Sáng ngày 4/4/2011, trong một diễn biến của cái gọi là “phiên tòa công khai” xét xử ông Cù Huy Hà Vũ, một số người đã được công an chọn và bắt đi ngay lập tức bằng những biện pháp thô bạo.
Trong những người bị bắt, thấy rất rõ sự chọn lựa của nhà cầm quyền: Ls Lê Quốc Quân, bác sỹ Phạm Hồng Sơn và một số người khác.
Họ bị bắt khi đang đến phiên tòa, một phiên tòa công khai xử kín. Họ đứng hiền từ trong dòng người đổ về phiên tòa sáng nay, không to tiếng, không gây gổ hoặc có hành động nào phản cảm.
Nhưng, họ vẫn bị bắt rất nhanh, bị bắt bằng đội quân chuyên nghiệp và có lựa chọn, chuẩn bị kỹ càng.
Điều đó cho thấy, chuẩn bị cho việc này nhà cầm quyền đã có kịch bản từ trước.
Trong số nhân dân đến dự phiên tòa,, một số người bị bắt đi, đã bị cướp máy ảnh, điện thoại… và đưa lên xe bus chờ sẵn, đến nơi xa Hà Nội thì đổ xuống.
Riêng có 10 người, trong đó có ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn bloger Paulus Lê Sơn… bị đưa về đồn công an Hoàn Kiếm câu lưu đến tận ngày hôm sau lúc 2 giờ vẫn chưa được thả.
Riêng trường hợp Ls Lê Quốc Quân, công an hành động hoàn toàn khác. Công an nhận được lệnh từ Bộ Công an là phải bắt và lập tức có ngay quyết định tạm giữ ba ngày, đồng thời có quyết định khám nhà riêng.
Khi vợ anh cùng vài giáo dân đến đồn Công an, công an bắt những người khác đứng dưới, một mình chị Hiền được lên trên. Khi lên trên tầng, công an dẫn theo đường khác ra xe chở về nhà, tại nhà đã có một đoàn người vào nhà trước đó, dù ở nhà chỉ có một chị giúp việc và hai cháu nhỏ.
Đến nhà, công an đọc lệnh khám nhà lấy đi một số đồ đạc, tài sản.
Tương tự, bác sỹ Phạm Hồng Sơn cũng bị khám nhà ngay tối hôm đó.
Một người dân kể lại cho chúng tôi khá rành rọt khi họ đứng gần đám công an chỉ huy rằng: “Người chỉ huy đã điểm danh từng người cần bắt qua bộ đàm, điện thoại cho đám công an trá hình côn đồ và đám mang băng đỏ bắt người liên tục báo về: “Đm, tưởng bắt được thằng Lê Quốc Quân rồi vì thấy thằng này cũng hói trán, hóa ra đ. phải”. Rồi cảnh chửi tục lẫn nhau: “Đ.m. tưởng bắt được quân nó hóa ra bắt nhầm quân mình rồi, chúng nó cứ trà trộn vào đ. biết thằng nào là quân nó, thằng nào là quân mình”. Một lúc sau, tiếng họ reo lên: “Đã bắt được thằng Lê Quốc Quân và thằng Phạm Hồng Sơn rồi”.
Cả buổi sáng hôm đó, đội quân đi trấn áp, bắt người kia chỉ nhằm hai loại đối tượng chính là những người đã được chấm sổ, nhận mặt và dân oan.
Vấn đề là ở chỗ, tại sao khi một người đi đến phiên tòa công khai, lại bị bắt. Vấn đề tiếp theo, là tại sao, không người nào được đối xử đặc biệt như Ls Lê Quốc Quân.
Người chú ý đến những vấn đề gần đây không lạ gì, khi biết được Ls Lê Quốc Quân vừa tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội khóa 13. Việc ứng cử của anh đã vạch trần màn kịch lớn hơn cho cả đất nước dưới chế độ hiện nay là khi nhà cầm quyền dựng lên màn hài kịch lấy tín nhiệm ở tổ dân phố nói riêng và màn bầu cử Quốc hội.
Không chỉ thế, là một người năng nổ, đam mê về những vấn đề với đất nước, với dân tộc, anh đã không ngần ngại trong những vấn đề nhạy cảm, hệ trọng.
Và vì thế, nhà cầm quyền không mấy dễ chịu đối với ls này, một kịch bản đã soạn ra và anh đã bị bắt khi đang đứng ôn hòa trên đường tới tòa án.
Ai cũng hiểu rằng, nếu không có “hai bao cao su” như Cù Huy Hà Vũ, thì sẽ có vụ “cố ý hành hung gây thương tích” như Trần Khải Thanh Thủy… để đưa những người họ muốn đưa vào tù.
Nhưng, những con bài tẩy này ngày càng mất giá và càng làm lem luốc bộ mặt của chính thể này mà thôi.
Điều gì sẽ xảy ra?
Một vụ án đã được sắp sẵn lớp lang như vụ án Cù Huy Hà Vũ, nhưng không chứa đựng công lý và sự thật đã được thiên hạ chứng kiến hôm nay, chỉ làm thêm mất mặt nhà nước. Điều này chỉ càng chứng tỏ thêm về bản chất man rợ của hệ thống luật pháp VN dưới chế độ độc tài.
Nhưng, dường như những chỉ trích, những lời ca thán, kêu gọi của không chỉ là nhân dân, mà các tổ chức quốc tế, các tôn giáo đã không hề làm cho nhà nước Việt Nam suy suyển những ý định của mình. Nhiều người cho rằng, với nhà nước Việt Nam hiện nay, điều cần nhất là họ bảo vệ được sự độc tài, độc trị của mình, còn những vấn đề khác, không mấy ai quan tâm. Họ chỉ nhìn được gần, chưa nhìn nhận được xa, chỉ thấy việc nhỏ, chưa tường việc lớn.
