"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 13. Januar 2011

WikiLeaks tiết lộ nhận định của Bộ ngoại giao Mỹ về lãnh đạo VN

LONDON (The Guardian) – Hôm Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011, đúng ngày đảng CSVN khai mạc đại hội thứ 11, nhật báo The Guardian ở London Anh Quốc, một trong 5 tờ báo được WikiLeaks chọn để tiết lộ những tài liệu mật của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận xét về các lãnh đạo của đảng CSVN.
Theo Đại sứ Mỹ, Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Trương Tấn Sang (phải) sẽ là hai nhân vật có quyền lực nhất sau đại hội đảng thứ 11. (Hình: HoangDinhNam/AFP/Getty Images)
WikiLeaks đã thu thập được 251,287 công điện trao đổi giữa bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và 250 cơ sở ngoại giao trên thế giới, trong số đó 2,235 của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, với cấp độ từ không bí mật tới tối mật.
Tài liệu mà WikiLeaks vừa tiết lộ gồm hai công điện của Đại sứ Michael Michalak gởi từ Hà Nội về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Michael Michalak là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ tháng 8 năm 2007, sắp mãn nhiệm và sẽ được thay thế bởi tân Đại sứ David Shear.
Công điện gởi ngày 20 tháng 1 năm 2010 nói lên sự quan tâm đối với các hành động đàn áp của chính quyền Việt Nam.
Công điện gởi ngày 10 tháng 9 năm 2010 đề cập tới việc thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ được định đoạt ở Đại Hội Đảng kỳ thứ 11 họp từ ngày 12 đến 19 tháng 1 năm 2011.
Công điện thứ nhì của đại sứ Michalak trong phần tóm lược nói rằng “Dự kiến có tới 6 trong 15 Ủy viên bộ Chính trị sẽ nghỉ hưu, bao gồm Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tich Quốc hội” và những giới am hiểu dự đoán là ”Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai ứng viên hàng đầu để thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”.
Nếu Nguyễn Tấn Dũng không nắm chức vụ Tổng Bí Thư thì nhiều triển vọng ông ta sẽ tiếp tục là Thủ tướng”.
Hai ứng viên khác được coi là có thế mạnh là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, và Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng, Tô Huy Rứa, ủy viên mới nhất trong Bộ Chính trị.
Hai nhân vật sáng giá
Đại sứ Michalak trình bày tiếp: “Dũng và Sang đều là ủy viên bộ Chính trị từ 1996, đã thu gom được ảnh hưởng rộng lớn trong guồng máy lãnh đạo đảng – nhà nước Việt Nam và là hai nhân vật quyền lực nhất trong nước hiện nay. Nhưng trong thế tranh đua, hai người lại rất giống nhau, cả hai đều là người miền Nam và cựu Bí thư thành ủy Sài Gòn. Vì vậy theo quan niệm của những người vẫn coi nặng yếu tố phân liệt địa phương, thì một trong hai người, có vẻ là Sang, sẽ không thăng tiến được năm nay.’
‘Như vậy nếu Dũng tiếp tục ở chức vụ Thủ tướng thì hai ứng viến sáng giá nhất vào vị trí Tổng Bí thư Đảng là đương kim Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng và triệt để hơn nữa có thể là Tô Huy Rứa, mới được bầu năm 2006 vào Ủy viên bộ Chính trị khóa 10, đang giữ chức vụ Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương”.
Tính cách ‘thực dụng’
Qua trình bày tình hình tóm lược, đại sứ Michalak đưa ra nhận định:
“Cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang không ai nhiệt tình với cải cách chính trị như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng mọi người đều biết họ về những tính cách thực dụng, chủ trương kinh tế thị trường và tán thành sự tăng tiến vững chắc trong mối quan hệ với Hoa Kỳ”.
Về Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa, sự đánh giá viết trong công điện: “Trong vai trò Chủ tịch Quốc Hôi, Trọng cũng theo một cách tiếp cận tương tự nhưng Rứa thì có thể là hoàn toàn khác biệt. Rứa lên tới vị trí Ủy viên bộ Chính trị vừa phản ánh vừa khẳng định khuynh hướng bảo thủ càng ngày càng hiển nhiên kể từ vụ trừng trị các ký giả đã tường trình vụ tham nhũng tai tiếng PMU-18 hơn một năm trước.
Như vậy vai trò của Rứa trong sự chuyển hóa lãnh đạo ở Việt Nam sẽ cho thấy được là tự do hóa chính trị, mà hiện nay đang ngưng, có thể nào sẽ được tái tục sau 2011 hay là vẫn bị bóp nghẹt.’
Ngoài ra cũng nên lưu ý thêm là trong một diễn biến có thể có nhiều ý nghĩa vừa đây, trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai, 10 tháng 1, hai ngày trước đại hội, ông Tô Huy Rứa, như để cảnh cáo những ai hy vọng có thay đổi về lý luận, đã nói rằng Ðảng kiên quyết bác bỏ “nhu cầu đa nguyên” về chính trị tại Việt Nam.
Giàn lãnh đạo già nua
Bức công điện ngày 10 tháng 9 năm 2010 của Đại sứ Mỹ đề cập đến tình trạng già nua trong giới lãnh đạo đảng CSVN: “Ðại Hội 9 (năm 2001) ấn định hạn tuổi tối đa cho một đảng viên được bầu vào bộ Chính Trị lần đầu tiên là 60 và 65 cho những người được tái nhiệm. Tới trước Ðại Hội 10 (2006) hạn tuổi sau này được tăng lên 67 để cho Nông Ðức Mạnh, khi ấy 66 tuổi, có thể tiếp tục làm Tổng bí thư… Theo quy định ấy, tới 2011 Nông Ðức Mạnh (71), Nguyễn Minh Triết (69), Nguyễn Phú Trọng (67), Phạm Gia Khiêm (67), Trương Vĩnh Trọng (69), Nguyễn Văn Chi (66) đều ngang hoặc quá hạn tuổi hạn định. Nguyễn Phú Trọng còn có thể ở trong bộ Chính Trị nếu được bầu làm tổng bí thư.”
Về sự già nua và thiếu khả năng của Nông Ðức Mạnh, bức công điện tiết lộ một chuyện: “Ðại Sứ Mitsuo Sakaba tháp tùng Mạnh trong chuyến thăm viếng Nhật Bản hồi tháng 4, 2010, kể lại với chúng tôi rằng ông Tổng bí thư khi hội kiến với Thủ Tướng Taro Aso tỏ ra không nhập cuộc gì hết, đọc một phát biểu viết sẵn trong 30 phút với giọng đơn điệu buồn nản và chỉ thật sự tỏ ra quan tâm thích thú khi được đưa đến thăm một khu nông nghiệp gần Tokyo.”
Trong điều kiện ấy những ứng viên Tô Huy Rứa (64 tuổi), Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng là những ứng viên có điều kiện thuận lợi vào chức vị lãnh đạo đảng mà theo bình luận của Ðại Sứ Michalak thì Sang và Dũng có nhiều khả năng và triển vọng hơn hết nếu đại hội này vượt qua lề lối nhân sự phải được chia đủ cho cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
‘Bạo lực quá mức’ với tôn giáo
 
