"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 23. September 2010

Mượn Lọng Vàng Che Ngai Mục!

Nguyễn Duy Ân
Sao biết bao nhiêu trận bão rác, sóng bùn gần đây đã phủ xuống xã hội xhcn VN, từ những vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, bô xít Tây Nguyên, vụ 18 tỉnh cho thuê rừng đầu nguồn 50 năm, cho thuê biển dài hạn, siêu dự án đường sắt cao tốc (nay đang chuẩn bị tái khởi sự!), chủ tịch tỉnh Hà Giang trong vụ hiệu trưởng đảng viên Sầm Đức Xương mua bán dâm nữ sinh vị thành niên, Vinashin… đến những vụ sinh viên Vũ Kim Anh cắt cổ người tình cũ là một đại gia cựu cán bộ công an mà theo báo chí “lề trái” thì vụ án nầy có liên qua đến cháu nội của NĐM tức là cháu cố của HCM, vụ sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa cắt cổ (cũng) người yêu cũ để cướp tài sản, rồi nhan nhãn những vụ cán bộ xài bằng lèo, bằng giả từ “tiến sĩ” trở xuống, công an nhân dân bắn hoặc đánh chết người ở Thanh Hóa, Cồn Dầu, Bắc Giang… Nhếch nhác “Đại hội nhà văn!”…

Bỗng xuất hiện một Ngô Bảo Châu với giải thưởng toán (Fields) hàng đầu Quốc tế, như một đám mưa “cam lồ” tưới xuống, thế là cả đảng tưng bừng nhảy nhót tung hứng, cứ như là bắt được bửu bối, sách ước gậy thần có khả năng giúp đảng tiêu trừ mọi khổ nạn cho đất nước, giải thoát mọi tai ách cho cả dân tộc, để thống trị lâu dài!

VN sắp trở thành đất thánh tới nơi, nhờ có “đảng thiên tài!” mà sinh ra nhân tài!

Thứ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sờ đùi vuốt gối GS Châu “Tôi muốn vỗ tay thật to!” (Có ai cản đâu?)

Chúa đảo Tuần Châu nài nỉ tặng ngôi biệt thự 3 triệu USD, nhưng GS Châu không chịu nhận! Cứ tưởng ai cũng giống như lãnh đạo “đảng ta!” Biếu tiền thì vơ ngay, tặng nhà thì chụp liền. Trong khi hàng ngàn người dân bị cướp đất đuổi nhà, thiên tai lũ quét… không nơi trú ẩn sao không bố thí cho họ một mái lá?

Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội Vũ Minh Giang ra sân bay đón Ngô Bảo Châu trở về cho biết “ĐHQG mong muốn trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Châu!” (Phước hữu trùng lai!)

Rào đón và phô trương một cách sống sượng lố bịch, Giang nói: “Mặc dù GS Ngô Bảo Châu đã tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp nhưng chúng tôi vẫn muốn mời GS nhận bằng tiến sĩ danh dự của ĐH Quốc gia. Chúng tôi sẽ gửi GS Ngô Bảo Châu thư mời tới hiệu trưởng trường ĐH Chicago, nơi GS làm việc và mời GS cùng hiệu trưởng trường ĐH Chicago cùng tham dự lễ trao bằng tiến sĩ danh dự này". (vnnet 29/8)

Trong “lễ đón và chào mừng Ngô Bảo Châu”, có hàng loạt cán bộ cao cấp và hàng ngàn người hiện diện, NTD tuyên bố: “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để GS Ngô Bảo Châu đóng góp…!”

Rồi “Cả khán phòng vỗ tay” khi NTD “nhắc tới việc trưa 29/8, GS Ngô Bảo Châu và gia đình đã tới thăm Khu di tích HCM tại Phủ Chủ tịch và thắp hương tưởng nhớ Bác tại khu nhà 67.”

