David Kestenbaum & Jacob Goldstein * Trần Quốc Việt (danlambao)
dịch - Vào năm 1978 những nông dân tại một làng Trung Quốc nhỏ tên Tiểu
Cương tụ họp lại trong một túp lều tranh vách đất để ký một bản giao
kèo bí mật. Họ nghĩ vì bản giao kèo ấy họ có thể bị tử hình. Thay vì
vậy, chính bản giao kèo ấy cuối cùng đã thay đổi sâu sắc nền kinh tế
Trung Quốc về nhiều phương diện mà vẫn còn vang dội đến tận ngày nay.
Bản giao kèo ấy rất nguy hiểm - chuyện như thế rất nghiêm trọng - vì bản
giao kèo được thảo ra vào lúc cao điểm của chủ nghĩa cộng sản tại Trung
Quốc. Tất cả mọi người đều làm việc trên đồng ruộng công xã của làng;
hoàn toàn không có tư hữu.
"Vào thời ấy, ngay cả cọng rơm cũng thuộc về tập thể" ông Nhan Cảnh
Xương, vào năm 1978 là một nông dân ở Tiểu Cương, kể lại."Không ai được
sở hữu bất kỳ cái gì."
Tại một cuộc họp với các quan chức đảng cộng sản, một nông dân hỏi: "Thế
còn những cái răng trong đầu tôi thì sao? Tôi có làm chủ răng của tôi
không?" Trả lời: Không. Răng của ông thuộc về công xã.
Trên lý thuyết, chính quyền sẽ lấy những gì công xã trồng, rồi cũng phân
phát lại lương thực cho mỗi gia đình. Ông Nhan Cảnh Xương kể chẳng có
lợi gì mà lao động hăng say như ra đồng từ sáng sớm, hay ráng sức làm
thêm.
"Làm siêng hay chẳng làm siêng - thì ai ai cũng như nhau," ông nói."Thế là chẳng có ai muốn làm lụng gì."
Ở Tiểu Cương người dân không bao giờ đủ ăn, nên nông dân thường phải đi
qua các làng khác ăn xin. Con cái họ bị đói. Còn họ rơi vào cảnh tuyệt
vọng.
Vì thế, vào mùa đông năm 1978, sau một vụ mất mùa khác, họ nảy sinh ý
định: thay vì cùng nhau làm ruộng chung cho công xã, nay mỗi gia đình
được giao đất và tách ra làm riêng. Nếu gia đình nào trồng được nhiều
lúa, gia đình ấy có thể giữ lại một phần.
Tất nhiên, ý định ấy không phải mới mẻ gì. Nhưng tại Trung Quốc cộng sản
vào năm 1978, ý định ấy rất nguy hiểm đến nỗi các nông dân phải bí mật
gặp nhau để bàn bạc.
Vào một tối nọ, họ từng người một lén lút đi vào nhà một nông dân. Giống
như mọi nhà trong làng, nhà chỉ là nền đất, vách bùn và mái tranh.
Không điện, không nước.
"Đa số mọi người đều nói "Vâng, chúng tôi muốn làm như thế", Nhan Thường
Hồng, một nông dân có mặt vào tối hôm đó, kể lại. "Nhưng có nhiều người
khác lại nói - Tôi nghĩ chuyện này sẽ không thành được - chuyện này
chẳng khác gì dây điện cao thế." Vào thời ấy, nông dân chưa bao giờ thấy
điện, nhưng họ đã nghe về điện. Họ biết nếu ta chạm điện, ta sẽ chết."
Tuy rất nguy hiểm, nhưng họ quyết định họ phải liều thử xem sao - do đó
phải viết xuống thành bản giao kèo chính thức, để mọi người chiếu theo
mà làm. Dưới ánh đèn dầu, ông Nhan Thường Hồng nắn nót thảo ra bản giao
kèo.
Các nông dân đồng ý chia đất ra cho các gia đình. Mỗi gia đình đồng ý
nộp một phần lúa họ trồng cho nhà nước, và cho công xã. Và, quan trọng
nhất, nông dân đồng ý rằng gia đình nào trồng đủ lúa sẽ giữ lại phần dư
cho gia đình mình.
Bản giao kèo cũng thừa nhận hậu quả nông dân sẽ gánh chịu. Nếu bất kỳ
nông dân nào đi tù hay bị tử hình, bản giao kèo ghi rõ, những người còn
lại trong nhóm sẽ lo cho con cái của những người ấy cho đến năm 18
tuổi.
