Lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại quảng trường
Thánh Phêrô, Vatican, 19/03/2013 - REUTERS/Stefano Rellandini
Tổng thống Đài Loan đến Roma tham dự lễ đăng quang tân Giáo
Hoàng làm Bắc Kinh tức giận và tẩy chay Thánh lễ. Trong cuộc trắc nghiệm ngoại
giao đầu tiên này, Trung Quốc đụng phải thái độ khoan hòa, nhưng cứng rắn của
tân giáo chủ Giáo Hội Công Giáo hoàn Vũ, một tu sĩ Argentina giàu kinh nghiệm
sống trong chế độ áp bức.
Tuần trước, khi được tin tổng thống Mã Anh Cửu chuẩn bị sang
Ý tham dự thánh lễ đăng quang của tân Giáo Hoàng Phanxicô, phát ngôn viên Bộ
Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi: „Trung Quốc hy vọng Vatican sẽ có
những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện quan hệ song
phương“. Bắc Kinh muốn qua thông điệp này thúc giục Tòa thánh hủy bỏ lời mời
lãnh đạo Đài Loan.
Trước đó vài hôm, ngay khi Giám mục điạ phận Buenos Aires
Jorge Bergoglio được Cơ Mật viện bầu làm Giáo Hoàng, Trung Quốc đã lập tức gửi
thông điệp: „Hy vọng dưới sự lãnh đạo của tân Giáo Hoàng, Vatican sẽ chọn thái
độ mềm dẻo và thực dụng“ đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ với Vatican từ năm 1957 sau khi
Tòa Thánh công nhận Đài Loan, trong bối cảnh tại Hoa Lục, chế độ Mao Trạch Đông
đàn áp tín đồ Thiên chúa và thành lập giáo hội Nhà nước độc lập với Vatican.
Vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 đã gửi một thông
điệp „lịch sử“ đến giáo dân Trung Quốc và đề nghị một giải pháp dung hòa „chung
sống hòa bình“: Giám mục phải do Vatican bổ nhiệm đổi lại Tòa Thánh tôn trọng
các quyết định chính trị của chính quyền.
Tổng giám mục Hồng Kông, Đức cha Trần
Nhật Quân, sau khi về hưu, xác nhận Tòa Thánh sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Đài
Loan, với điều kiện Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tôn giáo trong phương án
thỏa hiệp này.
Trong 8 năm vừa qua, có lẽ để tỏ thiện chí với Bắc Kinh, Tòa
Thánh không đón tiếp một lãnh đạo Đài Loan nào, mặc dù hai bên có quan hệ ngoại
giao. Chuyến viếng thăm sau cùng diễn ra vào năm 2005, khi tổng thống Trần Thủy
Biển sang dự tang lễ cố Giáo Hoàng Gioan PhaoLồ II.
Tuy nhiên, thay vì đón nhận bàn tay của Tòa Thánh, Bắc Kinh
tăng cường kiểm soát hoạt động của Giáo hội thầm lặng và tìm cách xây dựng một
giáo hội Nhà nước , bổ nhiệm Giám mục trung thành với đảng Cộng sản. Quan hệ
đôi bên, do vậy, đã căng thẳng thêm khi Bắc Kinh không cho Vatican bổ nhiệm
Giám mục.
Giờ đây, để tỏ thái độ bất bình về sự kiện Tổng thống Đài
Loan sang thăm Vatican, Trung Quốc, một mặt, tẩy chay Thánh lễ đăng quang của
tân Giáo Hoàng Phanxicô, mặt khác, phản đối chính phủ Ý đã cấp visa cho ông Mã
Anh Cửu.
Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Bắc Kinh chạm phải phản ứng vừa
nhẹ nhàng, vừa mô phạm của tân giáo triều. Phát ngôn viên Vatican, cha Federico
Lombardi, nhấn mạnh là Giáo Hội „không mời ai dự thánh lễ, không lựa
chọn khách thăm viếng, cũng như không xem ai có đặc quyền“.
Thái độ bất lực của Bắc Kinh được cha Bernado Cervellera,
Giám đốc hãng tin Công giáo Asia News chuyên về thông tin châu Á phân tích như
sau: „Phản ứng của Trung Quốc giống như một đĩa hát rè, nó che dấu thực tế là
họ không biết phải làm gì, bản thân họ cũng lúng túng trong chuyện bầu bán“
lãnh đạo trong suốt tuần vừa qua.
Theo Giám đốc Asia News thì tân Giáo Hoàng Phanxicô có đủ "bản
lãnh và kinh nghiệm để xử lý các hồ sơ liên quan đến bang giao giữa Vatican và
châu Á". Là tu sĩ trải qua nhiều thập niên trong chế độ quân phiệt và chăm lo
cho dân nghèo, tân giáo chủ Giáo Hội Công giáo được "người Á châu cảm nhận là
một người gần gũi với mình".