La Thành
Phạm Thị Hoài thực hiện
Phạm Thị Hoài: Chúng
ta thử hình dung, một ngày nào đó không xa, trong vòng một thập niên
tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo
toàn diện của Đảng CSVN sang dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền
dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do hội
họp và xã hội dân sự. Khi đó, cái di sản kéo dài gần ba phần tư thế kỉ ở
miền Bắc và gần một nửa thế kỉ trên toàn quốc đó sẽ đặt chế độ mới
trước những thử thách nào?
La Thành: Cái khó của
câu trả lời không phải là việc gọi tên những thử thách, chắc chắn đó là
một danh sách rất dài, mà là việc phân loại và phân cấp những thách thức
đó. Trong sơ đồ của tôi, thách thức lớn nhất, bao trùm nhất sẽ đối diện
với chính quyền hậu cộng sản đầu tiên của nước Việt là sự điêu tàn của
văn hoá. Mọi thách thức khác đều là thành phần, là hệ luỵ của thách thức
này.
Ở phân cấp thứ nhất của bức tranh văn
hoá tăm tối đó, chúng ta sẽ quan sát thấy hai thành tố: sự mông muội của
luật pháp và sự nhem nhuốc của đạo đức. Là hai tiểu phạm trù của văn
hoá, luật pháp và đạo đức được tách bạch theo cách thức chúng điều chỉnh
các hành vi văn hoá của con người: luật pháp điều chỉnh bằng ý thức về
sự công bằng và sự bất công, còn đạo đức thì điều chỉnh bằng ý thức về
cái tốt và cái xấu; những hành vi bất công sẽ bị trừng phạt, còn những
hành vi xấu xa sẽ bị chê cười. Một khi sự bất công thì được bảo vệ, còn
sự [đòi hỏi] công bằng lại bị trừng trị; một khi người đứng đầu chính
quyền của cả nước công khai bao che những kẻ tẩu tán hàng nghìn tỷ đồng
tiền thuế của dân, trong khi lại sai tay chân nhân danh công quyền đập
phá nhà cửa và dựng án bỏ tù người bất đồng chính kiến thì nền luật pháp
đó là thứ luật pháp của các băng đảng lục lâm thảo khấu. Một khi xã hội
vô cảm với cái đê tiện, dửng dưng với cái mã thượng, lấy độ dày của ví
tiền làm thước đo của thành công, giản quy các mối quan hệ xã hội thành
các tương tác ‘có đi có lại’, ‘ông trao tiền, bà trao thịt’ thì nền đạo
đức đó là thứ đạo đức của đĩ điếm. Những thách thức này nghiêm trọng ở
chỗ chúng bao trùm lên và thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã
hội. Không đơn thuần chỉ phải xây dựng lại hệ thống pháp luật về mặt văn
bản, một công việc vốn dĩ đồ sộ, chế độ mới còn phải trao hiệu quả cho
hệ thống đó để nhà nước của họ thực sự là nhà nước pháp quyền. Việc khôi
phục uy quyền cho các giá trị đạo đức đã thất thế cũng đòi hỏi những nỗ
lực thành thật và bền bỉ.
Trong một tiêu chí phân cấp khác, lưu ý
đến các lực lượng xã hội của văn hoá, chúng ta hãy kì vọng rằng nền dân
chủ trong tương lai phải chủ yếu do giai cấp trung lưu với nòng cốt là
tầng lớp trí thức lĩnh xướng. Về nền tảng kinh tế, lực lượng xã hội này
bao gồm các doanh nhân vừa và nhỏ, các nhà chuyên môn có thu nhập ổn
định từ nghề nghiệp của mình như học giả, kĩ sư, bác sĩ, văn sĩ, giới
công nghiệp biểu diễn – giải trí v.v., có địa vị kinh tế trung gian giữa
tầng lớp thượng lưu và quần chúng lao động. Về xu hướng chính trị, họ
được kì vọng là những người có tư tưởng dân chủ triệt để và theo đuổi
một chủ nghĩa dân tộc ôn hoà. Về phẩm chất tinh thần, họ được trông mong
là những người có tư duy độc lập, thượng tôn chân lí khách quan, bất
khuất trước bạo quyền. Những đại diện của họ cần phải chiếm đa số trong
các thiết chế nhà nước tương lai, đặc biệt là trong nhánh lập pháp.
