"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 30. August 2010

Cuốn theo cơn lốc tìm trầm

Tin về một nhóm 9 người ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc - Quảng Nam trúng đậm kỳ nam bán được trên 30 tỉ đồng mới đây đã khiến hàng trăm người đổ xô lên Gia Lai tìm trầm mỗi ngày

Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Chính ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc – Quảng Nam, một trong 9 người vừa trúng hơn 13 kg kỳ nam. Ông Chính đi vắng, nhà chỉ còn cậu con trai Phạm Ngọc Vương đang ngồi nhậu cùng bạn bè đến chia vui. Vương cũng là người tham gia nhóm 9 người nêu trên.

Ăn nhậu tưng bừng

Vương cho biết gia đình anh làm nông, cứ hết mùa vụ là ông Chính lại khăn gói vào rừng tìm trầm. Ngày 14-8, lần đầu tiên ông Chính cho Vương đi theo. “Không ngờ ngay chuyến đi đầu tiên, em đã gặp kỳ nam” – Vương hào hứng.

Đến nhà ông Võ Lanh, một trong số 9 người “trúng” kỳ nam, chúng tôi cũng bắt gặp hàng chục người đang ngồi ăn nhậu tưng bừng. Theo lời ông Lanh, ngày 14-8, nhóm 9 người của ông đón xe lên xã Lơ Ku, huyện K’bang - Gia Lai tìm trầm. Vào đến rừng sâu thì gặp trời mưa lớn nên cả nhóm quyết định dựng lều nghỉ. Sáng hôm sau, nhóm chia làm 2 tốp đi tìm trầm, một do chính ông chỉ huy, một do ông Võ Quốc Tuấn dẫn đầu.

Ngày đầu tiên, tốp của ông Lanh không tìm thấy gì, còn tốp của ông Tuấn phát hiện một lát trầm nhỏ. Vì vậy, sáng hôm sau, 9 người quyết định tập trung tại gốc cây mục nơi tốp ông Tuấn phát hiện trầm để đào bới. Khi mọi người đang hì hục đào bới thì ông Tuấn hô lên: “Trúng kỳ nam rồi!”. Vì ông Tuấn thường hay nói đùa nên mọi người không ai tin.

Nào ngờ, chưa đầy 2 phút sau, ông Tuấn moi lên một miếng kỳ nam chừng 1 kg. “Khi ấy mọi người mới tin là thật. Cả nhóm liền tập trung lại chỗ ông Tuấn để đào bới. Sau 2 ngày, chúng tôi mới lấy hết kỳ nam” - ông Lanh kể.

Ngày 20-8, 9 người về Đại Lộc bán kỳ nam lấy tiền chia nhau. Nhiều người dân Đại Lộc khẳng định họ đã trúng 13,5 kg kỳ nam và bán được trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Lanh cho biết chỉ có 5,5 kg và bán được trên 3 tỉ đồng. Nghe vậy, một thanh niên cũng là dân tìm trầm đang ngồi nhậu tại nhà ông Lanh thắc mắc: “Giá 1 kg kỳ nam hiện nay là 2 tỉ đồng. Nếu trúng 5,5 kg thì phải bán được 11 tỉ đồng chứ?”. Ông Lanh lộ vẻ lúng túng rồi bỏ xuống nhà dưới, lát sau mới mang bia lên...

Tiếp xúc với những người trong nhóm ông Lanh, chúng tôi được họ xác nhận chuyện trúng kỳ nam là có thật nhưng không cho biết cụ thể bao nhiêu. Trong khi đó, một vài cán bộ xã Đại Nghĩa khẳng định nhóm ông Lanh trúng 13,5 kg kỳ nam và bán được 30,5 tỉ đồng. Trong nhóm, mỗi người được chia một phần, riêng ông Tuấn được 2 phần do phát hiện kỳ nam đầu tiên.

Một người dân Đại Nghĩa xác định đã chứng kiến một người trong nhóm trúng kỳ nam gửi trên 2 tỉ đồng vào ngân hàng. Ngoài ra, hơn 40 người ở Đại Lộc đi đào mót tại nơi nhóm ông Lanh tìm thấy kỳ nam cũng kiếm được trên 100 triệu đồng/người. Anh Võ Cảnh, con ông Võ Lanh, cho biết sau khi nhóm của cha anh về, nhóm 15 người của anh đã kéo lên mót kỳ nam và bán chia được mỗi người trên 300 triệu đồng. Nhóm 30 người lên sau cũng kiếm được gần 3 tỉ đồng.

Kẻ đổi đời, người ôm nợ

Chuyện nhóm 9 người ở xã Đại Nghĩa “trúng” đậm kỳ nam đã khiến hàng trăm người bỏ bê ruộng đồng, khăn gói đổ xô lên Gia Lai tìm trầm mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, cho biết chồng và con trai của bà cùng một nhóm thanh niên khoảng 10 người vừa đón xe lên Gia Lai tìm trầm với hy vọng nhanh chóng đổi đời. Không chỉ người dân Đại Quang, Đại Nghĩa, nhiều xã khác ở Đại Lộc cũng bị cuốn theo cơn lốc tìm trầm.

Tuy nhiên, không phải ai đi tìm cũng dễ dàng gặp trầm hay kỳ nam. Ông Lê Như Hảo, một người dân ở Đại Nghĩa đã trên 20 năm tìm trầm, cho biết chưa bao giờ ông trúng. Ông than thở: “Đến nay, tôi còn ôm đống nợ gần 20 triệu đồng chi phí đi tìm trầm”. Theo ông Hảo, những người gặp vận may như ông Tuấn, ông Lanh rất hiếm. “Hơn 30 năm nay, ở Đại Nghĩa mới có người trúng kỳ nam lớn như vậy” - ông Hảo nói.

Chính ông Võ Lanh cũng thừa nhận việc vào rừng tìm trầm rất vất vả, nguy hiểm. “Chuyến vừa rồi mà không trúng kỳ nam, tôi phải ôm nợ 25 triệu đồng” - ông Lanh tâm sự.

Sau vụ người dân xã Đại Phong – Đại Lộc trúng kỳ nam bán được gần 50 tỉ đồng vào tháng 4-2005, cơn lốc tìm trầm ở địa phương này đã rộ lên, sau đó có phần dịu đi nhưng những ngày qua lại nổi lên. Nhiều người tìm trầm cho biết mỗi chuyến vào rừng thường kéo dài từ 15 đến 35 ngày, tốn kém ít nhất cũng 2 triệu đồng/người.

Thôn Nghĩa Tây có khoảng 300 hộ dân thì đã có đến hơn 100 hộ ôm nợ vì vay mượn để đi tìm trầm. Chưa hết, trong những năm qua, chỉ ở Nghĩa Tây đã có 4 người bỏ mạng nơi rừng sâu trong lúc tìm trầm. Trong đó, 3 người do nước cuốn trôi và một người do sét đánh. Mới đây, cuối tháng 7-2010, trong lúc vào rừng tìm trầm, ông Nguyễn Chín đã bị sét đánh chết.

Theo ông Cao Văn Nhạc, Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, toàn xã có trên 2.800 hộ dân, trong đó 300 hộ thuộc diện nghèo. Hầu hết người dân Đại Nghĩa đều làm nông, đời sống luôn khó khăn.

......................................................