"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 8. April 2011

Phiên Tòa Nhục Quốc Thể

 
Sau 36 năm viết về Đảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đôi khi tôi cứ tưởng mình cũng đã có lần “qúa tay” khiến người đọc cau mày không đáng, nhưng sau phiên tòa xử Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 04-04-2011, tôi mới nghiệm ra rằng những phê bình và chỉ trích của mình và của nhiều người khác đối với chính sách cai trị của Nhà nước này hãy còn quá nhẹ, còn nhiều nghĩa tình đồng bào qúa.

Tại sao tôi nói như vậy?

Lý do được trả lời tại phiên tòa xử Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, người bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự, sau khi được bắt đầu bằng chuyện “hai bao cao su đã qua sử dụng” do Công an báo cáo tìm thấy trong phòng ngủ qua đêm của ông Vũ tại khách sạn Mạch Lâm, Thành phồ Hồ Chí Minh đêm 05 tháng 11 năm 2010.

Nhưng chuyện hai bao cao su nhơ nhớp này đã mau chóng được cơ quan điều tra tự ý “quên đi” sau 24 giờ để thay bằng 10 bài viết và phỏng vấn của các Đài Phát thanh Quốc tế VOA,RFA,BBC,RFI và Phóng viên Trâm Oanh bên Đức có nội dung chống nhà nước, chống lãnh đạo đảng được tìm thấy trong máy Computer xách tay và tại nhà ông Vũ.

Cuối cùng Ông Vũ đã bị “Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội phạt 7 năm tù giam (thời hạn tù tính từ ngày bị bắt giam 5/11/2010); phạt quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù” , căn cứ theo tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Nhưng tại sao Nhà giáo Phạm Tòan, một trong 3 vị Chủ trương trang báo điện tử nổi tiếng “Bauxite Việt Nam” ở trong nước đã nói với Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (Radio France Internatuional, RFI) rằng: “Đây rõ ràng là một phiên toà ô nhục”.

Ông còn nặng lời hơn: “Đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục.”, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia, RFA).

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thành viên thứ hai của nhóm Bauxite Việt Nam thì viết  “Đã có quá nhiều lời chê trách, bực bội, thậm chí chửi bới đốp chát về một phiên tòa gọi bằng công khai mà chẳng ra công khai, gọi bằng dân chủ mà chẳng ra dân chủ, được trình diễn ngay giữa một Thủ đô bắt buộc phải có cách ứng xử văn hóa thế mà rõ là thiếu văn hóa thậm tệ.”

Còn Thầy giáo “đương thời” Đỗ Việt Khoa, người một thời dám công khai đương đầu với những kẻ lãnh đạo, có chức có quyền trong ngành Giáo dục mà tham nhũng, cường quyền, làm gương xấu gương mù cho học trò cũng phê bình đó là : “Một phiên tòa làm mất thể diện quốc gia.”

Nhà Toán học Việt Nam nổi tiếng khắp Thế giới, Giáo sư Ngô Bảo Châu, bầy tỏ quan điểm trên Internet ngày 5-4 (2011): “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.

“Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
“Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình.

“Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.

Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ.

“Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.

“Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải.

“Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm.

“Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.

“Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.”

Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) phang thẳng cánh: “Phiên tòa kết thúc chóng vánh, lúc 11 giờ 50 đọc xong cáo trạng, nghỉ trưa đến 13 giờ 30 tuyên án luôn. Có nghĩa là tòa chỉ đọc cáo trạng và tuyên án. Nếu xử kiểu này tuyên án mẹ lúc trong tù cho xong, bày đặt xét xử làm mất thời gian của bao người làm gì. Có xử chứ xét gì đâu.”

