"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 18. November 2010

Quý Nhân Lúc Nào Cũng Đứng Sau Lưng Mình

Khi chọn mua một căn nhà, tâm lý chung là ai cũng muốn chọn căn nhà mà mặt tiền phải nổi bật và hấp dẫn người mới thoáng nhìn qua. Điều đó dĩ nhiên, vì mặt tiền của căn nhà cũng giống như mặt mũi của mình. Và khi làm chủ một căn nhà rồi, đa số ai cũng chú tâm sửa soạn mặt tiền hơn là mặt sau của căn nhà. Đây là một điều hợp tình hợp lý, vì đối với khoa Phong Thủy, mặt tiền của căn nhà gọi là Minh Đường, chữ “minh” có nghĩa là sáng sủa. Sáng sủa, đẹp đẻ, hấp dẫn mới mời đón sinh khí vào nhà được. Sinh khí có vào nhà thì công danh, hạnh phúc, sức khỏe và tiền tài mới đến với gia chủ.


Từ xưa đến nay, những người lãnh đạo quốc gia đều hiểu rõ điều này: “Giữ nước khó hơn dựng nước”. Đối với một cá nhân chúng ta cũng tương tự: giữ được sự nghiệp lâu bền khó hơn là tạo dựng sự nghiệp. Bởi vậy, nếu mặt tiền của căn nhà mang đến cho chúng ta những vận hội tốt đẹp, thì chúng ta cũng nên lưu ý đến mặt sau của căn nhà, vì mặt sau của căn nhà sẽ giúp chúng ta giữ gìn những sự tốt đẹp đó được lâu bền.

Hơn ba ngàn năm trước, khi người Trung Hoa còn sống rãi rác dọc hai bên bờ sông Hoàng Hà, những kinh nghiệm sinh tồn sơ khởi lúc đó, đã dạy cho họ biết một chỗ ở an toàn thì mặt sau phải dựa lưng vào một mô đất cao, hoặc dựa vào đồi hay núi, còn mặt trước phải nhìn ra sông hay biển. Và điều đó đã trở thành một trong những nguyên tắc căn bản sau này của khoa Phong Thủy.

Núi hay đồi phía sau lưng nhà gọi là Huyền Vũ, tượng trưng là con rùa. Đối với người Trung Hoa, con rùa biểu tượng cho sự trường thọ và sự bảo bọc, che chở. Huyền Vũ còn là biểu tượng của quý nhân, của những người giúp đở mình cả về phươbg diện vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hằng ngày, hoặc phù trợ cho mình lập nên công danh sự nghiệp như điển tích rùa thần dâng gươm ở hồ Hoàn Kiếm.

Trong cuộc sống đô thị hiện nay, những cao ốc đã thay thế cho đồi núi, và những con đường đã thay thế cho những dòng sông, nhưng mà nguyên tắc “sau lưng là đồi núi, trước mặt là sông biển” của khoa Phong Thủy vẫn còn giá trị như ngày trước. Và nếu chúng ta có một cái nhìn rộng lớn hơn để áp dụng cho một thành phố, một thủ phủ hay thủ đô của một quốc gia, thì nguyên tắc này vẫn không thay đổi. Lấy vài thí dụ điển hình, chẳng hạn như Hồng Kông, dựa lưng vào dãy Central Mountains trong lục địa và nhìn ra South China Sea. Sau lưng New York là rặng núi Appalachians và trước mặt là biển Atlantic. Thủ đô Luân Đôn của Anh quốc dựa lưng vào dãy Chilterns và nhìn ra sông Thames v.v... và còn biết bao nhiêu thành phố khác trên thế giới, nếu không nổi tiếng về lãnh vực văn hóa, chính trị thì cũng nổi tiếng phồn thịnh về kinh tế, đều đã nằm trong vị trí địa dư đúng với nguyên tắc căn bản của khoa Phong Thủy mà người Trung Hoa gọi là cách Ỷ sơn hướng hải.

Ý niệm “Ỷ sơn, hướng hải” cũng đơn giản như cảm giác của người ngồi trên một cái ghế. Nếu cái ghế có lưng dựa thì thế ngồi sẽ vững chắc, thoải mái và ngồi được lâu dài hơn. Cái lưng dựa đó chính là Huyền Vũ, biểu tượng của quý nhân, của sự bảo bọc, che chở phía sau lưng. Và nếu cái ghế có thêm tay dựa nữa, thì người ngồi trên ghế sẽ cảm thấy an toàn, thoải mái hơn. Hai tay dựa của cái ghế tương ứng với Thanh Long, bên trái và Bạch Hổ, bên phải của một căn nhà, một kinh thành hay một thành phố...