Nhưng vào thời điểm này, một giai cấp trung lưu và tầng lớp trí thức như
thế thực sự chưa có, vì vậy thật khó để nói về giai cấp và tầng lớp này
sau mươi, mười lăm năm nữa. Nếu toà nhà dân chủ tương lai được trông
cậy vào những kiến trúc sư và thợ xây như thế, nhưng lực lượng này lại
chưa thành hình hoặc còn non yếu, thì đó là một thử thách vô cùng nan
giải.
Khi xét đến cấu trúc nội dung của văn
hoá, tương ứng với các lĩnh vực hoạt động của con người, nền văn hoá sẽ
bao gồm các địa hạt như chính trị, kinh tế, giáo dục – đào tạo, v.v., và
điểm hạnh kiểm của văn hoá sẽ được cộng lại từ phẩm chất của các thành
tố này.
Về chính trị, mặc dù Đảng Cộng sản đã
phải từ giã địa vị thống trị, nhưng con người, văn hoá chính trị, đạo
đức hành xử và tác phong làm việc của nó vẫn còn đó, tạo nên một trong
những thách thức thực tiễn lớn nhất đối với công cuộc xây dựng chế độ
mới. Hãy quan sát nước Nga trong hơn hai mươi năm qua để thấy cái di sản
toàn trị kia đã đeo bám dai dẳng và cản trở dân chủ hoá đến mức nào.
Tôi đặc biệt lưu ý đến sức ì của của văn hoá chính trị toàn trị. Ở Đông
Á, trật tự Khổng giáo từ hàng nghìn năm trước chính là một thứ chủ nghĩa
xã hội phong kiến, và sự hội ngộ giữa nó với chủ nghĩa Marx-Lenin tại
đây hồi đầu thế kỷ XX là một cuộc ‘tri kỷ tương phùng’: chủ nghĩa xã hội
hiện thực trong hơn nửa thế kỷ qua ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam thực
chất là sự thực hành Khổng giáo dưới một hệ thống thuật ngữ mới. Một
phần tư thế kỉ sắp trôi qua từ các biến cố chính trị ở Liên Xô cũ và
Đông Âu, văn hoá là yếu tố chủ chốt đã cầm chân được các đảng cộng sản
Đông Á ở địa vị cầm quyền. Vì vậy văn hoá vẫn sẽ là yếu tố chủ chốt
thách thức các nền dân chủ tương lai tại đây.
Về kinh tế, mặc dù Đảng Cộng sản đã đặt
mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020, tức là
chỉ sau 8 năm nữa, nhưng tôi tin chắc rằng vào thời điểm đó, nền kinh
tế nước Việt vẫn tiếp tục là một nền kinh tế có cơ cấu thiên về xuất
khẩu nông sản và những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ thấp,
công nghiệp vẫn tiếp tục là một nền công nghiệp phục vụ ngoại bao
(outsourcing) cho các thương hiệu nước ngoài, có thể với quy mô lớn hơn
hiện nay, và thặng dư của toàn bộ nền kinh tế vẫn dựa vào chính sách trả
lương thấp cho tuyệt đại bộ phận người lao động. Đơn giản là sơ đồ kinh
tế này lâu nay đã và đang phục vụ đắc lực lợi ích của các nhóm tài
phiệt kiêm đầu sỏ chính trị, mà thi thoảng truyền thông chính thống chỉ
định danh nhẹ nhàng là các ‘nhóm lợi ích’, vốn là con cháu hay dây rợ
của các gia đình quý tộc cộng sản đã hoàn tất việc chuyển các tài sản
nguyên thuộc sở hữu toàn dân của thời kì xã hội chủ nghĩa kế hoạch hoá
vào tay chúng thông qua những cuộc cổ phần hoá mang đặc trưng ăn cướp.
