"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 17. März 2013

Khi "râu ngô" cũng tròn mắt sững sờ


Blog Đào Tuấn – Sam Cucurullo, một “râu ngô”, đã “sững sờ” khi nghe giá của một căn nhà ở Việt Nam. “Tôi không hiểu. Người Việt Nam thu nhập có mức bình quân như vậy mà lại mua được một căn nhà như thế”- ông nói trên Thời báo kinh tế Việt Nam.

Mà Sam là ai? Là CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của CBRE, một tổ chức nghiên cứu, tư vấn BĐS tầm cỡ thế giới người “thuộc như cháo” giá cả từng căn hộ ở Tokyo, từng cửa hiệu ở Thượng Hải, hay một căn ngõ nhỏ giữa Bắc Kinh.

Cucurullo không sững sờ mới lạ. Bạn hãy ngồi cho vững để nghe thông tin sau đây: Sau 3 lần sốt giá, giá nhà- đất ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong vòng hai thập kỷ, kể từ những năm 90. Giáo sư Đặng Hùng Võ có lần đưa ra so sánh giá nhà đất cao hơn gấp 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển, và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Đó là một thứ giá nhà “đang vi vu trên đỉnh của thế giới”, trong khi thu nhập của người Việt ở nhóm thấp nhất thế giới.

Phải cày như trâu, phải bóp mồm bóp miệng bao nhiêu năm thì một người Việt chân chính mới có thể mua được một căn nhà? Nếu là bộ trưởng, phải cỡ 40 năm mới có thể mua được nhà thu nhập thấp- như lời đương kim thứ trưởng Bộ Xây dựng. Nếu là người lao động, thì phải 75 năm, tức là phải ở độ tuổi “cổ lai hy” hoặc thậm chí vào lúc “nhắm mắt xuôi tay”- như lời nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ.

Cũng lạ. Bộ Tài nguyên môi trường nắm đất. Bộ xây dựng quản lý nhà. Các vị quan chức nói thế, dù là để đồng cảm với người dân, nhưng như thế người dân còn biết trông vào đâu?!

Cũng cần phải nói thêm rằng, cái thứ giá ngất ngưởng đang “vi vu ở trên giời” khiến CEO của một tổ chức tư vấn BĐS “sững sờ”, đang là cái giá ở thời điểm mà các đại gia BĐS phải lập đàn cầu siêu, hành hương khắp xứ, điện thoại cho con đang du học phải về nước, bán siêu xe, chia tay siêu chân dài, thậm chí “đi nước ngoài chữa bệnh”.

Giá BĐS tưởng đã “đến đáy” vẫn làm một “Râu ngô” cao thủ trong ngành BĐS thế giới phải “sững sờ”. Mới biết đúng là những người dân Việt, có lẽ từ lâu đã mất thói quen “sững sờ”, quả là lạc quan nhất nhì thế giới.
Cũng hôm qua, một dự thảo chính sách đã được đưa ra, theo đó, sẽ có tới 30.000 tỷ đồng được dùng để cho vay, với lãi suất 6%, nhằm kích cầu tiêu dùng BĐS. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng bật “đèn xanh” cho phép chia nhỏ căn hộ lớn từ 22.4 tới đây, để “phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Điều đó là cần, nhưng chưa đủ.

TS Alan Phan có lần giải thích về việc giá nhà đã giảm thậm chí đến 40-50% mà vẫn không có người mua, rằng: Giá BĐS liên quan tới ba nhân tố chính: nhu cầu, thu nhập và tâm lý. Các yếu tố như địa điểm, lãi suất… cũng quan trọng. tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, tổng thu nhập trung bình của một gia đình khoảng 180 triệu đồng/năm. Nếu mua nhà trả góp trong 20 năm với lãi suất 10%, khả năng họ trả được khoảng 30% trên tổng thu nhập (1 tỉ đồng). Do đó, tính ra giá họ có thể chấp nhận được là 14 triệu đồng/m2 cho một căn hộ 70 m2. Và ông kết luận: Giá BĐS chưa trở về thực trạng.

Cần lao đã phải chịu đựng quá nhiều khi BĐS bị thổi giá cả trăm lần trong chỉ 2 thập kỷ, bởi các đại gia có quyền, có tiền, có quan hệ, có thông tin và tâm lý bầy đàn của đám đông. Đóng băng, đối với những người đang ấp ủ mơ ước rất giản dị “căn nhà và những đứa trẻ”, vì thế là cần thiết, để giá BĐS đừng “vi vu trên giời” mà trở về giá trị thực của nó, ở mặt đất.
 
Nguồn: CLB Nhà Báo Tự Do