Nói như vậy, chúng ta thấy rằng, một kiến trúc dù theo đúng với những nguyên tắc của Phong Thủy, nhưng không ở tại một vị trí mà sau lưng được bảo bọc, trước mặt có nước để lưu tụ sinh khí và hai bên phải, trái cũng được che chở, thì tuy có tốt, nhưng cái tốt không được tồn tại lâu dài.

Đối với nhà ở cũng vậy, mặt sau của căn nhà giử một vai trò không kém phần quan trọng, cho nên chúng ta phải lưu ý đến những điểm sau đây: Nếu đằng sau căn nhà của chúng ta không có nhà của hàng xóm hoặc một cao ốc, thì căn nhà đã thiếu Huyền Vũ. Chúng ta có thể tạo nên Huyền Vũ bằng những cách như:
- Xây tường hoặc trồng một hàng cây cao ở mặt sau căn nhà.
- Có thể đắp một mô đất như hình cái mai con rùa hoặc nuôi một con rùa, hoặc đặt một con rùa bằng đá, bằng sành sau vườn để làm biểu tượng cho Huyền Vũ, và chỉ cần một con là đủ rồi.
- Trong những khu chung cư như condominium hay apartment ở tầng thứ hai, thứ ba... thì chung quanh không có đất, chúng ta có thể treo một bức tranh hình con rùa trên vách tường mặt sau của căn nhà hay đặt một con rùa bằng đá, bằng sành, bằng thủy tinh hay bằng kim loại tại phần sau căn nhà để tượng trưng cho Huyền Vũ.
Đối với khoa Phong Thủy, phần đất phía sau căn nhà, thông thường còn gọi là sân sau hay vườn sau là tượng trưng cho hậu vận của gia chủ, vì thế, chúngta nên lưu ý những nguyên tắc sau đây:
- Vườn sau cần có chiều sâu hơn là chiều rộng. Nhà mà phần đất phía sau ngắn hoặc không có đất thì hậu vận của gia chủ thường không được tốt đẹp.
- Thế đất của vườn sau lúc nào cũng phải cao hơn đất đằng trước nhà, hoặc bằng nhau, chứ không nên thấp hơn đằng trước.
- Tối kỵ là đất ở vườn sau bị trủng xuống, hoặc đằng sau nhà là một đường cống lớn, một cái hố sâu hay một vực thẳm, như trường hợp một số nhà trên đồi, day lưng ra sườn đồi. Những trường hợp như vậy, thường đoạn cuối cuộc đời của gia chủ hay gặp những hoàn cảnh khó khăn, bi đát.

Những thế đất như vừa nêu trên, dù phía sau có trồng cây hay xây tường cũng khó lòng cứu vản, vì sinh khí, vượng khí không những hiện hữu và di chuyển trên mặt đất, mà còn hiện hửu và di chuyển trong lòng đất, gọi là địa khí, địa khí di chuyển đến đây thì bị đường cống, hố sâu hay vực thẳm cắt đứt. Một thế đất như vậy gọi là đất đoản hậu.

Chúng ta đã từng được tác giả của Kim Vân Kiều nhắc nhở: “Có tài mà cậy chi tài”. Có tài mà không được những người chung quanh giúp đở, hay những người mà chúng ta thường gọi là quý nhân phò trợ, thì sự thành đạt cũng không phải là một chuyện dễ dàng. Khoa Phong Thủy rất sát với thực tế của cuộc đời, bởi vậy, có thể nói: Quý nhân lúc nào cũng đứng đằng sau chúng ta. Có bước đến nâng đở chúng ta hay không là tùy ở mỗi người

Màu Sắc Cuộc Đời Mình Là Do Chính Tay Mình Vẽ

Khi bước chân vào một căn nhà, thường chúng ta có một cảm giác ban đầu, chẳng hạn, căn nhà thấy sáng sủa, ấm cúng, hoặc căn nhà có vẻ tối tăm, lạnh lẽo. Sáng sủa, ấm cúng và tối tăm, lạnh lẽo là những gì thuộc vào hai yếu tố căn bản của khoa Phong Thủy, gọi là Âm và Dương. Khoa Phong Thủy có quan niệm đơn giản, mọi vật trên quả đất này chỉ ở trong hai trạng thái, hoặc Âm, hoặc Dương. Khái niệm về Âm Dương cũng rất giản dị, chẳng hạn: Ánh sáng là dương, bóng tối là âm. Ngày là dương, đêm là âm. Nóng là dương, lạnh là âm. Màu đỏ là dương, màu đen là âm v.v... Âm Dương là hình thức khởi thủy của vạn vật, là hai trạng thái đối nghịch, nhưng không thể tách rời ra được, phải nương tựa vào nhau để tác động hổ tương cho nhau.
Khoa Phong Thủy cũng quan niệm mọi vật trên quả đất này được chia làm 5 loại: Kim, Mộc, Thủy, Thổ và Hỏa. Mỗi loại có một đặc tính riêng gọi là hành. Và mỗi hành có một màu tượng trưng, như màu trắng tượng trưng cho hành Kim, màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, màu đen tượng trưng cho hành Thủy, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa. Vật này tạo ra hay nuôi dưỡng, làm lợi cho vật khác gọi là tương sinh. Còn ngược lại, vật này hủy diệt hay cản trở vật kia thì gọi là tương khắc.