Nông dân cố gắng giấu kín bản giao kèo - ông Nhan Thường Hồng giấu nó
trong khúc tre ở trên mái nhà ông - nhưng khi họ trở lại đồng ruộng, mọi
thứ đều khác xưa.
Trước khi chưa có bản giao kèo, các nông dân thường lê bước ra đồng chỉ
khi tiếng còi làng vang lên báo hiệu ngày làm việc bắt đầu. Sau khi bản
giao kèo ra đời, từ tờ mờ sáng các gia đình đã có mặt ở ngoài đồng.
"Tất cả chúng tôi đều bí mật thi đua lẫn nhau", ông Nhan Cảnh Xương kể. "Ai ai cũng muốn mình thu hoạch hơn người kế bên".
Vẫn cùng ruộng đất, cùng nông cụ và cùng con người. Tuy nhiên nhờ thay
đổi quy luật kinh tế - tức ta có thể giữ lại một phần những gì ta trồng -
mọi thứ đã thay đổi.
Vào cuối vụ, họ trúng mùa rất lớn: ông Nhan Thường Hồng cho biết mức thu hoạch cao hơn năm năm trước cộng lại.
Mùa bội thu rất lớn ấy đã làm lộ bí mật của họ. Các quan chức địa phương
hiểu ra rằng nông dân đã tự tiện chia đất với nhau, và tin về chuyện
xảy ra ở Tiểu Cương đã lan truyền đến các cấp lãnh đạo đảng cộng sản.
Có lần ông Nhan Thường Hồng bị bắt giải lên trụ sở đảng cộng sản địa
phương. Các quan chức chửi rủa ông, xem ông như kẻ đáng tội chết.
Nhưng may mắn thay cho ông Nhan và những nông dân khác, vào thời điểm
lịch sử này, có những người có quyền hành lớn trong đảng cộng sản muốn
thay đổi nền kinh tế Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc
sẽ tiếp tục tạo ra nền kinh tế Trung Quốc hiện đại, vừa mới lên nắm
quyền.
Thế là thay vì tử hình những nông dân Tiểu Cương, các nhà lãnh đạo Trung
Quốc cuối cùng quyết định ca tụng họ là tấm gương sáng cần noi theo.
Chỉ trong vòng vài năm, những công xã trên toàn Trung Quốc đều làm theo
các nguyên tắc trong bản giao kèo bí mật ấy. Nhân dân có thể sở hữu
những gì họ trồng. Chính quyền phát động những cải cách kinh tế khác, và
nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triễn rất nhanh. Kể từ năm 1978 đến
nay gần 500 triệu người ở Trung Quốc đã thoát ra được cảnh nghèo đói.
Ngày nay, chính quyền Trung Quốc rõ ràng tự hào về sự kiện đã diễn ra ở
Tiểu Cương. Bản giao kèo ấy giờ được trưng bày trong viện bảo tàng. Còn
làng Tiểu Cương trở thành câu chuyện độc đáo mà trẻ em ở Trung Quốc được
học ở trường.
Nhưng phần còn lại của câu chuyện về những nông dân ký tên lúc ban đầu lại mơ hồ.
Vào ngày đầu tiên ở Tiểu Cương, chúng tôi yêu cầu được nói chuyện với
ông Nhan Thường Hồng, người đã thực sự viết ra bản giao kèo. Các quan
chức đảng cộng sản địa phương bảo chúng tôi ông đã đi ra khỏi làng.
Hoá ra không đúng như thế: ngày hôm sau chúng tôi quay trở lại Tiểu
Cương và tìm ra được ông Nhan Thường Hồng. Ông bảo chúng tôi ngày hôm
trước ông vẫn ở trong làng.
Ông Nhan Thường Hồng cho chúng tôi biết trong những năm qua ông đã khởi
sự kinh doanh vài lần, nhưng bị đảng cộng sản địa phương chiếm doạt một
khi công việc kinh doanh bắt đầu sinh lợi. Ông cũng nói những nhà máy
mới mọc lên quanh Tiểu Cương hiện nay đa phần là bỏ trống, và chẳng tạo
ra nhiều công ăn việc làm.
Các quan chức địa phương nói những điều này là không đúng. Họ nói mọi thứ ở Tiểu Cương đều rất tốt.
Nguồn: National Public Radio, 20/1/2012