Anh Đinh Văn Lại mù cả hai mắt
Những bước chân của người đàn ông mù loà bước như chao trên
mặt đất. Đột nhiên, anh rẽ ngoặt, dò dẫm một chút rồi tự tin bước thêm hai bước
nữa, đưa tay vào cánh cửa xe ô tô khách, giật mạnh cánh cửa. Anh tra chìa khoá
vào ổ, nổ máy. Đoạn, anh giật luôn nắp máy xe, ghé tai nghe tiếng máy, gật gật
đầu rồi gọi: ”Cháu ạ. Lên đường thôi!”. Người cháu ngồi vào vị trí tài xế, yên
tâm vì chú của mình đã khẳng định máy nổ tốt. Hai chú cháu lên đường. Chiếc xe
khách cũ 17 chỗ ngồi bắt đầu lăn bánh trên con đường núi cao chon von, bắt đầu
cho chuyến xe khách như thường ngày: Lâm Hoá- Tân Ấp.
Đinh Văn Lại gọi đôi mắt mù loà của mình là gãy. ”Tui bị gãy
mắt lúc 17 tuổi. Hôm đó, tui ở trong đội thuỷ lợi của xã. Tui nhận viêc nổ mìn
phá đá để bà con đào kênh mương. Nhưng hôm đó không may. Mìn nổ trên tay. Ba
ngón tay cụt. Đôi mắt từ đó mù loà. Cực ơi là cực. Anh biết không. Ngày nớ, hai
người anh trai của tui mới hy sinh. Mạ tui đang khóc hết nước mắt, thì tui lại
bị mù loà, rứa thì còn chi để nói nữa.
Tui ra viện, lò mò về nhà, đi bên trái
vấp cột nhà bên trái, đi bên phải vấp cột nhà bên phải. Tui ôm lấy mạ tui, khóc
rồi nói, e con chết. Mạ tui nói, hai anh trai con hy sinh rồi, con chết nữa thì
mạ sống mần chi. Nhưng sống chi khổ rứa mà sống được. Bây chừ khi mô trước mắt
tui cũng đêm tối. Cảnh gia đình đã nghèo khổ, mạ tui cũng đã già yếu, tui mù loà,
lại sống ở vùng quê xe tít trên non cao này, anh tính, người mắt sáng còn đói
nhăn ra nữa huống hồ cảnh ngộ tui như ri. Thỉnh thoảng mạ tui thở dài” Tuổi
mười 17 bẻ gãy sừng trâu, rứa mà con gãy mắt”. Nhưng gãy mắt, mù loà thì tui
vẫn là tuổi 17.
Tui khoẻ mạnh. Ngủ khoẻ, ăn khoẻ, cái chi trong người cũng
khoẻ, chỉ có đôi mắt mù. Khoẻ rứa không lẽ để mạ tui nuôi báo cô. Mà lấy chi để
nuôi? Tui ngồi ngoài sân nhiều ngày liền rồi quyết định đi buôn. Mạ tui hét
lên: thằng ni điên, mù loà lại còn đi buôn. Tui tính rồi. Tui không điên. Tui
gọi thằng cháu 12 tuổi đến. Tui mượn bà con ít vốn liếng, rồi hai chú cháu lên
đường.
Tui cần đến chợ mô, thằng cháu dắt tay đến chợ đó. Đi bộ cả ngày. Chợ
này mua cá khô, kim chỉ, giấy bút, bột canh, mắm ruốc, sang bán cho chợ xa hơn,
lấy công làm lãi. Không ai hiểu được chuyện buôn bán của tui. Nhưng tui đã
quyết rồi. Đã buôn thì phải có lãi. Công việc quen dần. Tui quen với công việc,
quen với việc cầm những đồng tiền, quen với cả nhu cầu thị trường. Hàng năm
trời hai chú cháu như hai kẻ hành khất, gồng gánh, mang vác hàng hoá, len lỏi
vô đến tận từng nhà người ta bán. Ai mua chi cũng bán, mua một cái kim cũng
bán, mua một tờ giấy cũng bán, một điếu thuốc lẻ cũng bán, bán hết. Buôn một
lúc rồi có kinh nghiệm, rồi có vốn, rồi quen. Rứa mà sau mấy năm, tui đã tích
cóp được chút vốn…Rứa là bắt đầu tự sống được…Rứa là tui không còn lo sợ chi
đến đôi mắt gãy nữa…
Anh Lại lắp xe đạp thoăn thoắt
Trung tâm sản xuất xe đạp…lắp ráp“
Tui phát hiện ra rằng, bà con mấy xã vùng núi của tui rất
cần có cái xe đạp đi lại, nhưng giá xe đạp trên thị trường còn rất cao. Trên
ni, bà con nghèo, kiếm được ngàn bạc cháy cả lưng áo, nên ai bán chi rẻ vài
đồng là mua, đắt lên một đồng thôi mua. Tui tính. Nếu mua phụ tùng xe đạp về,
lắp ráp thành xe đạp, bán, rẻ hơn giá xe đạp nguyên chiếc cả trăm ngàn, chắc là
bà con mua. Rứa thì mần thôi. Tui mua khung xe, mua đầy đủ phụ tùng rồi bắt đầu
thực tập việc lắp ráp xe. Ui chao nói rứa mà khó cực kỳ. Mắt sáng mà người ta
còn chưa lắp được, mình mù, e không mần nỗi.
