"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 26. März 2013

Đảng CSVN có hội đủ điều kiện trong điều 4 Hiến pháp hay không?

"Đàn bò vào thành phố..."

Trong thời điểm hiện tại, việc góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang đi vào cao trào. Hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề gây tranh cãi, ví dụ như việc quân đội nhân dân phải trung thành với ai? Trung thành với đảng CSVN hay chỉ trung thành với tổ quốc và nhân dân là đủ? Một vấn đề hết sức quan trọng nhưng hình như chưa ai động chạm đến đó là đảng CSVN có hội đủ điều kiện là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội như Điều 4 Hiến pháp quy định hay không?

Theo định nghĩa Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Trong xã hội dân chủ, Hiến pháp không phải là văn bản do chính quyền tạo ra mà phải là của người dân, thông qua một Uỷ ban xây dựng (hoặc sửa đổi) do các đại biểu của nhân dân chỉ định để xây dựng. Và nếu chính quyền không được thiết lập bởi Hiến pháp của người dân là một chính quyền không có tính chính danh. Do vậy, Hiến pháp không phải là khế ước giữa người dân với chính quyền, mà là khế ước xã hội giữa người dân với nhau để thiết lập nhà nước, bởi Hiến pháp có trước chính quyền. Chính vì thế, chủ thể lập Hiến phải là nhân dân.

1. Quân đội phải trung thành với ai?

Theo cách hiểu thông thường nhất, Hiến pháp thành văn là một văn bản luật cơ bản có vị trí cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của quốc gia. Và Hiến pháp là văn bản để thiết lập và trao những quyền lực cần thiết cho các cơ quan công quyền của một tổ chức nhà nước. Chính vì vậy, ở các quốc gia về mặt pháp lý thường có một hệ thống thiết chế bảo vệ Hiến pháp, với công việc áp dụng và giải thích Hiến pháp trong khi có các tranh chấp. Đó chính là Tòa án Hiến pháp, bình thường phán quyết của Tòa án Hiến pháp là quyết định cao nhất. Song trong điều kiện bất bình thường thì lực lượng quân đội giữ vị trí quyết định cao hơn cả Tòa án Hiến pháp trong việc bảo vệ Hiến pháp và thiết lâp lại trật tự.

Thời gian qua, ở Việt nam người ta tranh cãi xung quanh vấn đề "Quân đội phải trung thành với ai?" để chứng minh rằng quân đội bị chính trị hóa hay phi chính trị hóa. Theo Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, đã sửa đổi và bổ xung Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) là "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân...bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân". Có ý kiến cho rằng việc để quân đội trung thành với đảng CSVN có nghĩa là quân đội đã bị chính trị hóa, mà theo họ quân đội chỉ có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ đối với Tổ quốc và nhân dân. Chứ dứt khoát không phải trung thành với bất kỳ đảng phái nào.

Trước tiên cần phải hiểu nhiệm vụ cao nhất của quân đội là trung thành và bảo vệ đối với Hiến pháp, trong việc bảo vệ Hiến pháp thì đương nhiên phải bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Có một sự hiểu nhầm đáng tiếc từ lâu nay của không ít người, khi cho rằng trong một xã hội đa nguyên chính trị, thì các chính đảng sẽ có các đường lối chính trị khác nhau do đó quân đội không được trung thành với bất kỳ chính đảng nào. Từ đó họ suy ra quân đội phải phi chính trị. Mà họ quên rằng các chính đảng trong một xã hội tự do, đa nguyên chính trị dẫu có các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau, nhưng tất cả các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau ấy phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp quy định.
 
Mỗi Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng phải có một chế độ chính trị cụ thể của mình, do vậy quân đội không thể phi chính trị hóa. Đây cũng là lời giải thích để đập lại cái quan điểm cho rằng có đa đảng sẽ dẫn tới xáo trộn chính trị. Ví dụ trong một xã hội dân chủ đa nguyên, bỗng có một chính đảng cầm quyền đang nắm với một đa số ghế trong quốc hội nổi hứng thông qua quốc hội bổ xung điều 4 Hiến pháp. Tự cho họ cái quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội (độc đảng), như vậy là vi hiến. Trong trường hợp này, nếu Tòa án Hiến pháp không giải quyết được giải tán đảng cầm quyền theo luật pháp, thì lực lượng quân đội sẽ tiến hành đảo chính để thiết lập lại trật tự.

