Gia Minh, RFA - 09.10.2011
Tuần qua, thế giới ghi nhớ một năm thảm họa bùn đỏ tại Hungary khiến cho 10 người chết, 120 người bị thương.
Và cũng trong thời gian qua, dư luận tại Việt Nam lại xôn xao về
tình trạng rò rĩ hóa chất từ nhà máy bauxite Tân Rai, Lâm Đồng gây hại
cho cây trồng, vật nuôi và môi trường chung quanh, dù nhà máy chưa đi
vào sản xuất chính thức.
Mức độ gây hại của loại hóa chất sử dụng trong công nghệ sản xuất
quặng bauxite tại nhà máy Tân Rai thế nào? Khả năng khắc phục tình trạng
ô nhiễm đó ra sao?
Truyền thông trong nước hồi cuối tháng 9 vừa qua trích dẫn báo cáo
kết quả của đoàn thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cho thấy
độ PH của nguồn nước thoát ra môi trường gần 11. Mức này vượt qui chuẩn
Việt Nam từ 6 đến 9 độ. Ngoài ra nhiệt độ trong nước cao gấp 20% tiêu
chuẩn cho phép.
Nguyên nhân
Kết quả thanh tra đưa ra nguyên nhân rò rĩ hóa chất dẫn đến tình trạng vừa nói là do trong quá trình hoàn thiện và tập kết vật tư, pha trộn hóa chất xút chuẩn bị đưa dự án đi vào hoạt động, một số bao bì đựng hóa chất bị để ngoài trời. Gặp mưa một lượng hóa chất còn lại nơi bao bì đó đã thẩm thấu xuống đất và theo dòng nước đổ vào hệ thống thoát nước của nhà máy.
Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi
trường, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh trình bày một số thông
tin liên quan chất xút được sử dụng cho công nghệ xử lý ướt mà nhà máy
alumin Tân Rai ứng dụng:
“Xút gây bào mòn da con người và động vật. Hầu hết các sinh vật
không thể sống được trong điều kiện xút cao như thế. Khi xút vào trong
nước và đi vào trong cơ thể sẽ hủy hoại hết; như khi đi vào đường ruột
sẽ phá vỡ các tế bào ruột non, hít thở vào làm viêm mũi… Nói chung xút
là một chất cực độc, xếp vào loại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.”
Những nơi chịu hậu quả của tình trạng hóa chất xút rò rĩ từ nhà máy
alumin Tân Rai trong thời gian qua được cho biết là Công ty Trà giống
Cao Nguyên tại khu 6 thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và
những hộ dân sống lân cận khu vực nhà máy.
Ông Bùi Công Liên, phó giám đốc Công ty TNHH Trà giống Cao Nguyên cho
biết từ hồi cuối tháng bảy vừa qua, nguồn nước từ nhà máy Tân Rai có
mùi hắc, sủi bọt và có độ nhờn đã đổ vào hồ chứa nước của công ty. Nguồn
nước bất thường này khiến cho cá trong hồ chết, cũng như nước hồ không
thể sử dụng để tưới chè và cà phê của công ty như trước nữa.
Nước đen, cá chết, trà cà phê chết
Chủ đầu tư dự án Nhà máy alumin Tân Rai, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, gọi tắt là TKV, vừa rồi lên tiếng thừa nhận tình trạng hóa chất xút bị rò rĩ ra môi trường như kết luận của thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng. TKV có chỉ thị cho Ban quản lý dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng phối hợp cùng nhà thầu Trung Quốc Chalienco khắc phục tình trạng đó.
Hồi ngày 21 tháng 9, ông Trần Dương Lễ, phó giám đốc Ban Quản lý Dự
án Tổ hợp nhôm Lâm Đồng, sau khi thừa nhận tình trạng lượng xút dư từ
công trình Tân Rai rò rĩ ra môi trường, khẳng định là sự việc đã được
khắc phục.
