"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 30. Juli 2010

Ý nghĩa giáo dục của hai đề thi có tính thời sự


Lối sống bàng quan, vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại đang là điều thực sự đáng quan tâm trong xã hội ta. Đáng buồn là lối sống ấy đang tác động tiêu cực đến thế giới quan của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. 

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị là cặp phạm trù ngỡ như đối lập là “sự vô cảm” và “lòng yêu thương con người” đã “gặp nhau” trong những câu hỏi của đề thi môn Ngữ văn ở những kỳ thi cấp quốc gia năm 2010: kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Xuất hiện trong cấu trúc đề thi với tư cách là những câu hỏi nghị luận xã hội, nội dung của những câu hỏi đã đề cập những vấn đề mang tính thời sự hiện nay: biểu hiện, tác hại của lối sống vô cảm và vai trò của lòng yêu thương con người. Xin trích nguyên văn câu hỏi trong 2 đề thi để bạn đọc tham khảo. Câu 1 (8 điểm) trong đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2010 như sau: Trong những trang ghi chép cuối cùng của cuộc đời mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu có kể lại một sự việc ông đã chứng kiến: “…Lúc bấy giờ mới khoảng 5 giờ sáng, sân ga Hàng Cỏ còn mờ mờ tỏ tỏ trong sương nhưng người đã chật ních. Có những dãy người xếp hàng ba hàng tư dài dằng dặc như rồng rắn. Người nào cũng khoác đầy hành lý trên mình, đang chuẩn bi vào phía trong ga để lên tàu. Chung quanh các dãy người xếp hàng là bạt ngàn những người đang ngồi giữa hàng đống, hàng núi hàng hóa, có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến một buổi sáng tinh mơ mà khách đi tàu ở sân ga đông đến như thế. Và giữa cảnh đông đúc, chen chúc như vậy có một người đàn bà hãy còn trẻ, y như một kẻ mất trí, một người điên cứ hét vang cả sân ga: “các ông, các bà có ai thương tôi cứu tôi với”. Người đàn bà kêu đến khản cả giọng mà chung quanh chẳng ai đoái hoài. Người ta chỉ quay mặt lại nhìn một cách thờ ơ, vả lại ai cũng chất xung quanh mình hàng đống hành lí, lại mệt đứt hơi. Ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình. Thì ra thế này, người đàn bà xuống tàu trong đêm với hai đứa con, đứa ba tuổi, đứa mới nửa tuổi. Mẹ con ngồi chờ sáng. Lúc vừa tảng sáng, mẹ bảo con ngồi đây trông em, mẹ đi giặt tã cho em một lúc. Mẹ đi đến vòi nước gần nhà xí công cộng, cũng khá xa, chen chúc mới giặt giũ được, giặt giũ xong quay về thì mẹ mìn chỉ chìa cái bánh đa đã dỗ được đứa con lớn đi theo, chỉ còn lại đứa nhỏ nửa tuổi nằm giữa sân ga một mình.
Nghe xong chuỵện, tôi chạy đến trước mặt một đồng chí công an đề nghị: các đồng chí nói loa đi, yêu cầu hành khách thấy khả nghi thì giữ lại, đứa dụ đứa trẻ thế nào cũng có vẻ khả nghi… Biết đâu nó còn quanh quẩn quanh đây. Yêu cầu mọi người giúp người ta. Đồng chí công an chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời tôi lấy một lời. Còn hàng ngàn con người thì vẫn dửng dưng trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp. Người đàn bà vẫn kêu gào giữa sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc”. (Rút từ tập “Trang giấy trước đèn”, NXB Khoa học xã hội, 1994, Tr. 140 – 141).

Câu chuyện trên gợi anh/chị suy nghĩ gì về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người trong cuộc sống.


Trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, có câu 2 (3 điểm) như sau: Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.