Đáng ngạc nhiên hơn là phát biểu của Blogger Đào Tuấn, một Nhà báo có nhiều phần đang phục vụ trong một cơ quan Báo chí của Nhà nước đã dám chế riễu cách bố trí phiên tòa: “Cảm giác đầu tiên của mình về phiên xử Cù là hình như khâu tổ chức đã “nghiêm trọng hoá vấn đề” quá mức cần thiết. Tại sao lại không coi chính xác nó là một phiên toà hình sự, dù tội danh là “tuyên truyền chống nhà nước”. Mấy thằng mình đứng hút thuốc, nhổ râu vặt trước cổng toà thống kê thấy có đủ sắc lính: Đông nhất là “Dê cu dê ka” (dân quân du kích?), cảnh sát áo xanh, giao thông, cơ động đứng kín mấy ngã tư. An ninh- đương nhiên- và cũng đương nhiên là complet, cà vạt. Bảo vệ mũ vuông đứng chật sân. Quãng hơn 9h, thấy có mấy chục tay đeo băng đỏ kiểu vệ binh tàu, đi hàng 4 lượn qua trước toà…”

Rồi Đào Tuấn vào cuộc : “Cáo trạng rất đơn giản: Công an phường 11 nhận được tin báo của quân chúng về việc tổ chức hoạt động mại dâm và sử dụng ma tuý, bèn ập vào P101 khách sạn Mạch Lâm. Tại đây vô tình tóm được Cù, với một người khác – đương nhiên là nữ và 2 chiếc bờ cờ sờ (Chú thích người viết: bao cao su) “đã qua sử dụng”. Rồi vô tình kiểm tra máy tính công an lại phát hiện có các bài viết phản động. Thế là có khám xét, có khởi tố, có cáo trạng và ra toà.

Hình như quả “Bao cao su đã qua sử dụng” – cái ao tù trong vụ án, đến giờ vẫn là muối mặt với họ Cù cho nên, một trong những yêu cầu đầu tiên của CHHV là đề nghị HĐXX cho mang đến toà 2 chiếc “bao cao su đã qua sử dụng”. Toà tất nhiên từ chối. Cũng như từ chối việc mời Chủ tịch nước, thay mặt nhà nước – khách thể bị hành vi của Vũ xâm hại, đến toà, theo đề nghị chứa không ít sự ngông cuồng của Vũ.”

Cuối cùng, Đào Tuấn nhận định : “Hình như vụ Cù làm nhiều người quan tâm, đặc biệt là những đứa viết blog. Có đứa sau đó hỏi, và mình đáp rằng bài học lớn là nói gì thì nói, dù đó là “quan điểm cá nhân”, cũng phải “đúng”. Đúng gì thì phải tự hiểu. Nó hỏi: Nếu đó là những bài quan điểm cá nhân ca ngợi chế độ thì có sao không. Mình bảo hỏi đ. gì mà hỏi ngu thế. (chú thích, người trích tự ý bỏ dấu “chấm” sau chữ “đ” để giữ cho có vệ sinh văn hoá)
Nên gọi đây là 1 phiên toà nhạt toẹt, dai ngoách và nói thật, nếu báo chí được quyền tường thuật có lẽ lại là có lợi hơn có hại. Không ít những yêu cầu của Cù rất khó nghe, rất ngông. Về mặt cá nhân, mình không thích sự ngông của Cù dù xét về khẩu khí, so với LS Lê Công Định, Cù hơn nhiều.”

Cũng nên biết nhóm các ông Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi), Nguyễn Tiến Trung, Luật sự Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) đã bị bắt về điều được gọi là tham gia các hoạt động chống chính quyền.

Ông Lê Công Định bị bắt vì, theo Cáo trạng, đã vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình sự quy vào tội :”hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Trước ngày ra tòa 20-01-2010, ông Lê Công Địng đã xuất hiện trên Truyền hình Nhà nước và tuyến bố : “Tôi đã tham gia tổ chức Đảng dân chủ Việt Nam nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân… Tôi nhận thức những việc làm nói trên đã vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự… Tôi mong các cơ quan pháp luật xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để cho tôi được hưởng sự khoan hồng”.

Lời nói của Luật sư Định, theo suy luận của nhiều người Việt ở nước ngòai là bị áp lực của Công an.

Tuy nhiên, sau đó, Báo Công an Nhân dân đã phổ biến lời bảo là của ông Định nói: “Chẳng ai ép tôi cả. Hiểu rõ là mình đã làm những việc sai trái nên tôi tự nguyện đọc lời thú tội”.
Không ai có thể kiếm chứng được tin của Báo Công an Nhân dân.