Tui lắp chiếc thứ nhất. Thằng chàu
đi thử. Được nửa vòng quanh làng nó về bảo, chú ơi, xe đạp chú lắp cứ bị rơi ra
một số thứ, không biết là thứ chi. Tui cay đắng cười. Lắp ngu thì một số thứ
phụ từng nó rơi ra chớ gì nữa. Tui mần lại. Mần đi mần lại. Mần cả đêm cả ngày.
Rồi cuỗi cùng tui cũng xuất xưởng được chiếc đầu tiên. Bán rẻ. Có người mua
ngay. Tui rút kinh nghiệm, họp với thằng cháu một buổi rút kinh nghiệm, lắp
tiếp. Lắp đến đâu tui bán đến đó, bán chay như tôm tươi, bán có tháng được cả trăm
chiếc. ở vùng quê tui nơi khỉ ho cò gáy này, có ai lắp ráp xe đạp đâu, mà lại
rẻ, rứa là bán chạy, rứa là lãi, lãi lắm, mỗi tháng kiếm bạc triệu như
chơi.Người ta đến đặt hàng mần không kịp. Họ đến, vừa ngó tui lắp xe như ngó
tiết mục làm xiếc. Họ khen tui mù loà mà giỏi. Được khen lại mần ra được tiền,
cái mũi tui khi mô cũng phổng lên, sướng.
Tui làm lại nhà cho mạ, lại còn bán
gạo, cá mắm, hàng xén trong nhà phục vụ cho cả xã. Mần ăn phát đạt lắm. Có hôm
tui uống rượu say, tui ca cải lương, tui cười nói, tui ba hoa: Ai ở xã ni nhiều
tiền bằng thằng mù tui? Ai? Không ai cả. Mạ tui sướng lắm, tự hào về con trai
của mình nhưng cả ngày nhắc: Cưới vợ đi con ạ. Tui nói, con mù loà, ma nó lấy.
Mạ tui im lặng”.
Chị Duyên giờ đã lớn tuổi vẫn còn lưu nhiều nét xinh xắn
Cưới vợ
Vợ chồng anh Lại ngồi trước mặt tôi, tủm tỉm cười, rủ rỉ kể
chuyện họ đã thành vợ chồng như thế nào. Chị Duyên vợ anh Lạc rất đẹp. Thế là
anh Lạc không những cưới được vợ mà con cưới được vợ đẹp. Chị Duyên kể: ”Mới
đầu anh Lạc lân la đến chơi, em sợ. Con gái như em, được coi là đẹp nhất xã, ai
đời lại có con trai mù loà đến cưa kéo thì ngượng chết. Bọn thanh niên mắt sáng
không biết răng vì nể anh Lại, sợ anh Lại hay thương anh Lại mà khi biết anh
Lại đến tán tỉnh em, các anh ấy lùi xa hết, anh Lại tha hồ tán ngày tán đêm."
Anh Lại cười: ”Tui có biết o Duyên đẹp xấu như răng. Lần đầu tiên đến nhà o
Duyên tui dắt thằng cháu theo để nó quan sát hộ xem o Duyên như răng. Ra về tui
hỏi cháu tui: O Duyên như răng? Thằng cháu nói đẹp. Tui cáu, tao không cần đẹp,
tao cần o Duyên như răng, có vú to không? Cháu tôi gật đầu nói vú to. Có mạnh
khoẻ không? Có. Mông có nở không? Có. Mũi có cao không? Cao. Mắt có sáng không?
Sáng. Chân có dài không? Dài. Mạ tui cáu: Mi hỏi chọn vợ như chọn trâu giống.
Chớ răng nữa. Xã ni ai mà không phục tài tui chọn trâu bò giống. Chọn trâu bò
giống được, chọn vợ được. Nghe cháu tui tả rứa là yên tâm.
Tui lân la đến
nhà o Duyên. Lân la nói chuyện, o Duyên thuận cho nói chuyện. Lân la cầm tay, o
Duyên thuận cho cầm tay. Một hôm, tui liều kéo o Duyên lại, hôn vào má, vào
mắt, vào môi, o Duyên cũng cho. Rứa là ưng nhau. Nhưng đến khi nhà tui mang thủ
lợn, cau trầu đến xin cưới thì nhà o Duyên cương quyết từ chối, lấy ai thì lấy
chứ không thể lấy cái thằng mù. Anh tính như rứa cực không?”.
