"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 2. Februar 2012

Bác sĩ của ta không kém bất cứ ai?

Một đồng nghiệp nổi tiếng, thuộc nhóm đàn anh của tôi, mới đây tuyên bố trên báo chí rằng trình độ bác sĩ VN chẳng thua các đồng nghiệp nước ngoài. Đọc những phát biểu của anh tôi phải thốt lên câu nói quen thuộc. Đó là “ấu trĩ”.

Trẻ con là những đứa hay thích khoe khoang. Nếu nghe qua những tranh cãi trong sân trường chúng ta dễ dàng nhận ra một điểm chính. Đó là so sánh hơn thua. Chúng không bao giờ chịu thua ai và lúc nào cũng tự nâng mình cao lên. Chúng tìm mọi cơ sở so sánh để làm cho mình cao hơn bạn bè. Đứa thì dựa vào cái xe đạp mới mua để lên mặt. Đứa dựa vào sự thành đạt của cha mẹ để hạ thấp bạn bè. Chúng ta gọi những so sánh đó là ấu trĩ, là chuyện trẻ con.

 
Dĩ nhiên, không ai đánh giá cao những so sánh của trẻ con. Những so sánh đó không có ý nghĩa nhiều vì tác giả của chúng là trẻ con. Trẻ con là những đứa “trẻ người non dạ” hay “ăn chưa no, lo chưa tới” nên có những so sánh thiếu suy nghĩ. Thiếu suy nghĩ xuất phát từ đầu óc còn non nớt của chúng, chưa đặt vấn đề trong cái khung rộng lớn hơn và chưa xem xét hết những tình huống chung quanh. Tuy nhiên, cái hay của những so sánh trẻ con cũng có ích bởi vì qua đó chúng ta biết tác giả chúng đích thực là trẻ con.

Chúng ta thử đọc một so sánh sau đây xem có phải là trẻ con hay không?

“Trình độ điều trị của các bác sĩ trong nước không thua bất cứ quốc gia nào. Riêng về K, thậm chí bác sĩ Việt Nam tiếp xúc với nhiều loại ung thư hơn nên còn có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị, điển hình là điều trị ung thư vú”

Ai là tác giả của câu nói ấn tượng đó? Xin thưa, đó là câu nói của một đồng nghiệp đàn anh, một người rất nổi tiếng đình đám trong y giới. Ông là giáo sư. Ông còn được phong hàm “thầy thuốc nhân dân”. Một loại phẩm hàm chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa. Là bác sĩ lăn lộn trong nghề gần 40 năm trời, nghe câu nói đó tôi cũng thấy vui lắm. Bây giờ tôi mới biết mình là một cá nhân trong tập thể bác sĩ xuất sắc ở Việt Nam, một tập thể bác sĩ “không thua bất cứ quốc gia nào”, thậm chí còn “có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị”. Ôi, những lời nói quá ư ấn tượng, nó có hiệu quả chẳng khác gì liều thuốc ngủ cho người đau đầu.

Đau đầu vì tình hình y tế vẫn còn quá ngổn ngang. Bệnh viện quá tải. Hai ba bệnh nhân nằm chung giường. Hệ thống đào tạo lăng nhăng, thầy không ra thầy, thợ chẳng phải thợ. Loạn chuẩn mực dẫn đến một thế hệ thầy cô bất tài. Thầy cô bất tài đào tạo ra vài thế hệ “bác sĩ” càng bất tài. Hậu quả là người dân lãnh đủ. Tiền chi cho dịch vụ sức khỏe không đem lại lợi ích như mong muốn. Lãnh đạo cao cấp và những người giàu có bỏ chạy ra nước ngoài điều trị. Họ không còn tin tưởng vào hệ thống y tế mà chính họ có phần trách nhiệm dựng nên. Trong điều kiện như thế mà có người tự tin tếu nói rằng chúng ta chẳng thua kém ai! Thế có phải là ấu trĩ hay không?