Đấy! nhờ kết quả học tập tấm gương đạo đức HCM nên mới lập được thành tích như thế kia!

Nay mai sẽ tặng Huân chương HCM cho Ngô GS, trao thêm “công dân danh dự của Hà Nội nữa!” Ôi thôi! Đủ thứ!

Thế nhưng trong bài phát biểu, GS Châu đã nhẹ nhàng xổ toẹt vào mặt NTD và cả chế độ:

“Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng, bố mẹ đã phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần 20 năm trở lại đây tôi sinh sống ở nước ngoài (rất lâu ở Pháp, gần đây ở Mỹ). Tiếp xúc với cuộc sống của người nước ngoài, tôi có hiểu ra một điều rằng, tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa của tôi có thể thiệt thòi hơn về cái ăn, cái chơi nhưng về học tập thì chưa chắc.

... Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất, nhưng tình yêu tri thức và yêu khoa học thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là sự hiếm hoi.”

Hoàn cảnh Ngô Bảo Châu mà “bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc” vẫn may mắn không bị thiệt thòi về học tập. Còn biết bao nhiêu hoàn cảnh không may mắn khác.

Thập niên 80, ở kinh tế mới Xuyên Mộc, một học sinh lớp 10 vừa thi toán đạt giải nhất toàn Miền Nam thì phải nghỉ học đi giẫy cỏ cao su để lãnh đồng lương “chết đói” thay bố mẹ là công nhân bị lâm trọng bệnh không lao động được nữa. Chưa kể còn biết bao học sinh giỏi, xuất sắc nhưng không thể vượt qua ngưỡng cửa“lý lịch” để có thể tiếp tục con đường học vấn. Có người vượt qua được những “cửa ải” nầy, như “giải huy chương vàng toán Quốc tế” Lê Bá Khánh Trình một thời vang danh, có chế độ ưu đãi nhưng vũ môn cuối cùng của Khánh Trình không có được môi trường thuận lợi cho học tập, nghiên cứu như trường hợp của Ngô Bảo Châu, như chính GS Châu ghi nhận trong bài phát biểu:

“Khoa học của nước ta nói chung và toán học nói riêng chưa có vị trí xuất sắc trên thế giới nếu không có tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Với tinh thần nghiêm khắc, không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác sẽ có nhiều cơ hội để tiến bộ.

Cái may mắn đặc biệt tiếp theo là việc tôi được chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học Đại học. Là một sinh viên người nước ngoài nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp chưa một lần nào tôi cảm thấy mình được kém ưu tiên so với sinh viên Pháp. Ngược lại, chính giáo sư trưởng khoa toán trường ĐH Sư phạm Paris nơi tôi học đã khuyên tôi nên làm việc với GS Gérard Laumon, lúc đó là một trong những nhà toán học Pháp xuất sắc nhất. Và kết cục là ông Gérard Laumon nhận tôi là học trò. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Ông là một người thầy tuyệt vời.

Ôn lại thời gian này, tôi hiểu được sự quan trọng, được sức mạnh của những nhóm nghiên cứu khoa học kết hợp bởi những nhà khoa học đã có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau và những sinh viên tràn trề ham mê khoa học. Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi nhưng cũng đem lại vinh dự xứng đáng cho cộng đồng toán học Pháp cũng như cộng đồng toán học Việt Nam.

Từ hơn 3 năm nay tôi có may mắn hiếm hoi được làm việc ở viện nghiên cứu cao cấp cơ bản Princeton - Viện được thành lập từ những năm 30 là nơi Albert Einstein đã làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ giáo sư ở viện mà hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu thế giới, viện thường xuyên đón các nhà khoa học trẻ trên thế giới đến làm việc từ 1 đến 2 năm.

Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức tư nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của viện Princeton là cái rất đáng để học tập. Sau 50 năm, tức là một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử khoa học, viện đã trở thành một lá cờ đầu của toán học, vật lý lý thuyết và đóng vai trò rất lớn cho sự hình thành trường phái toán học Mỹ và vào thời điểm hiện tại vẫn đóng vai trò số một không phải bàn cãi.

Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton rất có thể Bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành vào thời điểm này. Và ngoài ra với sự tiếp xúc với các nhà khoa học thiên tài như Langland tôi đã hình dung rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi Bổ đề cơ bản đã được hoàn thành.

Từ trải nghiệm ở Pháp cũng như ở Mỹ, tôi hiểu ra rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.

Tôi may mắn sống trong ngôi nhà của ông (Rogermortier) nhiều năm, học được rất nhiều từ con người ông. Ông không bao giờ nói dài khi đang làm nhưng qua việc làm của ông tôi hiểu rằng nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân cái cơ hội đầy tiềm năng của họ được phát triển trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đấy là điều mà tôi muốn nói với các nhà khoa học Việt Nam, những nhà quản lý và tất cả những người làm cha, làm mẹ.

Hiện trạng khoa học của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người và sự cố gắng của Nhà nước, của Chính phủ qua những quyết sách đúng đắn, dũng cảm chính là động lực tiền đề cho sự chuyển biến theo một chiều hướng tích cực.”

Dũng: VN cần có nhiều Ngô Bảo Châu!

Châu: Để nêu thành tích cho đảng? Bức thư bauxite của tôi thủ tướng dụt ở đâu?

Bao giờ thì VN mới có “môi trường học thuật lành mạnh”, bao giờ thì VN mới có “những quyết sách đúng đắn, dũng cảm” như GS Châu ước mơ, mong đợi?

Câu trả lời dứt khoát là “Chỉ khi nào đảng CS biến mất khỏi đất nước Việt Nam!”

Cho dù “Thủ tướng: VN cần có nhiều Ngô Bảo Châu!” (Báo Bee 30/8).

Để làm gì? Hay chỉ để đem những giải thưởng Quốc tế về xây thành tích cho đảng?

Trong khi bức thư viết từ Princeton, ngày 27 tháng 5 năm 2009 của GS TSKH Ngô Bảo Châu gởi cho quốc hội và chính phủ về “chủ trương lớn của bộ chính trị” với bauxite Tây Nguyên. Trích đoạn:

“Cái tôi muốn đề cập đến trong bức thư này không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc.

Trung Quốc thực hiện chính sách “thực dân mới” một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ la tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây : quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa. Đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc có nhiều thứ để ta cảm phục và học tập. Nhưng nếu ta rập khuôn theo mô hình của họ, đi theo con đường họ đã đi, làm theo cái họ nói tức là cái họ muốn, thì ta chỉ nhận phần thiệt thòi, còn bản sắc ta thì tồn vong được bao lâu. Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quí vị lưu ý...


Xin quay lại vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Đọc tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2001 khi Tổng bí thư NĐM sang thăm Trung Quốc và năm 2006 khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, ta nhận thấy một điều hiển nhiên là Trung Quốc rất quan tâm đến tài nguyên này và muốn ta khai thác bằng được. Trong những trường hợp như vậy, chỉ suy diễn ta cũng thấy việc này có lợi cho họ nhiều hơn cho ta.

Tôi kính mong Quí vị bỏ thời gian, nghiên cứu tường tận Báo cáo dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, các phản biện khoa học của nó, lắng nghe ý kiến cử tri và suy nghĩ đến sự tồn vong của đất nước, để rồi xây dựng quan điểm riêng của Quí vị, trình bày nó rõ ràng trong nghị sự của Quốc hội và chịu trách nhiệm về nó trước các cử tri.”


GS. TSKH Ngô Bảo Châu
Giáo sư toán học Đại học Paris 11, Pháp,
Thành viên của Institute for Advanced Study, Princeton, Mỹ.
Địa chỉ hiện tại:
School of Mathematics
Institute for Advanced Study
Einstein Drive
Princeton NJ 08540 U.S.A.

