Kami
Mấy ngày vừa qua, trên mạng internet có loan truyền clip
video "Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh bao cao su" có nội dung rất
phản cảm, clip video gây bức xúc trong giới Tăng Ni, Phật tử, mặc dù đoạn video
này được cho là nhằm tuyên truyền sức khỏe sinh sản theo chủ trương của Trung
ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhưng có nội dung báng bổ Phật giáo.
Được biết clip video "Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh bao cao su" do các
sinh viên thuộc Học viện Báo chí tuyên truyền thực hiện để tham dự cuộc thi tìm
kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện)
của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh" và được ban giám khảo đánh giá cao và
giành giải xuất sắc.
Tình trạng và chính sách nói trên đối với các tôn giáo diễn
ra trong một thời gian tương đối dài 58 năm ở miền Bắc và 37 năm ở miền Nam,
dẫn tới tình trạng một số lượng người không nhỏ trên toàn quốc không hiểu tôn
giáo là gì, mục đích và vai trò của tôn giáo trong cuộc sống ra sao? Đa số mọi
người dân không biết rằng tôn giáo là một lĩnh vực ảnh hưởng tới xã hội nhất,
tới đời sống tinh thần của mọi người dân và tôn giáo là cái rất là sâu xa, sâu
sắc, nó gắn liền với tinh thần dân tộc, gắn liền với đạo đức của con người. Bởi
vì đảng CSVN rất lo sợ mất vị thế độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước, đảng
CSVN quá hiểu rằng nếu để tự do tôn giáo, để cái tinh thần tôn giáo, cái tư
tưởng tôn giáo nằm trong tinh thần đấu tranh và họ lại càng không muốn người
dân đi theo tư tưởng của một tôn giáo nào đó, vì mục đích của bất kỳ tôn giáo
nào cũng là từ bi, là bác ái, là tình thương, là sự tha thứ và sự chia sẻ. Và
bên cạnh đó là tính công bằng giữa con người với con người, đó là cái mà người
cộng sản họ không bao giờ muốn có. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chính quyền
không muốn người dân vì tinh thần bác ái, từ bi hoặc bình đẳng của một tôn giáo
sẽ làm cho người dân họ nghiêng về tinh thần dân tộc, từ đó dẫn tới việc quần
chúng xa rời niềm tin của họ vào đảng CSVN.
Trên thực tế những suy nghĩ kiểu của đảng CSVN và chính
quyền của họ là sai lầm, nếu như vì họ sợ tư tưởng thần quyền trong tôn giáo,
thì tôn giáo không đáng sợ như họ nghĩ mà dẫu có thì thời đó cũng đã qua lâu
rồi. Bây giờ trên thực tế ngoài Iran và Tòa thánh Vatican thì hầu hết tôn giáo
không bao giờ muốn cầm quyền. Tôn giáo là một văn hóa phổ quát chỉ dạy con
người ta đi đến chỗ tình thương bao la, chia sẻ cho nhau, chứ tôn giáo không
bao giờ gây hiềm khích thù địch hay kích động bạo lực. Nhưng người cộng sản thì
khác, họ nghĩ rằng nếu như tôn giáo mà mạnh lên thì tinh thần từ bi, bác ái,
rộng lượng, bình đẳng của tôn giáo sẽ đè bẹp cái tinh thần đấu tranh của họ,
cho nên lý do để họ không muốn tôn giáo phát triển mạnh là ở chỗ đó.