Tôi cảm thấy câu tuyên bố của vị đồng nghiệp hoàn toàn trống rỗng. Vì nó không có ý nghĩa gì cả. Vì nó chẳng có chứng cứ gì cả. Dựa vào chứng cứ gì để nói rằng chúng ta – tập thể bác sĩ Việt Nam – không thua kém các đồng nghiệp ở nước ngoài? Dựa vào tiêu chuẩn gì để nói rằng chúng ta không thua kém đồng nghiệp nước ngoài? Chẳng lẽ chúng ta tiếp xúc nhiều với ung thư là chúng ta hơn đồng nghiệp nước ngoài hay sao? Ôi, thật là một quan niệm hết sức trẻ con. Chẳng khác gì cách nói “tôi biết bắt cá bằng cách lặn dưới bùn nên tôi giỏi hơn anh”. Người bắt cá không biết rằng mình còn đi bắt cá trong bùn là vẫn còn ở vị trí dưới đáy giếng. Ngồi dưới đáy giếng nên không thấy trên mặt giếng, chẳng thấy ai ngoài mình, và thế là tự khen mình tài giỏi! Thật là tội nghiệp. Anh bạn đồng nghiệp ơi! Anh hãy nói cho đồng nghiệp quốc tế biết tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư là bao nhiêu. Anh hãy nói cho đồng nghiệp quốc tế biết bao nhiêu bệnh nhân anh đã chữa thành công và bao nhiêu anh đã thất bại để lại di chứng cho người ta. Anh hãy nói cho đồng nghiệp quốc tế biết tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện là bao nhiêu. Hãy nhìn kỹ và nhìn thẳng vào bệnh viện K của anh!

Theo tôi, đó là câu nói phản ảnh trình độ cá nhân. Anh đồng nghiệp tôi trong thâm tâm có lẽ muốn nói rằng “Trình độ điều trị của TÔI không thua bất cứ đồng nghiệp nào trên thế giới. Riêng về K, TÔI thậm chí tiếp xúc với nhiều loại ung thư hơn nên TÔI có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị, điển hình là điều trị ung thư vú”. Anh lộng hình ảnh của anh cho tất cả bác sĩ Việt Nam, kể cả bác sĩ chuyên tu và tại chức. Vì anh thấy anh giỏi nên anh nghĩ các bác sĩ khác cũng giỏi như anh. Anh chỉ nhìn thấy ung thư, nhưng anh cố gắng phóng đại cho các chuyên ngành khác. Nhưng bình tâm suy nghĩ, tôi phải hỏi có thật sự anh giỏi không? Trên đời này có bác sĩ nào so sánh trình độ của mình với đồng nghiệp khác một cách công khai trên báo chí. Ngày nay, phần lớn chương trình điều trị đều nương theo những phác đồ mà đồng nghiệp phương tây soạn thảo dựa vào những nghiên cứu của họ. Người bác sĩ vừa là một nghệ sĩ vừa là một nhà khoa học. Chúng ta có thể đo lường khía cạnh khoa học, nhưng làm sao đo lường được khía cạnh nghệ thuật của người bác sĩ. Nếu đo lường khoa học thì tôi chắc rằng anh đồng nghiệp đàn anh của tôi chỉ là một hạt cát trong sa mạc chuyên ngành ung thư học. Điều này tôi biết rõ. Hãy đọc sách của vị đồng nghiệp đó thì biết. Còn thành tựu của anh trong điều trị ung thư thì tôi không có ý kiến gì nhưng tôi cũng chưa thấy bất cứ chứng cứ nào để nói anh kém, bằng hay hơn đồng nghiệp khác, nhất là hơn các đồng nghiệp nước ngoài. Ai dám mở miệng để nói như thế phải là người có suy nghĩ khá trẻ con.

