2010-07- Phải chăng các vụ đình công gần đây tại Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy thời kỳ lao động giá rẻ đã chấm dứt ? Hai bài báo trên tờ Le Nouvel Observateur tuần này mang tựa đề «Làn gió phản kháng tại công xưởng thế giới», và «Hồi cuối của low cost?» đã đặt ra vấn đề như trên.
Số 1.900 công nhân đình công ở Phú Sơn đòi lương họ phải tăng gấp đôi, lên 2.000 nhân dân tệ một tháng, tương đương 238 euro ; và sau hai tuần thương lượng căng thẳng, Honda chấp nhận tăng lương 36%. Đây là một thắng lợi vang dội, nếu chúng ta biết rằng những người tranh đấu là các thanh niên nông thôn còn rất trẻ - đa số chưa đến 20 tuổi- ít học, không kinh nghiệm và hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nghiệp đoàn nào cả.
Vài ngày trước đó, Honda đã công bố kết quả bán hàng rất khả quan và loan báo sẽ tăng sản lượng lên 30%. Tan Guocheng cho biết : « Thế mà họ chỉ tăng lương cho chúng tôi có 50 nhân dân tệ ! Trong khi giá nhà lên cao vùn vụt, công nhân không thể dành dụm mua nhà, rồi lấy vợ sinh con với số lương như thế. Tôi đã quyết định thôi việc nên đã chấp nhận lãnh đạo cuộc đình công dù biết rằng sẽ bị đuổi, miễn là các đồng nghiệp tôi nhận được đồng lương phải chăng sau đó ».
Còn tại vùng ngoại ô cách đó chừng mười mấy cây số, nhà máy điện tử lớn nhất thế giới Foxconn với 450.000 công nhân, sản xuất các sản phẩm hiện đại nhất từ iPhone đến iPad, máy vi tính, máy trò chơi PlayStation, Wii…thì không có ai cầm đầu đình công cả.
Cung cách quản lý ở đây là theo kiểu mẫu ở Nhật cách đây 60 năm, trước khi áp dụng ở Đài Loan vào thập niên 70 : kỷ luật quân sự, kiểm soát thô bạo mọi mặt của cuộc sống, hình phạt trừng trị do 40.000 giám sát đưa ra. Tại đây công nhân không nổi dậy mà chìm dần trong nỗi thất vọng : đã có hàng loạt vụ tự tử, hơn một chục công nhân đã chết và khoảng 30 người khác được cứu kịp thời.
Báo chí Nhà nước chỉ trích, rốt cuộc ông chủ Đài Loan đã phải xin lỗi và tăng lương lên đến 70%. Tại Foxconn, người ta xầm xì với nhau là Bắc Kinh đã gây áp lực để công ty phải tái phân phối một phần lợi nhuận cho công nhân.
Chính quyền Trung Quốc muốn chuyển đổi từ một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa. Tờ Nhân dân Nhật báo giải thích : « Việc sản xuất đồ chơi, áo thun hay hoa nhựa sẽ được chuyển sang Việt Nam hay Bangladesh đang có lao động giá rẻ hơn. Nhưng Trung Quốc duy trì được các sản phẩm cao cấp ».
Le Nouvel Observateur đã nêu ra một loạt các vụ đình công lớn đang lan ra tại nhiều nhà máy có vốn nước ngoài, nhưng cho biết sau khi ủng hộ ngầm như trên, nay Bắc Kinh đã đổi thái độ. Chính quyền luôn dè chừng tính cách nổi loạn của lớp công nhân trẻ thế hệ thứ hai, nhiều tham vọng hơn và không chịu khuất phục như cha anh họ. Đáng ngại hơn nữa là, họ biết sử dụng các phương tiện hiện đại như tin nhắn điện thoại, công cụ chat, diễn đàn…để tổ chức tập hợp một cách hiệu quả. Và lần đầu tiên trong lịch sử tại một nhà máy của Honda, hàng ngàn công nhân đã đòi hỏi quyền được tự bầu ra công đoàn riêng của mình.
Lao động giá rẻ nay đã hết thời?
Theo nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, thì giá thành sản xuất tại Trung Quốc không ngừng tăng lên. Lương công nhân tăng, giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao, áp lực lên đồng nhân dân tệ, đó là những yếu tố cộng hưởng khiến cho lợi tức của nhà sản xuất ngày càng giảm.
