"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 4. Juli 2010

Rút bài học lịch sử

Lữ Giang

Trong tuần qua, báo chí đã bàn khá nhiều về việc Tướng Stanley McChrystal, Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ và Đồng Minh tại chiến trường Afghanistan, đã bị mất chức vì có những lời phê phán nặng nề về đường lối điều hành cuộc chiến tại Afghanistan của một số nhà làm chính sách và lãnh đạo ở Washington. Nhưng đa số chỉ bàn đến các biến cố đã xẩy ra chung quanh lời phê phán của Tướng McChrystal và bộ tham muu của ông, chứ không nói lên những mặt trái đàng sau: Tại sao Tướng McChrystal và bộ tham mưu của ông đã có những bất mãn như vậy? Đường lối của các nhà làm chính sách ở Washington đang chuẩn bị để đưa cuộc chiến Afghanistan đi về đâu? Số phận của Afghanistan rồi có gióng VNCH trước đây không? Tổng Thống Hamid Karzai đang tìm một lối thoát như thế nào sau khi Mỹ rút?

Trên đây là những vấn đề chúng ta cần tìm hiểu qua biến cố McChrystal.

CÁCH NHÌN KHÁC NHAU

Sự bất đồng giữa người chỉ huy mặt trận và các nhà làm chính sách ở Washington đã nhiều lần xẩy ra trong lịch sử nước Mỹ, nhất là trong cuộc chiến Triều Tiên và cuộc chiến Việt Nam, nay đến cuộc chiến ở Afghanistan.

Tướng MacArthur đã có một câu nói nổi tiếng: "In war, there is no substitute for victory". (Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng). Các tướng lãnh chỉ huy quân sự lấy sự chiến thắng tại mặt trận là mục tiêu tối hậu nên luôn đòi hỏi những điều kiện và phương tiện để có thể chiến thắng, nhưng các nhà làm chính sánh và lãnh đạo quốc gia có mục tiêu khác hơn và tầm nhìn rộng hơn, nên sự bất đồng giữa hai bên là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, dù trong chế độ dân chủ hay độc tài, người chỉ huy mặt trận luôn phải tuân hành mệnh lệnh của người làm chính sách, người lãnh đạo quốc gia.

Trong cuộc chiến Triều Tiên, khi thấy Trung Cộng trực tiếp đưa quân can thiệp vào Bắc Triều Tiên, Tướng MacArthur đã đề nghị tấn công qua biên giới Triều Tiên và oanh tạc các căn cứ quân sự của Trung Cộng tại Mãn Châu để chấm dứt chiến tranh và ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng. Ông đã mở cuộc họp báo để nói lên quan điểm của ông. Nhưng Tổng Thống Truman và các cố vấn trong chính phủ Hoa Kỳ không chỉ bác bỏ đề nghị của ông mà còn cách chức ông. Washington không muốn mở một cuộc chiếm mới với Trung Cộng và chọn giải pháp cắt đôi bản đảo Triều Tiên.

Trong cuốn hồi ký mang tên “War in Vain” (Cuộc chiến Vô ích), Tướng Westmoreland nói rằng nếu Tổng Thống Johnson không nghe quá nhiều lời cố vấn sai lầm và không bỏ qua kế hoạch của ông là từng bước ném bom Bắc Việt và mở các cuộc hành quân qua Cam-bốt và Lào, cuộc xung đột có thể đã chấm dứt trong chiến thắng của Hoa Kỳ.

Sau này, Tướng Westmoreland còn nhận định:

“Quân Đội Hoa Kỳ và Quân Đội VNCH không thua trong Cuộc Chiến Việt Nam, nhưng các nhà làm chính sách và các thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ đã bắt buộc chúng tôi phải thua nó”.

Có lẽ đây cũng là quan điểm của đa số các quân nhân QLVNCH. Nhưng các tài liệu được tiết lộ về sau cho chúng ta thấy rằng các nhà làm chính sách ở Washington đã nhận thấy rằng không thể dùng VNCH để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng xuống Đông Nam Á nên đã thay đổi chiến lược, trao miền Nam cho Cộng Sản rồi dùng CHXHCNVN để làm việc này. Những diễn mới được chúng tôi trình bày trong bài “Làm ăn với “cựu thù” cho thấy rõ hướng đi mà Hoa Kỳ dự tính khi còn chiến tranh đang được thực hiện.