Tôi tự hỏi có phải đó là một câu nói của những kẻ mắc bệnh tự ti. Đó là một căn bệnh tâm lý. Người với bệnh tự ti có mặc cảm rằng mình thấp kém hơn người khác. Từ mặc cảm đó, người mắc bệnh tự ti muốn san bằng sự thấp kém bằng cách phóng đại những thành công của mình qua những phát ngôn ấn tượng. Cách nói của anh đồng nghiệp theo tôi thể hiện tâm lý tự ti, vì thấy mình kém cỏi nên mới “nổ” để tự sướng. Tự sướng cũng là một tâm lý của trẻ con.

Tôi thấy đó cũng là một câu nói an ủi của những kẻ thấp kém. Điển hình là câu này “Gần đây, tại Hà Nội cũng như TPHCM, nhiều bệnh viện như Việt Đức, Nhi trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy, ĐH Y dược, Từ Dũ… còn giảng dạy cho nhiều khóa các bác sĩ nước ngoài trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, hiếm muộn …” Xin hỏi dạy cho ai? Dạy cho đồng nghiệp Thái Lan, Lào, Campuchea, hay Pháp, Mỹ? Thế nào là “dạy”? Chỉ mổ minh họa một vài ca cho đồng nghiệp nước ngoài xem mà gọi là “dạy” thì thật là lộng ngôn. Được mời nói chuyện 10 phút trong một hội thảo của một nước láng giềng gồm 50 người tham dự, vậy mà về nước thì “nổ” là “dạy” là “giảng” thì đúng là quá trẻ con. Trẻ con vì không hiểu được bản chất và cái tầm của buổi hội thảo. Đúng là “khôn nhà dại chợ”. Đồng nghiệp được mời đi giảng thật sự không ai khoe một cách trẻ con như thế.

Đó còn là một nhận xét nguy hiểm. Tự cho rằng chúng ta hơn người, đã dạy người, làm cho chúng ta tự mãn. Tự mãn nên không thèm học hỏi ai. Không học hỏi người thì trình độ chuyên môn sẽ dần dần lùn theo thời gian và theo sự phát triển của chuyên ngành. Tự mãn là một căn bệnh kinh niên trong các đồng nghiệp của tôi. Chính vì căn bệnh này mà kiến thức của bác sĩ Việt Nam còn rất kém, rất thấp và rất lạc hậu. Không tin thì thử vào các hội thảo khoa học do các công ty dược tổ chức sẽ thấy các bác sĩ ta làm gì trong đó? Họ ngủ gục vì họ không hiểu bài giảng. Nhưng họ rất nhanh nhẩu khi đến giờ ăn trưa và đi thu lượm các quà cáp của công ty dược!

Riêng cá nhân tôi thì không dám nói mình hơn ai. Thật ra, tôi thú nhận tôi kém hơn đồng nghiệp ngoại quốc. Nhất là kém về kiến thức. Những kiến thức tôi gặt hái được trong trường y sau hai mươi năm bao cấp XHCN không có CME thì làm sao tôi dám nói hơn ai! Những chữ cái A C T G tôi học lõm bõm 40 năm về trước nay chỉ là kiến thức của trẻ con trung học. Sách giáo khoa 40 năm trước đến nay không còn phù hợp nữa. Do đó, tôi dốt. Tôi càng thấy mình dốt hơn khi đi nghe các giáo sư nước ngoài giảng trong các hội thảo của công ty dược tổ chức vì có khi tôi không hiểu họ nói gì cả. Nhìn những bức ảnh histo của họ tôi càng không biết ý nghĩa là gì. Những giáo sư ngoại quốc đó chắc chắn không điều trị nhiều bệnh nhân hơn tôi. Họ có thể còn lạ lẫm với những ca bệnh tôi từng có kinh nghiệm trong gần 4 thập niên qua. Nhưng tôi không bao giờ dám nói mình không kém hơn họ, càng không dám nói mình hơn họ. Tôi chấp nhận tôi kém hơn họ. Tôi chấp nhận như thế để tôi còn có dịp đi học, đi nghe họ giảng.

