Hoàng Trường
Một cách tổng quát, công an (CA) và quân đội (QĐ) là hai
lực lượng vũ trang và phi chính trị, có nhiệm vụ chính là bảo vệ trật tự
an ninh xã hội và bảo vệ đất nước.Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản Việt
Nam (CSVN) thì hai lực lượng này lại bị chính trị hoá để thành những cột
trụ chính chống đỡ chế độ. Hiện nay, song song với những lời hăm doạ
đánh chiếm Việt Nam ngày càng mang tính khiêu khích hơn, thì sự xâm lược
của Trung Quốc đối với nước ta cũng đã trở thành thực tế qua việc họ
lấn chiếm biển Đông, rượt đuổi, bắn giết ngư dân Việt Nam. Thế nhưng,
thay vì có những biện pháp và dùng các lực lượng vũ trang để bảo vệ đất
nước cùng tài sản và tính mạng của đồng bào, thì chế độ Hà Nội lại không
ngừng tán tụng “16 chữ vàng, 4 tốt” của kẻ xâm lược; đồng thời xem
những người yêu nước, đấu tranh cho tự do dân chủ và công bằng xã hội,
là “lực lượng thù địch”, nên đang ra sức rèn cặp hai lực lượng vũ trang
của Việt Nam thành những lực lượng sống chết bảo vệ cho sự cai trị của
đảng Cộng Sản Việt Nam, và coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ đất nước và đồng bào.
Như đã đề cập ở trên, theo định nghĩa, trách nhiệm của CA là duy trì
trật tự, an ninh công cộng, nghiã là bảo vệ sự an toàn của người dân.
Tuy nhiên, với sự hoảng loạn trước viễn tượng quyền lực sẽ bị vuột khỏi
tầm tay, nhiệm vụ của CA đã bị đảng CSVN làm mất đi ý nghiã cao quý
nguyên thủy của nó. Khi nhìn đâu cũng thấy thù địch, chế độ Hà Nội đã
huấn luyện để CA trở thành một công cụ phục vụ cho chế độ với nhiệm vụ
chính là đàn áp những người đấu tranh cho tự do dân chủ, trấn áp biểu
tình yêu nước, bằng tất cả những phương pháp và thủ đoạn tàn bạo và hèn
hạ nhất. Tại các quốc gia tự do dân chủ, cảnh sát là là biểu tượng của
sự an toàn, trong khi dưới chế độ CSVN, cảnh sát công an dần dần trở
thành "kẻ thù của người dân", là biểu tượng cho bất an, hãi hùng, tai
họa, chết chóc. Thêm vào đó, một số cá nhân CA viên đã quên đi trách
nhiệm và lương tâm của người CA chân chính, lạm dụng nhiệm vụ để trấn
lột dân lành. Thậm chí có nơi còn trở thành những lực lượng bảo kê cho
tội phạm.
Bên cạnh CA là lực lượng quân đội. Lẽ ra trách nhiệm của QĐ là quốc
phòng, là bảo vệ biên cương bờ cõi quốc gia chống kẻ thù xâm lược, giúp
đỡ dân chúng trong những thiên tai lớn. Nhưng cũng như đối với như CA,
CSVN đã biến QĐ thành một công cụ để bảo vệ chế độ. Các ngư dân Việt Nam
đã khóc chảy máu mắt mà không thấy bóng dáng QĐ đến bảo vệ họ trước
họng súng của giặc Tàu xâm lược trên vùng biển muôn đời của Việt Nam, mà
bao thế hệ cha ông họ từng hành nghề. Trước tình trạng này, hẳn là đã
có rất nhiều quân nhân chân chính, thật sự yêu thương Tổ Quốc Việt Nam
và mang lý tưởng cao đẹp khi gia nhập QĐ, đang phải hổ thẹn với lương
tâm khi họ bị cuốn vào trong guồng máy, phải cúi đầu chấp hành mệnh lệnh
của một tập đoàn lãnh đạo hèn với giặc nhưng ác với dân. Khi đối đầu
với giặc ngoại xâm, người lính chắc chắn không bao giờ nao núng; nhưng
với tình hình hiện nay, viễn tượng phải đối đầu với quần chúng yêu nuớc,
đòi bảo toàn lãnh thổ lãnh hải, hầu bảo vệ cho những tên thái thú gốc
Việt, tay sai của giặc ngoại xâm từ phương Bắc, hẳn khiến những người
lính có lòng yêu nước thương nòi phải tự hỏi chính mình và suy nghĩ rất
nhiều nếu sự việc xẩy ra.
