- 500.000 Việt Kiều về nước & mỗi ngưòi mang theo trung bình 2.000USD = 10 tỷ đô la Mỹ.
- Người Việt hải ngoại gửi về nước 8 tỷ Mỹ kim thống kê được, nếu kể thêm số không thống kê được ít nhất 2 tỷ nữa, chúng ta có con số tròn 10 tỷ Mỹ kim.
- Mỗi năm Việt Nam nhận các khoản viện trợ nước ngoài và LHQ trên 3 tỷ Mỹ kim.
Tổng cộng gần 25 tỷ đô la.
Miền Nam Việt Nam (MNVN) trước 1975, không có sản xuất quan trọng, không mỏ dầu, chỉ nhận trung bình 700 triệu Mỹ kim một năm nuôi 17 triệu người và gồng gánh bộ máy chiến tranh. Trung bình 42USD/người /năm.
Thế nhưng, MNVN là con rồng Đông Nam Á.
Trường học MNVN từ mẫu giáo đến Đại học đều được hưởng quy chế miễn học phí.
Người bệnh vào bệnh viện từ xã phường đến trung ương đều được miễn phí.
Thiên tai năm nào cũng có nhưng cả nước đùm bọc lấy nhau. MNVN không cần ngửa tay xin tiền ngoại quốc.
Ngày nay không cần làm gì mỗi năm Việt Nam vẫn nhận đều khoảng 25 tỷ đô la. Tính trung bình 287USD/người /năm.
Thế nhưng học sinh mẫu giáo đến đại học đều đóng học phí cắt cổ.
Bệnh viện từ xã đến trung ương đều thu lệ phí rất cao. Dù cấp cứu, không tiền không được nhập viện.
Từ 1989 đến nay đã 20 năm nay, VN vẫn lẽo đẽo phía sau các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Tụt hậu 35 năm so với VNCH năm 1975.
Việt Nam ngày nay ở vào thời đại WTO, thời đại mở cửa, không còn là thời đại thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ thuở trước 1989. Trước 1989 việc cứu trợ thiên tai tại VN là việc cần. Sau thời đại mở cửa 20 năm nay, VN phát triển vượt bực. Nhũng người về VN đều thấy việc hàng quán đầy đường, người xe kín lối, nhà chọc trời đầy dẫy, tất cả các nhà hàng đều đông nghẹt, khách sạn giá quốc tế, địa ốc ngang tầm hay mắc hơn cả Tokyo, Sydney, Whasington DC, ....
Mọi người đều biết triệu phú USD ở Việt Nam nhiều hơn triệu phú trong Cộng đồng người Việt Hải ngoại.
Số tiền trong nước đổ ra nước ngoài mỗi năm rất lớn đều tuôn vào các ngân hàng và các trương mục tư bản đỏ.
Do vậy việc cứu trợ và từ thiện Việt Nam đã đến lúc cần được xét lại một cách đúng mức.
Giúp đỡ thương phế binh VNCH bị bỏ rơi tại VN là cần.
Giúp đỡ những cơn bệnh hiểm nghèo VN không có phương tiện chữa trị là không thể bỏ.
Giúp đỡ những trường hợp cá biệt là cần.
Giúp đỡ những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân và dân quyền là không thể thiếu.
Tuy nhiên việc tổ chức thành những phong trào rầm rộ dưới hình thức từ thiện mang tiền về nước cống nạp cho CSVN là chuyện phải chống vì vi phạm luật lệ VN và không phục vụ lợi ích đích thực của cộng đồng hải ngoại. Luật lệ CHXHVN ghi rõ không tổ chức nào trong nước và ngoài được phân phối tiền cứu trợ tại Việt Nam ngoại trừ cơ quan Cứu trợ có thẩm quyền từ Trung Ương tới địa phương do Mặt Trận Tổ quốc lãnh đạo (Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính & Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ). Những tổ chức vận động lạc quyên hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn mà nói rằng có thể mang về mua quà cứu trợ trao tận tay nạn nhân hết số tiền này, đó là vấn đề cần đưọc các tổ chức khác nhau trong Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại nghiên cứu và tìm hiểu thích đáng.
Mang tiền về, chúng ta chỉ giải quyết ngọn mà không giải quyết gốc.