Tôi nghĩ không ai đi so sánh trình độ bác sĩ giữa các nước. Nước nào cũng có một vài bác sĩ nổi tiếng. Nổi tiếng trên báo chí chứ chưa hẳn trong thực hành. Không ai ngu xuẩn để đi so sánh trình độ bác sĩ A với bác sĩ B chỉ qua sự nổi tiếng. Lấy gì để nói bác sĩ A tài giỏi hơn bác sĩ B? Nếu phải so sánh, người ta so sánh về hệ thống y tế giữa các nước chứ không ai so sánh giữa các cá nhân. Nếu tập thể bác sĩ chúng ta tài giỏi và thông minh, tại sao chúng ta không tổ chức được một hệ thống y tế như Thái Lan? Tài giỏi gì mà để hàng vạn bệnh nhân tiền mất tật mang? Tại sao phải gửi một mẫu da qua Mỹ để xét nghiệm nếu chúng ta quả thật tài giỏi? Nếu ta quả thật tài giỏi, tại sao phải để các lãnh đạo đi ra nước ngoài điều trị, như ông Võ Văn Kiệt phải đi Singapore? Lãnh đạo bỏ đi điều trị nước ngoài có nghĩa là họ không tin vào khả năng của hệ thống y tế Việt Nam.

Tôi hỏi một anh bạn đồng nghiệp cùng lớp đang hành nghề ở California rằng bên ấy có đồng nghiệp nào mạt sát người khác trên báo không, anh cười lớn nói: coi chừng hầu tòa. Ấy vậy mà ở cái xứ CHXHCN Việt Nam của tôi, có đồng nghiệp viết trên giất trắng mực đen như sau:

“Việc điều trị cho cháu phải cẩn thận hơn với người khác bội phần! Theo tôi được biết, trình độ về tâm thần của thành phố Hồ Chí Minh còn thua kém Hà Nội nhiều lắm”, và “… tôi không phục anh về chuyên môn nên không thể tin tưởng mù quáng đến mức mà tin vào những lời anh hứa hẹn được”.

Chưa hết, vị “tiến sĩ” này còn không quên quảng cáo cho … chính anh ta:

“Nếu cần một người có chuyên môn rất cao về tâm thần, nói giỏi, làm hay và có nhiều nhiệt tình, hãy tìm đến tôi - Tiến sỹ Bùi Quang Huy, chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện 103”.

Đó là phát biểu của một người tự xưng là tiến sĩ Bùi Quang Huy. Đó là câu phát biểu hội đủ tất cả điều kiện của một người với bộ não chưa trưởng thành. Ấu trĩ. Một con người tự khoe mình có “chuyên môn rất cao”, “nói giỏi”, “làm hay”, “có nhiều nhiệt tình”. Thật chưa thấy ai trơ tráo hơn. Càng chưa thấy một người có học vị “tiến sĩ” nào hợm hĩnh như thế. Đây đúng là một loại sinh vật hiếm cần phải bảo vệ để cho hậu thế trên thế giới chiêm ngưỡng.

Người tự tin không ai khoác lác và “nổ”. Người Việt có câu “thùng rỗng kêu to” để chỉ những người khả năng thật thì kém mà nói thì cứ như nổ tạt đạn. Người có tự tin và khả năng thật cân nhắc biết người biết ta. Biết cái hay của người và biết cái kém của ta. Biết cái hay của ta nhưng cũng nhận ra cái kém của người. Công chúng Việt Nam không cần những bác sĩ nổ; họ cần những bác sĩ có y đức và có thực tài. Nếu không chịu khiêm tốn học hỏi mà cứ liên tục nổ như vị đồng nghiệp đàn anh kia hay như sinh vật hiếm với bằng “tiến sĩ” tôi vừa đề cập, tôi e rằng đồng nghiệp nước ngoài sẽ nhìn chúng ta như là những đứa trẻ mắc bệnh tự ti.


Nhật ký của Ngọc