Ngoài vật thể, phương hướng cũng bị chi phối bởi Ngũ Hành, cho nên mỗi hướng có một hành riêng, chẳng hạn, hướng Bắc thuộc hành Thủy, hướng Nam thuộc hành Hỏa, hướng Đông thuộc hành Mộc, hướng Tây thuộc hành Kim v.v... Một căn nhà, dù ở bất cứ vị trí nào, cũng bị ảnh hưởng bởi tám hướng, do đó, mỗi phần của một căn nhà hay một cơ sở thương mãi sẽ thích hợp với màu tương ứng của hành ở hướng này.

Bởi vậy, nếu chỉ giới hạn trong lãnh vực sắp xếp, trang trí cho nhà ở và cơ sở thương mãi, thì ý nghĩa của Âm Dương và Ngũ Hành lại càng đơn giản hơn, có thể xem như chỉ gồm trong hai vấn đề: màu sắc và ánh sáng.
Khi chọn một căn nhà để ở, dù là nhà mướn hay nhà mua, thì chúng ta phải hiểu rằng, ở một vài tháng hay một vài năm, thì đó cũng là nơi cư ngụ của mình, là tổ ấm của mình sau những giờ lao tâm khổ trí ngoài đời mỗi ngày. Cái tổ của chúng ta có êm ấm, bền vững hay không là do từng ngọn cỏ, cọng rơm mà chúng ta lót thành tổ. Bởi vậy, trang trí nhà cửa là một nghệ thuật. Nếu nghệ thuật này được phối hợp với những quan niệm căn bản của khoa Phong Thủy thì sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích.

Ở đây, chúng ta chỉ lưu ý đến hai nguyên tắc: Âm Dương hòa hợp và Ngũ Hành tương sinh. Trong lãnh vực trang trí nhà cửa hay cơ sở thương mãi, Âm Dương hòa hợp chẳng qua chỉ là sự phối trí giữa ánh sáng và bóng tối thế nào cho hợp lý. Chỗ nào đáng sáng thì sáng, nơi nào cần tối thì tối. Chẳng hạn, cửa chính là nơi tiếp nhận sinh khí vào nhà, cho nên, cửa chính phải ở một vị trí sáng sủa. Phía trước cửa chính không nên bị những tàn cây lớn che phủ làm cho thiếu ánh sáng. Hoặc trường hợp cửa chính nằm trong một hành lang dài và hẹp, thì ánh sáng cũng không đủ để hấp dẫn sinh khí vào nhà, do đó cần phải có đèn cho sáng hơn.

Sau cửa chính, phòng khách, phòng ăn và phòng làm việc đều nên sáng sủa. Chỉ có phòng ngủ là không nên sáng quá, vì đây là nơi mà chúng ta nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bởi vậy, không nên trang trí phòng ngủ bằng những màu “nóng”, như màu đỏ, màu hồng hay màu rượu chát... Không nên đặt TV, máy hát, radio, máy computer trong phòng ngủ. Cũng không nên chưng nhiều hoa trong phòng ngủ, dù là hoa thật hay hoa giả. Những thứ vừa nêu trên tạo ra nhiều dương khí, không thích hợp cho một nơi để nghỉ ngơi và cho một giấc ngủ an lành.

Đèn, màn cửa và màn sáo (mini blind) là những thứ chính yếu để điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn của chúng ta. Điều chỉnh ánh sáng trong một căn nhà, trong một căn phòng hay trong một cơ sở thương mãi là chủ ý cho Âm Dương được hòa hợp. Âm Dương hòa hợp thì cuộc sống mới êm đềm, công việc làm ăn mới trôi chảy.
Sau phần ánh sáng, màu sắc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Trang trí, bày biện một căn nhà hay một cơ sở thương mãi là một nghệ thuật phối hợp màu sắc, làm sao vừa thẩm mỹ, vừa giữ được sự tương sinhcủa Ngũ Hành. Chẳng hạn, lấy khuôn khổ của một phòng khách làm điển hình: hướng Nam thuộc hành Hỏa, thì không nên treo ngay giữa vách tường hướng Nam của phòng khách một bức tranh có cảnh sông biển, suối hay ao hồ là những biểu tượng của nước, hoặc đặt tại đây một bộ xa lông màu đen, màu xanh đen là những màu tượng trưng cho hành Thủy. Hành Hỏa sẽ bị suy yếu đi, làm cho địa vị và uy tín của mình ngày càng suy giảm. Hướng Tây của phòng khách không nên để đèn quá sáng hoặc chưng bày những thứ quá nhiều màu đỏ, màu hồng... Hành Kim sẽ bị hủy diệt, ảnh hưởng không tốt cho con cái. Hướng Bắc của phòng khách nếu có cửa sổ thì nên dùng màn cửa màu trắng, màu bạc hay màu hoàng kim... cho hành Thủy mạnh hơn, để có ảnh hưởng tốt cho nghề nghiệp của mình v.v...