Cho dù Đảng Cộng sản có thể phải từ bỏ độc quyền chính trị vào đầu thập
kỉ tới, sự tồn tại của một thiểu số tài phiệt đỏ hùng mạnh về kinh tế và
phản động về chính trị sẽ là một thách thức trực tiếp đối với các nhiệm
vụ kinh tế của nền dân chủ còn non trẻ, bao gồm việc tái cơ cấu nền
kinh tế và [tái cơ cấu] phân phối thu nhập.
Một thách thức kinh tế khác được dự báo
sẽ là những khoản nợ công khổng lồ mà nạn tham nhũng và sự thua lỗ của
các tập đoàn kinh tế quốc doanh – những kẻ sử dụng và đánh cắp nhiều
nhất các nguồn vốn vay mượn từ bên ngoài – đang di chúc lại. Đồng thời,
trong khi chính quyền cộng sản thường xuyên rao giảng nhận thức về ‘phát
triển bền vững’ (sustainable development), sự bất lực và giả dối của nó
trong chiến lược văn hoá này đang để lại cho thế hệ tương lai một môi
trường sống dơ dáy và ngập ngụa phế thải, các nguồn nước nhiễm độc và
cạn kiệt, rừng và các mỏ khoáng sản bị tàn phá, bị trộm cắp, bị cướp
đoạt hoặc bị bán tống bán tháo một cách man rợ và vô cảm.
Về giáo dục – đào tạo, sự cổ quái của
một nền giáo dục phản khai phóng phục vụ chính trị trong hơn nửa thế kỉ
sẽ đẩy đất nước vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chuyên
nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống. Có thể hơi lạc đề một chút so
với câu hỏi, nhưng tôi muốn nói thêm rằng sự kém cỏi của nền giáo dục –
đào tạo nước nhà như hiện nay vừa là chỉ dấu, vừa là kết quả, vừa là
nguyên nhân của sự thiếu vắng một đội ngũ trí thức xứng tầm. Một đội ngũ
trí thức như thế đáng lẽ đã được hình thành và kế tục nếu không có
những cuộc đàn áp và triệt hạ khốc liệt nhằm vào trí thức liên tục trong
các thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Trên thực tế, số lượng những
người có học hiện nay đông đảo hơn gấp nhiều lần so với đội ngũ có học
cách đây bốn, năm chục năm, song tuyệt đại đa số họ không tương xứng với
danh từ ‘trí thức’. Tôi được biết ở Đại học Harvard đang có một chi bộ
của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên là các lưu học sinh Việt theo học
tại đó; hàng năm, chi bộ này vẫn liên tục kết nạp đảng viên mới. Đây quả
là một minh chứng đặc sắc cho chất khai phóng của giáo dục Mỹ. Tôi tự
hỏi trong số các Harvardian communist này, những ai rồi đây sẽ nhanh chóng giấu nhẹm đi đảng tịch cộng sản của mình để đầu quân cho nền dân chủ?
Trên đây, tôi chỉ điểm qua những thách
thức lớn nhất, tất định nhất đối với nền dân chủ hậu cộng sản đầu tiên.
Chung quy, mọi thách thức đều có tên gọi khái quát là văn hoá.
Phạm Thị Hoài: Theo anh, xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản đó?
La Thành: Tôi được
thông báo một tin xấu và một tin tốt. Tin xấu là, trong một diễn tiến
thông thường, chúng ta sẽ phải chờ đợi để một thế hệ được thay thế,
trung bình khoảng 25–30 năm. Tin tốt là một chiến lược văn hoá đúng đắn
có thể giúp rút ngắn quãng thời gian chuyển trạng thái này.
