Võ thị Trúc Giang Lúa 9
Cảm tưởng sau khi đi xa về bao giờ cũng lẫn lộn những buồn vui, dĩ nhiên là vui nhiều hơn buồn vì gia đình mình đi nghỉ hè mà. Hôm nay tôi muốn kể về một mẩu chuyện rất ngắn, tuy ngắn nhưng có lẽ nó rất khó quên trong lòng người có mặt tại bãi biển hôm ấy. Khu du lịch là nơi tập trung rất nhiều du khách thập phương như Pháp, Hòa lan, Mỹ, Đức..v..v. Tai chúng ta nghe đủ thứ tiếng nói rất vui tai.
Sáng. Khi mặt trời chưa lên cao lắm. Nắng chưa gắt lắm là chúng tôi đã nhào lộn dưới sóng biển rồi, tắm một hồi cũng thấy mệt, nên chúng tôi lên nằm trên những ghế dài ngoài bãi biển dành cho du khách của hotel. Người nào người nấy nấp dưới mấy cái dù nhỏ xinh xắn màu xanh, màu cam trông vui mắt. Du khách ai cũng đeo kính mát che bớt nắng. Thích phơi nắng nhưng lại sợ nắng. Họ phải thoa kem dưỡng da để chống ung thư da! Sợ đen nhưng khoái ra nắng. Thật lòng người đầy mâu thuẫn nhỉ?
Ngẫm, dân sống vùng xứ nóng có bao giờ họ thèm nắng như mình đâu!
Nằm trên bãi biển không biết làm gì ngoài đọc báo, đọc sách. Đọc hoài cũng chán. Nothing-to-do. Thiên hạ lại nhào xuống biển. Lại lên bờ. Lau và lại phơi nắng. Thời gian trên bãi biển sẽ bớt sống động đi nếu như thiếu vài anh chàng bán hàng rong này. Da các anh ấy sạm nắng. Khỏi cần thoa kem dưỡng da làm gì tốn kém. Các chàng ấy bán những gì bạn biết không? Họ bán kính mát, nữ trang hàng mã, đồng hồ giả, dây chuyền kết bằng hột cườm li ti màu sắc rực rỡ. Một anh bưng bảng carton to chừng một mét, trên đó treo đầy các mặt hàng kể trên. Anh ta kê cái bảng trước mặt chúng tôi ánh mắt mời mọc, miệng anh cười cười vừa chào nói:
- Non merci!
Tôi và con gái mình ngạc nhiên nhìn nhau rồi chợt hiểu ra. Bật cười. Nhưng kiềm lại kịp thời vì tội nghiệp anh ta. Trông anh có vẻ nghèo thấy tội. Nắng cháy da thế này mà cứ bưng tấm bảng đi suốt ngày ngoài nắng bán kiếm cơm. Không hiểu mỗi ngày anh kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng lạ là câu chào hỏi của anh đầu tiên với khách là "non merci". Mời-khách-mua-mà-biểu-khách-đừng-mua, cảm-ơn!
Như có làn gió mát từ khi anh xuất hiện. Chúng tôi "đi shopping" ngay bãi biển. Mỗi người mua một cái đồng hồ giá năm đồng Ơ-rô. Ban đầu anh ta cho giá mỗi cái là 12 đồng, thấy chúng tôi chần chừ trả giá vì thực lòng chưa muốn mua, anh ta mau mau thụt xuống giá 8 đồng Ơ rô. Cái thứ ba anh ta nhét vội vào tay tôi, nói giá chót: "for you 5 đồng thôi!". Ồ, rẻ quá! Thế là bên nào cũng có lợi. Con gái tôi còn hỏi thêm hoàn cảnh anh từ đâu tới, anh kể là người Bangladesh. Ở Hy Lạp anh sống bằng nghề buôn này, có lẽ thời gian tới nữa anh sẽ đến Germany. Vì nghe chúng tôi đến từ Germany chăng? Câu hỏi hiện ra trong đầu tôi, không hiểu anh sang đây buôn bán rong có giấy phép chính thức hay không nhỉ? Nhưng không tiện hỏi, chỉ mua giúp anh vài ba món làm tặng phẩm cho bạn khi đi nghỉ hè về.
Theo dõi sau dấu chân anh. Mỗi nơi anh đến gần khách để mời mọc tức thì nơi đó vang lên tiếng cười to thoải mái. Tiếng cười vang khắp bãi biển. Du khách như có cái gì đó để-to-do. Câu chào khách "non merci" của anh đã làm bãi biển đang nothing-to-do bỗng trở nên rộn ràng vui nhộn. Chúng tôi định giải thích cho anh hiểu câu non merci tiếng Pháp có nghĩa là "không, cảm ơn anh" chứ không phải là Guten Tag hoặc là Good Day trong tiếng Anh. Non merci là câu nói khách từ chối khi bị anh mời, nên anh tưởng đâu đó là câu họ chào hỏi anh, như học thêm một ngoại ngữ mới, lịch sự nên anh dùng nó để chào hỏi lại với khách.
Vậy bạn nhớ đừng lịch sự bắt tay chào ai bằng câu "non merci" nhé. Bị họ cười cho đấy :)) Dù sao câu nói ấy cũng rất dễ yêu bạn nhỉ?
Võ thị Trúc Giang Lúa 9
Montag, 20 Sept 2010