Luật sư Lê Quốc Quân đã từng bị bắt sau khi đi học ở Mỹ về được mấy ngày, vụ bắt bớ này đã làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ từ nhiều phía, nhất là từ các chính khách Mỹ.
Chỉ đến khi, việc thả ls Lê Quốc Quân là điều kiện để chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được mời sang Mỹ theo một kế hoạch đã định, thì anh mới được thả ra sau đúng 100 ngày ngồi tù mà không có bất cứ một bản án nào.
Từ đó, anh hoạt động trong nhiều lĩnh vực một cách hăng say, năng nổ và được nhiều người tín nhiệm. Mới đây Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã bổ nhiệm anh là giáo dân duy nhất vào Ban Công Lý – Hòa bình của giáo phận. Đồng thời, cộng đoàn Doanh nhân, trí thức Công giáo đã tín nhiệm bầu anh là trưởng ban liên lạc.
Nếu theo những gì đã và đang xảy ra, đang được biểu diễn, người ta có thể nghĩ ngay đến cái đích ngắm của nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay.
Nhưng, sẽ có những điều ngoài kịch bản này mà người soạn kịch có thể chưa lường trước được.
Việc bắt bớ hàng loạt các nhà đấu tranh cho dân chủ, cho đất nước phần nào cũng êm xuôi vì sự phản ứng của dư luận cũng như nhân dân chưa lớn lao vì còn e ngại.
Riêng với trường hợp Ls Lê Quốc Quân, cái gì sẽ xảy ra nếu anh chính thức bị bắt theo kịch bản soạn sẵn mà ai cũng biết?
Chưa bàn về những sự ủng hộ đối với anh của những người tham gia chính trị, bạn bè anh trong giới dân chủ hay các nghị sỹ nước ngoài.
Trước hết, trong trường hợp này, cộng đoàn dân Chúa sẽ hết sức có trách nhiệm với anh vì chính lương tâm và giáo lý của họ. Cộng đồng dân Chúa không bao giờ bỏ mặc anh chịu oan khuất.
Đồng thời là một thành viên, Ban Công Lý – Hòa Bình chắc chắn không thể im lặng, Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban Công Lý – Hòa bình của HĐGMVN cũng như HĐGMVN chắc chắn sẽ không im tiếng và không hành động.
Mặt khác, nửa triệu giáo dân GP Vinh đang rất tin mến sẽ có trách nhiệm đối với anh, một người con của quê hương GP Vinh tại Hà Nội. Bản tuyên cáo của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội đã tức thời được phát đi, như một thông điệp rành mạch, rõ ràng đối với các trường hợp bị bắt giữ, thu giữ tài sản hôm nay, trong đó có Ls Lê Quốc Quân.
Buổi cầu nguyện tối thứ 6 tới đây, sẽ là bước mở đầu cho phong trào cầu nguyện rộng khắp cho riêng ls Lê Quốc Quân. Có thể hi vọng rằng, ngọn lửa này sẽ cháy nhanh, mạnh với sức sống mới.
Thời gian càng dài, hẳn là nhà nước càng tạo điều kiện để nhen nhóm trong cộng đồng, trong xã hội một “tinh thần Lê Quốc Quân”.
Và khi đó, tự nhà nước sẽ phong anh hùng và phong Thánh cho Ls Lê Quốc Quân mà không một ứng cử viên quốc hội nào, không có báo chí truyền hình nào làm nổi điều này.
Thực chất, việc bắt Ls Lê Quốc Quân và có thể là một số giáo hữu Công giáo tại thời điểm hiện nay, là sự tính toán khá kỹ của nhà cầm quyền Hà Nội. Đây là một phép thử có tính toán với Giáo hội Công giáo sau một thời gian có những vấn đề được đặt ra thẳng thắn, minh bạch mà nhà nước cho rằng đó là sự chia rẽ làm mất sức mạnh của Giáo hội.
Phép thử này nhằm hai mục đích: Thử lượng sức mạnh đoàn kết của khối công giáo nếu có sự hiệp nhất thật sự, hoặc đào sâu thêm sự chia rẽ giữa chủ chăn và tín hữu qua những biến cố này nếu Giáo hội không thể hiện tinh thần hiệp nhất.
Những điều đó, giáo dân Hà Nội bị buộc phải suy nghĩ và hành động theo đúng tiếng gọi của niềm tin và lương tâm mình.
Tôi cứ nghĩ rằng, một phiên tòa kiểu như vụ án “hai bao cao su đã qua sử dụng” được áp dụng cho Ts Cù Huy Hà Vũ vừa qua nếu đem sử dụng lại đối với Ls Lê Quốc Quân, thì chắc chắn phiên tòa không diễn ra như vậy.
Để có một đất nước phồn thịnh, cần lắm những con người tài năng, nhiệt tình,năng nổ đem hết sức mình vì sự nghiệp chung.
Để có một Giáo hội tinh tuyền, mạnh mẽ, rất cần những giáo dân hăng say, đầy lòng tin mến và dám hành động.
Cộng đồng tín hữu Kito vốn xem sự hiệp nhất, thánh thiện của giáo hội là cốt lõi cho sự tồn tại, sẽ không thể ngồi yên nhìn vụ bắt bớ công khai này công nhiên diễn ra.
Một âm mưu bẩn thỉu đang được nhen nhóm, một kịch bản vụng về mất nhân tính đang được thực hiện.
Những người công chính, hãy nâng cao cảnh giác.
Song Hà
Nguồn: Nữ Vương Công Lý