Anna Chapman, “nhan sắc tử thần”
WASHINGTON -- Chuyện xảy ra y hệt như một phim gián điệp kiểu James Bond: một phụ nữ tuyệt sắc, triệu phú, giao du với giới thượng lưu Hoa Kỳ... đã bị FBI bắt, đưa ra tòa để truy tố về tội gián điệp cho Nga.
Ngay cả các tiểu thuyết gia và đạo diễn cũng kinh ngạc về mức độ giống như phim này.
Cô Anna Chapman đã được truyền thông Mỹ gọi là “nhan sắc tử thần,” sau khi cô bị bắt và 90 tấm ảnh của cô trên trang Facebook xuất hiện cho thấy cô xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, chung quanh là giới thượng lưu của nhiều giới xã hội Nga, Anh và Mỹ.
Cô Chapman là trong nhóm 11 gián điệp Nga bị FBI bắt tuần này. Tờ New York Times viết rằng 10 người bị bắt hôm chủ nhật ở New York, Virginia và Massachusetts, và người thứ 11 bị bắt hôm Thứ Ba tại Cyprus.
Họ bị cáo buộc là làm việc cho SVR, Sở Tình Báo Hải Ngoại Nga, hậu thân của KGB.
Cô Chapman được truyền thông chú ý nhất, vì là nhân vật xuất hiện y hệt như các nữ điệp viên trong phim James Bond. Đẹp, triệu phú, học cao.
Cô Chapman, 28 tuổi, có bằng cao học kinh tế. Cô làm chủ một công ty địa ốc trên mạng, sống trong một căn chung cư ngay ở khu thương mại Manhattan.
Cơ sở kinh doanh đó của cô có tên Property Finder Ltd., liệt kê các căn địa ốc rao bán ở Moscow, Tây Ban Nha, Bulgaria và một số nước khác.
Trước tòa Mỹ, luật sư của cô Chapman nói, trị giá công ty này là 2 triệu Mỹ Kim.
Báo New york Times nói rằng các điệp viên Nga này trông như người đời thường. Thí dụ như cặp vợ chồng Richard và Cynthia Murphy, được người hàng xóm là Corine Jones, 53 tuổi, nói là họ đã nói chuyện với nhau về làm vườn, về chó, về trẻ em...
Nhưng công tố nói rằng vụ bắt ổ gián điệp này là kết quả của cuộc điều tra tới 7 năm của FBI. Cac1 nghi can này đã sử dụng mọi thứ, từ mực hóa học, cho tới sóng ngắn truyền tin, cho tới mạng không dây hiện đại, và cả hình ảnh giấu chữ phóng lên Internet... để chuyển tin.
FBI đã gài một thám tử giả làm một cán bộ người Nga, vờ như tới để hướng dẫn cho cô cách chuyển một giấy thông hành giả cho một nữ điệp viên Nga khác.
Khi hình ảnh tuyệt sắc của cô Chapman phóng khắp nơi, công tố liên bang Michael Farbiarz nói rằng thực ra cô là “một điệp viên được huấn luyện thượng thặng,” và là một “người lừa gạt xuất sắc” trong buổi thụ lý hồ sơ hôm Thứ Hai.
Cô Chapman hiện bị giam không cho tại ngoại.
Ngân hàng Anh Quốc Barclays Bank xác nhận rằng nữ điệp viên Nga Anna Chapman đã từng làm việc trong trụ sở London của ngân hàng này trước khi sang Mỹ ở.
Trước đó, Barclays chối là không biết gì về Chapman, người bị FBI tố cáo là cùng 10 người khác là điệp viên do Nga cài cắm từ thập niên 1990.
Nhưng rồi phát ngôn nhân Ngân Hàng Barclays xác nhận với báo The Guardian rằng cô Chapman có làm ở phòng phụ trách hồ sơ tiểu kinh doanh từ năm 2004 và 2005.
Trên trang tiểu sử ở LinkedIn, cô Chapman tự nói rằng cô làm ở phòng đầu tư tài chánh.
Có lẽ dị biệt đó đã làm Barclays lúc đầu nói là không biết cô là ai.
Trước đó nữa, cô làm việc cho một công ty ở Anh -- NetJets Europe, một hãng tư cho thuê phi cơ. Nhưng không làm lâu, và cũng không ở cấp cao.
Phát ngôn nhân hãng này nói, “Cô Chapman làm ở NetJets Europe từ tháng 5 tới tháng 7-2004, chức phụ tá điều hành trong phòng thương vụ.”
Nhưng tiểu sử tự viết của cô nói là cô làm 1 năm ở NetJets và “chủ yếu liên hệ về việc bán các phản lực cơ tư cho các công ty và cá nhân tại Nga.”
Bản tiểu sử tự viết của Chapman cũng nói là cô làm cho một quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge fund) tại London có tên là Navigator. Nhưng theo trang web FINalternatives, không có chứng cớ nào cho thấy có quỹ đầu tư đó.
Trong nhóm 10 người bị bắt có Tracey Lee Ann Foley, người có một giấy thông hành Anh Quốc giả mạo.
Lý do FBI bắt khẩn cấp nhóm điệp viên này, vì có dấu hiệu cho thấy Chapman biểu lộ nghi ngờ đã bị theo dõi, và cô sửa soạn đaò thoát ra khỏi Hoa Kỳ để về Nga, theo hồ sơ tòa.