Đương nhiên là đảng CSVN biết rõ những điều vừa kể, cũng như biết rõ
những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai lực lượng CA và QĐ để có thể
sử dụng 2 lực lượng này một cách hiệu quả, mà mục tiêu cuối cùng và ưu
tiên nhất là để giúp cho chế độ tồn tại. Điều đã trở thành rất hiển
nhiên, đối với họ, quyền lợi của Đảng quan trọng và cao hơn quyền lợi
của Tổ Quốc.
Ngoài điểm tương đồng nêu trên, hai tập hợp QĐ và CA có gì khác nhau không?
Tuy đều xuất phát từ quần chúng và đều là những trụ cột chống đỡ cho
chế độ độc tài CSVN, nhưng hai lực lượng CA và QĐ có những điểm khác
nhau khá rõ rệt:
Thứ nhất: Tuy cũng có có nhiều người tình nguyện gia nhập quân
đội vì lý tưởng bảo vệ đất nước, nhưng phần lớn những người vào quân
ngũ là do bị bắt buộc thi hành nghiã vụ quân sự. Trong khi đó thì cán bộ
CA là những người tình nguyện phục vụ như một nghề để kiếm sống (và
ngày nay, trong nhiều trường hợp là để làm giàu), thậm chí phải luồn
lách và trả giá để được tuyển dụng. Vì thế, lãnh đạo CSVN tin CA hơn
quân đội và sẵn sàng ban phát quyền lợi để không những kiểm soát và sai
khiến lực lượng này mà còn cột chặt họ với sinh mạng của Đảng. Chỉ với
CA, lãnh đạo CSVN mới ra sức nhào nặn họ thành "công an chỉ biết còn
Đảng còn mình". Về phía QĐ thì chỉ những người chỉ huy QĐ ở thượng tầng,
đã được đảng cẩn thận chọn lựa và cất nhắc, mới là thành phần được tin
dùng. Còn những sĩ quan bị nghi ngờ là “có tư duy độc lập” liền bị loại
bỏ và trừng trị thẳng tay. Với cách tin dùng như vậy, người ta không
ngạc nhiên khi thấy số lượng CA trong Trung Ương đảng CSVN đã gia tăng
một cách nhanh chóng trong hai kỳ đại hội Đảng vừa qua để đối phó với
những đòi hỏi công lý, tự do, và nhân phẩm ngày càng rõ của quần chúng
Việt Nam.
Thứ hai: QĐ sống và sinh hoạt riêng biệt, tập trung trong các
doanh trại quân đội, xa cách với dân chúng. Còn CA và gia đình thì ngược
lại, hầu hết sống và làm việc ngay trong lòng cộng đồng dân chúng. Tùy
theo nhiệm vụ, hàng ngày họ đều tiếp xúc với dân chúng bằng cách này hay
cách khác. Vợ con, gia đình của CA cũng đi chợ, đến trường và sinh hoạt
như gia đình những người đồng bào bị CA đàn áp bóc lột. Lương tâm có để
họ yên lúc đêm về khi nghe về những tội ác mà chồng, cha, anh em của họ
đã gây ra lúc ban ngày không? Đời sống của gia đình họ sẽ ra sao nếu
những người mà họ phải nhìn mặt nhau hàng ngày coi họ là một thứ đỉa hút
máu người dân, chỉ biết tuân hành lệnh của những kẻ hèn hạ, phản dân,
hại nước, để ức hiếp, giết hại đồng bào?
