"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 29. Juli 2010

Mỹ thách thức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông?

Ngọc Trân, RFA
2010-07-28 - Người Việt trong và ngoài nước đang đón nhận một tin vui: tại Diễn đàn An ninh Khu vực hồi tuần qua, Hoa Kỳ cho biết sẽ giúp các nước trong khu vực giải quyết về vấn đề Biển Đông.
AFP PHOTO / Paul J. Richards
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010.


Có lẽ đây là tin tức làm người Việt khắp nơi trên thế giới cảm thấy vui mừng hơn bao giờ hết, sau những căng thẳng liên tục xảy ra trên Biển Đông trong hai năm qua, khi Trung Quốc xem Biển Đông như cái ao nhà của họ.
Quan điểm của Hoa Kỳ mới nhất về Biển Đông ra sao? Mời quý vị theo dõi thông tín viên Ngọc Trân tường thuật.

Thách thức Trung Quốc?

Trong một tuyên bố cứng rắn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm thứ sáu vừa qua, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, lập trường của chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến sự ổn định trên Biển Đông.
Bà Clinton cho biết như sau: “Hoa Kỳ, cũng như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích không chỉ với các thành viên ASEAN hoặc những nước tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà còn với các quốc gia gần biển khác và cộng đồng quốc tế rộng hơn”.
Hoa Kỳ, cũng như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Bà Hillary Clinton
Cũng xin nhắc thêm, hồi tháng Tư vừa qua, Trung Quốc đã thông báo với hai viên chức của Hoa Kỳ là ông Jeffrey A. Bader và ông James B. Steinberg rằng, Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, tức là Bắc Kinh xem Biển Đông là vùng biển của riêng họ. Trung Quốc cũng cho biết, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của Hoa Kỳ hay bất kỳ nước nào vào chuyện tranh chấp ở Biển Đông. Báo giới nước ngoài cho rằng, khi tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ, Hoa Kỳ đang trực tiếp thách thức Trung Quốc.
Cũng trong bài phát biểu này, bà Clinton cho biết, Hoa Kỳ lo ngại việc tranh chấp có nhiều mâu thuẫn ở các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang gây trở ngại cho thương mại hàng hải, cản trở việc đi lại trên vùng biển quốc tế trong khu vực và phá hoại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, và đây chính là vấn đề mà Hoa Kỳ thực sự quan ngại.

Mặc dù bà Clinton nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ không hỗ trợ bất kỳ nước nào đang tranh chấp trên Biển Đông, thế nhưng Hoa Kỳ phản đối việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Bà nói: “Hoa Kỳ hỗ trợ quá trình cộng tác ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không cần cưỡng chế. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào đang tranh chấp. Trong khi Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, chúng tôi tin rằng các bên tranh chấp nên theo đuổi việc tranh chấp lãnh thổ của mình và các quyền đối với không gian trên biển theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”.

Trung Quốc bực tức


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trả lời báo chí bên lề hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010. Photo courtesy of U.S. Embassy/Minh Ngo.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trả lời báo chí bên lề hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010. Photo courtesy of U.S. Embassy/Minh Ngo
Các chuyên gia cho rằng, tuyên bố của bà Clinton sẽ làm cho Trung Quốc tức giận, bởi vì nước này vẫn luôn cho rằng họ có chủ quyền trên Biển Đông, và chỉ muốn xử lý các tranh chấp trực tiếp với từng nước tranh chấp khác trong khu vực mà không cần tuân theo luật pháp quốc tế.

Trong khi Trung Quốc khẳng định, việc tranh chấp trên Biển Đông là công việc nội bộ của riêng họ với từng nước đang tranh chấp và chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề, Hoa Kỳ cho rằng, các nước nên tuân theo luập pháp quốc tế cũng như tuân theo “Tuyên bố ứng xử” mà Trung Quốc đã ký với các nước Asean hồi năm 2002.

Bà Clinton cho biết: “Hoa Kỳ ủng hộ Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông của ASEAN – Trung Quốc năm 2002. Chúng tôi khuyến khích các bên đạt được sự thoả thuận một quy tắc ứng xử đầy đủ”.  
Bà Clinton còn nói thêm rằng, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đang được sự ủng hộ mạnh mẽ từ hai đảng ở Mỹ và là một trong những văn bản mà các giới chức nước này sẽ đưa ra Thượng viện phê chuẩn trong năm tới. 

Cũng xin nhắc thêm để quý vị hiểu, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, hay Công ước Luật biển, là một công ước quốc tế đưa ra các quy định về việc sử dụng các vùng đại dương trên thế giới, chẳng hạn như quy định quyền và trách nhiệm của các nước trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên trên biển.
Mỹ hỗ trợ quá trình cộng tác ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không cần cưỡng chế. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực.
Bà Hillary Clinton
Công ước này đã được 160 quốc gia và Cộng đồng châu Âu ký kể từ năm 1982 và có hiệu lực vào năm 1994. Có một số quốc gia đã ký công ước này nhưng chưa phê chuẩn, trong đó có Hoa Kỳ. 

Mặc dù trong bài phát biểu, bà Clinton không hề đá động gì đến Trung Quốc, thế nhưng những lời nói của bà đã thực sự thách thức Trung Quốc trên Biển Đông. Trước tuyên bố của bà Clinton về lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Trung Quốc cảm thấy khó chịu. 

Tin tức cho biết, một người tham dự hội nghị đã nói với báo chí nước ngoài rằng, ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc đã rất bực tức trước bài phát biểu của bà Clinton trong một cuộc họp kín.

Đã từ lâu, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông là không nên quốc tế hóa, mà chỉ nên giải quyết song phương với từng nước, điều này giúp Trung Quốc có cơ hội sử dụng quyền của một nước lớn, gây sức ép lên từng nước nhỏ dễ dàng hơn. Việc Mỹ nêu ra quan điểm, các nước nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, Hoa Kỳ đã trực tiếp tấn công vào chiến lược chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.