Các vụ đình công và tự tử hàng loạt ở Honda và Foxconn gần đây đã dẫn đến việc giới chủ tại Trung Quốc phải chấp nhận tăng lương. Để giữ chân các công nhân có tay nghề cao, lương tối thiểu năm nay đã tăng từ 20 đến 30% tại tất cả các tỉnh. Còn tại vùng châu thổ sông Châu Giang trong sáu tháng đầu năm lương đã tăng 17%, tương ứng với việc tăng 5% giá thành.
Và thế là những nhà đặt hàng nước ngoài đang dần dần quay sang các nước khác có giá lao động rẻ hơn như Ấn Độ, Việt Nam, Cam Bốt, Indonesia, Bangladesh…Còn ngay tại Trung Quốc, họ chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp tại các tỉnh vùng trung tâm, còn vùng duyên hải dành cho các loại hàng hóa phức tạp hơn.
Theo tính toán của một nhà kinh tế, thì mỗi lần đồng tiền Trung Quốc tăng 5% là giá thành sản xuất lại bị đẩy lên 2,5%. Theo Le Nouvel Observateur, đó là những lý do khiến người ta có thể nhận định, đã bắt đầu hồi kết của công xưởng vĩ đại nhất thế giới.
Cái giá phải trả cho sự minh bạch
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Tuần san Le Courrier Internationnal có bài trích dịch một tờ báo địa phương phản ánh về việc một xã công khai chi tiêu tài chính trên mạng, đã phải trả giá cho sự minh bạch này.
Theo bài báo, chính quyền xã Bạch Miêu đã quyết định công khai tất cả các khoản chi tiêu từ đầu năm của xã. Công khai ngay cả chi phí mua thuốc lá, rượu trong các buổi tiếp các quan chức cấp trên. Phần lớn các khoản chi dùng vào việc tiếp khách. Theo thống kê của xã, chi tiêu tháng 1 là 8.240,50 nhân dân tệ (980,60 euro). Trong đó, mức chi cao nhất là khi tiếp đoàn cán bộ đến dự một cuộc họp về ngân sách của xã. Xã đã phải đặt 3 bàn tiệc khách sạn với giá là 1.269 nhân dân tệ. Chính quyền xã cũng cho công khai trên mạng bảng tiền lương của chủ tịch và bí thư xã.
Sự công khai này đã được quần chúng hoan nghênh. Chỉ trong 3 ngày, đã có 30 000 lượt người truy cập.
Bạch Miêu là một xã nông thôn nghèo thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Hoạt động cũa xã chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp. Thế nhưng, từ hơn 2 tháng nay, bí thư xã này phải chạy vạy khắp nơi mà vẫn không xin được khoản tài trợ nào.
Chủ tịch xã này cho biết kể từ khi cho đăng thông tin về ngân sách xã trên mạng, thì lượng khách cấp trên đến xã giảm đi phân nửa. Ông tâm sự : « Khi các cán bộ cấp trên đến đây công tác, hơn 70% trong số họ luôn tỏ ra vội vả. Khi làm việc vừa xong, họ lập tức đi ngay chứ không ở lại dùng bữa, dù đã 11-12 giờ trưa. »
Theo ông, sự công khai này khiến nhiều vị khách cấp trên lo sợ chi phí tiếp đãi họ bi đưa lên mạng. Tình hình này gây bối rối cho chính quyền xã và cả những cơ quan có khả năng trợ cấp cho xã. Từ ngày 28 tháng 4, những kêu gọi của xã không hề nhận được câu trả lời nào từ phía các nhà tài trợ.
Tuy vậy, ông bí thư xã khẳng định sẽ tiếp tục việc công khai tài chính và thậm chí còn công khai nhiều hơn nữa.
Cam Bốt: Người dân bị giải tỏa có chỗ ở tốt hơn nhưng mất cơ hội kiếm sống
Liên quan đến Cam Bốt, tờ Le Courrier International có bài phản ánh tình hình phát triển đô thị của Phnom Penh.
Từ hơn một năm nay, cô Sous Srey Khuoch, 15 tuổi, cùng với gia đình và hàng trăm hàng xóm đã đến sống ở khu tái định cư Borey Santepheap II, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 20 km, Trước đây, họ sống ở phía nam hồ Boeung Kak, một hồ lớn rất ô nhiễm nằm giữa lòng thủ đô. Rồi chính phủ ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc thuê hồ và khu lân cận với thời hạn 99 năm. Thế là, năm 2008, người ta đem máy móc đến lấp hồ để xây dựng khu tổ hợp giải trí, thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Những hộ sống quanh hồ có hai sự chọn lựa : nhận tiền đền bù 8.500 đô la hoặc đến tái định cư ở khu Borey Santepheap II.