Trong phạm vi một căn nhà hay một cơ sở thương mãi cũng cùng một nguyên tắc như vậy. Và xa hơn, từ cái áo của chúng ta mặc, cái xe của chúng ta đi, những vật dụng mà chúng ta dùng mỗi ngày cũng nên giữ theo nguyên tắc của Ngũ Hành tương sinh. Ngũ Hành có tương sinh thì cuộc sống mới được hạnh phúc và công việc làm ăn mới hưng vượng. Còn ngược lại, như người mệnh Mộc mà thường mặc áo quần màu trắng, dùng xe màu trắng hoặc ngồi làm việc tại một cái bàn bằng kim loại... là tự mình đẩy mình vào cái vòng Ngũ Hành tương khắc, thì cuộc đời chỉ toàn là lao đao, lận đận mà thôi.

Tương tự như vậy, người mệnh Hỏa nên tránh màu đen, người mệnh Kim không nên dùng nhiều màu đỏ, người mệnh Thủy không thích hợp với màu vàng và người mệnh Thổ không nên dùng nhiều màu xanh hay màu lục.

Như vậy có thể nói là màu sắc cuộc đời của mỗi người cũng tựa như hương vị của ly cocktail mà mình pha lấy, chỉ thêm một lát chanh mỏng thì mùi vị đã khác nhau rồi.

Trở lại lãnh vực phương hướng, như phần trên chúng ta đã biết, mỗi hướng tương hợp với một màu sắc. Và nếu đi xa hơn, dựa trên quan niệm của phái Cửu Tinh Bát Môn thì mỗi hướng chịu ảnh hưởng của một vì sao trong nhóm Cửu Tinh, cho nên sự xấu tốt của mỗi hướng sẽ còn tùy thuộc vào sự sinh khắc giữa hành của hướng và hành của sao tọa thủ tại hướng đó nữa.

Đối với khoa Phong Thủy, mỗi người theo năm sinh của mình sẽ có bốn hướng tốt và bốn hướng xấu. Bốn hướng tốt, từ hướng tốt nhất là Sanh Khí, Thiên Y, Niên Duyên và Phục Vì. Bốn hướng xấu, từ hướng ít xấu nhất là Họa Hại, Ngũ Quỷ, Lục Sát và Tuyệt Mạng. Cả bốn hướng tốt và bốn hướng xấu gọi chung là bát san. Mỗi san chịu sự chi phối và ảnh hưởng của một sao trong nhóm Cửu Tinh, chẳng hạn hướng Sanh Khí thuộc sao Tham Lang, hướng Thiên Y thuộc sao Cự Môn, hướng Niên Duyên thuộc sao Vũ Khúc, hướng Phục Vì thuộc sao Tả Phù, hướng Họa Hại thuộc sao Lộc Tồn, hướng Ngũ Quỷ thuộc sao Liêm Trinh, hướng Lục Sát thuộc sao Văn Khúc và hướng Tuyệt Mạng thuộc sao Phá Quân.

Như vậy, một người có hướng Sanh Khí là hướng Bắc, người này có thể trang trí nhiều màu đen hay màu xanh đen ở phần hướng Bắc của căn nhà làm cho hành Thủy mạnh hơn thì hành Mộc của sao Tham Lang tọa thủ tại đây càng được sinh vượng, có nghĩa là sự tốt đẹp do hướng Sanh Khí của người này mang đến đượïc tăng thêm.

Còn ngược lại, nếu một người có hướng Sanh Khí là hướng Tây mà lại trang trí thêm nhiều màu trắng, màu trắng bạc hay màu hoàng kim ở phần hướng Tây của căn nhà thì hành Kim của hướng này trở nên mạnh hơn và càng khắc với hành Mộc của sao Tham Lang, do đó độ số tốát đẹp sẽ bị giảm đi.

Tóm lại, bức tranh cuộc đời của chúng ta, màu sắc vui tươi hay buồn thảm là do chính bàn tay của chúng ta vẽ lên. Sự chọn lựa là do chính mình, Phong Thủy chỉ là một tác động ngoại thân, nhưng nếu có lòng tin, cuộc đời có thể thay đổi.

Làm Thế Nào Để Giữ Hạnh Phúc Gia Đình?

