"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 8. März 2013

Vị Giáo Hoàng mới như thế nào?


Lữ Giang

Chiến thuật “đánh chiếm” chức vị Giáo Hoàng Roma của các quyền lực đã lộ liễu đến mức một số cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ đã biến nó thành những chuyện hài hước. Với đầu đề “Obama To Be Next Pope” (Obama phải là Giáo Hoàng kế tiếp) trang thông tin gather.com ngày 27.2.2013 loan tin rằng theo một nguồn tin thân cận của Toà Bạch Ốc, Barack Obama đang có kế hoạch tranh cử Giáo Hoàng khi Hồng Y Đoàn họp để chọn người kế vị ĐGH Benedict XVI vào cuối tháng này. Dựa vào lời hứa bình đảng cho mọi người, Obama được nói là ông tin tưởng rằng đây là thời gian để một người không Công Giáo chiếm địa vị cao nhất ở Vatican.

Trang Web truthorfiction.com (sự thật hay giả tưởng) lại đặt câu hỏi: “Nếu Obama đắc cử Giáo Hoàng sắp tới chuyện gì xẩy ra?” (What if obama is elected next pope?)

Trang Web nói Linh mục Guido Sarducci, một phát ngôn viên không chính thức của Vatican, xác nhận rằng một nhân vật cao cấp đã đưa ra ý kiến cử Obama làm “Đại diện Chúa Kitô trên trái đất” khi ĐGH từ nhiệm vào cuối tháng. Trang báo còn nói thêm rằng ông Jay Carney, giám đốc báo chí của Toà Bạch Ốc đã trấn an các phóng viên: “Chúng tôi xác quyết rằng Tổng Thống có thể hoàn thành nhiệm vụ của hai vai trò cùng một lúc.”

Trong khi đó trang Web rightwingwatch.org (cánh hữu) ngày 5.3.2013 báo động rằng đang có sự liên minh giữa Obama và George Soros để chiếm ghế Giáo Hoàng sắp đến. Bài báo nói rằng một nhóm cấp tiến thuộc cánh tả đang vận động để đưa Hồng Y Peter Tucson lên làm Giáo Hoàng.

Ông George Soros là một nhà tỷ phủ đã từng chi ra 8 tỷ cho các hoạt động bảo vệ nhân quyền, chăn sóc tế và giáo dục. Còn ĐHY Turkson là người Ghana, Phi Châu, đã giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình dưới thời ĐGH Benedict XVI.

Những chuyện hóm hĩnh trên đây cho thấy không phải chỉ các nhà quan sát và các viên chức cao cấp của Tòa Thánh, mà giới truyền thông Mỹ cũng đã nhận ra âm mưu “đánh chiếm” ngôi vị Giáo Hoàng của các quyền lực.

CHIẾN THUẬT BAN ĐẦU BỊ HỎNG

Như chúng tôi đã nói, kể từ khi ĐGH Benedict tuyên bố từ nhiệm, các quyền lực đã xử dụng các hệ thống truyền thông để tạo một Giáo Hoàng theo ý muốn của họ bằng cách một mặt đánh phủ đầu để triệt hạ uy tín của Giáo Hội và các giáo sĩ mà họ tin đang có ảnh hưởng quyết định trong Giáo Hội, và mặt khác đưa ra những hình ảnh mà theo họ có thể đưa Giáo Hội ra khỏi những khó khăn.

Các quyền lực đã vận dụng hai cơ quan truyền thông lớn để thực hiện chiến dịch, một tại Roma, nơi đầu não của Giáo Hội, và một tại Đức, quê hương của ĐGH Benedict XVI.

Tờ La Republica, một trong 4 tờ nhật báo có số phát hành lớn nhất ở Ý với khoảng 500.000 ấn bản mỗi ngày, đã đi tiên phong trong chiến dịch này. Tiếp tay với La Republica là đài truyền hình Zweites Deutsches Fernsehen (Second German Television – ZDF) ở Đức. Cơ quan này hoạt động với sự tài trợ của chính phủ Đức và là một trong những cơ quan truyền hình có mạng lưới rộng lớn nhất Âu Châu. Những gì La Republia tung ra đã được các hãng truyền thông AP, AFP, Reuters… chuyển đi và các cơ quan truyền thông Mỹ đăng lại, trong đó có tờ New York Times.

La Republica đã xử dụng tới hai đòn hạ cấp là “chọi đá đường rầy xe lửa” và “thả bong bóng” là những đòn mà Linh Mục Lombardi, Giám Đốc Báo Chí của Tòa Thánh gọi là “những phương thế cổ xưa - như nói xấu, xuyên tạc, và đôi khi vu khống.” Còn Linh mục Dòng Tên Thomas Worcester nói thẳng ra rằng “Hoa Kỳ đang thống trị thế giới về quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá và kinh tế, ít người không phải là người Mỹ muốn cộng thêm vào danh sách đó sự thống trị về tôn giáo.” Các Hồng Y của Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối.