Ðây là đề tài báo cáo trong bản công điện từ tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội gởi về ngày 20 tháng 1 năm 2010.

Phần tóm lược nói rằng sự ứng phó yếu kém của Việt Nam đối với sự việc của Làng Mai ở chùa Bát Nhã cũng như tại giáo xứ Ðồng Chiêm tuần trước (so với thời điểm công điện này được viết) – đặc biệt là sự sử dụng bạo lực quá mức – là gây ra rắc rối và tỏ lộ dấu hiệu chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền vào thời gian sắp tới đại hội đảng lần thứ 11 tháng 1 năm 2011.
Công điện viết: “Tuy nhiên căn nguyên đầu tiên của tình trạng này là việc tranh chấp đất đai, không liên hệ với đòi hỏi theo quy định của đạo luật Tự do Tín ngưỡng Quốc tế năm 1998, và không làm lệch hướng ghi nhận của chúng ta là đã có những thành quả tốt trong sự nới rộng tự do tôn giáo mà Việt Nam thực hiện kể từ khi Hoa Kỳ rút bỏ quy chế CPC (quốc gia cần quan tâm đặc biệt) hồi tháng 11 năm 2006. "
Những thành quả ấy bao gồm sự thừa nhận thêm nhiều tôn giáo mới, thực hiện một khung pháp lý mới cho sinh hoạt tôn giáo đồng thời với những chương trình huấn luyện ở cấp địa phương và toàn quốc. Các cộng đoàn Công Giáo và Tin Lành, kể cả những cộng đoàn ở vùng cao nguyên miền Bắc và Tây Bắc, tiếp tục báo cáo về những sự cải thiện, cũng như các tín đồ Hồi Giáo, Baha’i, Cao Ðài trên toàn quốc. Sự trấn áp tôn giáo một cách phổ biến và có hệ thống như đã xảy ra trước năm 2004 khi Việt Nam bị đưa vào CPC đã không còn tồn tại nữa. 
Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đề nghị bộ Ngoại Giao không tái chỉ định Việt Nam vào danh sách này và thay vào đó dùng những cơ hội can thiệp ở cấp cao để thúc đẩy Việt Nam tiếp tục mở rộng tự do tôn giáo.
Sau khi tường trình những kết quả tốt đã đạt được từ 2006 khi Việt Nam không còn bị đặt trong danh sách các quốc gia cần quan tâm (CPC), bức công điện ngày 20 tháng 1 năm 2010 cũng nhấn mạnh là hãy còn nhiều việc cần làm:
“Thành tích cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam đã bị bôi đen vì vụ bạo hành tín đồ Công Giáo ở Ðồng Chiêm và việc trục xuất cưỡng bách gần 400 sư sãi ở hai ngôi chùa Bát Nhã và Phước Huệ thuộc tỉnh Lâm Ðồng. 
Những vụ trục xuất bằng bạo lực là tiếp theo nhiều tháng hăm dọa và tấn công vào cá nhân. Nhà nước độc đảng Việt Nam vẫn còn vạch lằn ranh với những gì mà họ coi là tôn giáo xen lẫn với chính trị. Ðiều ấy giải thích vì sao chính quyền đã đối xử rất mạnh tay với Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất và cái gọi là Giáo Hội Tin Lành Dega ở Tây nguyên. Ngoài ra vẫn còn một số những trường hợp đơn lẻ về sự gây phiền hà với tín đồ Thiên Chúa Giáo.”
Nguồn : Người Việt