Ở Việt nam, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Nó chính là vấn đề chính danh, cho phép lực lượng quân đội có thể tiến hành đảo chính xóa bỏ nhà nước hiện tại bất cứ lúc nào. Bởi chỉ riêng việc sửa đổi và bổ xung Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) là "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân...bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân" là một hành động vi hiến - vi phạm Hiến pháp. Thực ra, sửa Hiến pháp không cần thiết phải sửa nội dung này, vì thứ nhất là vi hiến, thứ 2 là không cần thiết, vì đương nhiên quân đội bắt buộc phải trung thành với Hiến pháp. Nhất là Hiến pháp Việt nam là Hiến pháp phục vụ cho đảng chính trị duy nhất, đó là đảng CSVN.

Có thể là những người lãnh đạo đảng CSVN dốt, không hiểu điều này, hay là vì tự họ đã nhận thấy đảng Cộng sản Việt Nam không có đủ điều kiện lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo như Điều 4 Hiến pháp quy định?

Bài báo của TTXVN tháng 3.2012, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định "Quân đội là của nhân dân, vì nhân dân"

2. Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ điều kiện lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo như Điều 4 hay không?

Bây giờ chúng ta căn cứ vào Điều 4 của Hiến pháp 1992 và Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để phân tích thử xem đảng CSVN có đủ điều kiện là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội hay không?

Tại Hiến pháp 1992 (Đã sửa đổi bổ xung năm 2001) Điều 4 ghi rõ (trích):

"Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Và tại Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi: Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4) cũng ghi rõ (trích) :

"1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Chúng ta đi sâu vào phân tích các điều kiện cần và đủ để một đảng cần phải có để có thể đảm trách vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội như quy định của Hiến pháp.

2.1 Câu hỏi thứ 1: Đảng CSVN có trung thành với lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc hay không?

Trung thành có nghĩa là trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, những điều đã cam kết đối với ai hay cái gì. Trong trường hợp này sự trung thành của Đảng CSVN là Đảng CSVN có trước sau một lòng một dạ, có giữ vững những điều cam kết với nhân dân hay không? Câu trả lời là không!

Thứ nhất, từ một bài báo của TTXVN đến nay vừa tròn một năm, khi đó Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tai đây, Tổng Bí thư khẳng định "Quân đội là của nhân dân, vì nhân dân, là công cụ, chỗ dựa hết sức tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.".

Thứ 2, nếu đảng CSVN đã trung thành với lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc thì lý do vì sao đảng CSVN đã sửa đổi và bổ xung Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) là "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân...bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân". Đặt đảng CSVN lên trước Tổ quốc và nhân dân, khác hẳn với Điều 45 trong Hiến pháp 1992 chỉ có "Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân..".

Như thế thử hỏi Đảng CSVN trước sau một lòng một dạ, giữ vững những điều cam kết với nhân dân ở chỗ nào?

2.2 Câu hỏi thứ 2: Đảng CSVN có tuân thủ và trung thành với Chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh hay không?
 
Câu trả lời là hòan tòan không!

Như ta chúng đã biết, ông Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Chủ nghĩa Marx- Lenin vào Việt Nam, sau khi có điều kiện đọc tài liệu Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa lần thứ nhất của Lênin khi còn ở Pháp. Sau này Hồ Chí Minh cũng đã viết tác phẩm Đường Kách mệnh chứa đựng nhiều nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ trước đến nay, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam lấy làm là cơ sở lý luận của mình được coi là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân. Về mặt triết học nguyên tắc của Chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là chống và xóa bỏ giai cấp bóc lột, chế độ người bóc lột người để xây dựng một xã hội mà toàn bộ tư liệu sản xuất được công hữu hóa thuộc sở hữu của toàn dân. Nhưng trên thực tế hiện nay hoàn toàn không phải như vậy.

Cụ thể là Giáo sư triết học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Bình là một trong những nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã cho rằng “... không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống”.
 
Và ông nói “Ông chủ tư bản làm sao có thể dễ dàng trở thành người cộng sản?... Thật không có gì sai bằng lập luận thế này: Ta đang ở thời kỳ quá độ, vậy trong thành phần xã hội của đảng viên cũng có sự quá độ. Nói thế khác gì quan điểm cho rằng kinh tế nhiều thành phần thì chính trị tất yếu phải đa đảng và tư tưởng trong Đảng tất yếu cũng phải đa nguyên".
 
