Vietherald 05/25/2011
Tướng Đính: "Về ông Thiệu, tôi có thể nói ông là một người mưu lược. Ông cũng là vị sĩ quan đồng khóa với tôi, khóa I sĩ quan Đập Đá Huế. Tôi nghĩ cho tới giây phút ông ra đi về cõi khác, ông vẫn chưa có câu trả lời về cái chết của những thường dân vô tội do quyết định của ông bỏ rơi Huế, Đà Nẵng cũng như cuộc tháo chạy từ cao nguyên. Lẽ dĩ nhiên chúng ta nhìn nhận ông là người thực sự chống Cộng nhưng bên cạnh đó, ông vẫn là người phải gánh trách nhiệm trước quốc dân đồng bào."
Cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính, nhân vật đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam trước 1975. Năm 1963, trong cương vị Tổng trấn Saigòn-Gia Định kiêm chỉ huy quân đoàn III, tướng Đính đã đóng vai trò quyết định cho sự thành công của cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Tổng Thống Diệm. Sau đảo chánh, ông được vinh thăng trung tướng, giữ chức tổng trưởng bộ An Ninh, rồi nắm giữ tư lệnh quân đoàn I. Cuối cùng, ông đắc cử thượng nghị sĩ quốc hội cho đến lúc bỏ nước ra đi ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Nhân dịp tháng tư đen vừa qua, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc và được ông chia sẻ một số sự kiện lịch sử miền Nam trước khi xảy ra biến cố đau thương này. Dưới đây, chúng tôi ghi lại cuộc tiếp xúc cùng cựu Trung tướng Tôn Thất Đính như sau:
Việt Herald (VH): Kính chào Trung Tướng, nhân lễ Phật Đản 2555 tổ chức tại chùa Điều Ngự, là một tướng lãnh cao cấp, đồng thời một nhân vật chính trị từng tham gia nội các ở các chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng và cuối cùng là thượng nghị sĩ tại quốc hội VNCH trước năm 1975, ông cảm nhận có sự khác biệt về ngày lễ hôm nay so với những năm tháng còn ở quê nhà không?
Trung Tướng Tôn Thất Đính: Lẽ dĩ nhiên theo dòng thời gian, những ngày lễ được tổ chức có phần khác nhau. Năm nay, trong tinh thần ngày đại lễ Đản sinh đức Phật này, tôi ghi nhận thấy có phần náo nhiệt hơn, và ngày càng cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào phật tử được thể hiện tốt hơn. Những đố kỵ, chia rẽ, càng lúc càng bị đẩy lùi vào quá khứ. Tôi cũng hiểu rõ thêm Phật giáo hải ngoại đoàn kết hơn Phật giáo trong nước lúc này.
VH: Ngược dòng thời gian, nói về cuộc đảo chánh năm 1963, trung tướng nghĩ thế nào trước dư luận cho rằng ông đã đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt chế độ Tổng Thống Diệm trên sân khấu chính trường để dành lại tự do tín ngưỡng cho Phật Giáo?
TT Tôn Thất Đính: Nếu nói về mình, chắc không dám. Tuy nhiên, cho đến bây giờ và mãi mãi, tôi vẫn tự hào đã cứu được Phật giáo qua cơn pháp nạn thời đó.Tôi đã cân nhắc và nhận rõ điều này trước khi tham gia đảo chánh. Cũng nên hiểu và thành thật nhìn nhận là trong thời điểm ấy, Tổng Thống Diệm đã dành cho tôi nhiều ân huệ cũng như sự tin tưởng, trọng dụng tôi hơn hẳn nhưng viên chức tướng lãnh của chế độ thời đó.
VH: Trung tướng vừa nói “Chính ông đã cứu Phật giáo qua cơn pháp nạn,” vậy ông có thể trình bày cụ thể sự việc “Cứu” như thế nào không?
TT Tôn Thất Đính: Nếu ai còn nhớ rõ hiện tình Saigòn vào thời điểm 1963, hẳn đều biết đến một Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, ngoài việc đảm nhiệm phần hành chỉ huy quân đoàn III, tôi còn được Tổng Thống Diệm tin tưởng trao thêm chức vụ Tổng trấn Saigon-Gia Định. Mọi hoạt động quân sự trong địa bàn này đều trực thuộc dưới quyền điều động của tôi, điển hình như việc đưa lực lượng đặc biệt của Đại Tá Lê Quang Tung ra khỏi thủ đô Saigon là do sự chấp thuận cuối cùng của tôi. Đến nay, dư luận vẫn nhận rõ “Chỉ có tôi mới giúp đưa cuộc đảo chánh loại bỏ chế độ gia đình trị của Tổng thống Diệm đến thành công và đồng thời, cứu Phật Giáo qua cơn pháp nạn.”
