

Hãy viết bằng những chữ hoa đẹp nhất


Thứ bảy, ngày 12 tháng chín 2009, trời lành lạnh như đã bắt đầu sang thu, nhưng mặt trời hình như cũng biết rằng, ngày hôm nay có gì đó cần quan tâm, nên cũng cố gắng xua đuổi những đám mây vần vũ, để chiếu xuống cảng Hamburg, một trong những hải cảng lớn và đẹp nhất trên thế giới, những tia nắng ấm áp. Gần đến trưa, thì khu vực đê của hải cảng Hamburg đã ngập kín người, tóc đen có, tóc vàng có. Họ đổ về từ nhiều nẻo đường của nước Đức: Từ München, từ Bá Linh, từ Reutlingen, Bergkamen, Bochum, Hannover … và dĩ nhiên từ Hamburg, trên tay họ là hai lá cờ phất phới, một cờ Đức, một cờ vàng ba sọc đỏ. Rạng rỡ, vui vẻ. Không phải chỉ vì họ được gặp lại những người thân quen và cũng không phải chỉ vì những con tàu to lớn bỏ neo nằm sừng sững trên hải cảng dưới ánh nắng tuyệt đẹp của ngày đầu thu. Họ đến để cùng biểu lộ niềm tri ân đối với chính quyền và nhân dân Đức, và đặc biệt là đối với Ủy Ban Cap Anamur, mà người sáng lập là tiến sĩ Rupert Neudeck.




Sáng kiến „một con tàu cho Việt Nam“ của Ủy Ban Cap Anamur với chuyến khởi hành đầu tiên từ hải cảng Kobe của Nhật Bản ngày 09 tháng tám 1979, đã cứu được tổng cộng 11.300 thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông, trong đó có 287 người trên Cap Anamur I, ngày 26.07.1982, và 375 người, Cap Anamur II, ngày 05.09.1986 đã được đưa trực tiếp về hải cảng Hamburg. Ngoài ra, cả ba con tàu đi cứu người vượt biển đều có cảng mẹ tại Hamburg. Những nỗi đau thương của thuyền nhân tỵ nạn cộng sản trên biển Đông do bão tố, hải tặc, đói khát… đã tạo nên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của dân Đức. Theo lời ông Neudeck thì cho đến thời gian cuối cùng của dự án „một con tàu cho Việt Nam“ vào năm 1986, tổng số tiền ủng hộ đã lên đến 29 triệu Đức Mã, tức là khoảng 15 triệu Euro. Đây quả nhiên là một số tiền khổng lồ. Nhưng nếu ta biết rằng, cho mỗi ngày hải hành, con tàu Cap Anamur đã phải tốn trên 10.000 Euro tiền xăng nhớt, lương thực, thuốc men, thuỷ thủ đoàn, bãi đậu và tiền thuê tàu, thì con số 15 triệu thực ra cũng là con số cần thiết.


Hôm nay, sau 30 năm, những con người được cứu ngày trước tụ họp lại để nói lời tri ân bằng một biểu tượng, được xây trên khu vực đê của hải cảng Hamburg, do sáng kiến của các thành viên Hội Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg. Một cuốn sách bằng đồng đúc, 80X60X15cm, viết bằng ba thứ tiếng Đức, Anh và Việt, ngỏ lời tri ân và ghi lại con số người Việt đã được cứu vớt khi trốn chạy tai họa cộng sản tại Việt Nam. Cuốn sách nằm trên một trụ đá hoa cương đen cao 130 cm trong một khu đất biệt lập rộng 50 mét vuông, được trồng cây rất thanh lịch và hai con sư tử đẽo từ đá hoa cương trắng đứng canh gác hai bên tượng đài, làm nổi bật nét Á Châu. Phía sau, ban tổ chức treo ba lá đại kỳ: Cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Đức đen đỏ vàng và cờ tiểu bang Hamburg nền đỏ và hình cổng thành Hamburg màu trắng. Bên dưới là tấm biển lớn nền vàng: „Danke Deutschland, Cap Anamur“ (tri ân nước Đức, tri ân Cap Anamur). Hình ảnh ba lá đại kỳ bay trong gió trên một hải cảng tiếng tăm của thế giới tạo nên một cảm giác thật lạ lùng Hồn thiêng sông núi như phảng phất trong hơi nắng của quê hương thứ hai, nhưng thân cận như quê hương thứ nhất. Sự có mặt của các chính khách cấp liên bang và tiểu bang, cộng thêm một số các cựu giới chức của Đức đã tạo nên không khí của một ngày hội lớn mang tầm vóc quốc gia.