Chưa hết ông Nguyễn Đức Bình còn khẳng định: ”Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân”, vì theo Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghĩa Marx-Lenin: “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”.

Trên thực tế hiện nay, từ năm 1986 đảng CSVN đã đổi mới kinh tế chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoach Xã hội Chủ nghĩa theo kiểu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa mang màu sắc tư bản có việc bóc lột giá trị thặng dư. Và một điều hết sức nghiêm trọng, đó là đảng CSVN đang dần cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân, nghĩa là đang làm một điều hoàn toàn trái với chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mà thực sự nền kinh tế ở Việt nam hiện nay là một nền kinh tế tư bản hoang dã, khi các ông chủ đối xử với người lao động như là súc vật theo lời của Lê nin.

Vậy thử hỏi đảng CSVN hiện nay có thỏa mãn các yếu tố quy định trong điều 4 của Hiến pháp để xứng đáng nắm vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội hay không?

3. Kết

Nền chính trị Việt Nam hiện nay là một nền chính trị với một đảng chính trị duy nhất nắm toàn bộ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội là đảng CSVN. Trên thực tế, bộ máy nhà nước hiện nay vẫn được hình thành thông qua các cuộc bầu cử mang nặng tính hình thức - dân chủ giả hiệu, hòng mang lại tính chính danh của chính quyền. Vì thực chất với lối “đảng cử sẵn - dân bầu” nên tất cả những chức vụ cũng sẽ được quyết định từ đảng CSVN. Do đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mà cuối cùng thực chất nằm trong tay cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính trị với một đội ngũ 14 thành viên. Điều đó sẽ nảy ra mâu thuẫn là quyền lực của đảng CSVN hoàn toàn không bị kiểm soát. Cộng với vấn đề thực chất quyền lực nhà nước không chính danh, đây chính là mầm mống của sự bất ổn và đồng thời cũng là lý do vì sao các lãnh tụ cộng sản họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Còn ở các nước tự do, dân chủ khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, được nhân dân trao cho những người được đa số dân chúng lựa chọn một cách thực sự. Đồng thời người dân cũng có toàn quyền thu lại quyền lực nhà nước đó nếu những người đó không thực hiện đúng, đủ các điều họ đã cam kết trong vận động tranh cử để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Và ở đó các chính đảng chỉ là một tập hợp các cá nhân có cùng lý tưởng, xu hướng, mục đích giống nhau nên họ thực sự chỉ là những kẻ đầy tớ thực thụ. Và lãnh đạo nhà nước khi ấy chỉ là một nghề dành cho những ai muốn thể hiện tài năng quản trị đất nước để cống hiến cho quốc gia nhiều nhất Một khi quyền lực là mục tiêu của những kẻ muốn kiếm chác như ở Việt nam hiện nay, thì nó mãi là mầm mống gây ra bất ổn về chính trị. Để chấm dứt sự tranh giành quyền lực khi quyền lực nhà nước đang không có tính chính danh thì cách tốt nhất là phải để nhân dân được quyền bỏ phiếu bầu một cách tự do và công bằng, cũng là cách để khẳng định được tính chính danh của quyền lực nhà nước.

Trình độ dân trí của nhân dân bây giờ khá cao, do vậy trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992, đảng CSVN và chính quyền cần phải sáng suốt, tỉnh táo để sửa đổi kịp thời cho phù hợp để dảm bảo tính chính danh của mình. Đừng để Điều 4 như cũ hoặc sẽ sửa đổi như ta đã thấy, vì nó là lỗ hổng chết người, trong khi đảng CSVN thực chất đã và đang không hội đủ các yêu cầu cần và đủ như quy định cụ thể ở Điều 4 Hiến pháp. Thì nó sẽ là cái cớ cho nhóm quyền lực nắm quân đội sẽ ra tay thiết lập trật tự, trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng CSVN. Do vậy, trong việc sửa đổi Hiến pháp, nếu không khéo, chế độ hiện tại rất dễ bị xóa bỏ để thay thế bằng một chế độ độc tài quân sự.

Ngày 25 tháng 3 năm 2013
© Kami