Mặc Lâm, RFA
Sách lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt chẽ Việt Nam trong ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá là khá lộ liễu.
Những yếu tố khách quan cho thấy họ đã ngấm ngầm khống chế Việt Nam
từ nhiều năm trước và nay là thời điểm Bắc kinh giở con bài tẩy của mình
để đối phương thấy tham vọng của họ đối với cả khu vực nói chung và
Việt Nam nói riêng.
Mặc Lâm tổng hợp các sự kiện quan trọng trong ba lĩnh vực kinh tế,
chính trị và văn hoá mà Trung Quốc đã và đang ra tay rất hiệu quả tại
Việt Nam. Bài đầu tiên nói về kinh tế cùng những mánh khoé mà Trung Quốc
đã áp dụng bấy lâu.
Tràn ngập hàng Trung Quốc
Nếu có dịp về vùng biên giới phía Bắc một lần du khách sẽ nảy sinh
nhiều câu hỏi khi tiếp xúc với các chợ biên giới tại vùng cửa khẩu Tân
Thanh. Hình ảnh các chuyến hàng xuất phát từ biên giới phía bắc chạy
nườm nượp sang Việt Nam mà không đóng bất cứ khoản thuế nào khi nhập
cảnh là câu hỏi đầu tiên về chính sách tiểu ngạch đã từ lâu như một lỗ
hổng khó thấy hậu quả tại các vùng biên giới.
Cửa khẩu Tân Thanh thật ra quá nhỏ nếu so với những trang thiết bị mà
doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm chạy sang Trung Quốc lục lọi để mua về
lắp ráp vào các nhà máy thủ công của mình, thì con số lại càng đáng lo
hơn. Chỉ riêng năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ
trong đó nhập siêu lên đến gần 13 tỷ đô la. Số lượng máy móc đã qua sử
dụng được nhập từ Trung Quốc lên đến gần 3 tỷ và các sản phẩm nguyên
liệu chiếm hầu hết trong tổng số nhập siêu của năm 2010.
Theo nguyên tắc thương trường thì sản phẩm nào đạt yêu cầu với giá
thành hạ thì sản phẩm đó được ưa chuộng. Tuy nhiên với Trung Quốc, chính
sách bán hàng cực rẻ bất cần tiêu chuẩn chất lượng, hay chất lượng được
phù phép thành cao đã được áp dụng triệt để. Giá càng rẻ thì chất lượng
sản phẩm càng ít nhưng những doanh nhân ham lợi nhuận trước mắt sẽ mắc
vào tấm lưới vô hình này.
Nhập siêu gấp đôi trong giao dịch với Trung Quốc đang là mối họa khôn
lường trước mắt đối với nền kinh tế Việt Nam. Những sản phẩm mà Việt
Nam gia công chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc do đó cái thòng lọng
mà Việt Nam tự thắt vào cổ mình đang được điều khiển từ bên kia biên
giới. Chỉ cần giá nguyên liệu tăng thêm 10 hay 15% là công nhân Việt Nam
hết đường sống. Các khu công nghiệp gia công kể như đóng cửa và sự chao
đảo kinh tế lập tức xảy ra.
TS Lê Đăng Doanh nguyên tư vấn cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, cũng là người
đã lên tiếng cảnh báo mối họa Trung Quốc từ những năm đầu thập niên 90
nay vẫn cho rằng mối họa đó chẳng những không dứt mà có cơ tăng thêm bởi
các dấu hiệu lệ thuộc kinh tế ngày càng sâu hơn với Trung Quốc, ông cho
biết:
Nếu trong những năm 2000-2001 quan hệ thương mại giữa hai bên là cân bằng thì từ năm 2005 trở đi nhập siêu ngày càng tăng lên và đến bây giờ thì nhập siêu của Trung Quốc lớn nhất mà Việt Nam chịu trong quan hệ thương mại song phương. TS Lê Đăng Doanh
"Tình hình nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên
trầm trọng. Nếu trong những năm 2000-2001 quan hệ thương mại giữa hai
bên là cân bằng thì từ năm 2005 trở đi nhập siêu ngày càng tăng lên và
đến bây giờ thì nhập siêu của Trung Quốc lớn nhất mà Việt Nam chịu trong
quan hệ thương mại song phương. Ngoài khía cạnh nhập siêu về mặt số
lượng thì nhập siêu về mặt chất lượng kết cấu của mặt hàng cũng rất là
nghiêm trọng.
Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc
ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu
thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp,
các sản phẩm máy móc về. Điển hình là Việt Nam xuất cao su sang Trung
Quốc rồi nhập vỏ và ruột xe. Tình hình này không những làm các nhà
chuyên môn mà trong đông đảo nhân dân rất lấy làm lo ngại."
Phá hoại về tài chánh
Người dân hàng ngày ra chợ đều thấy hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị
trường Việt Nam. Từ một vật nhỏ nhất như cây đinh, sợi dây buộc đồ tới
những vật thông dụng trong gia đình như hàng kim khí điện máy, sản phẩm
trong nhà bếp, nhà tắm phòng ăn...tất cả đều là hàng Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, rau quả thịt thà và hàng ngàn loại thực phẩm khác
đều đến từ Trung Quốc. Một xứ sở nghèo như Việt Nam mà lại không cung
cấp nổi cho dân chúng của mình các loại hàng hóa tự cấp trong nước thì
thử hỏi nền kinh tế ấy dựa vào đâu để phát triển?
Nếu chỉ do tính toán lợi nhuận kinh tế thì Trung Quốc cũng sẽ như các nước tư bản khác, khai thác tối đa việc xuất khẩu là mũi nhọn tiến lên con đường phát triển. Tuy nhiên Trung Quốc còn lợi dụng vị thế của mình để thực hiện những đòn phép khác phá hoại kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc hơn vào họ.
Những câu chuyện liên tiếp xảy ra từ việc mua móng trâu bò còn sống
để triệt tiêu sức sản xuất cho đến phá hoại danh tiếng sản phẩm Việt Nam
bằng nhiều cách trong đó có việc bỏ tiền ra yêu cầu nông dân Việt Nam
tự tay hủy diệt sản phẩm của mình. Qua lời kể của TS Lê Đăng Doanh người
Việt có thể vỡ lẽ ra tại sao Trung Quốc lại chủ trương như thế:
"Một điều hiển nhiên được chứng minh nhiều lần là việc tiền giả được
in từ Trung Quốc mang vào Việt Nam và chúng ta rất nhiều lần lên tiếng
với Trung Quốc nhưng cho đến nay mọi sự vẫn tiếp diễn. Hai nữa là việc
thương nhân Trung Quốc thu mua móng trâu bò ở các tỉnh biên giới. Móng
được mua rồi thì trâu bò không còn cày bừa được nữa.
Họ còn mua rễ các cây thuốc và vừa rồi thương nhân Trung Quốc mua giá
cao các loại chè của Việt Nam sau đó yêu cầu người nông dân Việt Nam
cho thêm bùn và dầu nhớt vào chè. Số chè này mang về Trung Quốc và họ
tập trung lại và công bố rằng chè của Việt Nam bẩn, không sử dụng được
và họ tổ chức một buổi tiêu huỷ rầm rộ lá chè mua từ Việt Nam về."
Trung Quốc đang bỏ tiền ra rất nhiều để khống chế kinh tế Việt Nam
dưới nhiều hình thức, trúng những gói thầu giá rẻ chẳng hạn. Nhiều
chuyên gia nghi ngờ rằng với giá thành trúng thầu như thế các công ty
thắng thầu của Trung Quốc không thể có lời nếu không được tài trợ kín từ
chính phủ Trung Quốc. Hơn 90% các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đều
được giao cho nhà thầu Trung Quốc. Có dự án Trung Quốc bỏ tiền cho vay
hơn 80% với lãi suất rất rẻ. Miếng mồi lãi suất này bây giờ là một nguồn
lợi to lớn nhưng khi có việc xảy ra thì liệu cái lợi này có đáng hay
không. Một vụ nổ nhà máy điện hàng loạt nếu xảy ra chiến tranh chẳng
hạn?