Các chính khách liên bang là ông Wolfgang Schaeuble, bộ trưởng bộ nội vụ liên bang, ông Müntefering, chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD), ông Vaatz, phó chủ tịch nhóm dân biểu hạ viện liên bang của liên đảng Thiên Chúa Giáo Đức CDU/CSU. Các chính khách tiểu bang gồm có: bà Karin von Welck, bộ trưởng văn hoá thể thao và truyền thông của bang Hamburg; ông tiến sĩ Philipp Roesler, bộ trưởng bộ kinh tế lao động và giao thông của bang Niedersachsen, một bộ trưởng trẻ nhất của CHLB Đức từ trước đến nay, là người gốc Việt, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi từ một nhà trẻ tại Nam Việt Nam khi ông mới ba tuổi; ông Barmberger, bộ trưởng tư pháp của bang Rheinland Pfalz; ông tiến sĩ Albrecht, nguyên thống đốc của bang Niedersachsen, người đã khởi xướng việc nhận người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản vào nước Đức; ông Ulrich Klose, nguyên thống đốc của bang Hamburg; ông Freimut Duve, cựu thượng nghị sĩ, đặc trách khối Tự Do Ngôn Luận các quốc gia Âu Châu; ông tiến sĩ Rupert Neudeck, người sáng lập Ủy Ban Cap Anamur và Grünhelme e.V.; ông Harry Voss, chủ tàu Cap Anamur (em trai của cố chủ tàu Cap Anamur) và ông Aiman A. Mazyek, tổng thư ký hội đồng trung ương Hồi Giáo tại CHLB Đức (FDP), cũng như nhiều giới chức, thân hữu quan trọng Việt Đức và các giới truyền thông Việt Đức trong và ngoài nước. 


Trong bài diễn văn ông bộ trưởng liên bang Schaeuble đã khẳng định: „… sự có mặt của người Việt tại CHLB Đức đã làm phong phú hóa cho nước Đức…“ và „… là một thí dụ điển hình cho thấy rằng, đa nguyên và hội nhập không phải là mối đe dọa, mà là một cơ hội…“. Ông cũng khẳng định: „Tự do chỉ thật sự có giá trị, khi nó đứng vững được trong tình người“ ("Die Freiheit ist nur etwas wert, wenn sie sich in der Humanität bewährt."). 


Ông bộ trưởng gốc Việt Roesler trong bài nói chuyện đã cho biết rằng, ông đã bị những ngăn cản chính trị để đến tham dự lễ khánh thành tượng đài này. Nhưng ông phát biểu:„… người làm chính trị thường phải có lý khi hành xử. Nhưng có lúc họ phải làm điều đúng. Và vì thế mà tôi vẫn đến đây, trong tư cách chính trị!“ 

Chuyện gì đã xảy ra? 

Sau khi những người khởi xướng dự án xây tượng đài tại cảng Hamburg gửi thư đến chính quyền Hamburg vào cuối năm 2006, thì họ đã bị từ chối với lý do là trên cảng Hamburg đã có hai tấm bảng đồng của người Do Thái, tưởng niệm cuộc chạy trốn Đức Quốc Xã của người Do Thái thời đệ nhị thế chiến. Hai tấm bảng này có tương quan trực tiếp đến lịch sử của nước Đức. Việc dựng một tượng đài liên quan đến người tỵ nạn ở những vùng không thuộc nước Đức trên khu vực này, có thể bị hiểu lầm là (người ta) tìm cách tương đối hóa việc tiêu diệt người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã, nghĩa là làm cho nó không còn là độc nhất vô nhị, mà „chỉ là“ một tội ác như bao tội ác khác! Nhờ sự lên tiếng của mạnh mẽ của ông Neudeck, các vị cố vấn Đức và giới truyền thông nên cuối cùng chính quyền Hamburg đã chấp thuận. Sau những so đo, kèn cựa về hình thức, kích thước của tượng đài, cuối cùng kết quả được chấp thuận là cuốn sách đồng nằm trên trục đá như đã diễn tả phía trên. 