Thứ ba: Từ môi trường sinh hoạt và làm việc giữa vòng dân
chúng như trên, công an dễ dàng tận dụng hoàn cảnh để khai thác thủ lợi.
Nhờ đó, hầu hết gia đình CA có đời sống từ khấm khá đến giàu sụ. Trong
khi đó đại đa số các gia đình QĐ và binh sĩ thì nghèo xơ xác như đại
khối nhân dân. Tình trạng đó đương nhiên tạo ra những bất mãn ngấm ngầm
từ phiá QĐ. Nhất là khi biết rằng, nếu có chiến tranh chống ngoại xâm
xẩy ra thì QĐ là người ra tuyến đầu đối diện lằn tên mũi đạn, còn CA thì
vẫn hàng ngày trấn lột ở hậu phương, có khi lại còn lợi dụng hoàn cảnh
để vơ vét nhiều hơn nữa.
Thứ tư: Một chế độ độc tài cũng sử dụng CA và QĐ ở 2 thời điểm
khác nhau. Khi phong trào đấu tranh chưa đủ lớn mạnh để hội đủ yếu tố
về số đông thì CSVN sử dụng CA để đàn áp và tiêu diệt. Khi phong trào
phản kháng đã vượt quá khả năng trấn áp của CA thì CSVN sẽ dùng đến QĐ.
Quá trình này đã xẩy ra ở mọi cuộc cách mạng trong những thập niên vừa
qua.
Với thực trạng CA và QĐ như vậy, người dân Việt hôm nay cần làm gì?
Trước sự an nguy của tổ quốc, nếu những người lãnh đạo đảng CSVN cứ
tiếp tục con đường đưa đất nước vào vòng nô lệ của giặc phương Bắc hiện
nay, sớm muộn gì họ cũng sẽ phải đối diện với làn sóng yêu nước của quần
chúng ngày càng dâng cao, mà CA sẽ là lực lượng trước tiên đối đầu với
làn sóng đó. Như đã phân tích về những tương đồng và khác biệt giữa CA
và QĐ ở trên, để giảm thiểu những đổ vỡ, ngay từ bây giờ, không riêng gì
những phong trào đấu tranh, mà tất cả mọi người dân yêu nước, có lương
tâm và trách nhiệm, đều có thể tham gia vào việc ảnh hưởng lên 2 lực
lượng này.
Trước hết, mỗi người dân đều có thể tận dụng ngay những quan hệ trực
tiếp hiện có với các cán bộ CA và gia đình họ trong đời sống thường
ngày, để tác động, ảnh hưởng lên họ. Hình ảnh, âm thanh ghi nhận được từ
những cuộc biểu tình ở khắp nơi trong thời gian qua đã cho thấy một sự
thật hiển nhiên là, bên cạnh những cá nhân CA đặc biệt ác độc đã đối xử
tàn bạo với người dân, thì cũng có những CA biết suy nghĩ, biết phải
trái; cho thấy họ bị bó buộc phải làm theo lệnh trên vì miếng cơm manh
áo, nhưng rõ ràng lương tâm họ đã bị khuấy động, bứt rứt. Người ta có
thể tin rằng, thành phần này không phải là ít trong lực lượng CA. Ngay
cả với những CA đã có thành tích xấu đối với đồng bào, thì cũng không có
nghiã là cả gia đình của họ đều xấu. Ảnh hưởng của gia đình lên họ chắc
chắn vô cùng quan trọng. Do đó, việc tác động động lên gia đình của
thành phần này là việc làm cần thiết và là cơ hội để giảm bớt số người
xấu trong xã hội Việt Nam tương lai.
