NGUYỄN QUANG NGỌC
SAIGÒN - sáng thứ năm vào lúc 09h30 ngày 16 tháng 09 năm 2010, tại Vương Cung Thánh Đường Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn, đã diễn ra Thánh lễ giỗ lần thứ 8 để tưởng niệm người tôi tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Cha Tổng Đại Diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh chủ tế Thánh lễ, cùng với 50 linh mục đồng tế, với sự tham dự quý Sơ, quý cộng đoàn Hội Dòng Ba Cát Minh, cùng quý ông bà anh chị em, và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.
Trong bài giảng lễ, Cha Tổng Đại Diện Gioan Baotixita đã mượn lời hai vị Đức Giáo Hoàng, là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói về con người của Ngài là một con người có niềm tin và hy vọng. Đặt chọn cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Đặc biệt là những lúc đau buồn, bệnh tật về thể xác cũng như tâm hồn. Hiện nay Ngài là người tôi tớ của Chúa.
Cha Tổng Đại Diện mời gọi mọi người chúng ta cầu nguyện với Ngài. Xin Thiên Chúa ban ơn qua Ngài để mong có ngày Ngài được mừng kính như là một Chân Phước, một vị Hiển Thánh của Giáo Hội toàn cầu.
Cuối Thánh lễ, Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn đọc kinh Tin Kính, hướng lòng để nhận ơn toàn xá Năm Thánh.
Sau Thánh lễ, quý Cha, quý tu sĩ, cộng đoàn, đến thắp hương trước linh ảnh của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Xin mọi người cầu nguyện để tiến trình Phong Thánh cho Ngài đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Đôi dòng tiểu sử Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ra tại Phú Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, ngày 17 tháng 04 năm 1928. Là con trưởng trong gia đình có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái, Ông Bà Cụ Cố thân sinh của Ngài là Cụ Nguyễn Văn Âm, qua đời ngày 03 tháng 07 năm 1993 tại Sydney, Australia, và Cụ Bà Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp qua đời ngày 27 tháng 01 năm 2005 tại Sydney, hưởng thọ 102 tuổi.
Đức Hồng Y Thuận thuộc một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời.
Gia nhập chủng viện An Ninh (Cửa Tùng – Quảng Trị) năm 1940.
Ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, thầy lãnh nhận chức Linh mục.
Năm 1956, Cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbania, Rôma.
Năm 1957, Cha tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật.
Từ Rôma về Giáo phận Huế, Cha bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Chủng viện Hoan Thiện, rồi Tổng đại diện Tổng Giáo phận Huế vào năm 1964.
Ngày 13.04.1967, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi và chọn khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng”(Gaudium et Spes), ngày 10.07.1967, Đức Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Ngày 24.04.1975, Đức Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.
Ngày 15.08.1975 vì hoàn cảnh Đức Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn, phải rời khỏi Gáo phận, khởi đầu cho một chuyến đi kéo dài nhiều năm sau đó.
Ngày 21.09.1991, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận rời Việt Nam đi thăm gia đình tại Úc Châu và không thể trở về Việt Nam.
Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ngài làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình.
Ngày 24.11.1994, Ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài Gòn để phục vụ tại Giáo Triều Rôma.
Ngày 24.06.1998, Ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
Mùa chay năm 2000 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời Ngài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma.
Ngày 21.01.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Ngài vào Hồng Y Đoàn. Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Đức Hồng Y qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh vừa qua đời”.
Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cùng với Giáo Triều và 172 phái đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, cũng như cộng đoàn Việt Nam trong nước và hải ngoại đã tiễn biệt Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê trong một Thánh lễ an táng trọng thể tại Rôma.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời:
Trong 13 năm tù ngục, Đức Hồng Y Thuận đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi” như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng”, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói:“Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa”. Và ĐứcThánh Cha đã kết luận: Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô.
ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC
Ngày 17.09.2007, trong dịp tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Chủ tịch Renato Martino, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chào mừng việc khởi sự mở án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa, và nói:
“Tôi vui lòng nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu bật chứng tá đức tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này để lại cho chúng ta. Giám mục Phanxicô Xaviê, như Đức Hồng Y thường tự giới thiệu, đã được gọi về nhà Cha vào mùa thu năm 2002, sau một thời gian dài chịu bệnh trong sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Trong thời gian trước đó, Người đã được vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, rồi trở thành chức vị Chủ Tịch. Đức Hồng Y đã khởi sự tiến trình công bố “Toát Yếu Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh”. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người? Làm sao không nêu lên khả năng của Đức Cố Hồng Y trong việc đối thoại và trở nên người thân cận với mọi người. Chúng ta nhắc nhở Đức Cố Hồng Y với tất cả lòng ngưỡng mộ, trong khi chúng ta nhớ đến những viễn tượng đầy hy vọng đã linh hoạt Đức Hồng Y và Đức Hồng Y biết đề nghị những viễn tượng ấy một cách dễ dàng và đầy sức thuyết phục, sự dấn thân hăng hái của Đức Cố Hồng Y trong việc phổ biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh nơi người nghèo trên thế giới, lòng khao khát đối với công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại đại lục của Người là Á Châu, khả năng phối hợp các hoạt động từ thiện và thăng tiến nhân bản mà Đức Hồng Y đã cổ võ và nâng đỡ ở các miền hẻo lánh nhất của trái đất”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng: “Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Đức Hồng Y gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần.
Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sư mở án phong Chân Phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em”.
Nguyễn Quang Ngọc