Một điều hiển nhiên được chứng minh nhiều lần là việc tiền giả được in từ Trung Quốc mang vào Việt Nam và chúng ta rất nhiều lần lên tiếng với Trung Quốc nhưng cho đến nay mọi sự vẫn tiếp diễn. TS Lê Đăng Doanh
Chuyên gia tư vấn tài chánh Bùi Kiến Thành cho biết nhận xét của ông về vấn đề này:
"Hiện giờ Trung Quốc có lợi thế là có thể cho vay dài hạn với lợi
suất tương đối thấp nhưng cuối cùng chúng ta nhận công trình trở lại với
chất lượng thấp thì vấn đề tài chính như thế chắc gì có lợi cho Việt
Nam. Đây là vấn đề mà các lãnh đạo của Việt Nam cần phải tính toán lại."
Hầu hết tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cho tới nay đều nằm trong
tay thương nhân Trung Quốc. Từ than đến khoáng sản, bauxite mọi thứ quý
giá đều bán sang Trung Quốc với giá rẻ tương đương như họ bán hàng sang
Việt Nam. Tuy nhiên hàng Việt Nam thì không cần phải xem xét vì nó là
nguyên liệu thô, còn Trung Quốc xuất sang Việt Nam máy móc đã qua sử
dụng có nghĩa là chất lượng rất đáng bàn cãi.
Đăng ký độc quyền thương hiệu VN
Mới đây Bộ Kế Hoạch Đầu tư vừa ra một văn bản cho biết chính Trung
Quốc đã loại khỏi danh mục hơn 2.500 loại máy móc không được sử dụng
trong nước, và một điều chắc chắn rằng doanh nhân Việt Nam sẽ đánh hơi
món nào trong 2.500 thứ bị cấm ấy còn xài được thì họ lại lập tức chạy
sang Trung Quốc mang về.
Tầm vĩ mô thì như thế còn ở các hoạt động thấp hơn thì sao? Câu trả lời
là chưa bao giờ Trung Quốc ngừng tấn công Việt Nam trên lĩnh vực kinh
tế.
Các kinh nghiệm về mua bán với Trung Quốc vẫn làm cho nông dân Việt
Nam kinh hãi. Mới đây nhất là hàng ngàn mẫu sắn tại huyện Hương hóa bị
thương lái Trung Quốc lừa người dân trồng rồi bỏ chạy về nước. Tại Bình
Thuận với hàng ngàn héc ta thanh long phải cho bò ăn thay cỏ.
Thâm độc hơn, Trung Quốc còn khuyến khích thương nhân nước họ ăn trộm
địa lý thương hiệu của Việt Nam rồi đăng ký chỉ dẫn địa lý làm của
riêng họ.
Một doanh nghiệp ở Quảng Đông Trung Quốc đã đăng ký độc quyền trong
10 năm 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, mặc dầu đây là chỉ dẫn địa lý
mà Tỉnh Đắc Lắc được bảo hộ quốc gia từ năm 2005. Sau vụ cà phê Buôn Mê
Thuột là nứơc mắm Việt Hương tại Hongkong đăng ký thương hiệu Phú Quốc
cho thấy các bước tiến phá hoại sản phẩm Việt Nam được Trung Quốc thực
hiện hết sức nghiêm túc và hiệu quả.
Luật sư Lê Quang Vinh đặc trách bộ phận sở hữu trí tuệ của công ty
Bross & Partner cho biết sự vi phạm của Trung Quốc xét về mặt lý
thuyết như sau:
"Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà
nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là “Bad faith” (Không trung
thực, gian trá). Tức là người ta lợi dụng qui định của pháp luật Trung
Quốc về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong đó có quyền đối với nhãn
hiệu để nộp đơn đăng ký."
Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là “Bad faith” (Không trung thực, gian trá). Luật sư Lê Quang Vinh
Chính sách của các nước phương Tây là luôn giúp cho những nước nghèo
bằng các khoản viện trợ hướng nghiệp, hay giúp vay với lãi suất rất nhỏ
để nâng họ lên cùng nhau phát triển. Riêng với Trung Quốc tuy được tiếng
là đang nắm giữ một số lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ và là nền kinh
tế hạng nhì trên thế giới nhưng hàng năm vẫn ngửa tay nhận hơn 250 triệu
Mỹ kim viện trợ từ Washington cho Bắc kinh phát triển cộng đồng! Cách
nhận tiền không mấy tốt đẹp này đã bị thượng nghị sĩ Jim Webb lên tiếng
đòi quốc hội Mỹ bãi bỏ khoản tiền mà người dân Mỹ đóng thuế để giúp cho
ông chủ nợ Trung Quốc xấu bụng và không mấy rộng rãi.