VH: Ông vừa xác nhận “chính trung tướng Tôn Thất Đính đã đóng vai trò quan trọng việc đảo chánh năm 1963.” Vậy, ông có thể từ chối mình cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc “mưu sát” anh em cố Tổng Thống Diệm không?
TT Tôn Thất Đính: Tôi nhìn nhận về mặt tinh thần, tôi có phần trách nhiệm. Nếu không có đảo chánh, làm sao đưa đến cái chết của 2 anh em ông Diệm? Thế nhưng thật sự, trước lúc xảy ra biến cố này, tôi hoàn toàn không được cho biết. Ông Diệm đã vi phạm đến tự do tín ngưỡng của Phật giáo, là điều khó có thể chấp nhận được trong một quốc gia chủ trương tự do, dân chủ. Nhưng dầu thế nào, vẫn không nên quên chính ông Diệm là người đã có công khai sáng nền cộng hòa đầu tiên cho Việt Nam.
VH: Thiết nghĩ trong vai trò lãnh đạo đảo chánh, bắt buộc ông phải tiên liệu được sự kiện mưu sát anh em ông Diệm, có khả năng xảy ra rất nhiều. Nếu đặt lương tâm của vị tướng lãnh chỉ huy chiến dịch đảo chánh trước lịch sử thì với khả năng, quyền hạn của mình trong tay, ông có thể ngăn chận vụ “mưu sát” này không? Hay là ông không muốn ngăn chận?
TT Tôn Thất Đính: Tôi nhìn nhận “Có đủ khả năng ngăn chận” nhưng thật không ngờ, người chủ trương việc này lại là người cầm đầu cuộc đảo chánh. Nhân vật trực tiếp thi hành phần vụ sát hại anh em tổng thống lại chính là sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu cuộc đảo chánh. Tôi dù cũng nắm giữ vị trí then chốt nhưng trong thực tế, chỉ cầm quân đánh thành Cộng Hòa, dinh Độc Lập, nên thú thật lúc dầu sôi lửa bỏng, không có thời giờ suy nghiệm ra chuyện này. Khi biết thì chuyện đã rồi, chúng ta hãy để lịch sử phán xét. Là tướng lãnh chỉ huy, tôi chịu trách nhiệm cả về thành công cũng như thất bại và cả những rủi ro ngoài lượng định.
VH: 48 năm sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Diệm, ngày nay hồi tưởng lại, trung tướng có khi nào nhớ đã nhận tiền của tòa đại sứ Mỹ tài trợ cho các tướng lãnh tham gia đảo chánh không?
TT Tôn Thất Đính: Thật là quá oan ức. Đấy là luận điệu của những người nhiều ác ý. Cá nhân tôi chưa hề nhận bất cứ số tiền nào đến từ phía người Mỹ.
VH: Nếu ông không nhận, liệu có những người khác đã nhận không?
TT Tôn Thất Đính: Tôi không rõ, cũng không biết chuyện người khác.Tuy nhiên, người Mỹ họ không thiển cận để làm những việc bất hợp pháp như thế đâu. Phía người Mỹ đã thúc đẩy chúng tôi đảo chánh vì chính họ cũng chán ngán chế độ ông Diệm. Cho nên, nói trao tiền thì tôi không thấy. Điều mà sau này chúng tôi nhìn nhận đã có phần thiếu trách nhiệm là không đưa được đảo chánh đi đến thành công có ý nghĩa hay đem lại thành quả vững chắc. Việc miền Nam mất vào tay cộng sản cũng là do không đảm đương đúng trách nhiệm mà đồng bào giao phó cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, trong đó có tôi. Việc các tướng lãnh giành giật nhau, chia quyền, gây phân hóa quân đội là một trong những nguyên tố đưa đến sự thất bại ngày nay.
VH: Nhìn về những tướng lãnh ngày trước, trung tướng nghĩ gì về đại tướng Nguyễn Khánh?
TT Tôn Thất Đính: Ông Khánh được người Mỹ tín cẩn nhưng đã đi hơi quá. Ông ta không xứng đáng là quốc trưởng lãnh đạo quốc gia lúc đó.
VH: Về việc ra đi không trở lại Việt Nam của cố trung tướng Nguyễn Chánh Thi vào giữa thập niên 60, trung tướng nghĩ thế nào?
TT Tôn Thất Đính: Với tánh khí của tướng Thi, tôi nghĩ trước sau gì rồi cũng đến ngày ông phải ra đi như vậy thôi. Đối với tôi, tướng Nguyễn Chánh Thi có tính cách võ biền nhiều hơn. Ngay cả cuộc đảo chánh năm 1963, trên thực tế ông không phải là người chủ trương mà là một người khác.