Trước hết có thể nhận thấy, những câu hỏi trên đều thuộc dạng đề “mở”. Ưu điểm nổi bật của những câu hỏi trong các đề thi kiểu này là có thể phát huy được trí tưởng tượng, khuyến khích sự sáng tạo, tích cực trong suy nghĩ của người viết. Học sinh có thể chủ động bày tỏ ý kiến của bản thân về vấn đề nêu ra trong đề bài mà không lệ thuộc vào những lời “chỉ dẫn” ít nhiều mang tính áp đặt thường gặp trong các kiểu đề “truyền thống” như: hãy chứng minh, hãy phân tích, hãy bình luận, hãy giải thích….Đề thi ra theo hướng “mở” cũng giúp học sinh tránh được lối học tủ, học vẹt, lệ thuộc nhiều vào tài liệu vốn là những “căn bệnh” cố hữa tồn tại bấy lâu nay. Những kiểu đề này đòi hỏi phải có những đáp án “mở” và người chấm cũng phải chắc tay, bản lĩnh để không bỏ sót những ý hay, sáng tạo trong bài làm của học sinh khi những ý đó có thể không có trong đáp án. Trên thực tế, sự xuất hiện của những câu hỏi “mở” trong những kỳ thi quan trọng ở những năm gần đây đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cả từ phía người dạy và người học.


Bên cạnh đó, nội dung của các câu hỏi trong đề thi cũng đã đề cập một trong những vấn đề mang tính thời sự, nhức nhối hiện nay, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với giới trẻ. Đó là căn bệnh vô cảm, những biểu hiện, tác hại của nó và vai trò, sự cần thiết của lòng yêu thương con người trong xã hội hiện nay. Bệnh vô cảm được hiểu là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không có những cảm xúc mang tính nhân bản đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, không động lòng trước nỗi buồn, nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của đồng lọai. Những người sống vô cảm thường chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích của riêng mình, ngại va chạm, sợ phiền toái, liên lụy với tâm niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Những kẻ sống vô cảm thậm chí còn lạnh lùng, nhẫn tâm gieo rắc nỗi đau cho người khác mà không mảy may động lòng trắc ẩn.


Căn nguyên tạo nên căn bệnh vô cảm ở giới trẻ ngày nay là thói vị kỷ, thích hưởng thụ, Cùng với đó là sự tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ môi trường sống, từ những “tấm gương mờ” của người lớn. Nói đến nguyên nhân tạo ra căn bệnh vô cảm trong giới trẻ không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Tính thân thiện cần có trong môi trường học đường ít nhiều bị sứt mẻ khi nhiều học sinh chỉ thích “nói chuỵện” với nhau bằng giải pháp bạo lực. Đáng buồn là trong những vụ hành hung, đánh nhau giữa các học sinh thời gian qua đều có một số đông “khán giả” trẻ tuổi, có người trong số đó còn là bạn cùng lớp học với nạn nhân. Không chỉ thản nhiên đứng nhìn, những học sinh này còn dùng điện thọai di động ghi hình rồi tung lên mạng. Còn đáng buồn hơn khi những đọan video clip “tự tạo” ấy sau khi nhanh chóng lan truyền trên mạng đã nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của không ít giới trẻ với những lời lẽ bình luận thản nhiên, tàn nhẫn như: “cũng bình thường thôi”, “lần sau cứ thế mà phát huy”, “được lắm”, “hoành tráng lắm”… Và như thế, dường như sự vô cảm trong giới trẻ đang được tằng lên theo cấp số nhân.