Khi quan sát tiến trình dân chủ hoá diễn
ra từ các bộ phận của Liên Xô cũ cho đến Đông Đức cũ, tôi nhận xét thấy
quãng thời gian trễ đang đề cập tỉ lệ thuận với khoảng cách đến đường
biên giới địa lí của các nền dân chủ truyền thống Tây phương. Đáng tiếc
là nước Việt còn cách xa đường biên giới ấy hơn cả nước Nga. Tuy nhiên,
một chiến lược văn hoá thông thái có thể giúp kéo ‘đường biên văn hoá’
của các nền dân chủ cổ truyền lại gần chúng ta, đẩy lùi sự ‘câu giờ’ của
văn hoá toàn trị. Tựu trung vẫn là văn hoá.
Phạm Thị Hoài: Anh có thấy những điểm sáng hay truyền thống tốt đẹp nào từ cái di sản đó cần được giữ gìn?
La Thành: Câu trả lời của tôi chắc chắn là ‘Không’.
Trong lịch sử tồn tại của Đảng Cộng sản,
‘văn hoá Đảng’ đã làm tổn thương không ít truyền thống văn hoá tốt đẹp
của dân tộc, và có thể chưa kịp tác hại đáng kể lên những truyền thống
có sức sống mãnh liệt nhất. Trong suốt thế kỷ XX, Đảng Cộng sản đã thủ
lợi trên truyền thống yêu nước và những truyền thống đẹp đẽ khác của
người Việt. Nhưng một khi cảm thấy một truyền thống hay nét đẹp nào đó
có thể phương hại đến sự tồn tại của nó ở địa vị thống trị, – thí dụ
lòng ngay thẳng thượng tôn lẽ phải, tinh thần bất khuất trước bạo quyền
và gần đây nhất, ngay cả lòng yêu nước, – nó sẽ xúc phạm và tấn công huỷ
diệt những tố chất đó không chùn tay.
Trong cả thời chiến và thời trị của Đảng
Cộng sản, bộ máy tuyên truyền của nó đã xây dựng và ngợi ca nhiều tấm
gương anh hùng hay gương ‘người tốt việc tốt’ tiêu biểu. Nay thì đã rõ
rằng những ‘điểm sáng’ kia hoặc là sản phẩm thuần tuý của hư cấu (điển
hình là ‘anh hùng’ Lê Văn Tám), hoặc là một sự thật ít ỏi đã được tô vẽ
đắp điếm. Bất luận trường hợp nào, tác quyền của nét đẹp truyền thống
xứng đáng được ca ngợi chưa bao giờ thuộc về văn hoá Đảng.
Cha tôi, một đảng viên cộng sản có trên
40 năm tuổi Đảng, sinh thời từng nói với tôi rằng từ năm mươi năm trước,
khi ông còn là một trai trẻ bị cuốn vào cơn bão chính trị do Đảng Cộng
sản khởi xướng, ông đã nhận ra rằng khôn lỏi, dối trá và thủ đoạn luôn
luôn là bí quyết thành công dưới chế độ cộng sản. Có thể nhận định một
quy luật rằng các món ăn ‘gương sáng’ do Đảng Cộng sản chế biến và dọn
ra bàn tiệc tuyên truyền của nó mới đầu thường thuộc về giai tầng thấp
nhất của xã hội. Một số sau đó có thể được cất nhắc lên thứ bậc cao hơn,
ở đó anh/chị ta hoặc phải đê tiện hoá để thích nghi với thành phần giai
cấp mới, hoặc bị đào thải và rơi trở lại địa vị xuất phát nếu không
chịu từ bỏ đức trung thực.
Văn hoá Đảng Cộng sản quả thật có một
truyền thống chủ đạo: sự dối trá. Có điều khó ai có thể đồng ý rằng di
sản đó cần phải được giữ gìn.
Phạm Thị Hoài: Khả
năng diễn ra trong hòa bình của bước ngoặt đó lớn tới mức nào, hay tình
trạng bạo loạn mà nhiều người tiên đoán và dùng đó làm lập luận chống
thay đổi thể chế sẽ xảy ra?