Cuộc đời có bao nhiêu cái đích cho con người cố gắng đạt tới: công danh, sự nghiệp, tiền tài, hạnh phúc v.v... Và tự cổ chí kim, nhìn lại mà xem, có bao nhiêu người đạt được tất cả những lãnh vực vừa nêu trên? Có người được công danh thì chẳng có tiền tài. Có người có tiền tài thì chẳng được hạnh phúc... Bản tin mới đây của các báo là có hai vợ chồng vừa trúng số hơn sáu triệu đồng thì đã đưa nhau ra tòa ly dị. Còn biết bao nhiêu cặp vợ chồng khác, cố gắng làm ăn, dành dụm mua được căn nhà rồi tự nhiên bao nhiêu chuyện xảy đến, nhẹ thì vợ chồng thường hay cãi nhau, nặng thì chia tay mỗi người mỗi ngã. Đã nhiều người đau khổ hỏi tại sao? Nhưng tốt nhất là đừng để đến lúc đó rồi mới hỏi tại sao thì cũng đã muộn màng rồi. Khoa Phong Thủy giúp cho chúng ta nhìn thấy trước những điều bất hạnh này.

Sự đổ vỡ hạnh phúc trong gia đình có thể đơn phương do người chồng, đơn phương do người vợ, hoặc do cả hai vợ chồng. Bởi vậy, ở đây, chúng ta bàn đến những trường hợp mà cả hai vợ chồng phải lưu ý, cũng như những trường hợp mà người vợ nên lưu ý để giữ gìn người chồng, và ngược lại, những trường hợp mà người chồng cũng không nên hờ hững.

Những trường hợp mà hai vợ chồng phải lưu ý:
* Nhà không nên xây về hướng Ngũ Quỷ: Nhắc lại ở đây, mỗi người có 4 hướng tốt là Sanh Khí, Thiên Y, Niên Duyên, Phục Vì, và 4 hướng xấu là Họa Hại, Ngũ Quỷ, Lục Sát, Tuyệt Mạng. Trong đó, Ngũ Quỷ là hướng mà vợ chồng thường hay bất hòa, cãi vã nhau hằng ngày. Đó chính là một trong những mầm mống làm cho hạnh phúc tan vỡ dần dần.

- Các ông sinh năm 1915, 1924, 1933,1942, 1951, 1960, 1969, 1978, 1987, 1996... có hướng Tây-Nam là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1917, 1926, 1935, 1944, 1953, 1962, 1971, 1980, 1989, 1998... có hướng Đông-Nam là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1919, 1928, 1937, 1946, 1955, 1964, 1973, 1982, 1991... có hướng chánh Tây là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1918, 1927, 1936, 1945, 1954, 1963, 1972, 1981, 1990, 1999... có hướng Đông-Bắc là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1916, 1925, 1934, 1943, 1952, 1961, 1970, 1979, 1988, 1997... có hướng Tậy-Bắc là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1920, 1929, 1938, 1947, 1956, 1965, 1974, 1983, 1992... có hướng chánh Bắc là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1922, 1931, 1940, 1949, 1958, 1967, 1976, 1985, 1994... có hướng chánh Đông là hướng Ngũ Quỷ.
- Các ông sinh năm 1921, 1930, 1939, 1948, 1957, 1966, 1975, 1984, 1993... có hướng chánh Nam là hướng Ngũ Quỷ.

* Nếu nhà có dạng hình chữ U, thì không nên đặt phòng ngủ của hai vợ chồng gia chủ ở phần hai cạnh chữ U (khu vực số 1 và số 2). Phòng ngủ đặt tại vị trí này sẽ làm cho vợ chồng thường hay có những suy nghĩ và hành động xung khắc nhau, từ đó vợ chồng hay bất hòa và tình nghĩa dầ dần phai. nhạt.

* Nhà không nên thiếu cung Tình Duyên: Trong khoa Phong Thủy, góc ở hướng Tây-Nam của căn nhà chính là vị trí của cung Tình Duyên và Hôn Nhân. Cung này tượng trưng cho tình yêu, tình nghịa vợ chồng cũng như hạnh phúc giữa hai vợ chồng có được bền vững hay không. Khiếm khuyết cung này sẽ có ảnh hưởng sâu xa đối với gia chủ: nhẹ thì vợ chồng khắc nhau hay chia ly, nặng có thể là tử biệt. Chúng ta không phải chỉ lưu ý đến góc Tây-Nam của căn nhà, mà còn phải lưu ý đến góc Tây-Nam trong phòng ngủ của hai vợ chồng gia chủ nữa. Nếu góc này bị khuyết, thì ảnh hưởng cũng như vừa nêu trên, nhưng mức độ sẽ nhẹ hơn. Cung Tình Duyên bị khuyết sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ cho gia chủ khi còn trẻ. Khi về già, ảnh hưởng sẽ nhẹ hơn, chỉ còn là sự xung khắc giữa hai vợ chồng, nhưng lúc đó lại ảnh hưởng nhiều hơn cho con cái. Cho nên bậc cha mẹ không thể coi nhẹ điều này nếu con cái đã đến tuổi trưởng thành.

