"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 22. Januar 2012

Đâu là Việt? Đâu là Hoa?

 Hà Văn Thùy

Trong dịp Tết năm nay, trên nhiều diễn đàn lại rộ lên sôi nổi những chuyện “muôn năm cũ” quanh chữ Tết, con Rồng, con Lân, ông Táo… Riêng chuyện Mão-Thỏ đã khiến không ít người nhức đầu, rối trí: “Nhà ngữ học Nguyễn Cung Thông thì cho rằng 12 con giáp đến từ Việt Nam vì “Trong số này có con mèo, trước Việt Nam chọn con mèo, sang kia họ hiếm mèo, nhiều thỏ thì họ thay bằng con thỏ.” Ông Nguyễn Phúc Giác Hải dĩ nhiên tin rằng khoa chiêm tinh 12 con giáp thuộc về văn hóa Trung Quốc. Còn Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đã nói rằng những lý giải về sự tồn tại năm Mèo và năm Thỏ còn “mập mờ”, ông cho rằng chữ Tân trong Tân Mão có nghĩa là Tân/Mới…


Tác giả những dòng tóm lược trên, ông Trần Đông Đức viết: “Thiên can địa chi thuộc về khoa chiêm tinh cổ đại của Trung Quốc. Địa chi 12 vị (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) chỉ là định danh chu kỳ không có nghĩa là tên của các con vật. Các con vật được cho vào và có tên thông tục ví dụ như mã (ngựa), dương (dê), hầu (khỉ), kê (gà) nhưng các chữ ngọ, mùi, thân, dậu trong chữ Hán không có nghĩa là ngựa, dê, khỉ, gà.” V...v…Tân Mão là Tân gì? Trần Đông Đức (RFA Blog)

Tại thời điểm nhạy cảm này, những bàn luận như vậy lộ ra mong muốn phân biệt rạch ròi những gì là Việt, những gì là Hoa để có nhận thức đúng về mình hòng tránh cái bi hài kịch mồ cha không khóc lại khóc đống mối. Đó là việc hoàn toàn chính đáng. Nhưng khi chưa biết đích thực Hoa là ai? Việt là ai? Đâu là văn hóa Hoa còn đâu là văn hóa Việt thì mọi chuyện bàn luận sẽ mãi chỉ là phiếm đàm!

Những điều quen thuộc, tưởng chừng đơn giản trên nhưng lại là kết đọng của văn hóa. Văn hóa do những cộng đồng người nhất định sáng tạo trong thời gian và không gian nhất định. Vì vậy, muốn hiểu về văn hóa, trước hết phải biết con người của nền văn hóa ấy là ai, từ đâu ra, trải qua tiến trình lịch sử như thế nào?
Trong bài viết này, tôi xin công bố những khám phá lịch sử mới nhất, giúp soi sáng câu chuyện chúng ta đang bàn luận.

Cho đến cuối thế kỷ trước,  phổ biến quan niệm cho rằng, các tộc người Việt, Hoa, Miến, Tạng… xuất hiện từ lâu ở nam dải Thiên Sơn. Từ đây người Việt theo sông Dương Tử xuống đồng bằng Hoa Nam rồi lên Hoa Bắc, chiếm toàn bộ 18 tỉnh của Trung Hoa. Người Hoa do sống du mục nên lang thang khá lâu ở vùng hồ Thanh Hải, sau đó vượt Hoàng Hà vào chiếm đất, đuổi người Việt lui dần về phía nam. Đến khoảng năm 333 TCN, người Việt tràn vào đất Việt Nam ngày nay. Từ đầu Công nguyên, người Việt bị người Hoa đô hộ. Do quá trình lịch sử như vậy mà người Việt bị người Hoa đồng hóa cả về di truyền và văn hóa. Những khác biệt văn hóa giữa Việt và Hoa còn tới hôm nay là do chưa đồng hóa kịp.

Nhưng sang thế kỷ này, quan niệm cũ bị phủ định. Bức tranh đích thực thời tiền sử Đông Á được vẽ lại với những nét chính sau:

- 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo bờ biền Nam Á tới Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. Người Việt cổ di cư tới châu Úc và các hải đảo Đông Nam Á, Ấn Độ, Miến Điện. Khoảng 40000 năm trườc, người Việt đi lên Trung Quốc và sau đó sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Khoảng 15 đến 20000 năm trước, từ Hòa Bình, người Việt mang công dụ Đá Mới, giống kê, giống lúa, giống gà, giống chó lên xây dựng kinh tế nông nghiệp ở Trung Quốc. Cho tới 4000 năm TCN, trên đất Đông Á, người Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất thế giới. Ngoài văn hóa vật thể mà ta đã biết, người Việt sáng tạo văn hóa phi vật thể đặc sắc: Âm, Dương, ngũ hành, Hà đồ, Lạc thư, Bát quái và sách Dịch rồi chữ vuông, cội nguồn của chữ Hán ngày nay.

- Khoảng 40000 năm trước, có những nhóm riêng rẽ người Mongoloid từ Việt Nam đi lên Tây Bắc Trung Quốc. Từ săn bắt hái lượm họ chuyển sang sống du mục, trở thành tổ tiên chủng Mongoloid phương Bắc.

- Khoảng 6000 năm TCN, tại trung lưu Hoàng Hà diễn ra sự tiếp xúc và hòa huyết giữa người Mông Cổ và người Việt, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, là chủ nhân của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều.

- Cũng có những nhóm nhỏ Mongoloid từ xa xưa, theo ven biển Đông tới sống ở vùng cửa sông Dương Tử. Khoảng 6000 năm TCN, người Việt nông nghiệp tiến dần ra phía biển và gặp gỡ, hòa huyết với người Mongoloid, sinh ra chủng lai Mongoloid phương Nam. Họ là chủ nhân của văn hóa Hà Mẫu Độ.

- Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ xâm lăng đất của người Việt. Một bộ phận người Việt di tản xuống vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Người Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ trong dòng di tản mang gen Mongoloid hòa huyết với người bản địa, tạo ra quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á.

Vào Trung Nguyên,  người Mông Cổ từ bỏ phương thức du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người bản địa đồng thời hòa huyết với người Việt, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới. Kế tục địa vị của cha ông Mông Cổ, lớp dân cư này thống lĩnh xã hội, tự gọi là Hoa Hạ, coi người Việt xung quanh là Tứ Di. Với thời gian, đại bộ phận người Việt trong vùng bị chiếm đóng chuyển hóa di truyền thành chủng Mongoloid phương Nam.

Trong khi các vương triều Trung Hoa chiếm lĩnh Trung Nguyên thì xung quanh họ vẫn là những quốc gia Việt hùng mạnh: Ba, Thục phía tây; Ngô, Việt, Sở phía đông; còn phía nam là Văn Lang. Do ly loạn, dân số bị xáo động, người Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ di tản ra xung quanh, đem gen Mongoloid hòa huyết với người địa phương khiến cho đa số dân cư Việt chuyển hóa thành Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Cho đến 2000 năm TCN, đại đa số dân cư Đông Á chuyển hóa thành chủng Mongoloid phương Nam. Hiện tượng này được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Á.

Thế kỷ III TCN, khi Tần Thủy Hoàng thôn tính Ba Thục, Sở và một phần Văn Lang, đã sáp nhập đất đai, dân cư và văn hóa các quốc gia Việt này vào đế chế Tần. Thực chất của việc này là sáp nhập khối dân cư Việt vào khối Hoa Hạ vốn cùng chủng tộc và cùng nền văn hóa dựa trên cơ sở văn hóa nông nghiệp Việt cổ. Lưu Bang dựng nước trên cương thổ, dân cư và thể chế nhà Tần. Là người Việt sống bên dòng Hán thủy, ông lấy tên tộc của mình đặt cho vương quốc. Hán, Hàn, Hon, Hòn là những tên gọi khác nhau của các nhóm người Việt sống trong vùng. Thoạt đầu, Hán là danh xưng của vương triều. Đến thời Nguyên, để phân biệt với người Mông Cổ, người Trung Hoa được gọi là người Hán.
Từ quá trình hình thành dân cư Đông Á như vậy, ta rút ra những kết luận quan trọng:

1. Người Hoa và người Việt cùng do sự hòa huyết giữa người Việt cổ (Australoid) và người Mông Cổ sinh ra nên cùng là chủng Mongoloid phương Nam.

2. Là con lai Việt - Mông, sống trên đất Việt với nhân số đông áp đảo và văn hóa phát triển, người Hoa Hạ đã học văn hóa Việt để xây dựng văn minh Trung Hoa. Đồng thời văn hóa Trung Quốc là sự gồm thâu văn hóa Việt do cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng. Như vậy, về nguồn gốc, văn hóa Trung Hoa cũng là văn hóa Việt.

3. Sự khác biệt giữa văn hóa Hoa và Việt chỉ là ở chỗ, văn hóa Hoa đậm sắc thái Mông Cổ du mục hơn. Điều này được Khổng tử chỉ ra: “Cưỡi ngữa, bắn cung, đánh trận là thế mạnh của người phương Bắc. Khoan dung nhân hậu là sức mạnh của người phương Nam.”

Từ chiều sâu văn hóa soi chiếu vào truyền thuyết cùng tư liệu lịch sử, ta thấy:

Truyền thuyết Trung Hoa cho rằng người Hoa là “Viêm Hoàng tử tôn”. Điều này hoàn toàn chính xác về di truyền học vì họ được sinh ra từ sự kết hợp giữa chủng Mông Cổ của Hiên Viên và chủng Việt của Thần Nông Viêm Đế. Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng Phục Hy làm Dịch. Phục Hy sinh khoảng 3000 năm TCN, có nghĩa là Dịch được làm ra ít nhất nửa thiên niên kỷ trước khi người Hoa Hạ ra đời. Vì vậy, cố nhiên, người Hoa Hạ không thể là tác giả của Dịch. Nói đến Dịch là phải nói đến Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái… cũng như Thiên can, Địa chi ! Vậy tại sao trong địa chi của Việt là Mão còn các nước châu Á khác là Thỏ? Chỉ có thể giải thích như sau: Mười hai Địa chi trong đó có Mão được người Việt sáng tạo rồi đưa lên Trung Nguyên. Người Hoa Hạ đã học tri thức này cùng văn hóa của tổ tiên Viêm Việt như ngôn ngữ và chữ vuông. Nhưng khi xây dựng nền chính thống của các vương triều Trung Hoa, vì tính tự tôn đã không chấp nhận con Mèo xa lạ với người phương Bắc nên đổi Mão thành con Thỏ quen thuộc. Thỏ trở thành con vật trong chi thứ bốn của Địa chi Trung Quốc. Vào thời Chiến quốc, do đại loạn, nhiều nhóm dân cư từ Trung Quốc di tản sang các nước láng giềng: Lào, Thái, Nhật, Triều Tiên… Những sắc dân này mang theo Địa chi với con Thỏ về địa bàn mới. Trong khi đó, là người sáng tạo ra can, chi và trụ vững trên lãnh thổ cố cựu của mình, người Việt duy trì con Mão.

Đó chỉ là một ví dụ cho thấy việc phát hiện lịch sử hình thành dân cư và văn hóa Đông Á là chìa khóa để giải mã những vấn đề lớn lao khác của văn hóa.
                                                                  
Khai bút Xuân Tân Mão

Nguồn:anviettoancau.net