"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 10. April 2011

«Mùa xuân Ả Rập» ở Đông Nam Á: Đừng bao giờ nói là không bao giờ!

Thanh niên Indonesia biểu tình phản đối chính phủ đương đầu với cảnh sát. Ảnh chụp ngày 20/10/2010.
Thanh niên Indonesia biểu tình phản đối chính phủ đương đầu với cảnh sát. Ảnh chụp ngày 20/10/2010. Reuters
Thụy My, RFI
 
Le Courrier International trích dịch một bài viết đăng trên tờ The Star xuất bản ở Kuala Lumpur, mang tựa đề «Đừng bao giờ nói là không bao giờ ! ». Tác giả bài báo cho rằng, với những « chính quyền bô lão » hiện nay tại Đông Nam Á, thì không phải là không có khả năng xuất hiện những phong trào phản kháng. Chính quyền các nước Đông Nam Á cần phải biết lắng nghe tuổi trẻ, nếu không muốn bị làn sóng phẫn nộ tương tự như những gì đang diễn ra trên các đường phố Ả Rập quét sạch.

Tình hình ở các nước Ả Rập và Côte d’Ivoire tiếp tục được các tuần báo Pháp chú ý. Tờ Le Courrier International chạy tựa « Côte d’Ivoire : Hòa bình còn khó khăn hơn cả chiến tranh ». Tuần báo Le Nouvel Observateur giải thích vì sao lực lượng Pháp và Liên Hiệp Quốc dấn thân vào cuộc chiến ở Abidjan, L’Express có bài phóng sự «Côte d’Ivoire : Con đường máu ». Hồ sơ đặc biệt của Le Courrier International đặt câu hỏi : « Ai sợ hãi các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập ? ». 

Nếu trang bìa của tuần báo Le Point là chân dung của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, phân tích về mức độ tín nhiệm ngày càng xuống thấp của ông sau bốn năm cầm quyền, thì trang nhất của L’Express lại dành cho thủ đô Luân Đôn của Anh quốc. Còn Le Nouvel Observateur nêu ra vấn đề « Gầy đi liệu có nguy hiểm ? », trích dẫn kết quả cuộc điều tra chính thức cho biết các liệu pháp ăn kiêng gây hậu quả không tốt cho sức khỏe về lâu về dài, cho dù có được một thân hình mảnh mai vẫn là giấc mơ của phân nửa số người Pháp. Riêng Le Figaro Magazine đưa ảnh trang nhất trung sĩ Christophe Tran Van Can, phục vụ trong một đơn vị tác chiến của thủy quân lục chiến Pháp, với lời giới thiệu trân trọng về cuốn « Nhật ký chiến tranh ở Afghanistan » ghi lại diễn tiến một năm chiến đấu ở vùng đất đầy nguy hiểm này.

« Mùa xuân Ả Rập » ở Đông Nam Á ? Đừng bao giờ nói là không bao giờ !

Trở lại với hồ sơ về các cuộc cách mạng Ả Rập, Le Courrier International trích dịch một bài viết đăng trên tờ The Star xuất bản ở Kuala Lumpur, mang tựa đề « Đừng bao giờ nói là không bao giờ ! ». Tác giả bài báo cho rằng, với những « chính quyền bô lão » hiện nay tại Đông Nam Á, thì không phải là không có khả năng xuất hiện những phong trào phản kháng.
Theo tác giả, thì những người đấu tranh cho tự do trong năm 2010 đã phải báo động vì tình trạng thụt lùi của nền dân chủ trên toàn thế giới. Trong khi châu Âu và Hoa Kỳ lùi bước, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc chừng như báo hiệu cho một kỷ nguyên độc đoán. Nhưng năm 2011 đã đảo ngược lại xu hướng này. Bỗng chốc làn sóng dân chủ lại nổi lên và lan tràn nhanh chóng, vụ một thanh niên Tunisia tự thiêu đã là ngòi nổ cho một loạt các cuộc biểu tình và thay đổi chế độ trong thế giới Ả rập.