Tướng Stanley McChrystal khi được cử làm Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Afghanistan thay thế Tướng David McKiernan vào tháng 6 năm 2009, đã xin thêm 45.000 quân và đòi thay đổi chiến lược để có thể chiến thắng ở Afghanistan, nhưng Tổng Thống Obama chỉ cấp thêm 30.000 quân và nói rõ quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan sau 18 tháng.

Tướng McChrystal ít hiểu biết về chính trị, có tầm nhìn giới hạn, không nắm vững chính sách quốc gia, và có thể đã cho rằng Tổng Thống Obama và bộ tham mưu của ông ta chẳng hiểu gì về chiến cuộc ở Afghanistan nên cảm thấy bất mãn và đã để cho các thuộc cấp của ông tiết lộ sự bất mãn này với ký giả Hastings của tờ báo lá cải Rolling Stone. Số báo của tờ này phát hành đầu tháng 7 đã nói lên sự nghi ngờ về chiến lược và chiến thuật của Washington và sự khinh thường các cấp lãnh đạo. Tổng Thống Obama đã cất chức Tướng McChrystal với lý do:

“Phương cách được trình bày trong bài viết hiện được phổ biến không phù hợp với tiêu chuẩn mà một tướng chỉ huy phải có” (The conduct represented in the recently published article does not meet the standard that should be set by a commanding general).

HƯỚNG ĐI CỦA CHÍNH QUYỀN OBAMA

Hôm 2.12.2009, Tổng Thống Obama đã đưa ra sách lược mới về Afghanistan, trong đó có hai điểm chính:

- Gởi thêm đến Afghanistan 30.000 quân chiến đấu trong năm 2010, với hai nhiệm vụ chính: (1) Bảo đảm an ninh cho các trung tâm dân cư chính yếu, làm cho Taliban không còn năng lực lật đổ chính phủ. (2) Củng cố khả năng của các lực lượng an ninh và chính phủ Afghanistan, để họ có thể lãnh trách nhiệm cho tương lai của Afghanistan.

- Rút quân trong vòng 18 tháng: Xúc tiến bàn giao trách nhiệm cho các lực lượng Afghanistan, và rút ra khỏi Afghanistan vào tháng 7 năm 2011.

Nhìn vào sách lược này, các nhà phân tích thấy các nhà lãnh đạo ở Washington đang nhìn nhận rằng không thể chiến thắng ở Afghanistan với chiến lược hiện tại. Vậy cần phải rút lui và thay bằng một chiến lược mới. Nhưng Tướng McChrystal không hiểu điều đó.

Afghanistan có diện tích 647.500 cây số vuông, tức rộng gấp đôi nước Việt Nam, với nhiều rừng núi, sa mạc và hang động rất hiểm trở, khí hậu lại rất khắc nghiệt. Dân số Afghanistan hiện nay chỉ khoảng 27.800.000 người nhưng được chia ra nhiều bộ tộc sống rải rác trên khắp đất nước nên rất khó kiểm soát.

Một bảng đánh giá lực lượng Taliban của tình báo Mỹ tiết lộ hôm 15.10.2009 cho thấy con số chiến binh của Taliban là 25.000 người và đang gia tăng nhanh. Nhưng tài liệu khác nói lực lượng này có đến 45.000 người. Taliban tuyển một cả những vị thành niên ở vùng biên giới Pakistan.

Trong suốt thời kỳ dài của cuộc chiến, lực lượng Taliban đã dùng vùng đồi núi giáp ranh giữa Afghanistan và Pakistan làm “khu an toàn” của họ và từ đó mở các cuộc tấn công. Bảy khu bộ tộc tự trị dọc biên giới Tây Bắc của Pakistan cũng được coi là “thiên đường” cho al-Qaeda. Đến năm 2009, lực lượng Taliban đã nắm quyền kiểm soát cả vùng thung lũng Swat của Pakistan sát biên giới. Chính phủ Pakistan đã ký một thoả ước hoà bình với quân Taliban tại Swat hồi tháng 2/2009, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này.

