Trọng Nghĩa RFI - Vào hôm nay, 06/03/2013, tờ Hoàn
cầu Thời báo tại Trung Quốc đã trích lời đương kim Ngoại trưởng Dương Khiết Trì
hoan nghênh quyết định của chính quyền Bắc Kinh vào năm ngoái, khi cho thiết
lập thành phố Tam Sa ngoài Biển Đông.
Phát biểu trong khuôn khổ một cuộc thảo luận tại Quốc hội
Trung Quốc về hoạt động của chính phủ, ông Dương Khiết Trì còn nới thêm là việc
thành lập Tâm Sa sẽ mang lại nhiều cơ hội cho việc phát triển và mở cửa tỉnh
Hải Nam.
Đơn vị hành chánh mang tên là Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải
Nam, đã được nâng lên cấp thành phố vào tháng 07 năm 2012, với nhiệm vụ quản lý
ba vùng quần đảo ngoài Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền : Tây Sa (tức
Hoàng Sa), Trung Sa (tức bãi Macclefields) và Nam Sa (tức Trường Sa). Trụ sở
của thành phố này được đặt trên đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là Phú Lâm) trên
quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh cưỡng chiếm của Việt Nam vào năm 1974.
Trong bản báo cáo trước Quốc hội Trung Quốc vào hôm qua, ông
Ôn Gia Bảo, Thủ tướng sắp mãn nhiệm đã cho rằng chính quyền cần phải củng cố
thêm vấn đề quản lý toàn diện vùng biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển và
bảo tồn các quyền lợi trên biển của Trung Quốc.
Trong lúc giới lãnh đạo Trung Quốc họp lại tại Bắc Kinh,
ngoài Biển Đông, các lực lượng gọi là dân sự của Trung Quốc tiếp tục leo thang
thị uy.
Theo báo chí Trung Quốc, hôm thứ hai 06/03/2013, lần đầu
tiên nước này đã cho trực thăng bay tuần tra trên bầu trời quần đảo Trường Sa.
Một bản tin của Tân Hoa Xã cho biết là chiếc trực thăng này đã cất cánh từ tàu
Hải tuần 31, để bay lên làm nhiệm vụ giám sát lưu thông hàng hải trong vùng
biển gần bãi Hughes, mà Trung Quốc gọi là Đông Môn Tiều, trong lúc Việt Nam đặt
tên là Đá Ken Nan. Đây là một nơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nhưng đang bị
Trung Quốc chiếm đóng.
Xin nhắc lại là chiếc Hải Tuần 31 nằm trong đội gồm ba chiếc
tàu hải giám Trung Quốc vừa được cử xuống tuần tra và diễn tập tại các vùng
biển đảo thuộc quyền quản lý của « Thành phố Tam Sa » - tức là hầu như toàn bộ
Biển Đông.