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Ngay sau khi cuốn sách đổng vừa được một nhà đúc đồng dưới miền Nam nước Đức hoàn thành và gửi về Hamburg, thì Ban Đại Diện của Hội Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg cũng nhận được thư của văn phòng thống đốc bang Hamburg mời đến để gặp gỡ. Họ muốn điều gì? Họ yêu cầu gạch bỏ chữ „cộng sản“ trên cuốn sách! Nghĩa là chỉ có chữ „tỵ nạn“. Và thay vào chữ „người tỵ nạn“ là chữ „người“; bỏ chữ tỵ nạn! Nói cách khác, theo ý họ thì trên tấm bia ngàn năm trơ gan cùng tuế nguyệt và với sự chứng kiến của hàng triệu triệu con mắt khách thập phương, sẽ ghi rằng: có một nhóm người Việt (11.300 người!), không hiểu vì lý do gì lang thang trên biển Đông và được tàu Cap Anamur của Đức cứu về!

Tại sao chính quyền Hamburg lại muốn như thế, khi cho đến thời điểm này, họ biết rằng, tượng đài kia, khác với hai tấm bảng đồng ghi bản án tội ác đối với người Do Thái, sẽ là một huy chương danh dự to lớn cho dân tộc Đức và cho Hamburg? Khó hiểu. Nhưng sau những qua lại gay gắt, thì ta biết „ai trồng khoai đất này“: Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức – và theo suy đoán của nhiều người thì cũng có sự tham gia của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng - đã làm áp lực ngoại giao để bắt buộc phủ thống đốc Hamburg phải tìm cách „tương đối hóa“ cái tượng đài khó chịu này! 

Thế nhưng họ đã lầm to. Trong lá thư gửi thống đốc tiểu bang Hamburg Ole von Beust ông Vaatz, phó chủ tịch nhóm dân biểu hạ viện liên bang của liên đảng Thiên Chúa Giáo Đức CDU/CSU, một chính trị gia gốc Đông Đức cũ, một người đã từng nếm mùi thiên đường „Xã Hội Chủ Nghĩa“, đã viết như sau: „Ich bitte Sie, diesen dreisten Zensurversuch Ihrer Behörde zurückzunehmen. Ich halte es für unerträglich, wenn in der Stadt Hamburg weltweit bekannt für Freiheitsliebe, Toleranz und Menschenwürde - ein Klima der Katzbuckelei vor menschenverachtenden Ideologien einziehen sollte, in der man Täter und ihre Verbrechen nicht mehr beim Namen nennen darf“. (Tôi đề nghị ông nên rút lại việc tìm cách kiểm duyệt trơ tráo do các cơ quan của ông. Tôi thấy đây là một điều không thể chấp nhận được, khi ngay tại Hamburg, một thành phố nổi tiếng thế giới về tinh thần yêu mến tự do, bao dung và nhân quyền, lại xuất hiện một bầu khí của sự khom mình như một con mèo nhỏ trước những học thuyết phản nhân tính, để rồi người ta không còn được phép nhắc đến tên của thủ phạm và những tội ác của chúng).


Và khi cấp trên giáng xuống một đòn chí tử như thế, thì hẳn nhiên phủ thống đốc không còn dám „khôn nhà dại chợ“ nữa, và chấp thuận cho Hội Tượng Đài Tỵ Nạn giữ nguyên văn bản cũ. Tưởng cũng nên nói thêm để hiểu rõ hơn mức độ cưỡng ép ngoại giao đến độ nào: Phủ thống đốc Hamburg đã ngỏ lời sẵn sàng trả hết mọi chi phí đúc lại cuốn sách đồng, và còn sẵn sàng đứng ra để lo chuyện đó nếu vì lý do thời gian cấp bách không thể giải quyết kịp cho đến ngày khánh thành. Khi đó còn đúng 5 tuần lễ! 

Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đây. Sau khi thử sức tại Hamburg không xong, „Đảng và nhà nước ta trong tinh thần duy ý chí“ lại mò mẫm đi tìm một con đường khác. Hai ngày trước khánh thành, Hội Tượng Đài Hamburg nhận được điện thoại của văn phòng bộ trưởng kinh tế bang Niedersachsen, hỏi cặn kẽ về nội dung viết trên bảng đồng; và dĩ nhiên không phản ứng gì sau khi biết rõ tự sự. 

Ngày 12.09.2009, bộ trưởng kinh tế, lao động và giao thông của bang Niedersachsen xuất hiện tại lễ khánh thành như đã hứa. Và ông tuyên bố: „… tôi đã bị sức ép từ nhiều phía, kể cả phía chính trị, yêu cầu không đến tham dự lễ khánh thành này…“. Nhưng ông đã làm điều đúng, như ông tuyên bố thẳng thừng, mặc dù ông biết rằng có thể sẽ gặp những khó khăn chính trị. Khó khăn ấy là gì? Thời gian tới, ông bộ trưởng dự định sẽ cùng một phái đoàn kinh tế sang thăm Việt Nam, để thương thảo một đề tài gì đó về tương quan kinh tế giữa Việt Nam và bang Niedersachsen. Và nhà cầm quyền Việt Nam đã nhỏ nhẹ khuyên ông là tốt hơn không nên đến Hamburg, vì nó có thể ảnh hưởng đến chuyến đi của ông! 

Bắt chước theo lề lối bên Mã Lai và Indonesia, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biết rằng, họ không thể ngăn cản con dân Việt ở nước Đức làm điều đúng, nhưng tìm mọi cách để „tương đối hóa“ việc làm này. Và như lời giải thích phía trên thì quả nhiên, sự cố gắng của họ cũng không phải là không có lý do. Nghe rất giản dị, nhưng hậu quả thì khôn lường! Có điều họ lại nhầm lẫn: đây không phải là một xứ sở độc tài. Những chính trị gia Đức không phải là những đảng biểu, nghị gật. Họ làm chính trị bằng tâm huyết, trí tuệ và bằng lương tâm trong sáng. Thêm vào đó, những người cộng sản đã sai khi đánh giá đối thủ: họ chỉ nhìn thấy sợi dây cũ nát là đám „Việt Kiều phản động“, nhưng không thấy được rằng, cuối sợi dây là con trâu mộng to tướng! Sự có mặt của các đại diện cấp cao nhất của chính quyền liên bang đã xác minh điều này.

Ông bộ trưởng liên bang, ông chủ tịch đảng cầm quyền SPD và một lô các bộ trưởng cùng rất nhiều quan khách Đức đã cùng nghiêm trang với 1.200 người Việt hướng về hai đại kỳ để cất cao bài Quốc Ca Đức và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa („quốc ca của một Việt Nam dân chủ“ như theo bài tường trình của tờ nhật báo lớn nhất nước „die Welt“). Nhiều người đã rơi lệ vì cảm động. Tất cả đã bồi hồi cất cao lời „…Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ! Công dân ơi mau làm cho cõi bờ thoát cơn tàn phá! Vẻ vang nòi giống xứng danh giòng giống Lạc Hồng“. Cõi bờ đang bị tàn phá thật sự bởi một nhóm người nhân danh một chủ thuyết không tưởng, nhưng vô lương, kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhưng đang dâng đất nước cho ngoại bang, coi đất nước là của riêng, coi dân mình là đầy tớ. Bài Quốc Ca hôm nay nghe giống như một lời hiệu triệu, vang lên giữa cái mênh mông của sóng nước với ánh nắng chan hòa, dưới một bầu trời tự do. Không cảm động sao được?

Ông Vaatz đã cho rằng, sự ra đi trốn chạy cộng sản của người Việt Tỵ Nạn những năm đầu thập niên 80 đã là khởi điểm cho sự sụp đổ của bức tường Bá Linh ô nhục và dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ các nước cộng sản tại Âu Châu vào đầu thập niên sau. Ông đã cám ơn người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản trong vai trò lịch sử này!