Trước khi rút lui khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã chỉ đạo QLVNCH mở các cuộc hành quân qua Cambodia rồi Lào để làm tiêu hao lực lượng của Cộng quân, đồng thời “Việt Nam Hoá chiến tranh” bằng cách xây dựng và trang bị cho VNCH có một quân đội khá hùng mạnh, để khi Mỹ rút đi, ít nhất là từ một đến hai năm Cộng quân mới có thể phục hồi lại và đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Khoảng cách từ một đến hai năm đó được Kissinger gọi là “một khoảng cách vừa phải” hay “một khoảng cách coi được” (decent interval).

Nay muốn rút khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ cũng muốn áp dụng một phương thức gióng như đã áp dụng ở miền Nam Việt Nam, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Hoa Kỳ đã tăng số quân lên gần 100.000 để cùng với khoảng 45.000 quân Đồng Minh để làm tiêu hao lực lược Taliban, nhưng thực tế cho thấy không thành công.

Để “Afghanistan hoá chiến tranh”, Hoa Kỳ quyết định huấn huyện và trang bị cho khoảng 134.000 quân nhân và cảnh sát bản địa để có thể tự bảo vệ lấy.

Nhưng Hoa Kỳ không thể mở cuộc hành quân vào thung lũng Swat trên đất Pakistan để phá khu an toàn của Taliban và cũng không thể dùng quân bản địa để làm công việc này. Vì thế, Hoa Kỳ phải làm áp lực với chính phủ Pakistan, buộc chính phủ này phải mở cuộc hành quân “lùng và diệt” Taliban trên lãnh thổ Pakistan.

Đây là một công việc rất khó khăn cho Pakistan vì ba lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất là quân đội Pakistan không đủ khả năng làm công việc đó. Lý do thứ hai là Taliban đã doạ nếu quân đội Pakistan hành quân vào thung lũng Swat, họ sẽ biến Pakistan thành biển máu. Lý do thứ ba là chính quyền Pakistan muốn giữ quan hệ tốt với Taliban để khi Mỹ rút, họ vẫn có thể tiếp tục chi phối Taliban như trước chiến tranh.

Tuy nhiên, vì áp lực của Mỹ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã phải dùng khoảng 28.000 quân mở cuộc hành quân vào khu an toàn của Taliban. Kết quả rất bi thảm, Pakistan đã bị biến thành vũng máu. Nay Pakistan đã phải thỏa hiệp trở lại với Taliban.

Như vậy kế hoạch làm tiêu hao lực lượng địch cũng như kế hoạch “Afghanistan hoá chiến tranh” đã không thành công.

TÌM MỘT LỐI THOÁT

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau khi ký Hiệp Định Paris, đã ôm chặt hai lá thư hứa hẹn của Tổng Thống Nixon sẽ bảo vệ VNCH, tin chắc Mỹ sẽ không bỏ Việt Nam, ra lệnh cho tay chân bộ hạ sửa hiến pháp để ông có thể cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong khi đó, Quốc Hội Mỹ đã ban hành hai đạo luật liên tiếp vô hiệu hóa lời cam kết của Tổng Thống Nixon, nhưng ông Thiệu không nhận ra!

Chẳng những không tìm một giải pháp cho miền Nam, Tổng Thống Thiệu còn đưa ra chủ trương “Bốn Không” để khóa chặt mọi cánh cửa. Khi Mỹ giảm bớt viện trợ, ông chơi trò tháu cáy làm miền Nam mất một cách nhanh chóng. Tổng Thống Karzai và cả Hoa Kỳ đã tìm một lối thoát khác.

Tổng Thống Karzai sinh năm 1957, tốt nghiệp bằng cao học Khoa Học về Quan Hệ Quốc Tế và Chính Trị ở Ấn Độ năm 1983, đã tham gia vào các phong trào kháng chiến chống Nga và giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền nên có nhiều kinh nghiệm hơn, có tầm nhìn rộng hơn và xa hơn. Nhìn thấy Mỹ sắp bỏ Afghanistan, ông đang đi tìm một hướng đi khác để tồn tại.