Trong phiên tòa không mấy căng thẳng và được dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt như phiên tòa xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, bản án chống các Trí thức trẻ đã được công bố :
Ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam, quản chế 5 năm vì ông nhất định không nhận tội; Luật sư Lê Công Định 5 năm tù giam, quản chế 3 năm.

Hai anh Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù giam, quản chế 3 năm và Lê Thăng Long 5 năm tù giam.

TẠI SAO LUẬT SƯ BỎ TÒA?

Trở lại với phiên tòa nói công khai nhưng lại khép kín xử ông Vũ, không khí căng thẳng ngay từ bên ngoài Tòa án số 43 đường Hai Bà Trưng, Hà Nội từ rạng sáng . Các ngả đường dẫn tới Tòa bị công an chìm nổi, lực lượng dân phòng, cảnh sát đủ loại và xe cứu thương, lính cứu hỏa và xe bus bắt người giăng ra dầy đặc để chặn khoảng vài ngàn người dân thuộc mọi thành phần lao động, dân quê, dân oan từng chịu ơn ông Vũ. Nhiều người mang cả hoa muốn trao cho ông Vũ nhưng không được vào.
Trong số họ cũng không thiếu gì người trẻ và người lớn tuổi theo đạo Công giáo đã đọc kinh, lần hạt, hát lên giữa đường phố cầu nguyện cho ông Vũ.

Bên trong tòa, theo lời Bà Nguyễn Thị Dương Hà, vợ Tiến sỹ Vũ, người duy nhất của cả hai họ nội ngoại được phép vào dự thì phòng tòa toàn người được mời có mang biển số trước ngực.
Bà Hà nói với RFA : “Bên cạnh tôi luôn luôn có một cô đeo kiếng, người cao to, trẻ, mặc quần áo đồng phục, có đeo một biển số mang số 47. Cô ấy luôn luôn bảo tôi phải ngồi chỗ nào hay phải ngồi chỗ nào, và tôi bảo rằng tôi muốn ngồi chỗ này vì chỗ này trống. Cô ấy bảo phải ngồi chỗ kia chỗ nọ, thì tôi bảo cô không có quyền chỉ bảo cho tôi ngồi đâu. Đây là phiên tòa xét xử công khai cho nên chỗ nào trống thì tôi ngồi.

Thế thì lúc bấy giờ cô tuyên bố luôn là cô được giao cái quyền theo dõi tôi, tôi mới với cô ấy luôn rằng tôi không có phạm tội gì hết, tôi vào đây vì hôm nay là phiên tòa xét xử chồng tôi mà là phiên tòa xét xử công khai cho nên tôi được quyền vào đây thì tôi muốn ngồi chỗ nào mà không ảnh hưởng đến ai thì tôi ngồi. Sau đó thì cô chấp nhận ngồi sau lưng tôi.”

Bà còn nói với Chủ biên Mạc Việt Hồng của Báo Điện tử Đàn Chim Việt  “Ngay đầu tiên vào phiên Tòa, các luật sư đã rất nghiêm túc yêu câu thẩm phán phải thực hiện nghiêm chỉnh điều 214 của luật Tố tụng Hình sự, tức là phải tuyên bố nội dung các tài liệu chứng cứ liên quan tới bị cáo nhưng thẩm phán đã kiên quyết không làm.

Chính vì vậy, luật sư Trần Vũ Hải đã đứng lên đòi quyền này. Sau khi 2 bên, một đòi, một nhất quyết không làm thì cuối cùng ông thẩm phán đã lấy quyền của mình để đuổi LS Trần Vũ Hải ra ngoài phiên tòa.

Điều đó là vi phạm pháp luật.

Sau khi LS Trần Vũ Hải bị đuổi ra ngoài thì 3 luật sư còn lại là Trần Đình Triển, Hà Huy Sơn và Vương Thị Thanh vẫn tiếp tục yêu cầu thẩm phán phải thực hiện nghĩa vụ của ông ấy tại Tòa. Yêu cầu chính đáng ấy không được thực hiện. Do đó 3 luật sư còn lại từ chối bào chữa và bỏ đi về.”

Hỏi: Tiếp theo ra sao, thưa chị?

