"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. September 2010

Không phải thiếu kỹ năng sống mà là nhân cách sống!

Mạc Văn Tang

Tự nhiên trong ngành giáo dục (GD) rộ lên câu chuyện “kỹ năng sống” (KNS), cứ như là tìm thấy bảo bối của GD rồi. Có người bảo sau khóa học KNS 2 ngày trẻ hư thành ngoan! Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HS- SV của Bộ GD&ĐT bảo sẽ “xây dựng chương trình môn học GD KNS từ lớp 1 đến lớp 12” (VN Expess 21/5/2009). Bộ trường GD&ĐT trả lời các nhà báo đầu năm học mới (1/9/2010) cũng mấy lần nhấn mạnh đến KNS; triển khai tập huấn GD KNS cho HS, tổng kết, nhân rộng điển hình… KNS trở nên quan trọng quá, cấp bách quá. Đột phá mới của GD chăng?

Tố Hữu có câu thơ “Anh nắm tay em sôi nổi vụng về”… xét ở khía cạnh tâm lý, rất hay. “Sôi nổi” là tình cảm; “vụng về” là kỹ năng. Nó cho thấy mối tình đầu chân thật, quý giá… Nếu “Anh nắm tay em vô cùng thành thạo/ Việc tỏ tình với anh đã thành kỹ năng, kỹ xảo” thì kinh quá! Kỹ xảo là mức thành thục cao của kỹ năng, có thể đạt đến tự động hóa, thành nghệ thuật… HS hiện nay không hẳn thiếu kỹ năng sống đâu, mà nhiều cái còn thừa nữa, còn đi trước lứa tuổi, đi quá mức cần thiết! Tí tuổi đầu đã “tinh vi”, ăn chơi sành điệu, chuyện gì ở đâu cũng biết, cái gì của xã hội người lớn cũng tỏ tường, cũng có thể làm theo!… Cái cần ở HS hiện nay là làm sao các em hãy trong trắng, hồn nhiên đúng với tuổi của mình, chú tâm vào việc học, trau dồi kỹ năng học tập hiệu quả và sống chân thật giản dị, “vụng về” cũng được!

Nói thế để thấy rằng, vấn đề không phải kỹ năng sống mà trước tiên, mỗi HS phải là một con người có nhân cách sống đàng hoàng, được tôn trọng, được đối xử dân chủ, bình đẳng, được tự do thể hiện cá tính sáng tạo của mình một cách chân thật…

Nếu những ai còn “sùng bái kỹ năng”, bấu víu vào đó như là cái phao của giáo dục, thì xin được nêu thêm một ví dụ nữa: các anh “bộ đội Cụ Hồ” thắng đội quân nhà nghề, tinh nhuệ (trang bị tận răng, kỹ năng đầy mình) của Pháp, Mỹ không phải do kỹ năng chiến trận thạo hơn mà chính bởi… (bởi cái gì thì dân ta đều biết và chưa quên!). Nói khái quát đó là nhân cách của người lính. Họ là chủ thể có ý thức sâu sắc về cuộc chiến đấu; trong tim họ tha thiết tình yêu đất nước; khát vọng Độc lập, Tự do luôn cháy sáng tâm hồn họ; biết rõ trách nhiệm tuổi trẻ khiến họ dám dấn thân đến cùng để chiến thắng!…

Nhân cách sống của người HS, SV ngày nay cũng thế. Giáo dục phải tôn trọng HS, SV với tư cách là chủ thể, có ý thức sâu sắc về hoạt động học tập, rèn luyện của mình (chứ không phải lo sợ, răm rắp thi đua làm theo); thức tỉnh trong tim họ tình yêu tri thức, tha thiết tìm kiếm những giá trị đích thực (chứ không phải thèm khát những thành tích, danh hiệu, bằng cấp vớ vẩn, hão huyền); thắp sáng tâm hồn họ bởi những ý tưởng sáng tạo, làm ra những giá trị hữu ích, (chứ không phải chất đầy đầu óc họ những điều vô bổ, những tín điều cũ mòn và lối tư duy rập khuôn); tin tưởng và tạo môi trường, điều kiện để họ hứng thú, say mê học tập, dám dấn thân vào tìm tòi những điều mới lạ, bổ ích… Nhân cách HS, SV không đàng hoàng thì kỹ năng có thể thành xảo thuật!