XỬ DỤNG CHIẾN THUẬT MỚI

Các diễn biến cho thấy, các quyền lực đã nhận ra rằng chiến dịch vận động cho một giáo hoàng Mỹ không thành công, phải áp dụng giải pháp hai là làm áp lực để có một giáo hoàng nếu không như Ban Ki-moon thì ít ra không đi ngược lại đường lối của họ.

Hôm 3.3.2013, tờ Los Angeles Times, một trong những tờ báo lớn của Mỹ, đã đặt câu hỏi: “What we need in a pope” (Chúng ta cần gì ở một giáo hoàng?”

Tờ báo nói rằng ĐGH Benedict XVI đã chính thức từ nhiệm hôm 28/2 và đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong gần 600 năm qua đã sẵn sàng bước xuống từ vị trí của mình. Và tờ báo đặt câu hỏi: “Những loại người nào (what kind of man) sẽ được các hồng y từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Rome chọn là người kế nhiệm ông?” Tờ báo muốn những người Công giáo có viễn kiến khác nhau nói về những phẩm chất mà họ muốn thấy trong một giáo hoàng mới (the qualities they would like to see in a new pope).

Nếu hỏi “các quyền lực” muốn có một giáo hoàng như thế nào thì có thể đặt câu hỏi như thế, nhưng các tín hữu Công Giáo không nhìn vị giáo hoàng của Giáo Hội theo nhãn quan như vậy.

TÌM ĐƯỢC CON GÀ CHỌI

Có lẽ “các quyền lực” đã nhận ra rằng dùng phương thức “chọi đá đường rầy xe lửa” và “thả bong bóng” là quá hạ cấp, chẳng thuyết phục được ai mà còn bị phản ứng ngượi lại, nên họ phải cho tìm một “con gà chọi” có thế giá hơn, hiểu rõ Thánh Kinh, lịch sử Giáo Hội và Thần Học để nói chuyện về Giáo Hội. Người mà họ tìm thấy là Linh mục Hang Kung, đồng nghiệp của ĐGH Benedict XVI khi ở Đức.

Linh mục Hang Kung là người Thụy Sĩ, sinh ngày 19.3.1928, nhỏ hơn ĐGH Benedict XVI một tuổi. Cả hai đều là tiến sĩ thần học. Linh mục Ratzinger (tức ĐGH Benedict XVI) đậu tiến sĩ thần học năm 1953. Sau khi giảng dạy tại nhiều đại học khác nhau, năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm giáo sư giáo lý thần học ở University of Tubingen và trở thành đồng nghiệp với Linh mục Hang Kung. Năm 1977, Linh mục Ratzinger được bổ nhiệm làm TGM Tổng giáo phận Munich và Freising.

Theo Linh mục Hang Kung kể lại, ông và TGM Ratzinger bất đồng về quyền hành của Đức Giáo Hoàng và một số vấn đề trong thần học, nên ông không được Tòa Thánh cho dạy môn thần học công giáo (catholic theology) nữa. Ông phải rời khỏi phân khoa Công Giáo, nhưng vẫn dạy về môn thần học đại kết (ecumenical theology) và ông đã về hưu năm 1996.

Ngày 18.2.2013, tạp chí Spiegel của Đức đã mở cuộc phỏng vấn LM Hang Kung về những thách thức mà vị giáo hoàng sắp đến phải đối phó và nhu cầu cải cách của Giáo Hội Công Giáo. Ông cho rằng cái bóng của Giáo Hoàng Benedict XVI vẫn còn ở Vatican, đó là một hình thức gia đình trị mới (new nepotism). Trừ khi chấm dứt truyền thống cũ và cải cách giáo triều, nếu không thì khó vượt qua được các thử thách và tiến lên.

Ngày 27.2.2013, tờ New York Times đã đăng một bài của LM Hang Kung dưới đầu đề “A Vatican Spring?”(Một Mùa Xuân Vatican?). Mở đầu, ông hỏi rằng “Mùa xuân Ả Rập đã làm rung chuyển toàn bộ một loạt các chế độ độc đoán." Rồi ông đặt câu hỏi: "Với việc từ chức của ĐGH Benedict XVI, có thể có một cái gì đó trong Giáo Hội Công Giáo như thể một Mùa Xuân của Vatican?” Ông trả lời rằng hệ thống của Giáo Hội Công Giáo không giống như Tunisia hay Ai Cập ngay cả không giống một chế độ quân chủ tuyệt đối như Saudi Arabi.

Ông lược qua lịch sử của Giáo Hội qua 20 thế kỷ và đi đến kết luận rằng nếu mật nghị bầu giáo hoàng tiếp tục đi cùng một con đường cũ, Giáo Hội sẽ không bao giờ trải nghiệm một mùa xuân mới, “nhưng rơi và một thời đại băng giá mới và gặp nguy cơ thu hẹp lại thành một giáo phái ngày càng không thích hợp.”

Linh mục cho biết năm 2005, ĐGH Benedict XVI đã có một cuộc nói chuyện với ông trong 4 tiếng đồng hồ ở nhà nghỉ mát Castel Gandolfo ở Rome. Ông hy vọng “cuộc họp là một dấu hiệu của hy vọng. Nhưng thật đáng buồn, triều đại của giáo hoàng Benedict đã được đánh dấu bằng những sự tan vỡ và các quyết định sai lầm.”