Đáp: “Anh Hà Vũ phải tự bào chữa nhưng mà rất khó khăn vì hễ anh ấy nói gì ra là Tòa bảo “được rồi”, “đủ rồi”… Và chỉ được quyền nói “Có” hay “Không” mà không cho anh ấy giải thích.
Lúc anh ấy tranh luận thì tòa chặn họng bảo, để tí nữa sẽ có tranh luận nhưng một lúc sau thì Tòa đã ra tuyên bố là cắt phần tranh luận để đi vào nghị án. Rồi 30 phút sau họ đã nghị án xóng và ra tuyên án rồi.”

Tất nhiên ông Vũ đã bác tất cả lời buộc tội của Tòa án và lên án nhà nước đã dàn dựng để hại ông. Bà Hà thuật lại lời nói của ông Vũ : ” Đây là vụ án mà tôi biết rằng đây là vụ án dàn dựng lên để chống lại tôi”

Bà Nguyễn Thị Dương Hà kể tiếp : ” Khi họ đọc quyết định, Tiến sỹ Hà Vũ đã hét lên một câu, bởi lúc bấy giờ người ta cắt loa rồi. Anh ấy thét: “Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam hãy phá án cho tôi”.

Mạc Việt Hồng hỏi: “Tại Tòa ngày hôm nay có nhân chứng nào không, thưa chị?”

Đáp: “Không có ai cả. Những người phỏng vấn anh ấy hay những trang mạng phỏng vấn anh ấy không ai được mời tới Tòa dù những người này đều lên tiếng sẵn sàng tới Tòa làm chứng.”

Cả những người đại diện cho phía Nhà nước bị ông Vũ hại là Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước và Trung tướng Hoàng Kông Tư – Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an được các Luật sư yêu cầu ra trước tòa đối chất bằng chứng cũng đã vắng mặt.

Như vậy, phiên tòa đã diễn ra không có Luật sư bào chữa vì Nguyễn Hữu Chính, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đã không chịu cung cấp tài liệu dẫn chứng khi truy tố ông Vũ, theo điều 214 của luật Tố tụng Hình sự.

Phiên Tòa cũng không có mặt các nhân chứng nên chỉ có “bị cáo” ngồi nghe “quan tòa” luận tội mình và không cho mình quyền được biện hộ theo luật.

Như vậy là vị phạm quyền biện hộ của bị cáo và vi phạm cả luật Tố tụng Hình sự như Bà Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà nói : “Do vậy, đây là phiên Tòa vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng Dân sự.”

NHƯNG CÁI ĐẦU NÃO CHẾT

Sau phiên tòa kết thúc một chiều, 4 Luật sư bào chữa cho ông Vũ là Trần Đình Triển, Hà Huy Sơn, Vương Thị Thanh và Trần Vũ Hải đã làm đơn Kiến nghị phản đối sự lạm quyền của Nguyễn Hữu Chính vì đã vi phạm quyền biện hộ của Luật sư và quyền tự bào chữa của bị cáo theo Luật và Hiến pháp.
Đơn này đã được gửi tới các Ủy ban Tư pháp, Pháp luật Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bột Tư pháp; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Đoàn Luật sư Hà Nội; Sở Tư pháp Thánh phố Hà Nội; Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội.

Các Luật sư kết luận: “Chúng tôi đồng kiến nghị đến đến các Qúi cơ quan yêu cầu theo thẩm quyền xử lý hành vi cản trở quyền tự bào chữa của bị cáo và quyền bào chữa của luật sư của ông chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án”Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 04/4/1011 của Tòa án nhân dân Hà Nội.”

Như vậy là các Luật sư đã gõ tất cả các cửa cần phải đến để bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ. Khi nào có trả lời của những người có trách nhiệm là điều chưa ai biết, nhưng vợ của ông Vũ, Bà Nguyễn Thị Dương Hà đã kháng cáo đòi xét lại tòan bộ bản án.

Đơn Kháng cáo đề ngày 06-04-2011 nêu ra hai lý do:

1) Phiên tòa xử vắng mặt những người bị hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người giám định.