Đối lập với lối sống vô cảm, bàng quan là lòng yêu thương con người, vốn là một giá trị văn hóa truyền thống thể hiện lối sống đẹp tồn tại từ bao đời nay: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” Còn nhớ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, có hai trường hợp “đặc biệt”, đến phòng thi muộn không phải do hỏng xe, ùn tắc giao thông hay… ngủ quên mà là vì nghĩa cử cứu người bị nạn trên đường đến trường thi. Đó là trường hợp hai thí sinh Tăng Ngọc Dũng, số báo danh 160061, phòng thi số 3 và Lữ Đức Quân, số báo danh 160295, phòng thi số 13 tại hội đồng thi trường THPT Đô Lương 1.Cả hai đều là học sinh lớp 12A4 trường THPT Đô Lương 1. Trước hành động cứu người của hai em Quân và Dũng, một số người cho rằng đó là việc làm bình thường và ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, phải ở trong hoàn cảnh của hai em mới thấy hết được ý nghĩa tốt đẹp từ hành động ngỡ như là bình thường ấy. Chiều 2/6, trên đường tới trường thi để dự thi môn Sinh học, Quân và Dũng phát hiện một người phụ nữ nằm bất động giữa đường. Mặc dầu giờ thi đã cận kề những hai em vẫn quyết định đưa người bị nạn là bà Lê Thị Vẹn (57 tuổi) vào bệnh viện Đô Lương để cấp cứu kịp thời. Khi đến phòng thi thì đồng hồ đã báo 14h34 phút, muộn 4 phút so với quy định giờ bắt đầu làm bài. Nghĩa cử ấy là một minh chứng sinh động của lòng yêu thương con người. Biểu hiện của lòng yêu thương con người là sự đồng cảm, chia sẻ, đùm bọc giữa người với người trong cuộc sống. Tình yêu thương con người là lẽ sống, tình cảm cao đẹp, là chuẩn mực đạo đức mà con người cần hướng tới trong xã hội. Đáng tiếc là một bộ phận giới trẻ hiện nay chỉ biết yêu thương chinh bản thân mình, thiếu sự quan tâm, sẻ chia, vị tha đối với những người xung quanh, thậm chí với cả những người thân. Thực trạng trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự sa sút đạo đức, lối sống của giới trẻ ngày nay.


Như vậy, những vấn đề đặt ra trong câu hỏi 2 đề văn nêu trên không chỉ tác động đến nhận thức, tư tưởng của mỗi thí sinh trong và sau khi làm bài mà còn gợi ra cho người lớn những suy nghĩ, trăn trở. Làm sao để có được một “phưong thuốc” hữu hiệu chữa căn bệnh vô cảm đang có nguy cơ lan rộng trong giới trẻ? Làm sao để giới trẻ ý thức được vài trò, vị trí của tình thương yêu và biết sống yêu thương, vị tha hơn? Câu hỏi trên xin dành cho những người quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

LTS Dân trí - Người ta sinh ra với vai trò của một sinh vật thượng đẳng, vốn có trí tuệ và có cảm xúc, biết yêu thương đồng loại, nhất là đồng bào mình, anh em ruột thịt mình. Tiếc rằng, trong xã hội ngày nay, không thiếu những người sống vô cảm, dửng dưng trước sự đau khổ của người khác, không động lòng trước hoàn cảnh éo le cần được thông cảm và giúp đỡ. Đấy là loại người sống ích kỷ, chỉ biết bo bo giữ an toàn cho bản thân mình, rất ngại va chạm, đấu tranh vì lợi ích chung của mọi người. Điều đó hoàn toàn xa lạ với đạo lý sống truyền thống của dân tộc.

Mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường ngày nay, đi đôi với dạy kiến thức, cần quan tâm nhiều hơn đến việc dạy làm người. Biết sống có ý thức trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và rộng hơn là đối với quê hương, đất nước. Biết quan tâm đến mọi người, sẵn lòng giúp đỡ những người bất hạnh không may gặp hoạn nạn… Đấy cũng đạo lý sống cần trau dồi cho thế hệ trẻ ngày nay để ngăn chặn từ xa lối sống vô cảm.


Với ý nghĩa đó, chúng ta hoan nghênh hai đề văn dạng “mở” được dẫn ra trong bài viết trên . Có thể coi đó là “một mũi tên bắn trúng hai đích” vừa chống lối “học vẹt” vừa giáo dục ý thức yêu thương con người và chống “căn bệnh vô cảm” hiện đang phổ biến, rất đáng phê phán và cần kiên quyết khắc phục, nhất là chặn đứng nguy cơ này trong giới trẻ.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c202/s202-412189/y-nghia-giao-duc-cua-hai-de-thi-co-tinh-thoi-su.htm