Nếu hiểu Tôn giáo là một văn hóa phổ quát, do đó nên nó đóng
vai trò quan trọng trong xã hội loài người, tôn giáo là một định chế xã hội và
có các chức năng kết hợp xã hội: tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn về đạo đức
của nó, vì thế những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau hơn nhờ những
giá trị và tiêu chuẩn chung ấy. Đồng thời Tôn giáo còn có chức năng hỗ trợ xã
hội: dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy,
thất bại, thiên tai, bệnh tật v.v... Trong những lúc như thế, cuộc sống rất dễ
bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị
rơi vào tuyệt vọng hơn. Chính vì vậy Tôn giáo đã trở thành một thứ nhu cầu
không thể thiếu được của người dân trong một xã hội coi trọng nền tảng đạo đức
và ngược lại nó cũng trở thành trở ngại cho một nhà nước luôn muốn giữ và giành
vị trid độc tôn về một học thuyết chủ đạo của chính họ. Đó chính là lý do khi
chủ thuyết cộng sản xuất hiện ở đâu, thì lập tức ở đó mọi thứ tôn giáo chính
thống đều bị bóp nghẹt và suy thoái. Thay vào đó là những thứ tôn giáo trá hình
chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Thế hệ chúng tôi nói chung và cá nhân tôi nói riêng đến với
tôn giáo như một sự tình cờ, vốn chịu ảnh hưởng của gia đình từ ngày xưa. Còn
nhớ mùa đông năm 1972, khi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ đánh phá
miền Bắc ở giai đoạn ác liệt nhất, khi ấy mẹ tôi đã đi sơ tán theo cơ quan ở Phú
thọ, cha tôi đang ở trong chiến trường miền Nam. Người của khối phố đến yêu cầu
bà ngoại tôi đưa bốn anh chị em chúng tôi rời Hà nội đi sơ tán về quê gấp để
tránh bom đạn, vì nghe người lớn bảo lần này Mỹ sẽ ném bom hủy diệt Hà nội.
Chiều tối hôm đó, cơ quan bố tôi cho xe ô tô đưa mấy bà cháu về quê ngay trong
đêm, còn nhớ khi ấy người Hà nội đều bỏ nhà cửa, bỏ thành phố đi sơ tán. Các
dòng người, xe đạp, xe bò, xe ngựa, xe xích lô ... chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh
nối đuôi nhau chạy ra các cửa ô, trong không khí căng thẳng nhưng im lặng và
trật tự, màn đêm tối mò xe ô tô chạy trong đêm chỉ có đèn gầm.
Quê ngoại tôi không xa Hà nội lắm, khi ấy còn nhớ mỗi lần
máy bay Mỹ bay qua thì đồng thời tiếng nổ lớn của pháo cao xạ phòng không các
loại nổ inh tai nhức óc. Mỗi khi như vậy là bà ngoại lớn tiếng kêu mấy anh chị
em chúng tôi xuống cái hầm chữ A ở dưới bụi tre sau nhà để tránh máy bay. Bà
ngoại tôi khi ấy ngoài 60 mà nhanh chân lắm, vừa chạy vừa gọi anh chị em tôi ơi
ới, vậy mà khi chúng tôi xuống đến hầm đã nghe bà tôi ngồi lẩm bẩm tụng kinh,
miệng "Nam mô a di đà Phật..." luôn mồm. Lúc ấy lũ chúng tôi còn bé,
khoảng 9-10 tuổi vì con nhà lính nên "giỏi" về khoản súng đạn lắm,
nghe tiếng súng phòng không nổ cũng biết là tiếng nổ của pháo trung cao, đại
cao, 12ly7 hay tên lửa. Ngồi trong hầm mấy anh em cứ cãi nhau tiếng ấy tiếng
pháo gì, mỗi lần như thế là bà ngoại tôi gắt lên bảo ngồi im, bà bảo đừng nói
to, nếu không máy bay Mỹ nó nghe thấy nó quẳng bom vào thì chết. Khi ấy chúng
tôi cũng tưởng thật, ngồi im thin thít vì sợ.
Nhà bà ngoại tôi ở quê, nhưng khi bà lấy chồng thì lên Hà
nội ở, ngôi nhà bỏ không chả có người ở từ lúc các cụ thân sinh bà ngoại tôi
qua đời, hàng năm chỉ dịp giỗ tết mới có các bác các chú họ hàng đến quét tước
dọn dẹp. Đó là căn nhà gỗ ba gian hai trái, lợp ngói âm dương, trước nhà là một
cái sân gạch có cái bể nước mưa dưới mấy gốc cau và mấy cây bưởi, cây nhãn.
