"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 21. April 2012

Xin anh Ngạn đừng vui ngày đó


Kính gởi anh Nguyễn Ngọc Ngạn, người điều khiển chương trình “Đêm Văn Nghệ Tình Ca Mùa Xuân 30.04.2012 ” – Chương trình ca nhạc hài đặc biệt  tại Berlin.
 
Kính anh. Hôm nay tôi sắp hàng cùng dòng người vô lý, gởi đến anh những tâm tình và khẩn khoản. Vô lý vì anh không phải kẻ chủ trương, chỉ là người thừa hành ông bà chủ, trung tâm băng nhạc Paris by night. Song nghĩ rằng vận động người nào bớt vui, trong ngày Quốc Hận của quê hương, được người nào hay người đó. Hơn nữa gởi đến anh vì có hy vọng nhiều hơn, do những mối liên quan sau:

1- Khi anh đi dạy, tôi còn đi học, dù không được hân hạnh học với anh, tôi vẫn tự xem là học trò của anh.
2- Vào quân ngũ anh trung úy, tôi hạ sĩ nhất, tôi là lính của anh, dù không cùng đơn vị, không cùng binh chủng.
Cũng có thể người chủ của anh, họ có một nhân thân giống như vậy, nhưng giác quan mách bảo cho tôi biết nên vận động ai, riêng với vai trò người điều hợp chương trình ca nhạc, tương tự như tay xạ thủ đại liên của đối phương, diệt được đầu não đối phương trung uý và cùng đơn vị đều muốn, nhưng khó lắm vì nó ẩn nấp sâu kín, chỉ còn chờ diệt khẩu đại liên, để đơn vị tiến quân và thủ thắng.

Thưa anh, mỗi con người dưới gầm trời này đều thủ một vai diễn, một số phận do Thượng Đế an bài, cắt đặt. Nếu đúng như vậy, anh thủ những vai diễn toàn sáng giá và rất vinh dự: Nhà Giáo – Nhà Văn – Sĩ Quan QLVNCH – MC của trung tâm băng nhạc lớn hải ngoại, qua vai diễn thực thụ này tôi tin anh biết chắc việc anh làm đúng hay sai?

Ngạn ngữ Pháp nói: Con người là một sinh vật mau quên, người Việt mình cũng thường than thở: Mấy ai về đến nhà nhớ bóng mát ngoài đường. Thiết tưởng những điều này chúng ta cần ghi khắc, để làm trọn vai diễn, khi tuổi đời vào lúc xế chiều, chứ không phải nương vào đó để ngụy biện, hoặc an ủi rồi tiếp tục làm những việc mà người đời đồ thán, vì khổ qúa đau.

Cộng Sản thường kêu gọi kiều bào: “Hãy quên qúa khứ, hướng về tương lai”. Chắc hẳn qúa khứ ấy rùng rợn và man rợ lắm mới thiết tha van xin “hãy quên”, chứ qúa khứ chống ngoại xâm như Lê Lợi, Quang Trung mà quên được ư!? Ông bà mình nói: Ôn cố tri tân, kêu gọi quên qúa khứ. Nên hướng tương lai của Cộng Sản Việt Nam, mang lại toàn tai ương cho đất nước. Vì vậy dù có nghe lời quên qúa khứ, mà qúa khứ cứ vẫn ở đàng trước, thưa anh.

Tháng Tư năm 2000 anh Ngạn viết truyện ngắn tựa đề: Chuyện Cũ, lời mở đầu anh nói:
Ðời người, ai cũng có những kỷ niệm, đau thương hay hạnh phúc….Kỷ niệm đôi khi chỉ thoáng qua, mờ nhạt như áng mây bay ngang bầu trời, để lại chút hình ảnh bâng khuâng. Nhưng cũng có khi hết sức sâu đậm, đến nỗi có thể coi là một biến cố, khả dĩ tạo thành khúc rẽ quan trọng cho cuộc đời … Ðó là trường hợp của tôi với câu chuyện xảy ra hơn 20 năm về trước mà giờ này ngồi ghi lại, tôi vẫn thấy hiển hiện như mới hôm qua.
———————
Hai mươi năm không cần ghi chép, ký ức vẫn còn khắc ghi, sau đó viết thành chuyện, lại càng nhớ kỹ hơn chứ anh Ngạn?