Hơn nữa, trong trường Tiểu học hiện nay đã dạy 8-9 môn, trường Trung học dạy 13 – 14 môn. Mỗi môn học, bài học đều có mục tiêu phải đạt được về cả ba mặt: KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, KỸ NĂNG. Ba mặt đó được hình thành, gắn kết thống nhất với nhau trong từng bài học, môn học mới đảm bảo những cơ sở cần thiết cho hành động đúng đắn của người HS. Cấu trúc chương trình, nội dung các môn học của mỗi cấp học, lớp học đều phải theo những nguyên tắc đảm bảo sự phát triển nhân cách HS một cách toàn diện, cân đối đáp ứng yêu cầu của thời đại. Chỉ cần “Dạy tốt – Học tốt” các môn học trong chương trình theo mục tiêu GD là đảm bảo HS phát triển tốt rồi! Ở các nước văn minh đều như thế cả!

Dĩ nhiên trong cuộc sống, HS cũng như ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở người này hay người khác, lúc này hay lúc khác, đều có thể gặp vấn đề rắc rối. Lúc đó đều cần sự tư vấn của các nhà chuyên môn. Trong nhà trường và cộng đồng cần có các nhà tư vấn về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề kỹ năng sồng. HS nào cần gì thì tham vấn, học thêm, rèn luyện thêm… về cái đó. Sao lại bắt tất cả HS học thêm môn học “KNS”? Và như thế sẽ còn khối môn nữa, trùm lên chương trình các môn học chính khóa của nhà trường – với tư cách chuẩn mực quốc gia đã được phê duyệt? Hôm rồi tôi hỏi một cán bộ nghiên cứu GD đương chức: “Dạo trước các cậu GD Môi trường, Giao thông, Sức khỏe sinh sản vị thành niên… Nay lại GD KNS nữa thì dạy gì?”. Anh này bông đùa: “Bác quan tâm làm gì! SKSSVTN là “sau khi sung sướng vô trách nhiệm”, còn KNS là “kẻ nói suông” mà!”. Tôi thật chẳng hiểu ra sao cả!

Nhà trường khuyến khích những hoạt động ngoại khóa lành mạnh, nhưng có chừng mực, bổ sung cho GD chính khóa. Các hoạt động ngoại khóa có thể đủ mọi thứ, làm tăng thêm sự phát triển phong phú và cá biệt hóa nhân cách HS, nhưng không nên bắt buộc. Có em muốn học thêm Toán, em khác thích vẽ, nhạc, thể thao; em khác thích văn hoặc ngoại ngữ, sinh học, v.v. Có em thích món KNS xin cứ việc… Đừng thấy ai “nói đâu bâu đấy”, a dua theo phong trào, làm rối nhiễu việc học tập bình thường của HS. Chẳng hạn KNS có học bơi lội, những em bơi tốt rồi, sao phải học nữa? Vả lại bơi cũng trong chương trình GD Thể chất rồi!?

Nhân cách quyết định kỹ năng, chứ không phải kỹ năng quyết định nhân cách! Nhưng thực tế, KNS, nhất là kỹ năng làm việc, giao tiếp trong xã hội hiện đại của người Việt Nam còn rất thiếu và vụng. Nói vậy để thấy rằng, việc GD KNS cho HS, SV vẫn cần thiết, hữu ích, nếu nhằm vào những điểm GD chính khóa chưa có điều kiện thực hành đầy đủ, luyện tập trong thực tế. Tuy nhiên đừng coi KNS bao trùm lên nhân cách HS, SV; đừng hy vọng nó như cái phao của giáo dục mà xao lãng việc GD chiều sâu của nhân cách!

15/9/2010
M. V. T.