* Toilet không thể ở ngay cung Tình Duyên: Nếu một cái toilet ở ngay góc Tây-Nam của căn nhà hay phòng ngủ của hai vợ chồng gia chủ, thì tình nghĩa giữa hai vợ chồng dần dần sẽ bị nước cuốn trôi đi.

* Không nên có kiếng trong phòng ngủ: Phòng ngủ của vợ chồng gia chủ không nên có kiếng, nhất là kiếng đối diện ngay với giường ngủ. Khoa Phong Thủy cho rằng, có kiếng trong phòng ngủ như có mặt người thứ ba, khiến cho vợ chồng từ chỗ hay bất hòa đến chia tay là chuyện có thể xảy ra.

* Không nên đặt giường ngủ của hai vợ chồng ngay dưới một cây xà, mà cây xà này “chia đôi” giường ngủ của hai vợ chồng ngay ở giữa theo chiều dọc. Đó là biểu hiệu một sự chia cắt có thể xảy đến trong tương lai nếu không biết những cách để hóa giải.

* Nếu biết và có thể tránh được thì không nên mướn hoặc mua một căn nhà, mà chủ nhà đã ở trong tình trạng đổ vỡ, hoặc là chia tay, hoặc là nửa đường đứt gánh. Những tà khí từng hủy hoại hạnh phúc của đời chủ trước vẫn còn lưu lại trong căn nhà và tiếp tục ảnh hưởng đến người kế tiếp. Trường hợp đó, khoa Phong Thủy gọi là Luật Lưu Truyền, người Mỹ gọi là Predecessor Law, còn người Việt thì gọi một cách bình dân là có “huông”.

Những trường hợp vừa nêu trên là những điều mà cả hai vợ chồng đều phải lưu ý. Ngoài ra, có những trường hợp mà quý bà nên quan tâm để tránh khỏi sự vô tình đẩy người chồng ra khỏi tầm tay của mình:

* Nếu nhà có dạng hình chữ L và có một cạnh chữ L nằm nhô ra gần đường, thì không nên đặt phòng ngủ của hai vợ chồng ở trong khu vực này. Phòng ngủ đặt tại vị trí này sẽ khiến cho người chồng dễ có những hoàn cảnh đưa đẩy, chẳng hạn vì công việc, vì sự giao tế... rồi nẩy sinh ra tình cảm riêng tư.

* Nếu thích nhà có hồ nước, hồ cá hay hồ để thả hoa sen, hoa súng... thì các bà nên lưu ý đừng bao giờ làm một cái hồ ngay trước nhà và ở về bên phải của cửa chính, nếu đứng từ trong nhà nhìnra. Một dạng nước nào ở vị trí này, thì ảnh hưởng cũng tương tự như trường hợp vừa nêu trên. Người chồng thường kiếm cơ hội ăn và ngủ qua đêm ở ngoài, rồi chuyện có tình nhân hay vợ bé chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Phần các ông, dù lúc nào cũng đầy đủ phong độ của một đấng nam nhi, tuy nhiên, cũng nên có một chút quan tâm đến hạnh phúc chung của gia đình. Bởi vậy:

* Đối với khoa Phong Thủy, góc Tây-Nam của căn nhà biểu tượng cho người vợ, người mẹ trong gia đình. Cho nên, nếu căn nhà có phần ở hướng Tây-Nam nằm nhô ra, thì những ảnh hưởng mạnh mẽ của phần này sẽ tác động đến người vợ. Có thể những sự đưa đẩy tình cờ nào đó trong cuộc sống, khiến cho người đàn bà trở nên có khuynh hướng thích cuộc sống bên ngoài hơn cuộc sống trong gia đình.

Ở đây chúng ta phân ra hai trường hợp: Nếu góc Tây-Nam nhô về hướng Nam, người đàn bà có thể vì danh vọng, địa vị ngoài xã hội mà coi nhẹ hạnh phúc gia đình. Nếu góc Tây-Nam nhô về hướng Tây, người đàn bà có khuynh hướng thích sinh hoạt trong các lãnh vực về văn học, nghệ thuật rồi từ từ lãng quên trách nhiệm và bổn phận của một người vợ, người mẹ.

* Nếu quý ông là người thích gần gủi với thiên nhiên, thích trồng cây, trồng hoa trong vườn, thì cũng nên nhớ một vài điều cấm kỵ của khoa Phong Thủy về vấn đề cây kiểng. Người Trung Hoa có câu: “Đông đào, Tây liễu”, có nghĩa là hướng Đông không nên trồng cây đào, hướng Tây không nên trồng cây liễu. Cây đào, cây liễu trồng trong vườn theo hai hướng này làm cho người đàn bà, con gái trong gia đình trở nên có khuynh hướng đa tình, lãng mạn.