Còn chúng ta, những người Việt tỵ nạn, chúng ta nghĩ gì? 30 năm trời là một thời gian khá dài cho một lời „tri ân“. Nhưng dù sao, trễ vẫn hơn không! Khi được tin về dự án xây dựng một tượng đài tỵ nạn tri ân Cap Anamur và nước Đức tại Hamburg, hầu hết đều đã rất vui mừng. Sự ủng hộ vật chất và tinh thần từ khắp nước Đức và từ Mỹ, Úc đã chứng minh điều đó. Từ các cụ cao niên ở München (Munich) đã cặm cụi đứng ra tổ chức tiệc, văn nghệ, nấu nướng buôn bán, để lấy tiền gửi về Hamburg, cho đến các tổ chức bạn, từ tôn giáo đến văn hóa, đều tìm cách để quyên tiền cho quỹ tượng đài. 

Thế nhưng, bên cạnh những sự nhiệt thành trong sáng đó, thì lại xuất hiện một „khung cảnh tư duy“ khác. Có hai thái độ hầu như hoàn toàn trái nghịch đã xảy ra: Nhóm thứ nhất tìm cách để tránh né, vì cho rằng đó là „một việc làm chính trị, không nên nhúng tay vào“. Và khuyên răn người khác không nên tham gia. Những người thuộc thành phần này là những người có tiếng nói trong cộng đồng. Họ là những nhà lãnh đạo tôn giáo, là những người ít nhiều hoạt động tích cực trong cộng đồng. Và họ cũng là những người đã chịu ơn cứu tử của con tàu Cap Anamur, giờ đây cũng đang được sống trong tự do và no ấm trên quê hương thứ hai trao tặng cách nhưng không. Nhưng họ sợ. Tại sao? Bắc thang lên hỏi ông trời!

Cái thái độ thứ hai thì trái ngược hẳn. Họ đòi hỏi Hội Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg phải thêm vào tên hội hai chữ cộng sản chẳng đẹp đẽ gì. Họ đặt vấn đề với thành viên này, thành viên kia trong Hội, họ chụp mũ cho người này bất xứng, người kia thân cộng. Rồi họ bảo rằng họ sẽ không thèm đến tham dự vì „ông Neudeck cấm treo cờ. Ông Neudeck không cho hát Quốc Ca!“ Rồi họ tung ra đủ thứ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang không ít trong cộng đồng. Trong khi những người có trách nhiệm ngày đêm phải suy nghĩ nhiều chuyện khác nhau, phải bỏ thời giờ, tiền bạc để đi đây đi đó vận động, và có lần đã suýt mất mạng dọc đường, thì họ ngồi phê phán bâng quơ: „Tại sao khi làm chuyện này các anh không hỏi ý kiến cộng đồng?“ Họ định nghĩa „cộng đồng“ là họ, nên khi không được ai hỏi tới thì họ thấy phiền hà. Dễ hiểu. Họ đòi hỏi phải làm cái này, phải làm thế kia, mặc dù họ chẳng biết người ta làm gì cả! 