Nhưng các nước Đông Nam Á thì chưa chắc có được những thúc bách đòi hỏi dân chủ như thế. Lịch sử khu vực này được đánh dấu bằng những cuộc cách mạng có kết quả khiêm tốn. Chẳng hạn như phong trào Reformasi ở Malaysia và Indonesia, People Power ở Philippines, hay các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan năm 1992, tất cả đều không có được trọng lượng cần thiết. Bên cạnh đó, Malaysia cũng như Singapore lại còn hạn chế một số quyền dân sự và tự do báo chí. Sự bất mãn của người dân trong khu vực cũng không giống như tại Trung Cận Đông.

Dù vậy, khi quan sát những gì diễn ra tại các nước Ả Rập, tác giả nghĩ đến câu châm ngôn « Đừng bao giờ nói là không bao giờ ! ». Trước hết, các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể phải chịu đựng cú sốc kinh tế do giá dầu hỏa tăng, và sự phục hồi chậm chạp ở Hoa Kỳ, ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế vốn lệ thuộc vào xuất khẩu. Thứ đến, không ai có thể biết được các chính thể quân chủ có thể thoát ra khỏi khủng hoảng dễ dàng hơn là chính thể cộng hòa hay không. Thí dụ của Bahrain cho thấy các ông hoàng cũng có thể phạm phải các sai lầm nghiêm trọng.

Cũng theo bài báo, thì những người có trách nhiệm ở các nước Đông Nam Á cần phải biết lắng nghe tuổi trẻ. Đời sống chính trị tại đây từ lâu vẫn bị những chính khách già nua thống trị, giật dây từ trong hậu trường. Nếu không dự trù đối phó với những thử thách, thì các chính phủ có thể bị làn sóng phẫn nộ tương tự như những gì đang diễn ra trên các đường phố Ả Rập quét sạch. Để kết luận, tác giả lặp lại : « Đừng bao giờ nói là không bao giờ ! ».

Thử thách của các nền dân chủ hậu cách mạng

Bài viết « Cần cố gắng hơn nữa cho nền dân chủ » đăng trên tờ Philippine Daily Inquirer xuất bản ở Manila, được Le Courrier International trích dịch, đặt vấn đề : Sau cách mạng, thì những gì sẽ diễn ra tiếp đó ?

Theo bài báo, thì khi xem những hình ảnh tại quảng trường Tahrir, Ai Cập chiếu trên truyền hình, những người đã từng leo lên các hàng rào chướng ngại vật trong đợt đầu của phong trào People Power vào năm 1986, đã đương đầu với các xe tăng của nhà độc tài Marcos hoàn toàn thấu hiểu câu nói của nhà ly khai Ai Cập Wael Ghonim. Đó là : « Chúng ta biết rằng sẽ giành được chiến thắng một khi người dân vượt qua được rào cản tâm lý, khi họ quyết định thà chết vinh hơn sống nhục ». 

Tuy vậy, những hồi ức này lại đi kèm với những nuối tiếc về các cơ hội đã bị vuột ra khỏi tầm tay. Đối với những người đã tham gia các cuộc cách mạng ở Philippines và châu Mỹ la-tinh trong thập niên 80, rồi tại Đông Âu năm 1989, thì khúc ca khải hoàn của sức mạnh quần chúng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, rồi dần dà phải nhường chỗ cho những lo ngại, thất vọng và cuối cùng là niềm cay đắng. Đó là khi sức mạnh của dân chủ trực tiếp vốn đã lật đổ được các nhà độc tài, bị chuyển đổi thành dân chủ nghị viện theo kiểu phương Tây, trong đó những tầng lớp trên bảo thủ hay cánh trung tiếp tục thống trị ; các chế độ mới bị quốc tế thúc ép áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.