Chị Duyên mỉm
cười: ”Hôm nớ nhìn anh Lại dữ tợn lắm. Anh ấy thuyết mãi nhưng gia đình em
không cho cưới. Rứa là anh nớ lấy cái dao ra, dí vào cổ và hét: ”Duyên. Nếu nhà
em không cho anh cưới em thì em lại đây mà coi anh đâm chết anh đây nì. Một.
Hai. Ba." Khiếp quá. Em chạy đến giật con dao ra. Gia đình em sợ quá, cuối cùng
cho cưới. Sau khi thành vợ chồng, em hỏi anh ấy, có thật là nếu gia đình không
cho anh cưới em, anh đâm dao vào cổ chết à? Anh Lại phồng má lên cãi: ”Chết
răng được. Không cưới được o ni thì cưới o khác chớ, răng mà chết? Tức không?
Điêu không?”. Hai vợ chồng cười to trước mặt tôi. Cả thằng con trai 10 tuổi của
họ cũng tít mắt cười khi nghe chuyện của bố mẹ.
Ga ra xe đấy các bác ạ
Hơn cả triệu phú
Tích cóp được vốn liếng, anh Lại quyết định mua ô tô khách.
Anh Lại lý luận: ”Nhu cầu đi lại của bà con tuyến đường từ xã tui lên ga Tân ấp
rất lớn nhưng không có xe. Đoạn đường chỉ vài ba chục cây số đường rừng thôi
nhưng nếu không có ô tô khách thì việc đi lại, giao thương hàng hoá cực lắm. Tui
bảo vợ tui đưa cái bồ gạo đựng tiền ra, đổ cả bồ tiền ra giữa nhà đếm, được gần
trăm triệu, số tiền tui làm ăn được nhờ buôn bán, nhờ lắp ráp xe. Tui gọi đứa
cháu đến, đưa tiền cho nó đi học lái xe. Sau 6 tháng học, nó về, tui và nó đi
mua xe. Tìm kiếm mãi rồi cũng mua được một chiếc xe cứu thương cũ, lắp thêm
ghế, chở khách được. Bây chừ, vào mỗi buổi sáng, cháu tui lái, tui phụ xe, thu
tiền. Răng lại không thu tiền được. Tui đố ai đưa nhầm tiền cho tui. Tiền to,
tiền nhỏ, tui cầm, vuốt một cái biết ngay. Chạy xe khách kiếm tiền hay lắm.
Tui
lại mò mẫm xem máy xe. Có chi khó. Lắp xe đạp còn được thì coi máy ô tô cũng
được. Tui mò mẫm cả mấy ngày, rồi hỏi thêm cháu, tự nghe tiếng máy, tự sửa chữa
những thứ vụn vặt, tập vá lốp, lắp lốp, làm mãi thì quen. Chạy xe buổi sáng,
buổi chiều tui lắp ráp xe đạp. Cứ rứa, tháng mô tui cũng kiếm được bạc triệu.
Trong nhà tui còn bán gạo, bán hàng tạp hoá phục vụ cả xã.Trong xã có việc chi
cần tui giúp đỡ kinh phí tui giúp liền. Bà con ai túng thiếu cũng chạy đến tui.
Có người nói: ”Ngượng thiệt. Ai người sáng lại đến nhờ vã người mù”. Nhưng quan
trọng chi chuyện đó. Mình làm ra được tiền, bà con khó khăn phải giúp thôi. Họ
nói tui là triệu phú. Đáng chi chuyện đó. Trong nhà tui khi mô cũng có năm ba
chục triệu. Trên này mà nói đến tiền triệu như ở thành phố nói đến tiền tỷ. Rứa
mà tui giàu lên được. Vui lắm.
E cũng nhờ trời giúp nữa. Trời cướp đi mắt tui
thì trời cho tui lại mắt khác, cũng rứa thôi. Bà con nói, mắt tui là mắt trời,
có mắt trời tui mới mần được nhiều việc, trở thành giàu có. Trời đất chi.
Nghiến răng lại mà mần, đừng thối chí là được thôi, phải không anh?”
Cả nhà đang ăn cơm, quên không mời Trưởng thôn
Đó là những câu chuyện kể của người thanh niên mù Đinh Văn
Lại, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Để lên được nơi này nghe anh
kể những câu chuyện thần kỳ ấy, tôi phải vượt gần hai trăm cây số đường rừng.
Và khi trở về, nhiều lần tôi đưa tay lên đôi mắt sáng của mình và thấy ngượng,
mắt sáng như thế mà tôi sống thêm đời nữa e cũng không làm được nhiều tiền như
anh Lại.
Trưởng thôn Khoai Lang đang hỏi chuyện anh Lại
Nguồn: Blog macphuongdinh