La Thành: Điểm lại lịch
sử, Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968 đã bị quân đội Liên Xô bình
định bằng xe tăng và tiểu liên. Liên Xô và Đông Âu năm 1989 chuyển dịch
thành công về dân chủ cơ bản trong hoà bình. Cuộc đọ súng trước ‘Nhà
Trắng’ Moskva tháng Tám năm 1991 chỉ là cuộc đọ súng giữa hai thế lực
của giai cấp thống trị cũ. Thiên An Môn năm 1989 bị xe tăng của quân đội
Trung Quốc dìm trong bể máu. Năm 2011, Ai Cập, Yemen và Tunisia đã
chuyển dịch thành công về dân chủ dưới họng súng của giới cầm quyền, một
bộ phận quần chúng đã phải đổ máu. Ở Libya, công cuộc lật đổ chế độ
Gaddafi đã phải đi qua một cuộc nội chiến ngắn đầy máu lửa trước khi
giành thắng lợi. Ở Syria, chính quyền Bashar al-Assad đã tàn sát 8000
người biểu tình và chưa chịu buông rời quyền lực. Trong tất cả các sự
kiện vừa liệt cử, ở những nơi đã xảy ra bạo lực kẻ rắp tâm giương súng
bóp cò trước tiên luôn luôn là tập đoàn cầm quyền. Ở Đông Âu, nơi mà nền
văn hoá giàu truyền thống dân chủ hơn so với Trung Đông và Bắc Phi, tập
đoàn thống trị đã chấp nhận giã từ quyền lực trong hoà bình một cách dễ
dàng hơn.
Như vậy, hoà bình hay bạo lực là sự lựa
chọn văn hoá của tập đoàn cầm quyền, chỉ phụ thuộc vào tập đoàn cầm
quyền. Hy vọng rằng sau mươi năm nữa, văn hoá chính trị của Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Việt Nam khi ấy sẽ cao hơn đáng kể so với thế hệ hiện
nay, để họ có thể chấp nhận buông tay khỏi quyền lực trong hoà bình
trước đòi hỏi dân chủ của nhân dân.
Phạm Thị Hoài: Trước khi ngày đó tới, anh sẽ làm gì trong năm 2012 này?
La Thành: Tôi đã bắt đầu cuộc lựa chọn văn hoá của mình từ năm ngoái rồi. Năm nay chỉ là sự tiếp tục.
Đầu năm 2011, tôi đã quyết định chia tay
với sinh hoạt Đảng. Tôi đã làm việc đó một cách lặng lẽ, không gây ồn
ào: tôi xin chuyển công tác khỏi nhiệm sở cũ, điều này tất yếu kèm theo
thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi mới. Ở nơi mới, tôi không nộp hồ
sơ đảng viên nữa. Tôi chọn cách từ giã Đảng như vậy để không ảnh hưởng
gì đến các đồng nghiệp cũ của tôi, bởi nếu tôi làm đơn xin ra khỏi Đảng
một cách chính tắc, chi bộ cũ của tôi cuối năm vừa rồi chắc chắn sẽ mất
danh hiệu ‘Chi bộ Trong sạch Vững mạnh’, một số đảng viên của nó có thể
sẽ mất các danh hiệu thi đua. Nhiều người vẫn còn cần những thứ đó và
tôi tôn trọng họ.
Tôi đang trên hành trình gột rửa văn hoá
Đảng khỏi tâm hồn và cuộc sống của tôi. Sự chuyển biến văn hoá đòi hỏi
rất nhiều thời gian. Tôi e sẽ không kịp nếu còn chưa bắt đầu hành trình
ấy của bản thân mình. Tôi không muốn mình sẽ ở trong số bốn triệu người
phải lặng lẽ vứt thẻ đảng và tập thay đổi thói quen ứng xử khi ra khỏi
nhà vào những ngày đầu đất nước được tự do.
Phạm Thị Hoài: Cảm ơn anh La Thành.
© 2012 pro&contra