VH: Thưa ông, là một thượng nghị sĩ của nền đệ nhị Cộng Hòa, ông có đánh giá nào về cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu?
TT Tôn Thất Đính: Về ông Thiệu, tôi có thể nói ông là một người mưu lược. Ông cũng là vị sĩ quan đồng khóa với tôi, khóa I sĩ quan Đập Đá Huế. Tôi nghĩ cho tới giây phút ông ra đi về cõi khác, ông vẫn chưa có câu trả lời về cái chết của những thường dân vô tội do quyết định của ông bỏ rơi Huế, Đà Nẵng cũng như cuộc tháo chạy từ cao nguyên. Lẽ dĩ nhiên chúng ta nhìn nhận ông là người thực sự chống Cộng nhưng bên cạnh đó, ông vẫn là người phải gánh trách nhiệm trước quốc dân đồng bào.
VH: Nếu tóm gọn đánh giá của ông vẫn trong vị thế là một thượng nghị sĩ của chế độ cho đến những ngày cuối cùng, ông có nghĩ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị tổng thống xứng đáng của VNCH không?
TT Tôn Thất Đính: Trên cương vị một tướng lãnh, trước sau tôi nhìn nhận ông Thiệu có tinh thần chống cộng. Tuy nhiên, trên bình diện nguyên thủ quốc gia, là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cho phép tôi được được nói “Ông Thiệu không xứng đáng là tổng thống VNCH.”
VH: Vẫn với tư cách một thượng nghị sĩ VNCH, trung tướng có nhận trách nhiệm đã ít nhiều đưa đến sự ra đi gần như trốn chạy khỏi Việt Nam của người Việt trong và sau biến cố 1975 không?
TT Tôn Thất Đính: Dù muốn dù không, xa hoặc gần, trực tiếp hay gián tiếp, các tướng lãnh và dân cử như tôi đều có trách nhiệm trong việc đổ vỡ gây nên cuộc trốn chạy này. Vị tổng tư lệnh quân đội luôn luôn vẫn là người chịu trách nhiệm. Trong quá khứ, tôi đã từng là tướng tổng trấn, tư lệnh vùng I, II, III, dù tự hào về thành tích chỉ huy của mình nhưng vẫn không khỏi đau buồn và thấy như có phần nào trách nhiệm của người lưu vong hôm nay.
VH: Còn đối với cựu tổng thống Trần Văn Hương?
TT Tôn Thất Đính: Tổng Thống Hương là vị lãnh đạo yêu nước thật tình. Nhưng không may cho vận mạng nước ta, khiến ông đã không cân nhắc chín chắn khi bàn giao lại chức vụ tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Dù sao, giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông đã không đắn đo mà can đảm nhận nhiệm vụ lèo lái quốc dân. Lẽ dĩ nhiên, chuyện đời không ai biết điều gì tốt hoặc xấu sẽ xảy đến. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại những gì đau đớn nhất đã xảy đến cho quân dân miền nam sau cuộc đầu hàng ngày 30 tháng 4, thấy người chết quá nhiều, trên biển cả, trong rừng sâu. Những hình thái hành hạ độc ác tàn bạo nhất đã được cộng sản áp đặt cho những quân nhân VNCH, ngay cả người dân vô tội cũng bị vạ lây. Vậy, việc đầu hàng có mang lại được gì khá hơn không? Khi đưa vấn đề bàn giao ra quốc hội, chúng tôi đã chống đối nhưng cuối cùng, nhóm đa số vẫn thắng thế. Pháp chế dân chủ là vậy.
VH: Việt Herald cám ơn trung tướng đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. Trước khi chấm dứt, câu hỏi cuối muốn được đặt ra với trung tướng là về Đại Tướng Dương Văn Minh, người chỉ huy cuộc đảo chánh năm 63, trong đó có cả ông tham dự.
TT Tôn Thất Đính: Trước khi tướng Big Minh ra đi, tôi có ghé thăm ông. Theo nhận xét của tôi, bản thân tướng Minh không có lập trường rõ ràng mà chỉ nghe theo ý kiến người bên cạnh. Tướng lãnh cầm quân không cho phép đầu hàng. Nhưng dù sao ông cũng đã ra người thiên cổ, tôi không muốn nói nhiều.
VH: Nhưng theo trung tướng, lịch sử sẽ đánh giá thế nào nếu sự thật bị cố tình giấu giếm? Khi nhận lời tham dự kế hoạch đảo chánh năm 1963, ông có nghĩ Đại tướng Dương Văn Minh xứng đáng là người lãnh đạo cuộc chính biến lớn lao này không?
TT Tôn Thất Đính: Tôi xin lỗi một lần nữa để trả lời là “Không.”