"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. September 2010

Việt Nam: thi nhiều hơn học?

Phạm Thành Vương

Đợt rồi về quê, sau bữa cơm trưa thân mật của đại gia đình tôi đã được chứng kiến cuộc tranh cãi nảy lửa của các cô chú tôi về chuyện thi lên cấp III của một thằng cháu. Ông nội tôi có 6 người con 5 trai 1 gái, thật tình cờ 4 cô chú tôi đều có con sàn sàn tuổi nhau và các em đều thi lên cấp III năm ngoái và năm nay.

Ở tỉnh lẻ việc thi vào cấp III được coi là "cánh cửa hẹp" hơn so với thi đại học, bởi lẽ mỗi tỉnh chỉ có một vài trường điểm được coi là có chất lượng đào tạo tốt nhất. Thường trong số đó sẽ có trường PTTH Năng khiếu của tỉnh và một đến hai trường PTTH "bình thường" khác.

Ở tỉnh lị thì còn có vài trường cấp III, còn ở huyện thông thường chỉ có từ 1 đến 2 trường, nhiều lắm là thêm 1 trường "dân lập" nữa. Nếu các em đăng ký thi vào trường tốt, khi bị trượt chắc chắn các em phải học các trường dân lập, bán công ... nói chung là các trường có chất lượng thấp hơn.

Thường các trường được coi là có chất lượng tốt sẽ thi đầu tiên, sau đó sẽ có kỳ thi hoặc xét tuyển vào các trường tốp sau. Nói như vậy để thấy rằng kỳ thi vào cấp III ở Việt Nam nó căng thẳng thế nào.

Và đây cũng là nguyên nhân của cuộc cãi vã giữa các cô chú tôi. Kết quả thi vào trường cấp III "quốc lập" của một em năm nay không như mong muốn, trường chỉ tuyển 400 học sinh trong khi em chỉ xếp hạng thứ 520, như vậy là cầm chắc trượt trong tay.

Mà năm nay trường lại không tuyển sinh "hệ B", một hệ kém hơn "hệ A" với số tiền học phí cao hơn- một cách "xã hội hóa giáo dục". Thông thường học "hệ B" ở trường này còn hơn là học trường khác.

Tuy nhiên số điểm đó của em lại "đủ điều kiện" để thi vào trường Năng khiếu của tỉnh được tổ chức sau đó. Em đi thi và vẫn trượt.

Việc này làm bùng lên một cuộc cãi vã giữa hai phe trong cùng một gia đình.

Tự cứu hay chạy trường?

Một phe chủ trương tập trung cho con học thật tốt với gia sư và lịch học dày đặc; một phe chủ trương "chạy trường" cho con nếu con thi trượt. Bên nào cũng đưa ra ý kiến bảo vệ quan điểm của mình, một bên phải học thật thi thật; một bên cũng học thật thi thật nhưng phải kèm thêm vận động hành lang, chuẩn bị các phương án nếu con thi trượt, nói chung vận dụng hết mối quan hệ và chi phí để lo cho con vào trường tốt.

Rồi con thi trượt thì phải động viên nó chứ, nó đã cố hết sức về còn mắng mỏ dọa nạt, mắng thì cũng chả giải quyết được vấn đề, sao thời gian đó không đi lo cho con đi...

Giờ viết lại thì thấy nhẹ nhàng chứ tình hình thực tế lúc đó rất căng thẳng với những tiếng quát tháo ầm ĩ ném qua ném lại, người nọ chê người kia thụ động, người kia chê người nọ thực dụng... đến mức ông nội tôi phải tuyên bố giải tán ai về nhà đấy.

Giải tán rồi nhưng vẫn ấm ức, người thì nói nuôi con đến 15 tuổi rồi thì cố mà lo cho nó vào trường tốt, người thì kêu lo hết mức rồi nhưng thi không đỗ thì cố mà chịu...

Cuối cùng rồi cũng có một kết thúc có hậu, trường đầu tiên em tôi thi hạ điểm do có một số lượng thí sinh thi đỗ ban đầu đã trúng tuyển vào trường Năng khiếu. Như vậy là hòa, khỏi tranh cãi, anh em lại vui vẻ và chuyện trà dư tửu hậu dù vẫn nói về thi cử, vẫn bất đồng quan điểm xong đã hạ nhiệt rất nhiều.

Vấn đề đặt ra là nền giáo dục nước nhà đã cải cách rất nhiều nhưng học sinh vẫn chưa hết khổ với những kỳ thi có thể được xếp hạng là căng thẳng và khắc nghiệt nhất thế giới.

Chưa kể hệ lụy của nó đối với xã hội về kinh tế, an ninh, sức ép lên các đô thị tổ chức thi. Một xã hội trọng sự học là một xã hội đáng tôn trọng, nhưng vai trò điều hành quản lý của Nhà nước cần được ưu tiên hàng đầu trong việc giảm tải áp lực thi cử và đem đến niềm vui cho mỗi học sinh.

Chuyện thi cử nóng từ gia đình tới xã hội với rất nhiều sự phân hóa và bất đồng về quan điểm sống mà gia đình tôi là một ví dụ điển hình.

Một năm học mới sắp bắt đầu với bao cung bậc cảm xúc vui, buồn, lo toan... Mong rằng các em sẽ có một năm học thật nhiều thành tích trước vô vàn tin dui dồn dập đổ về, đó là rất nhiều các huy chương trong các kỳ thi quốc tế của đoàn học sinh Việt Nam. Ôi lại là các kỳ thi...