Đến đây, người viết lại nhớ đến dụ ngôn người Samariter nhân lành, mà ông Neudeck kể lại trong cuốn sách mới xuất bản của ông „Zwei Leben für die Menschlichkeit“ (hai cuộc đời cho nhân đạo). Ông viết rằng: „Một người đàn ông cùng vợ và hai con, một nhỏ một lớn, trên đường đi từ Giêrusalem đến Giêrichô. Đứa nhỏ nằm trên lưng anh thở hổn hển, lừ đừ mệt mỏi. Và họ sa vào tay bọn hải tặc. Những tên cướp lột trần người vợ, hãm hiếp bà trước mặt chồng và hai con, rồi để bà nằm đó dở sống dở chết. Chúng đánh trọng thương người chồng, rồi bỏ đi. Tình cờ có một thầy tư tế cũng đi qua con đường đó; ông nhìn thấy họ, nhưng vẫn tiếp tục đi. Và rồi cũng một luật sĩ đi ngang đó, ông nhìn nạn nhân, nhưng rồi cũng bỏ đi.
Có một người Samariter cùng với vợ cũng đi trên tuyến đường ấy. Khi họ nhìn thấy người đàn bà máu me bê bết và người chồng bị đánh, liền động lòng thương gia đình này. Họ chăm sóc cho người đàn đà bị hãm hiếp, băng bó vết thương và đưa người đàn bà lên lưng lừa, những người khác cùng khập khễnh theo về quán trọ. Ở đây họ đã lo lắng cho gia đình này có nơi nghỉ đêm và không phải trả đồng nào cả.
Hôm sau, người Samariter đưa ba quan tiền cho chủ quán và nói với ông: Hãy chăm sóc cho gia đình này chu đáo và nếu phí tổn nhiều hơn ba quan tiền thì khi trở về tôi sẽ trả đủ cho ông…“.

Một câu chuyện thật đẹp. Người Samariter sau khi giúp người kia đã lại lao đầu trở về với cuộc sống thường nhật, và có khi cũng không còn biết tên của những người mà ông đã cứu giúp.

Thế nhưng, nếu câu chuyện đó xảy ra nơi người Việt, thì nó có thể sẽ tiếp diễn như sau:

„Khi người Samariter trở về nhà và thuật lại câu chuyện tại Giêricho cho bạn bè chòm xóm. Thì lập tức có những tiếng bàn tán ngày càng ồn ào. Người thì cất tiếng chỉ trích: „Tại sao ông lại đi giúp những người kia? Chúng nó là Đông Âu, chúng nó là Việt Cộng!“ Một người khác có vẻ trí thức hơn giơ tay điềm đạm nói: „Tại sao khi làm việc đó ông không hỏi ý kiến cộng đồng?“. Kẻ khác có vẻ hung hăng hơn, lên giọng mạt sát: „Khi ông giúp chúng nó mà ông không treo cờ là ông khinh tổ quốc!“ vân vân và vân vân. Những lời qua tiếng lại làm nhức đầu chòm xóm. Trong sự phẫn nộ, mọi người quên mất không hỏi xem, ý kiến của người Samariter ra sao. Người Samariter thầm nghĩ: „Làm việc thiện thực ra cũng không đơn giản!“…

Ông bộ trưởng liên bang đã có lý khi nhấn mạnh: „Tự do chỉ thật sự có giá trị, khi nó đứng vững được trong tình người“. Ông hiểu rõ chân lý lấy từ câu truyện trên. Hai nhóm người vừa được nhắc đến đã không có khả năng để nhìn thấy mục tiêu chính của công việc, đó là sự cố gắng „viết bằng những chữ hoa đẹp nhất“ một lời tri ân.


Nắng đã giảm màu, trời đang kéo mây vần vũ, nhưng vẫn còn rất nhiều người vây quanh tượng đài để chờ chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Những tấm hình đẹp rồi sẽ phai. Dư âm của ngày lễ rồi sẽ mất. Tượng đài Tỵ nạn rồi cũng sẽ chỉ còn là một miếng đồng nằm chơ vơ trong sương gió không ai ngó ngàng tới. Nhưng món nợ ân tình sẽ mãi theo ta đến trọn đời.

„Hãy trang trọng viết bằng những chữ hoa đẹp nhất trên trang đầu quyển sách đời ta hai chữ Biết Ơn!“ Câu nói thật giản dị, nhưng âm vang như một mệnh lệnh. Bởi lẽ, khi con người đánh mất lòng biết ơn, thì khi đó có thể người ta cũng đang quên mất tình người. Tượng Đài Tỵ Nạn tại Hamburg chắc chắn chưa phải là „những chữ hoa đẹp nhất“, nhưng nó nhắc nhở đến khả năng thần kỳ của tình người trong sáng, không tính toán. Cám ơn Trời. Cám ơn người. Cám ơn sự tri ân.

JB Lê Văn Hồng
Hamburg những ngày đầu thu 2009

Đọc thêm:
>>> Con tàu và thuyền nhân tỵ nạn (1979)