Ngày ấy làng bà tôi mọi đường xá ngõ ngách đều lát gạch sạch sẽ lắm, trước cửa
nhà có bắc hai phiến đá to và rộng vượt qua cái rãnh nước. Nghe bà bảo làng bà
tôi có tục khi con gái làng lấy chồng, thì nhà trai (rể) phải bỏ tiền làm cho
làng 20m đường lát gạch nên mới được như vậy. Về quê ngày rằm mùng một hàng
tháng, bà ngoại tôi mặc áo dài nâu, đầu vấn khăn đi lễ chùa Cả cùng các ông các
bà trong làng. Chùa Cả làng tôi lớn lắm, trong Chùa có nhiều tượng phật dọc hai
hành lang, ở gian chính có tượng Phật ngồi trong trướng, hai bên còn có nhiều
tượng Phật khác nhau, ngoài cùng có hai tượng ông Thiện, ông Ác to lắm. Thời
ấy, các dãy nhà bên cánh gà chùa Cả thì tượng Phật bị dẹp bỏ hết để làm lớp học
cho học sinh, hay làm nhà kho của hợp tác xã nông nghiệp.
Đến khi ấy chúng tôi mới lơ mơ biết về Chùa, về Phật và biết
thế nào là Đình, Chùa, Đền hay Miếu cũng do bà ngoại dạy cho. Còn nhớ bà bảo
Đình làng là nơi thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân, Chùa là nơi thờ
Phật, Đền là nơi thờ tự một anh hùng có công với đất nước hay công đức với địa
phương, và Miếu là nơi thờ thần thánh. Làm gì sai, không đúng bà ngoại tôi
thường nhắc "Đừng làm thế mà phải tội" rồi bà nói cho nghe ai làm
điều thiện thì khi chết được lên thiên đàng, là điều ác sẽ phải xuống địa ngục
v.v... Những điều đó cũng là những bài học vỡ lòng cho tuổi thơ ấu của chúng
tôi về Phật giáo. Điều mà bây giờ ít người ở Việt nam hiểu biết được.
Ở Việt nam bây giờ những người coi mình là phật tử hay tăng
ni (không được giáo dục có bài bản) người ta dùng chung một động từ đi lễ, bất
kể là đình, chùa, đến, miếu. Trừ một số nhỏ trong một vài chục năm gần đây tụ
tập thành các nhóm đi chùa đọc kinh, ngồi thiền nhằm tĩnh tâm. Còn lại đa số đi
lễ để cầu tài cầu lộc, quan chức hay viên chức thì đi lễ cầu thăng quan tiến
chức, cầu trúng quả, cánh thương lái thì cầu tiền bạc chảy vào như nước, chảy
ra nhỏ giọt, đám sinh viên học sinh thì cầu nhưng thi đỗ v.v... Nói chung là để
cầu xin thánh thần ban bổng lộc cho cá nhân mình, điều này hầu như trái vớii
trết lý của đạo Phật là là từ bi, là bác ái, là tình thương và sự chia sẻ cho
người khác thì có phúc.
Đi lễ tại Đền Thánh Mẫu, thành phố Hà Giang đầu Xuân Nhâm
Thìn 2012
Tôi mới đây cũng đã thử là nạn nhân của sự mê tín, chẳng là
Tết vừa rồi có người thấy tôi ốm đau, liền mách cho đi lễ ở thành phố Hà Giang,
đó là Đền Mẫu thờ Mẫu Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Đền Mẫu sơn hình thành có tên chữ
Hán là “ Cấm Sơn Linh Từ” còn thờ Đức Thánh Trần và Đền Thác Con có cách đây
khoảng trên 300 năm, lúc đầu là am nhỏ thờ Thần chủ của Đền Thác Con Chầu Bà Đệ
Nhị. Theo truyền thuyết thì Bà thuộc nhân thần, có công đóng góp lương thực,
tiền bạc giúp vua Lê chống giặc Minh ở vùng biên ải Hà Giang, Tuyên Quang, Cao
Bằng nên sau khi bà hóa, Vua Lê đã phong tặng cho bà dang hiệu “Thượng Ngàn
Thánh Mẫu” với dân gian tôn kính bà làm Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn). Theo họ
hai Đền này thiêng lắm, cầu được ước thấy, phần cũng mong nhanh khỏi bệnh, phần
cũng nể lời người thân, phần nhân dịp cũng muốn xuất hành đầu xuân Nhâm thìn
tôi cũng đi cho vui lòng mình và lòng mọi người. Cũng mong có sự huyền bí bất
ngờ nào đó để mình mau lành bệnh thì cũng tốt.