Bài báo đưa ra ví dụ tại Philippines, sau khi Washington bỏ rơi ông Marcos, chính quyền Aquino phải chiều theo đòi hỏi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, thông qua đạo luật cho phép trích xuất tự động từ ngân sách hàng năm để trả lãi vay. Thế là do 30 đến 40% ngân sách quốc gia phải dùng trả lãi, chính phủ không thể có được vốn đầu tư cần thiết cho tăng trưởng, khiến những năm gần đây Philippines phải lẹt đẹt sau đuôi những nước láng giềng được gọi là phép lạ kinh tế Đông Nam Á.

Theo tác giả, thì cuộc cách mạng Ả Rập đã đưa ra một thử thách mới, nhằm thiết lập các định chế biết tái lập được mối liên hệ cần thiết giữa các giá trị tự do, bác ái và bình đẳng. Tuổi trẻ Ả Rập, động cơ của cách mạng ít chịu khuất phục bởi nền dân chủ nghị viện, có nhiều sáng tạo hơn để hình thành những dạng thức dân chủ trực tiếp hơn. Trong khi chủ nghĩa tân tự do thịnh hành từ thập niên 80 và 90 đang gặp khủng hoảng, thì những nhà dân chủ Ả Rập hiện có cơ hội viết nên một chương mới cho cách mạng thế giới. Liệu họ sẽ đối mặt với thách thức, hay sẽ cứ để cho các chính khách già nua thao túng, với chế độ dân chủ nghị viện kiểu phương Tây đã cũ mèm ?

Miến Điện: «Dân chủ có kỷ cương» với các phiên họp Quốc hội chỉ 15 phút

Cũng liên quan đến châu Á, tờ báo trên mạng Asia Times mô tả những phiên họp siêu ngắn của Quốc hội Miến Điện, với các đại biểu bị quản lý chặt chẽ và được trả lương cao. Bài viết « Mười lăm phút vinh quang của các đại biểu » cho biết, « nền dân chủ trong kỷ luật » được các tướng lãnh tổ chức rất khôn khéo.

Đúng 9 giờ sáng, chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên họp và 15 phút sau đó tuyên bố bế mạc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Quốc hội Miến Điện đã thông qua việc bổ nhiệm nhiều viên chức cao cấp, do chủ tịch đảng cầm quyền đề cử, sau đó các đại biểu trở về khu nhà tập thể. Tòa nhà Quốc hội không có văn phòng hoặc thư ký riêng cho các đại biểu, và họ chỉ được quyền vào hai phòng họp, hai căng-tin và toa-lét, nếu lang thang qua nơi khác có thể bị ngăn lại. Còn các nhà báo thì không có quyền bước vào đây, cũng như đưa tin về các phiên họp.

Sau cuộc bầu cử ngày 7/11 năm ngoái, lần đầu tiên được tổ chức kể từ 20 năm qua, đảng Vì tương trợ và Phát triển Liên hiệp (USDP) của tập đoàn quân sự, và các đại biểu của quân đội đã kiểm soát đến 84% Hạ viện và 83% Thượng viện. Cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu này là một trong những giai đoạn cuối cùng của bảy bước tiến đến nền dân chủ do chế độ cầm quyền đề ra. Nhưng nếu trước đây, người dân phải chịu sự thống trị của quân đội, thì nay có đến hai chiếc ách, đó là thêm sự hiện diện của đảng USDP được điều hành bởi các tướng lãnh về hưu mặc áo dân sự.

Các đại biểu Quốc hội được Thống chế Than Shwe biệt đãi cho sự ngoan ngoãn của họ. Các đảng viên được lãnh 300.000 đồng kyat mỗi tháng, tương đương 245 euro theo hối suất chợ đen, trong khi lương công chức là từ 12 đến 160 euro, thêm vào đó là nhiều loại phí, trợ cấp khác. Còn chủ tịch Quốc hội thì nhận được đến 5 triệu kyat mỗi tháng, tức 4.000 euro.