* Và dù có thích hoa, yêu hoa thì quý ông cũng không nên trồng hoa đào trước ngõ. Hoa đào trước nhà là hình ảnh của người thiếu phụ tựa cửa đợi người tình trong mộng.

Cuối cùng, khu vực ở hướng Đông của căn nhà là vị trí cung Gia Đạo, nơi biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng. Ảnh hưởng của cung này mạnh hơn khi gia chủ đã lớn tuổi, lúc đó cung Gia Đạo không những ảnh hưởng đến tình nghĩa mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của hai vợ chồng nữa. Hướng Đông thuộc hành Mộc và hợp với màu xanh, màu lục, cho nên khi tác động vào cung Gia Đạo để tình nghĩa vợ chồng thêm nồng thắm thì phải lưu ý đến điều này.

Chúng ta vẫn thường nghe nói, “Cam trồng đất Tề thì ngọt, trồng qua đất Triệu thì chua”. Con người cũng vậy, có thể ở trong căn nhà này thì cuộc sống tốt đẹp, mà dời vào căn nhà khác thì mọi việc đều ngược lại. Khi chuyện xảy ra rồi chúng ta mới tự hỏi, lỗi tại ai? Có khi lỗi chẳng tại ai cả. Cam trồng ở đất khác bị chua thì lỗi tại cam hay tại đất? Phong Thủy ảnh hưởng trên cây cỏ. Phong Thủy ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Hiểu rõ điều này, chúng ta có thể tránh được những sự vô tình có thể hủy hoại hạnh phúc cả một đời người.

Làm Thế Nào Để Có Danh Tiếng Và Sức Sáng Tạo?

Thường đối với những người sinh hoạt trong các ngành văn học, nghệ thuật như văn sĩ, thi sĩ, ký giả, nhạc sĩ, ca sĩ, soạn giả, đạo diễn, tài tử điện ảnh hay kịch nghệ, người mẫu, kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia v.v... đều có hai yếu tố cần thiết cho sự thành công lâu bền, đó là khả năng sáng tạo và danh tiếng.
Khả năng sáng tạo của mỗi người, trước tiên là do thiên phú, sau đó là do sự học hỏi, kiến thức và kinh nghiệm bồi đắp thêm. Khả năng sáng tạo tùy thuộc một phần rất lớn vào nguồn cảm hứng của mỗi cá nhân. Những xúc cảm, những rung động có thật tự đáy lòng của người văn nghệ sĩ mới là những chất liệu quý giá để tạo thành những tác phẩm đáng kể.

Nhưng nguồn cảm hứng từ đâu mà có? Từ bối cảnh chung quanh, từ cuộc sống thật của mình. Và làm sao nuôi dưỡng được nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo? Trong lãnh vực của khoa học huyền bí, khoa Phong Thủy có thể giúp cho chúng ta trả lời được điều này.

Phong Thủy là một khoa học huyền bí của người Trung Hoa đã có gần bốn ngàn năm nay. Tuy là một khoa học huyền bí, nhưng những quan niệm của khoa Phong Thủy rất gần với cuộc sống hiện tại của chúng ta.

Chẳng hạn, trong một căn nhà, phần ở hướng chánh Tây là vị trí của cung Tử Tức. Cung Tử Tức chủ về vấn đề con cái. Đối với khoa Phong Thủy, sinh một đứa con là một sự sáng tạo, cho nên, cung Tử Tức không những chủ về vấn đề con cái, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của gia chủ nữa. Bởi vậy, nếu muốn có một nguồn cảm hứng dồi dào, một khả năng sáng tạo phong phú, chúng ta cần phải lưu ý để tác động vào cung này theo những phương cách đơn giản như sau:

- Hướng Tây thuộc hành Kim, cho nên nếu có trang trí ở phần này thì chỉ nên trưng bày những thứ bằng sành sứ, đá hay thủy tinh. Chẳng hạn, những tượng bằng đá hay thạch cao, những bình, chậu bằng sành sứ hay thủy tinh v.v... Những vật bằng kim loại như đĩa bạc, khung hình bằng bạc, tượng đồng v.v... cũng thích hợp. Không nên đặt nhiều đèn hay dùng đèn quá sáng ở khu vực này. Vách tường hướng Tây của căn nhà cũng không nên đặt lò sưởi, làm cho hành Kim bị hủy hoại, khiến cho người văn nghệ sĩ mất dần nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo ngày càng khô cạn.