Cảnh các bà, các chị, các cô ở các đền chùa vào những ngày
lễ tết, ngày rằm mùng một, khi hai tay bưng lễ vật, chen lấn, xô đẩy rồi xuýt
xoa khấn vái cầu tài cầu lộc là chuyện bình thường. Nhưng đi chùa lễ Phật mà họ
chửi nhau ngay trong Chùa thì không thể chấp nhận được, tôi từng chứng kiến
trong đám người đứng cầu khấn có hai bà xồn xồn, mặt hoa da phấn chửi nhau. Một
bà không hiểu sao chửi bà bên cạnh "Tiên sư con đ. ĩ, khấn đe'o gì to thế
không để cho bà mày khấn với, định ăn một mình phải không?". Đạo Phật ở
Việt nam minh bây giờ lại là như thế sao? Hình như đạo Phật của người Việt và
người Trung quốc giống nhau ở Văn hóa hối lộ thần linh, người đi lễ luôn nghĩ
phải có mâm cao cỗ đầy cũng như tiền công đức, tất cả đều mang tính kinh doanh
dâng lễ một để xin lãi mười.
Không như phật tử ở Thái lan, Myanmar, Lào hay Camphuchia
buổi sáng hàng ngày các Phật tử họ nấu cơm, xôi, thức ăn, hoa quả chờ nhà sư đi
qua để tắc bạt (dâng đồ ăn, vật dụng cho nhà sư), hay đi lễ Chùa ngày Phật (có
5 ngày/tháng) cũng vậy họ mang theo các cặp lồng cơm, thức ăn, hoa, quả để dâng
cho nhà sư. Nhà sư dùng không hết thì để dành cho người nghèo quanh chùa đến
lấy về ăn. Phật tử họ chủ yếu làm công đức bằng tiền bạc, tiền công đức được
công bố ngay sau khi hết buổi lễ và gửi vào nhà bank do một hội đồng quản lý
chi tiêu. Đó là lý do vì sao ở các xứ của họ chùa chiền nhiều và đẹp như thế.
Phật tử xứ họ quan niệm cho người khác càng nhiều càng có phúc cho mình và con
cái nên họ không tiếc.
Sẽ có người hỏi tại sao ở Việt Nam bây giờ các cơ sở tín
ngưỡng, chùa quá nhiều, nhà thờ cũng quá nhiều mà lại bảo là không có tự do tôn
giáo. Xin thưa sự thực không phải như vậy, đó là chính sách mị dân, chính sách
đánh lạc hướng của người cộng sản đối với tôn giáo. Họ đang cố tình biến hình
ảnh của tôn giáo thành một thứ tín ngưỡng hỗn tạp, hòng cho người dân mê muội
và dần không có khả năng phân biệt đâu là tôn giáo, đâu là tâm linh và đâu là
mê tín dị đoan. Ví như khi một đứa trẻ mới sinh ra, trong người của nó không có
sẵn một chút mê tín dị đoan nào cả, nhưng khi lớn lên, đứa trẻ từ từ học được
những hành động, những phản ứng, những cách suy nghĩ này qua gia đình và xã hội
chung quanh. Những người có nhiều mong muốn và mơ ước cao xa quá khả năng của
mình, những người có thu nhập càng bấp bênh, cuộc sống càng tùy thuộc vào các
yếu tố khách quan khác thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào
cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ.
Cho dù Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt nam
tham gia với tư cách thành viên có nêu rõ "Mọi người đều có quyền về tự do
tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn
giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của
mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng
sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.".
Thế nhưng chính quyền Việt nam không bao giờ nghiêm chỉnh thực hiện những cam
kết nói trên về vấn đề tôn giáo.
Tôn giáo hay bất cứ vấn đề gì ở đất nước này cũng phải chịu
sự lãnh đạo, tuyệt đối của đảng CSVN vì đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Đừng
bao giờ trách họ nói một đằng làm một nẻo cũng vì theo nguyên tắc trên.
Ngày 22 tháng 03 năm 2012
© Kami