2) Phiên tòa xét xử sơ thẩm vi phạm qui định của Bộ luật tố tụng hình sự: Đánh giá chứng cứ; Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức.
Câu chuyện diễn ra trong Tòa án đã rõ như ban ngày không che được mắt ai, không bịt được tai người nào, dù là xử kín nhưng Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước lại bẻ cong lương tâm khi đưa tin ngày 4-4-2011 rằng : ” Tại phiên tòa, 4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, gồm Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn. Do vi phạm nội quy phiên tòa, sau nhiều lần bị nhắc nhở, luật sư Trần Vũ Hải đã bị Hội đồng xét xử yêu cầu ra khỏi phòng xử.

Mặc dù đã được Hội đồng xét xử giải thích theo quy định của pháp luật, song 3 luật sư còn lại đã tự ý bỏ về khi có những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.”

Vậy khi các Luật sư nêu lên điều 214 của luật Tố tụng Hình sự có “căn cứ” không?

Hãy đọc nguyên văn Điều 214: ” Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức

Nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện của cơ quan, tổ chức đó trình bày; trong trường hợp không có đại diện của cơ quan, tổ chức đó tham dự thì Hội đồng xét xử công bố nhận xét, báo cáo tại phiên tòa.

Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.”

Khi Thông tấn xã Việt Nam không thuộc Luật thì thà đừng viết còn hơn đưa tin sai để bôi nhọ danh xưng tự nhận “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”.

Thói tự nhận mình có chính nghĩa, dân chủ, tôn trọng quyền con người hơn các nước khác đã ám ảnh mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên như đã được chứng minh trong cơn mê sảng của hai Tác giả PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Ths Trần Thị Hợi trong bài viết chung của họ trên báo Điện tử đảng CSVN ngày 6-4-2011.

Họ pháo miệng :”Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao pháp luật, pháp chế trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và trong đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thể hiện quyền lực Nhà nước là thống nhất, vì mục tiêu chung là phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc. Công dân có quyền tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương và kiến nghị với các cơ quan nhà nước. Đó là một mô hình Nhà nước tiến bộ mà bất cứ một xã hội nào cũng cần phải hướng tới….” (Trích từ Bài: “Nhận thức và sự phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam”)

Thật đáng tiếc cho ông Cù Huy Hà Vũ, một trí thức thuộc dòng dõi cách mạng đã có những đóng góp không nhỏ cho sự trưởng thành của đảng và nhà nước CSVN và những nạn nhân của sự khờ dại ngớ ngẩn đã qúa tin vào những câu nói có “viên đạn bọc đường” của nhà nước để bị mắc lừa, như ông đã bị lừa bỉ ổi tại pháp đình không có công lý ngày 04-04-2011.

Nhưng cái nhục của ông, có lẽ còn nhỏ hơn nỗi nhục của cả nước và của đồng bào ông vì những gì xẩy ra trong phiên tòa kín cửa đã bị vạch trần ra trước mắt cả thế giới văn minh hơn Việt Nam gấp trăm ngàn lần.

Như thế có phải là quốc nhục không, hay cần phải nhắc lại lời tuyến bố rất cay đắng ngày 20 tháng 9 năm 2008 trước Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội của nguyên Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt thì mới hiểu thế nào là xấu hổ dân tộc ?

Ngày ấy, khi được mời đến nghe những lời nhân nghĩa kể công của đảng bộ Thành phố Hà Nội đối với Giáo hội Công giáo nói chung và giáo phận Hà Nội trong vụ tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ, Ngài đã bất ngờ nói:” Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thực sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”

Nhưng tại sao Đức Cha Kiệt đã nói đến chuyện “nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam…” ? tại vì Nhà nước Việt Nam đã có những việc làm để cho người ngoại quốc coi khinh, khiến cho các Chính phủ trên thế giới nhìn dân tộc lạc hậu Việt Nam bằng nửa con mắt, đôi khi ngờ vực và thiếu tin tưởng.

Bản án một chiều, tự áp đặt 7 năm tù và 3 năm quản chế tại gia sau ngày mãn hạn tù đổ lên đầu Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 là một bằng chứng đã làm nhục quốc thể bởi những cái đầu đã bị não chết của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. -/-

Phạm Trần
(04/011)