- Màu tượng trưng cho hành Kim là màu trắng, màu trắng bạc, màu hoàng kim hay màu tương sinh cho hành Kim là màu vàng. Cho nên, tại phần hướng Tây của căn nhà, nếu có trang trí, thì nên dùng các màu vừa nêu trên là thích hợp. Tránh đừng dùng màu hồng, màu đỏ, màu rượu chát... là những màu của hành Hỏa, vì Hỏa khắc Kim. Chẳng hạn, nếu phần ở hướng Tây của căn nhà là phòng khách, thì không nên trải thảm màu đỏ thẩm hay màu hồng, hoặc đặt tại đây một bộ xa lông màu rượu chát v.v...

Những điều vừa nêu trên không những áp dụng cho phần ở hướng Tây của căn nhà, mà đó là nguyên tắc chung áp dụng cho cả hướng Tây của phòng khách, phòng ngủ của gia chủ (master bedroom) và phòng làm việc tại nhà. Tại các nơi làm việc như tòa soạn, phòng thâu âm, phòng thu hình, studio chụp hình, phòng vẽ v.v... đều nên trang trí theo những nguyên tắc nói trên để tăng thêm nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo cho người văn nghệ sĩ.

Người văn nghệ sĩ ai cũng mong muốn tác phẩm của mình hay sự trình diễn của mình được người đời thưởng thức và tên tuổi của mình lúc nào cũng sáng chói. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, không phải lúc nào chữ tài và chữ danh cũng đi liền với nhau một cách dễ dàng. Bởi vậy, khoa Phong Thủy có khả năng giúp cho chúng ta trong việc tạo dựng được một địa vị và danh tiếng ở lãnh vực mà chúng ta sinh hoạt, hoặc giúp chúng ta lấy lại địa vị và danh tiếng một khi mà tên tuổi đã bị lu mờ hay quên lãng.

Đối với khoa Phong Thủy, phần ở hướng chánh Nam của căn nhà là vị trí của cung Địa Vị và Danh Tiếng. Đúng như cái tên đã gọi, cung này chủ về vấn đề địa vị và danh tiếng của người gia chủ, cho nên, cung này không những rất quan trọng đối với những người trong giới văn nghệ sĩ, mà còn là một yếu tố thành bại cho những người như chính khách, lãnh đạo hội đoàn, tôn giáo v.v...

Hướng Nam thuộc hành Hỏa, cho nên nếu có trang trí, bày biện gì ở phần hướng Nam của căn nhà thì những màu như màu đỏ, màu hồng, màu rượu chát... là những màu thích hợp. Ngoài ra, muốn tác động vào cung Địa Vị và Danh Tiếng, chúng ta có thể:

- Ngay trên vách tường hướng chánh Nam của căn nhà, của phòng làm việc, của studio... treo hay trưng bày những huy chương, bằng tưởng thưởng, awards... trong lãnh vực sinh hoạt của mình. Hoặc có thể treo những hình ảnh trong những buổi sinh hoạt, trình diễn, ra mắt tác phẩm, lãnh giải v.v...
- Đặt thêm đèn ở phần hướng Nam của nhà ở, phòng làm việc, studio... để tăng thêm hành Hỏa. Có thể dùng đèn cầy mà không cần phải thắp sáng, chỉ là biểu tượng mà thôi. Nếu dùng đèn cầy, thì nên dùng đèn cầy màu đỏ.

- Ngay hướng chánh Nam của nhà ở hay nơi làm việc, tránh không nên đặt toilet. Một cái toilet ở vị trí này, thì gia chủ có thể cũng có chút tiếng tăm, nhưng không phải là tiếng thơm, tiếng tốt như mình mong muốn.

- Ngay ở hướng Nam của phòng khách ở nhà, tại văn phòng, studio... đặt tượng của một bầy ba con, tám con hay chín con ngựa đang phi bằng gỗ sơn đỏ hay bằng đá đỏ, ngụ ý “mã đáo thành công”. Có thể thay tượng bằng tranh vẽ cũng cùng ý nghĩa, nhưng tác dụng của một bức tranh không mạnh bằng một pho tượng. Nhưng điều lưu ý là, dù tranh hay tượng, cũng nên tránh đừng để đầu ngựa hướng ra cửa phòng hay cửa chính. Nếu bên cạnh tượng hay bên dưới bức tranh, chưng thêm một bình hoa hay một chậu hoa màu đỏ, bất cứ hoa gì, sự tác động càng mạnh mẽ hơn.

- Cũng ngay hướng Nam của phòng khách ở nhà, tại văn phòng, studio... treo trên tường một bức tranh có cảnh bình minh cũng rất tốt cho việc tác động vào lãnh vực địa vị, danh tiếng và sự thành công của mình.
Dưới cái nhìn của khoa Phong Thủy, phương Nam là miền đất hứa, là vùng đất của loài chim phượng hoàng, một loài chim mà chỉ một cái vỗ cánh đã bay lên chín tầng mây. Cảnh mặt trời mọc rất huy hoàng. Ánh mặt trời lúc bình minh rất rực rỡ. Và đó là những biểu tượng rất tốt cho sự thành công và danh tiếng.