Đến ngày 6 tháng 10 vừa qua, một cán bộ của Sở Tài Nguyên - Môi
trường tỉnh Lâm Đồng cho biết cơ quan này tiếp tục kiểm tra về tình
trạng ô nhiễm quanh nhà máy alumin Tân Rai theo định kỳ và vào ngày 7
tháng 10, đại diện của Sở Tài Nguyên - Môi trường Lâm Đồng có cuộc làm
việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh về vấn đề liên quan:
“Hôm nay đoàn mới đi kiểm tra lại. Đây là công tác kiểm tra thường
xuyên, liên tục. Sáng mai sẽ báo cáo chính thức với Ủy ban Nhân dân
Tỉnh.
Vừa qua xong sự việc, cũng có chỉ đạo khắc phục, và hiện nay tình hình cũng bình thường không có gì gay gắt nữa.”
Vào sáng ngày 7 tháng 10, chúng tôi cố liên lạc với ông Lương Văn
Ngự, vị phó giám đốc sở Tài Nguyên - Môi trường phụ trách công tác thanh
tra và báo cáo cho ủy ban nhân dân tỉnh nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.
Trong khi đó, một số người dân sống quanh nhà máy alumin Tân Rai cho
biết tình hình không có gì thay đổi. Một phụ nữ tại địa phương Lộc Thắng
cho biết:
“Hồ nước bị ảnh hưởng nặng lắm. Cá chết hằng loạt hết và nước giờ
đây như nước đen. Cá chết bao nhiêu nổi thúi lên. Giải quyết thì chưa
thấy gì hết.”
“Dưới hồ nước ngập lên làm chết cà phê. Cả hai tháng nay thấy nước nhờn nhờn, có bọt như bọt xà bông, Cả ao đó cá chết hết, nổi phình lên, thối ...
Một cư dân ở Lộc Thắng
Một người dân khác ở Lộc Thắng cũng cho biết:
“Dưới hồ nước ngập lên làm chết cà phê. Cả hai tháng nay thấy nước
nhờn nhờn, có bọt như bọt xà bông, Cả ao đó cá chết hết, nổi phình lên,
thối… Nước hồ được công ty và dân tưới thường xuyên.
Gia đình thiệt hại không nhiều nhưng làm đơn lên Ban Dự án hai lần rồi mà người ta vẫn chưa đến thẩm định, kiểm tra gì.”
Về biện pháp xử lý hóa chất xút trong môi trường, giáo sư Lê Huy Bá cho biết:
“Xút đã thẩm thấu ra bên ngoài rồi, giờ phải cho gom lại một chỗ
để xử lý. Cách xử lý là ‘trung hòa’, hoặc phơi khô, đóng bánh lại, cô
lập lại chôn vào một nơi có bê tông là ‘khả dĩ’; chứ cách gì cũng tốn
kém.
Xút đã nhiễm vào trong đất khó mà khử lắm. Các nước vẫn chưa có
phương pháp thích hợp nào để đẩy xút ra và tái chế lại. Việc đóng khô
rồi trộn vào vật liệu khác vẫn chưa được mấy. Xút sử dụng trong tinh
luyện bauxite thì các nước cũng chưa có cách nào để xử lý chất thải đó
cả.
Xút được sử dụng theo nhiều cách trong công nghiệp. Các ngành khác
sử dụng lượng xút nhỏ và phân tán chứ không tập trung như trong ngành
bauxite, lượng nhiều việc thu gom xử lý chất thải không được nên xảy ra
sự cố là chuyện thường….”
Nhiều lý do được nêu ra như tình trạng hủy hoại môi sinh vì lượng bùn
đỏ thải ra từ quá trình tuyển quặng tích trữ trong những hồ chứa trên
cao được ví như những quả bom treo lở lửng trên đầu người dân sống phía
dưới cao nguyên. Thế rồi biết bao những tác động về văn hóa, xã hội khi
mà dự án được triển khai bởi nhà thầu Trung Quốc…
Tuy nhiên, dự án vẫn được thực hiện, và mới trong giai đoạn chuẩn bị,
việc rò rĩ hóa chất xút độc hại như vừa qua đã xảy ra khiến cho dư luận
tiếp tục quan ngại.