Trước kia, quanh bờ hồ, dù ô nhiễm, nhưng lại có nhiều chợ, nhiều nhà nghỉ, rất thuận tiện cho việc làm ăn mua bán. Khi ấy, bố mẹ của Sous Srey Khuoch làm nghề bán dạo, mỗi ngày họ kiếm được 5 đô la . Sous Srey Khuoch thì được đến trường như mọi trẻ em khác. Còn ở đây, nhà cửa được xây bằng gạch, quét vôi trắng, không khí trong lành, nhưng mọi người lại chẳng có công ăn việc làm. Bố mẹ của Sous Srey Khuoch không có tiền để cho cô đi học. Đã một năm trôi qua , mà Sous Srey Khuoch chưa một lần trở lại Phnom Penh, khoảng cách dù chỉ 20 cây số mà như 200 cây số vậy. Cuộc sống mới ở ngôi làng này làm cho người ta buồn chán và lo lắng.
Bài báo nhắc lại, suốt 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ, Phnom Penh trở thành « Thành phố ma ». Có khoảng 2 triệu dân Cam Bốt bị giết hại, riêng ở Phnom Penh, 80% thị dân bị tàn sát. Năm 1979, Khmer Đỏ bị lật đổ. Quá trình đô thị hóa ở Phnom Penh lại bắt đầu. Nhà cửa được chia cho các công chức trước. Số còn lại thì phân phát cho người dân theo nguyên tắc « Ai đến trước có trước ». Quá trình « tái di dân tự phát » này đã cho ra đời một khuôn mặt đô thị mới khá đặc biệt : Hơn 15 ngàn người sống trên mái nhà. Như khu dân cư Tampa, trước khi bị cháy vào năm 2002, là một khu tạm bợ xây dựng trên nóc của một chung cư. Khu ổ chuột này có đến 1000 người sinh sống.
Trở lại khu tái định cư Borey Santepheap. Trong ngôi làng, hầu hết các ngôi nhà đều không người ở. Một người phụ nữ cho biết mọi người đã trở lại thành phố rồi. Chồng chị, anh Thol Poe làm nghề chạy xe honda ôm ở Phnom Penh. Anh cố gắng bám trụ chổ ở mới này dù việc làm ăn không được khấm khá. Anh nói thích sống ở khu tái định cư này vì tiện nghi hơn, nhưng việc kiếm sống lại quá vất vả.
Tuy vậy, tác giả bài báo cho rằng một khu tái định cư, dù hiện tại ít có vẻ lôi cuốn, nhưng trong tương lai có thể tỏ ra hiệu quả. Như ở New Delhi, giữa những năm 70, hàng trăm ngàn dân bị buộc di dời và được tái định cư bên ngoài thành phố. Do thiếu việc làm, nhiều người đã lén trở lại nội đô. Ba mươi lăm năm sau, những khu tái định cư này đã được nhập vào vùng ngoại ô của thủ đô và hiện tại rất có giá trên thị trường bất động sản.
Tác giả kết luận : nếu Thol Poe có thể bám trụ được ở khu tái định cư này , thì có thể anh sẽ trở nên giàu có.
Bettencourt: Một hồ sơ tầm cỡ quốc gia
Liên quan đến thời sự nước Pháp, các tuần báo không thể bỏ qua vụ Bettencourt, nhà nữ tỉ phú giàu nhất nước, từ một vụ kiện dân sự đơn thuần nay đã trở thành một xì căng đan cấp nhà nước, vốn đang được các nhật báo đưa tin liên tục. Tuần báo Le Point chạy tít trang nhất « Một vụ tầm cỡ quốc gia », và ở các trang trong đã đề cập đến các nhân vật liên quan, đồng thời công bố luôn nội dung các cuộc nói chuyện tại phòng khách của bà Lilianne Bettencourt mà người quản gia đã bí mật thu được.
Tuần báo L’Express cho rằng « Lại thêm một vụ nữa » và nhận định, ông Eric Woerth đang trở thành một nhân vật gây phiền phức cho tổng thống Nicolas Sarkozy. Tờ báo đặt câu hỏi, trước hàng loạt các cuộc tranh cãi làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ, ông Sarkozy đã phản ứng chậm chạp và mang tính đối phó, nhưng liệu điều đó có đủ để xoa dịu dư luận đang bất mãn hay không?
Còn tuần báo Le Nouvel Observateur gọi đây là « Bettencourtgate » và nhấn mạnh đến « Bàn tay của điện Elysée » trong vụ này, khi gây áp lực lên ngành tư pháp.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100704-trung-quoc-da-het-thoi-lao-dong-gia-re