Một bức thư dài phân tích tỷ mỷ với những lời tâm huyết như thế, nhưng đảng và nhà nước đã quăng vào sọt rác, lại tung hô giải thưởng Fields rầm rộ để “sướng” lây!

Cũng chẳng trách làm gì, công thần của chế độ như tướng Giáp, đảng coi chẳng ra gì, trong khi vẫn lừa bịp dư luận. Cho đến nay ông Giáp có lẽ đang sống “thực vật” hoặc đã “quàn” nơi phòng kín chờ qua hết những ngày trùng “thọ tử, sát chủ” để tuyên bố ngày: “Đại tướng ra đi gặp Bác!”

Thế nhưng trong những ngày “mừng thọ đại tướng 100 tuổi” cả đảng đến tư gia tướng Giáp chúc mừng, chụp hình chung với gia đình không một bóng dáng dù mờ nhạt của ông Giáp, nhiều báo còn lấy hình cũ từ những năm trước đem ra chưng.

NTD, Nguyễn Phú Trọng cũng không ngượng mồm dối trá một cách trắng trợn: “Thủ tướng mong Đại tướng tiếp tục góp ý cho đất nước”

“Theo tin tức từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều 24/8, lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, lãnh đạo các thành phố... đã tới thăm và chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng.

Chủ tịch Quốc hội bù nhìn Nguyễn Phú Trọng đã đến chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và báo cáo với Đại tướng một số nét về tình hình hoạt động của Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ, y tá Thủ tướng NTD có bằng cử nhơn Luật (!?) mong Đại tướng mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục có những ý kiến đóng góp quý báu cho công cuộc phát triển đất nước.”

Sao Trọng không nói thẳng là “báo cáo với phu nhân đại tướng” có dễ nghe hơn không?

Ba lần ông Giáp gửi thư, Dũng đều dụt rác, nay ông ta chẳng còn nói năng gì được Dũng lại đòi “có những ý kiến đóng góp quý báu…” vì sọt rác đang trống trải?

***

Xét cho cùng với kiến thức toán học của Ngô Bảo Châu hiện nay chỉ có thể áp dụng để góp phần đem lại lợi ích thực tiển ở những nước như Pháp, Mỹ… Trong khi bức tâm thư bauxite của GS Châu nếu được lắng nghe và thực hiện, sẽ có lợi ích thiết thực gấp vạn lần cho sự tồn vong của đất nước và dân tộc lại đem vứt bỏ.

Vì vậy trong hàng trăm bài báo tuyên dương, ca tụng “thành tích Ngô Bảo Châu” trên mấy trăm tờ báo “lề phải” chưa kể hàng chục đài phát thanh, truyền hình trong nước trong mấy tuần lễ vừa qua, chỉ đọc thấy một bài viết “chí lý và chí tình” phản ảnh đúng thực trạng VN:

“Đám đông và nhà khoa học.” Tác giả: Lê Đình Phương (Tuần Việt Nam, 27/8/2010)

“…các trường đại học danh tiếng Âu Mỹ, cùng với vị trí địa lý nơi nó tọa lạc, quả là môi trường tuyệt hảo cho mọi sáng tạo. Nơi đó, thư viện là thánh đường, thời khắc nghiên cứu thì đầy ắp niềm vui trí tuệ, lề thói xã hội thì trật tự thong dong... Rất ít bụi trần ai chen được vào sân trường đại học của họ.

Cái môi trường giáo dục và xã hội tuyệt đối cần thiết cho thái độ solitude, nền tảng của sáng tạo ấy, chúng ta chưa có được!