Riêng người cán bộ CA cần phải hiểu rằng, sau những cuộc cách mạng
dân chủ diễn ra tại nhiều quốc gia, công ăn việc làm và đời sống cá nhân
của công an cảnh sát dưới chế độ cũ tại những nước đó (và của gia đình
họ) không hề bị ảnh hưởng nếu trước đó họ không gây ra tội ác đối với
người dân. Câu “quan nhất thời, dân vạn đại” luôn luôn đúng. Lịch sử đã
cho thấy, không một triều đại nào tồn tại mãi mãi, nhất là triều đại của
một chế độ độc tài. Câu "công an chỉ biết còn Đảng còn mình" là lời lừa
phỉnh đầy dối trá của lãnh đạo đảng CSVN vì sự thật tại nhiều nước cho
thấy "công an vẫn còn khi Đảng không còn". Sau khi chế độ độc tài hiện
nay chấm dứt, lực lượng CA sẽ trở về với nhiệm vụ chân chính của mình,
đó là bênh vực, bảo vệ người dân và truy lùng những kẻ xấu – nghĩa là
ngược hẳn lại trách nhiệm hiện nay.
Quan trọng hơn nữa, vào thời điểm đổi đời đó hầu hết thành phần lãnh
đạo Đảng, lãnh đạo CA đã cao bay xa chạy với những túi tiền khổng lồ mà
họ đã tích tụ được ở các ngân hàng nước ngoài. Thực tế này đã được lập
đi lập lại ở nhiều nước vừa thoát ách độc tài. Lúc đó, trước mắt người
dân chỉ còn những công an cấp thấp đã gây ra tội ác và sẽ là những người
đầu tiên nhận lãnh cái “quả” mà họ đã gieo. Ngược lại, nếu người CA từ
chối gây tội ác đối với đồng bào ngay từ bây giờ thì họ không có gì phải
lo lắng khi chế độ độc tài sụp đổ. Mọi quốc gia dân chủ đều cần có một
lực lượng cảnh sát công an đúng nghiã để bảo vệ sự an toàn cho người
dân.
Những điều trình bày ở trên cũng áp dụng cho QĐ ở mọi cấp. Không gây
tội ác với người dân thì binh sĩ mọi cấp không có gì phải quan ngại, và
luôn luôn giữ được sự quí trọng của người dân. Việc các tướng lãnh chỉ
huy quân đội các nước Tunisia và Ai Cập nhanh chóng tuyên bố không đàn
áp người biểu tình ngay ở giai đoạn đầu đã giúp cho cuộc cách mạng tại 2
quốc gia nói trên thành công với những mất mát tối thiểu về vật chất và
nhân mạng. Hình ảnh những binh lính trò chuyện với đoàn biểu tình vừa
là những hình ảnh đẹp nhất của hai cuộc cách mạng, vừa là những chỉ dấu
tốt đẹp cho một cuộc chuyển tiếp nhẹ nhàng, một tương lai tươi sáng của
nền dân chủ sẽ tới. Đối với Quân Đội Nhân Dân VN thì hẳn là ai cũng
thuộc lòng câu hát hàng ngày: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh....”.
Khi lãnh đạo đảng CSVN đang trở thành một tập đoàn đối nghịch với nhân
dân như hiện nay, thì câu hát này càng phải là nền tảng cho hành động
của QĐ.
Tóm lại, dù đang thuộc CA hay QĐ, mỗi người vẫn có chọn lựa cho chính
mình. Nếu làm đúng với lương tâm và trách nhiệm, mỗi cán bộ CA và mỗi
binh sĩ QĐ đều không những bảo đảm được tương lai của chính mình mà còn
đóng góp thiết thực cho tương lai của đất nước và dân tộc — một đất nước
trọn vẹn chủ quyền và một dân tộc sống trong tự do, công bình, công lý
và đầy đủ nhân phẩm./.