Tại sao chúng ta không vận động chính phủ, vận động các nhà hảo tâm, vận động các nhà tư bản đỏ trong nước để họ tự đùm bọc giúp đỡ nhau?
Tại sao không vận động chính phủ tổ chức cứu trợ đúng mức cho nạn nhân trong nước?
Việc cứu trợ có thể giải quyết thỏa đáng bằng quy hoạch của chính phủ chứ không bằng các vận động ồn ào bòn rút của cải hải ngoại. VN trước 1975 không cần xin hải ngoại như hiện nay để giải quyết thiên tai, thế nhưng người dân vẫn no ấm và “phồn vinh giả tạo”.
35 năm qua chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào ruột thịt của mình tại hải ngoại và cho tổ quốc mới của chúng ta.
Đừng nên quá ôm đồm!
Cộng đồng VN hải ngoại còn nhiều người “mù vi tính”. VN sắp sang giai đoạn xoá mù vi tính.
Cộng đồng VN hải ngoại chưa dám mơ mọi người tốt nghiệp cử nhân. VN đã tính chuyện mọi nhân viên Bộ Sở trung ương từ quét dọn trở lên phải đạt bằng Tiến Sĩ.
Cộng đồng VN hải ngoại đang trên đà tụt hậu so với sự tiến bộ vượt bực trong nước!
Chúng ta đã giúp VN từ 1975 đến nay.
35 năm cũng đã quá tròn tình nghĩa đối với người đã đưa tiễn chúng ta khi ra đi bằng đại liên trực xạ và trìu mến gọi ta bằng “ngụy quân, ngụy quyền, ham mê bơ thừa sữa cặn của đế quốc, chây lười lao động, vượt biên phản quốc, ...”
Đã qua thời 20 năm mở cửa (1989 – 2010).
Chúng ta đã làm đủ mọi thứ cho Việt Nam .
Xây cầu. Cất trường. Nuôi dạy trẻ mồ côi. Nuôi dưỡng người tàn tật. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Xây chùa, nhà thờ, ...
Thời gian 35 năm qua Bộ Thương Binh Xã hội VN đã báo cáo nhiều thành tích tốt mà không cần động đến móng tay và không cần quan tâm chăm sóc phúc lợi người dân trong nước vì ... mọi thứ đã có “bò sữa” hải ngoại chăm lo. Thời gian qua đảng Cộng Sản Việt Nam bồi dưỡng sức mình tung Nghị Quyết 36, cán bộ, đảng viên, tu sĩ vào Cộng đồng hải ngoại (CĐHN) để rồi ngày nay CĐHN đang dần dần tan ra từng mảnh. Đổi khách thành chủ. CSVN đang dần nắm ưu thế trong nhiều lãnh vực tại căn cứ địa vững chắc của chúng ta.
Nếu không khéo, chỉ mươi năm sau, chúng ta không còn con đường để vượt biên lần thứ hai!
Nhìn chung, theo quan điểm những nhà “pro-VietNam” hiện chúng ta còn hai việc lớn chúng ta chưa làm.
Một là dồn sức hải ngoại về VN, mỗi ngày hốt rác từ Bắc vào Nam để tư bản đỏ và cán bộ đảng viên mỗi chiều bia rượu cho thơm miệng.
Hai là tiếp tay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dâng nốt mảnh đất còn lại cho Hán triều để tổ quốc Việt Nam thêm một lần nữa nghìn năm nô lệ giặc Tàu.
o0o
35 năm qua đã đủ dài để chúng ta nên nhìn lại, phản tỉnh.
Chúng ta không nên ôm đồm làm thay mà cần nên giao trách nhiệm chăm sóc phúc lợi xã hội trong nước cho Đảng và Chính phủ “bách chiến bách thắng” của Việt Nam làm tròn sứ mạng của mình đối với đất nước và dân tộc mà họ muốn dành độc quyền cai trị.
Chúng ta cần làm tốt hơn vai trò đòn bẩy để giúp VN tiến nhanh tiến mạnh trên con đường mở cửa, hội nhập WTO và hội nhập trào lưu tự do - dân chủ - nhân quyền đang rộ nở trên mọi ngỏ ngách của địa cầu ngõ hầu cứu thoát Việt Nam một tai họa nghìn năm bắc thuộc lần thứ hai và chúng ta cũng không phải vượt biên thêm một lần nữa từ hải ngoại.