…không thể hình dung được thành tựu toán học này sẽ tăng được bao nhiêu phần trăm trong GDP cả nước (?). Chắc là không, nhưng chúng ta vẫn hoan hỉ, tin tức vẫn tràn ngập trên báo chí theo cách người ta ăn mừng một bàn thắng bóng đá (vốn chỉ là một trò chơi), hay một cuộc đăng quang của một cô hoa hậu chân dài nào đó.…

Chúng ta ăn mừng một giải thưởng toán học cao cấp, vốn là lĩnh vực am hiểu của một thiểu số rất nhỏ. Chúng ta đòi xuống đường vì Ngô Bảo Châu đã thắng trong một cuộc tranh tài mà 99% người Việt Nam không hề hiểu lấy một phân.…

Chúng ta vui mừng với tâm thế thèm khát sự vượt trội, với ám ảnh bệnh thành tích từ thuở sưu tập phiếu bé ngoan mỗi tuần. Tôi chắc chúng ta sẽ không hoan hỉ đến thế, nếu không có giải thưởng kia. Chúng ta cần một sự hơn thua, để tự tin xác tín Ngô Bảo Châu là người lỗi lạc.

Phải chăng, chúng ta đang mừng chiến thắng với một tâm lý đầy mặc cảm, thua chị kém em đã bị dồn nén quá lâu?

Có lẽ, với tâm thế mặc cảm mang lớp áo dân tộc tính đó, báo chí, dân chúng, quan chức... đã quên sự mực thước trong việc tôn vinh nhà khoa học trẻ kia. Sung sướng vì Ngô Bảo Châu là người Việt đã hẳn, nhưng không thể nhận vơ để "lên mặt" về những hoa trái tri thức mà bạn ấy gặt hái được từ nước ngoài. Chúng ta nghiễm nhiên coi thành quả này là của nền giáo dục Việt Nam, vốn có sinh mà không dưỡng. Và từ đó, phóng chiếu rất nhiều can dự, cãi vã vào lộ trình khoa học của nhà toán học trẻ tuổi: chức vụ, huân chương, tặng nhà, bỏ bạc tỉ xây Viện Toán cao cấp... Thậm chí lôi cả đời tư lên mặt báo: nhà toán học "si tình" thì đã sao?

Tôn vinh tri thức, khoa học là việc tốt đẹp muôn đời, tốt hơn xuýt xoa với những giá trị ảo, những bằng cấp học vị nhan nhản được mua bằng tiền.

Nhưng phải cảnh giác với cái giá của sự nổi tiếng (theo kiểu Việt Nam), đang bị khoanh vùng và mang màu sắc quốc gia thiển cận. Cái giá đó sẽ rất đắt, nếu những lời tung hô rộn ràng kia đánh mất thái độ trung dung và tâm thế an nhiên của nhà khoa học.

Toán học nào có thể thăng hoa trong vòng vây của một đám đông đang vỗ tay ồn ào kia được?

Chúng ta cũng vậy, đừng để những tình cảm háo thắng náo nhiệt xâm thực vào không gian sáng tạo rất yên tĩnh kia. Vui dăm bữa rồi thôi, hãy để khối óc lỗi lạc kia quay trở lại thánh đường toán học của mình, trong niềm hoan tịnh. Đừng cột vào con người ấy những tước hiệu, gánh nặng vô bổ và cồng kềnh, thừa thãi cho niềm vui toán học, vốn dĩ không dành cho số đông.” (Trích theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần),

Điều rất mỉa mai là báo VTC News (29/8) ngay bên dưới bài Lễ đón và chào mừng GS Ngô Bảo Châu, với lời phát biểu rổn rảng của thủ tướng, thì ngay bên dưới có bài:

“Lò luyện” lấy chồng ngoại quốc ở Hải Phòng: Ở làng Tiểu Bàng (Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng) xuất hiện những lớp học dành cho gái làng trước khi thi tuyển lấy chồng ngoại. Đằng sau những cuộc lấy chồng ngoại là những câu chuyện bi hài rơi nước mắt.

Rất “ấn tượng” và cũng rất “hiện thực xã hội chủ nghĩa!”

Nguyễn Duy Ân