Nhiều người đã phê bình bài viết của LM Hang Kung, chúng tôi chỉ nhấn mạnh một điều: Cái bóng của ĐGH Benedict XVI vẫn còn ám ảnh Linh mục Hang Kung vì ông bị không cho giảng dạy môn thần học công giáo nữa, do đó bài viết của ông nặng về “chọi đá đường rầy xe lửa” hơn là gây ảnh hưởng đến Mật Nghị Hồng Y. Vai trò của ông coi như thất bại.

VỊ GIÁO HOÀNG MỚI NHƯ THẾ NÀO?

Người Kitô giáo không chọn “Người Đại Diện Chúa Kitô” theo “tiêu chuẩn” hay “phẩm chất” (qualities) như tờ New York Times hay Tờ Los Angeles Times đưa ra, nhưng dựa vào Kinh Thánh.

Người lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên sau khi Chúa Jesus rời khỏi trần gian là thánh Peter. Chúa Jesus đã chọn thánh Peter như thế nào? Thánh Kinh kể lại:

Khi Chúa Jesus đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ nói ông Gioan Tẩy Giả (John the Baptist), kẻ bảo là ông Elias, có người lại cho là ông Jeremias hay một trong các vị ngôn sứ". Chúa Jesus lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Peter thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đức Giêsu nói với ông:

“Này Simon con ông Bar-Jona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Peter, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì, trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy".

Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.” (Mat 16, 13-20)

Qua đoạn Thánh Kinh này, chúng ta thấy Chúa Jesus chọn ông Peter lãnh đạo Giáo Hội vì ông có Đức Tin vững vàng chứ không dựa trên các “tiêu chuẩn” hay “phẩm chất” mà người đời đưa ra.

Trong bài “Vị Giáo Hoàng trong tương lai” đăng trên website thanhlinh.net, Linh mục Trần Đức Phương đã đặt ra câu hỏi: “Nhưng ai sẽ được bầu?” Rồi Linh mục kể lại chuyện sau khi Chúa Jesus rời trần gian, thánh Peter đã họp các tông đồ còn lại để chọn người thay thế Judas, người phản bội Chuá. Họ đã chọn theo tiêu chuẩn nào? Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại:

“Họ đề cử hai người: ông Joseph, biệt danh là Barabbas, cũng gọi là Justus, và ông Matthias. Họ cầu nguyện: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này để nhận chỗ trong sứ vụ tông đồ, chỗ mà Judas đã bỏ để đi về chỗ dành cho y.

“Họ rút thăm, và ông Matthias trúng thăm: ông được kể thêm vào số mười một tông đồ.” (Cv 1, 15-26)

Linh mục nhấn mạnh: “Vậy trong khi suy nghĩ và lo lắng ai sẽ là vị Giáo Hoàng sắp tới, chúng ta hãy hy sinh hãm mình và cầu nguyện nhiều, rồi phó thác mọi sự trong tay Chúa, vì Chúa an bài mọi sự theo Thánh ý Chúa.”

Đó là cách bầu Giáo Hoàng mà các Hồng Y sắp thực hiện. Họ không bầu theo những “tiêu chuẩn” mà các tổ chức quyền lực đã đưa ra và đang dùng áp lực để áp đặt.

CÁC CHIẾN THUẬT ĐÃ THẤT BẠI

Khi từ biệt khoảng 200.000 tín hữu đến tiển đưa tại quảng trường thánh Phêrô, ĐGH Benedict XVI đã nói:

“Trong Năm Đức Tin, chúng ta đã được kêu gọi để làm mới niềm tín thác hân hoan nơi sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo Hội. Cá nhân tôi biết ơn tình yêu không lay chuyển của Ngài và sự hướng dẫn của Ngài trong suốt tám năm kể từ khi tôi chấp nhận ơn gọi của mình là phục vụ Giáo Hội như người kế vị Thánh Phêrô. Tôi cũng biết ơn sâu xa sự hiểu biết, những nâng đỡ, và lời cầu nguyện của đông đảo anh chị em không chỉ ở Rôma này, mà còn trên khắp thế giới.

“Quyết định mà tôi đã đưa ra, sau khi cầu nguyện nhiều, là kết quả của một sự tin tưởng trong an bình nơi Thánh Ý Chúa và một tình yêu sâu sắc Giáo Hội của Chúa Kitô. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin mỗi người trong anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho Đức Tân Giáo Hoàng. Trong tình hiệp thông với Đức Maria và tất cả các thánh, chúng ta hãy phó dâng chúng ta trong đức tin và đức cậy nơi Thiên Chúa, Đấng tiếp tục dõi theo cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn cuộc hành trình của Giáo Hội và thế giới chúng ta dọc theo những con đường của lịch sử.”

Như vậy, các chiến thuật “đánh chiếm” chức vị Giáo Hoàng một cách điên cuồng đang thất bại.

Ngày 8.3.2013
Lữ Giang