Kép Tư Bền và Nguyễn Ngọc Ngạn:

Truyện kép Tư Bền, của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Anh Tư Bền vì nợ nần của chủ bầu sô, chủ o ép dọa kiện tụng, nên Tư Bền cắn răng làm hề trong đêm cha của anh hấp hối, diễn để trừ nợ và kiếm tiền chạy thuốc thang, quả là một hoàng cảnh qúa éo le, có một không hai. Nhưng đó chỉ là truyện hư cấu, ngoài đời hiếm gặp. Tư Bền chỉ có mỗi một món nợ phải trả, đó là cha của anh ta mà thôi, còn anh, và chúng ta? Những tháng ngày này, biết bao người dân bỏ mình chạy từ Cao Nguyên Pleiku xuống Nha Trang, từ Miền Trung vào Sài Gòn, biết bao bạn bè chiến hữu bỏ mình, riêng anh Ngạn có người vợ lặn lội thăm anh từ những tiền đồn heo hút, khi còn tại ngũ, đến trại giam “cải tạo” xa xôi, về sau đã bỏ mình trên đường vượt biển, tìm tự do (ý của anh Ngạn trong truyện) cùng với đứa con đầu lòng yêu dấu! Ngoài ra còn ông Ân, người tốt bụng cho anh mượn hai chục lượng vàng, chi phí cho chuyến đi. Nợ vàng anh thanh toán sòng phẳng, nhưng nợ ân tình làm sao hết.

Chúng ta sống hôm nay là mang nợ nhiều lắm anh Ngạn ơi, chính vì thế chúng ta nên chọn lối sống cho xứng đáng với những người đã nằm xuống, cho mình được sống hôm nay, cách chọn hoàn toàn thoải mái. Chỉ cần đọc một lời này thôi, trong Chuyện Cũ của anh:

 - Chú Ngạn ơi! Ðắm tàu! Ba cháu, chị cháu với 3 người anh của cháu chết hết rồi! Vợ chú với con chú cũng chết cả rồi!

Lời của cháu bé, con ông Ân, kêu anh Ngạn, trong lúc anh mê man, đuối sức. Nó cứ văng vẳng bên tai tôi hoài, cứ như muối xát vào lòng, đau như cắt, chẳng những thế, tôi còn hình dung khuôn mặt khốn khổ đến tội nghiệp của cháu nữa, bận rộn thì thôi, tháng ngày gần 30/4 đầu óc tôi lại chờn nghe tiếng kêu thảng thốt kia. Thậm chí nhiều lúc tôi định viết thư, nhờ anh xác nhận Chuyện Cũ, chỉ là hư cấu!!

Anh Ngạn, tất cả chúng ta sinh ra từ bóng tối, với hai bàn tay trắng, ngày không xa nữa chúng ta từ biệt ánh sáng thế gian này, trở về với bóng tối cũng hai bàn tay trắng. Sống thì cần tiền bạc, và nhiều thứ nên phải nỗ lực bằng mọi giá để thoả mãn, ngày ra đi bỏ lại tất cả, chỉ để lại tiếng xấu, tốt với đời mà thôi.

Tôi khinh bỉ những hạng người thích chụp mũ anh em, trong bài này không đề cập đến chính trị. Tuy nhiên khoảng thời gian này người ta thường nhắc lời ông Võ Văn Kiệt:
“Có triệu người vui, có triệu người bồn”, anh sắp hàng nào? Hàng vui? Hàng buồn? Khi nhận vai trò điều hợp chương trình hài đặc biệt, trong Đêm Văn Nghệ Tình Ca Mùa Xuân 30/4/2012, tại Đức. Thắc mắc dễ trả lời, nhưng đúng sai thật khó, phần còn lại có thể anh qúa cần tiền? Cần ngang cỡ Tư Bền không?

Nếu buồn, ai khiến được anh phải đi diễn, trong tình thế tự do chọn lựa, trong tình trạng bạc tiền không thiếu, nếu vui không lẽ anh như mấy thằng leo cột mỡ.

“Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu”

Anh Ngạn, xin anh đừng vui ngày đó.
Kính chúc anh và gia đình dồi dào sức khỏe, an bình./.
Ông Bút.