Trong cuộc họp báo hôm 3.11.2009, Tổng thống Hamid Karzai tuyên bố chính phủ của ông sẽ nỗ lực đoàn kết đất nước và loại bỏ tham nhũng. Ông đề nghị đàm phán với Taliban và kêu gọi "những người anh em Taliban" ngừng các hoạt động chống đối, tham gia tiến trình hòa bình nhằm ổn định tình hình đất nước. Nhưng đại diện của Taliban nói rằng họ chỉ nói chuyện về một giải pháp cho Afghanistan sau khi quân đội ngoại nhập rút khỏi Afghanistan.

Thầy nói chuyện với Taliban rất khó, Tổng Thống Karzai đã chơi trò “đu dây” với các nước đàn anh của Taliban.

Theo lời mời của Tổng Thống Karzai, hôm 10.3.2010, Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran đã tới thăm Afghanistan, ngay trước khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates kết thúc chuyến công du ba ngày ở nước này. Tổng Thống Ahmadinejad tuyên bố:

“Chúng tôi không cho rằng sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại Afghanistan là một giải pháp cho hòa bình Afghanistan. Chính sách của chúng tôi là ủng hộ hoàn toàn cho người Afghanistan, cho chính phủ Afghanistan và cho việc tái thiết Afghanistan. Chúng tôi sẽ tiếp tục sự ủng hộ này trong tương lai”.

Bộ trưởng Gates đã tố cáo Iran chơi "trò nước đôi" tại Afghanistan bằng cách một mặt tuyên bố ủng hộ chính phủ Kabul, một mặt đả phá các nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm gia tăng khả năng cho chính phủ Afghanistan và ổn định đất nước. Ông nói Washington muốn Afghanistan quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, nhưng cũng muốn các nước đó phải thẳng thắn khi giao tiếp với chính phủ Afghanistan.

Tổng Thống Ahmedinejad đã phản pháo lại bằng cách cáo buộc Washington chơi "trò nước đôi" bằng cách tạo ra khủng bố tại Afghanistan rồi lại nói là cần phải chống khủng bố.

Hôm 24.3.2019, Tổng Thống Karzai lại đi thăm Trung Quốc “để tham dự các cuộc thảo luận nhằm tăng cường các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước”. Ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc cảm thấy rằng một nước Afghanistan hòa bình và ổn định sẽ là một nước láng giềng tốt. Ông nói Trung Quốc nhận thức được những thách đố mà Afghanistan phải đối mặt trong nỗ lực tái thiết hòa bình và sẽ luôn luôn chủ động trợ giúp để mang lại hòa bình cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Ông cũng nói Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để cung cấp viện trợ cho Afghanistan.

Đại sứ quán Afghanistan ở Bắc Kinh cho biết trong những năm gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Afghanistan 180 triệu USD viện trợ tái thiết.

PAKISTAN CŨNG TÌM LỐI THOÁT

Trong ba nước có biên giới tiếp giáp với Afghanistan là Pakistan, Trung Quốc và Iran, Pakistan có biên giới quan trọng hơn cả và ảnh hưởng đến Afghanistan nhiều nhất.

Mặc cho sự phản đối của Mỹ, ngày 13.6.2010, Iran và Pakistan đã hoàn tất một thỏa ước về đường ống dẫn khí đốt dài 1.000km để xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Iran sang Pakistan kể từ cuối năm 2015. Đường ống này có trị giá 7 tỷ USD. Mỗi ngày Iran sẽ xuất khẩu qua Pakistan 21 triệu m3 khí đốt.

Cũng trong ngày 13, một bản báo cáo từ Đại học Kinh tế London cho biết cơ quan tình báo ISI (Inter-Services Intelligence) của Pakistan đã cung cấp kinh phí, huấn luyện và nơi trú ẩn cho phe Taliban tại Afghanistan với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây người ta tưởng.