Luật sư của cô nói, cô Chapman đã qua lại, vào ra Mỹ kể từ năm 2005, trước khi ở lại Manhattan để mở một cơ sở kinh doanh.
Trong hơn 90 tấm ảnh cô để trên trang Facebook, cô có mặt ở nhiều quốc gia, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cô ở trong một các phòng của khách sạn sang trọng Les Ottomans tại Istanbul.
Còn có một tấm ảnh cô cầm ly rượu vang với hai người đàn ông trong hội nghị kỹ thuật Global Technology Symposium ở đaị học Stanford hồi tháng 3-2010, nơi phải mua vé vào dự tới hơn 1,000 đô la.
Công tố Farbiarz nói các điệp viên này bị bắt chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, từ mạng lưới gián điệp do SVR cài cắm vào Mỹ.
Bề ngoài, cô nói những điều tốt đẹp cho Hoa Kỳ. Cô Chapman nói trên một băng hình ở Facebook, “Với tôi, Mỹ là một đất nước tự do, và là nơi dễ nhất thế giới để gặp những người thành công nhất. Tại Moscow, bạn có thể gặp những doanh nhân quan trọng nếu bạn là một doanh nhân quan trọng. Tại New York, mọi sự khác hẳn. Bạn có thể đi ăn tối với người hàng xóm, và gặp nhà đầu tư tài chánh quan trọng nhất. Nếu bạn có điều gì cần nói và trình bày với thế giới, người ta sẽ lắng nghe bạn.”
Câu chuyện của cô Chapman khởi sự từ thành phố trước kia là Stalingrad của Liên Sô, nơi cô chào đời trong một gia đình có thế lực.
Cha cô làm trong tòa đại sứ Nga ở Kenya, khi cô còn bé, và do vậy cô đã du hành thế giới từ bé.
Cô được gửi học nội trú ở một trường thượng lưu ở Stalingrad, nơi cô “nổi bật,” theo lời một bạn của cô hiện sống ở Israel. Cô khi học lớp 8 có nhận làm một dự án, chủ đề tưởng nhớ sự thống nhất Sô viết, và được giaỉ nhất.
Xong trung học, cô tốt nghiệp Đaị Học Hữu Nghị Các Sắc Dân tại Moscow, với bằng cao học kinh tế.
Rồi cô sang London, làm việc và cưới một người Anh giàu có, con trai của một giám đốc về bán lẻ. Nhưng tình duyên này sớm đứt.
Một người hàng xóm ở Manhattan nói, người ta thường gặp cô với túi xách mua hàng hiệu nổi tiếng, kiểu như Prada hay Gucci.
Cô cũng thường ngồi ở tiệm sách Barnes & Noble, và thường uống cà phê ở Starbucks -- hai điạ điểm mà FBI nói là nơi họ bắt gặp cô vào liên lạc vô tuyến với các cán bộ sứ quán Nga.
Luật sư của cô là Robert Baum, nói cô chẳng phải gián điệp gì cả.
Và mẹ cô, hiện sống ở phía tây Moscow, bà Irina Kushchenko, nói với AP rằng: “Dĩ nhiên, tôi tin rằng con tôi vô tội.”
FBI nói đã ghi laị được cô dùng máy laptop trao đổi vô tuyến 10 lần, luôn luôn là các ngày Thứ Tư, cho tới tháng 6-2010, khi một thám tử FBI giả làm nhân viên sứ quán Nga, mang một dây thu âm, tìm gặp cô Chapman ở 1 tiệm cà phê Manhattan.
Lúc đầu họ nói bằng tiếng Nga, rồi đổi sang tiếng Anh cho chung quanh khỏi nghi ngờ.
Cô nói:
“Tôi cần thêm thông tin về anh trước khi tôi có thể nói.”
“OK, tên tôi là Roman... tôi làm ở sứ quán.”
Thám tử nói, anh biết cô sắp về Moscow trong 2 tuần nữa “để nói chính thức về việc làm của cô,” nhưng trước khi đó, “tôi có một việc nhỏ cho cô làm ngày mai.”
Việc đó là: trao một thông hành giả cho một nữ điệp viên khác.
Thám tử hỏi: “Cô có sẵn sàng làm thế chưa?”
Cô đáp: “... Dĩ nhiên.”
Thám tử mới cho cô biết 1 địa điểm, và nói cô cầm một tạp chí ở một kiểu để nhận diện -- kiểu đó, cô sẽ được nhận ra bởi 1 gián điệp Nga, người này lúc đó sẽ tới nói mật khẩu, “Xin lỗi, có phải chúng ta đã gặp ở California mùa hè vừa qua?”
Nhưng rồi Chapman lộ ngờ vực, theo lời công tố.
“Bạn có chắc là không ai do thám chúng ta?” công tố kể là cô nói với thám tử kia như thế, sau khi được chỉ dẫn việc kia.
Sau đó, công tố nói, cô lo ngại, nên mua 1 điện thoại di động và “gọi hàng loạt” về Nga.
Một trong các cú gọi mà FBI nghe lén làn sóng được, 1 người đàn ông chỉ thị cô là cô có thể đã bị lộ, và nên nộp thông hành kia cho cảnh sát Mỹ và hãy ra khỏi Mỹ ngay.
Khi cô tới Ty cảnh sát New York sau khi nghe lời khuyên naỳ, cô bị bắt ở đây.