“Có một câu hỏi Bộ trưởng vẫn chưa trả lời tôi là có hay không việc mua từ châu Phi 2.000 viên rubi để lắp mắt cho 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm”. Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nói về trả lời chất vấn bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh liên quan đến chi tiêu cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Bee.net.vn ghi nhanh ý kiến một số đại biểu QH về những vấn đề “nóng” đã gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản và dự kiến “đối thoại trực tiếp” tại phiên chất vấn của QH tới đây (từ ngày 22 – 24/11).
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: “Chi bao nhiêu cho Đại lễ thống kê không khó”
“Về chi phí cho Đại lễ, từ khi kỳ họp Quốc hội thứ tám khai mạc đến nay, cả Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao, Du lịch cũng đều không đưa ra con số cụ thể nào khi trả lời đại biểu và báo chí.
Tôi cho rằng chi tiêu bao nhiêu thì có thể thống kê được ngay, không có gì khó. Hơn nữa, những con số đưa ra nếu sai, thì Bộ Tài chính, đại diện cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cải chính để rộng đường dư luận vì hàng chục tỷ đồng không phải là chuyện nhỏ.
Chủ tịch TP Hà Nội từng nói “Tất cả các công trình 10 năm qua xây dựng đều để hướng tới Đại lễ”. Vì thế, nếu đúng như vậy thì không vấn đề gì. Nhưng nếu chi số tiền đó mà không để lại ấn tượng gì thì rất lãng phí.
Tôi không hiểu tại sao báo chí hỏi nhiều lần về con số chi tiêu này mà không vị lãnh đạo có trách nhiệm nào trả lời được cụ thể bao nhiêu. Còn nói là chưa tổng kết được thì rất khó chấp nhận vì Đại lễ đã kết thúc cũng khá lâu rồi.
Trong phiên chất vấn tới, tôi sẽ hỏi tiếp Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về vấn đề này, trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải đôn đốc các địa phương báo cáo và trả lời?
Ngoài ra, về việc mua từ châu Phi 2.000 viên rubi để lắp mắt cho 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm, Bộ Tài chính cũng phải nói rõ, không biết thì trả lời không biết, có thật thì trả lời có thật.
Nếu đúng có chuyện đó thì phải làm rõ tiền mua từ đâu. Nếu là tiền của doanh nghiệp thì không vấn đề gì, nhưng nếu là tiền kinh phí Đại lễ thì phải trả lời rõ 1.000 người được nhận là ai.
Về vấn đề đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tôi sẽ chất vấn tiếp về hiệu quả của dự án này vì ở Đài Loan, bình quân đầu người là 30.000 đô la, nhưng lượng hành khách đi lại bằng phương tiện này cũng rất ít. Suốt chặng đường từ Bắc Đài Loan đến Nam Đài Loan, cả toa tôi ngồi chỉ có đúng 2 người.
Tôi có tìm hiểu lý do thì người dân Đài Loan nói do giá “quá đắt”, đắt hơn cả vé máy bay.
Trong khi đó, người dân Việt Nam thu nhập thấp hơn họ rất nhiều, mình cần đi rẻ, chưa cần nhanh thì hiệu quả thực sự của tuyến đường này sẽ thế nào. Phải chăng câu chuyện như ĐB Dương Trung Quốc nói khôi hài là “mang quang gánh lên tàu cao tốc”.
“Vừa rồi, tôi có gửi câu hỏi chất vấn về trách nhiệm của Thủ tướng trong vụ Vinashin, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng.
Ngoài ra, tôi cũng hỏi Bộ trưởng LĐTB&XH về việc để tồn đọng khá lớn danh sách các cụ chưa phong tặng danh hiệu bà mẹ VN anh hùng, trong khi nhiều cụ đã tuổi cao sức yếu rồi, không thể chờ được nữa.
Vấn đề nữa tôi hỏi Chánh án TAND tối cao, qua một vụ án cụ thể xét xử 14 năm với 6 lần xử đi xử lại, trong đó có 2 lần TAND tối cao đã xử, án đã thi hành. Nhưng bây giờ lại ra quyết định xét xử giám đốc thẩm lần nữa, hiện tượng này là do năng lực cán bộ tòa án có vấn đề hay là cố tình “nuôi án”?
N. Yến