Các tư lệnh thực địa của Taliban được người viết báo cáo phỏng vấn đã nói rằng các điệp viên tình báo ISI thậm chí còn tham dự các cuộc Họp Hội Đồng Tối Cao của Taliban.

Matt Waldman một phân tích gia từ Harvard, tác giả của bàn báo cáo cho biết: “Chuyện này đi xa hơn việc hỗ trợ thi thoảng hay có giới hạn. Đây là sự hỗ trợ ở mức độ cao hơn nhiều, do ISI cung cấp.” Ông Waldman đã nói chuyện với 9 tư lệnh thực địa của Taliban tại Afghanistan vào đầu năm nay.

Quân đội Pakistan bác bỏ các cáo buộc này. Ông Abdul Salam Zaeef, cựu Đại sứ của Taliban tại Pakistan, nói không có bằng chứng gì cho thấy mối liên hệ giữa ISI và Taliban tại Afghanistan.

Tổng Thống Karzai thuộc bộ tộc Pashtun, một bộ tộc mạnh nhất với khoảng 15 triệu dân. Trên đất Pakistan hiện này có thể có khoảng 6 triệu người thuộc bộ tộc này. Những thành phần chính của lực lượng Taliban đều thuộc bộ tộc Pashtun. Với những sự liên hệ như vậy, nhất là vì có một vùng tiếp cận biên giới rất rộng, trong tiến trình lịch sử, gần như lúc nào Pakistan cũng nắm quyền chi phối Afganistan, kể cả sau hai cuộc chiến lớn nhất giữa Afghanistan với Anh và Liên Sô. Pakistan tin rằng sau cuộc chiến giữa Taliban với Mỹ, rồi Pakistan cũng sẽ phải nắm vai trò then chốt tại Afghanistan. Do đó, mặc dầu bên ngoài Pakistan bị bắt buộc phải hợp tác với Mỹ để chống lại Taliban, nhưng bên trong Pakistan không thể bỏ Taliban. Mỹ cũng đã nhận thấy để Pakistan ảnh hưởng đến Afghanistan sau khi Mỹ rút, sẽ có lợi cho Mỹ hơn.

LỊCH SỬ SẼ TÁI DIỄN?

Chúng ta nhớ lại, tháng 4 năm 1988, Nga phải ký hiệp ước với Hoa Kỳ, Pakistan và Afghanistan chấm dứt chiến tranh, quân Nga rút khỏi Afghanistan năm 1989. Nhưng đến tháng 4 năm 1994 Tổng Thống cộng sản Najibullah bị lật đổ, phe kháng chiến Afghanistan vào thủ đô Kabul và tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo. Rabbabi trở thành Tổng Thống. Nhưng cuộc nội chiến bắt đầu. Có khoảng 3 triệu người chạy qua Pakistan lánh nạn. Năm 1995 phe Hồi Giáo Taliban chiếm được hầu hết lãnh thổ Afghanistan. Ngày 27.9.1996 Tổng Thống Rabbabi chạy về phí Bắc cùng với các binh sĩ của ông tiếp tục chiến đấu. Phe Taliban vào trụ sở quốc tế ở Kabul bắt anh em cựu Tổng Thống Najibullah đem treo cổ giữa chợ, sau đó áp dụng một chế độ theo luật Hồi Giáo rất nghiêm khắc dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Mullah Mohammad Omar, thường được gọi là Emir al-Momineen.

Liệu Pakistan, Trung Quốc và Iran có thể đứng ra làm trung gian để hòa giải các lực lượng đối nghịch ở Afghanistan sau khi Mỹ rút không?

Trung Quốc muốn khai thác các mỏ khoáng sản ở Afghanistan, nhất là mỏ đồng và mỏ sắt. Nhưng với Trung Quốc, dù lực lượng nào làm chủ ở Afghaniatan, Trung Quốc vẫn có thể thủ lợi.

Vấn đề đặt ra là chính quyền của Karzai phải đủ mạnh để có thể nói chuyện với lực lượng Taliban không. Nếu chính quyền Karzai suy yếu, tình trạng bi thảm nói trên có thể tái diễn sau khi Mỹ rút.

Ngày 29.6.2010
Lữ Giang