"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 3. September 2010

Dừng lại, chúng ta “ăn theo” GS Ngô Bảo Châu quá nhiều!

Với những gì đã làm được, GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn xứng đáng với những lời ca ngợi và sự ái mộ mà mọi người dành cho. Nhưng Ngô Bảo Châu là một nhà khoa học, anh không làm chính trị, càng không phải là diễn viên nên tốt nhất không nên bắt anh “diễn” quá nhiều. Đã đến lúc để anh yên để trở về với công việc yêu thích là nghiên cứu Toán.
Trông sang người để nghĩ về mình

Năm nay, cùng với GS Ngô Bảo Châu, có 3 người nữa được nhận giải Fields. Đó là E. Lindenstrauss, người Israel ; C. Villani, người Pháp; S. Smirnov , người Nga. Trong đó có S. Smirnov, hoàn cảnh của anh giống với Ngô Bảo Châu, một người Nga nghiên cứu và giảng dạy tại Thụy Sỹ. Người Nga cũng vui vì việc này, nhưng rất chừng mực, báo chí cũng khá kiệm lời. Đại khái họ chỉ nói: Lại thêm một người Nga đoạt giải Fields. Người Pháp cũng phấn khởi và tự hào, nhưng cũng rất vừa phải. Xem ra chỉ có Israel và Việt Nam xem đây là sự kiện vĩ đại, ca ngợi hết lời, nhưng Việt Nam vẫn ồn ào hơn cả.

Cũng nên nhắc lại rằng, 4 năm trước, một người Nga khác, anh G. Perelman sống và làm việc tại St. Peterburg, được giải Fields nhưng anh không nhận. Năm nay anh được chọn là người “thông minh nhất hành tinh” với giải thưởng 1 triệu USD, anh cũng không nhận. Mong muốn lớn nhất của anh là được yên để làm công việc yêu thích là nghiên cứu Toán.

Anh G. Perelman không phải là người xứ Nghệ, nhưng rõ ràng như vậy là hơi gàn. Tuy nhiên, cách đây chục năm, năm 2000, GS Z. Alferov người Nga được Giải Nobel Vật lý, ông cũng không đặc biệt vui mừng vì phát minh của ông ra đời trước đó... 30 năm. Khi nhà báo bảo: “Với số tiền giải thưởng khá lớn, ông có phấn khởi?”. Ông cho biết là ông đã già, không có nhu cầu ăn tiêu, nhưng số tiền như vậy cũng không lớn, chưa bằng cháu gái ông chơi quần vợt trong 2 tuần và thắng một giải Grand Slam.

Với GS Ngô Bảo Châu hiện nay, đừng bắt anh nói nhiều về giải thưởng Fields nữa! Cũng đừng bắt anh gặp gỡ, giao lưu nhiều trong không khí trang trọng và tung hô anh! Hãy để cho anh có những cuộc gặp gỡ bạn bè, những người cùng giới để anh có những cuộc trò chuyện thân tình, mộc mạc, thậm chí bị cật vấn một cách gai góc như anh Nguyễn Trung Hà đã làm ở một quán nhỏ tại phố Linh Lang. Được như vậy, đầu óc GS Ngô Bảo Châu làm việc đúng với chức năng của nó hơn.

Tại sao chúng ta lại mừng vui nồng nhiệt đến mức như vậy?

Mấy hôm nay, giở bất cứ tờ báo nào cũng thấy nói về Ngô Bảo Châu, lời lẽ to tát và hoan hỉ, trong đó có việc tới 4000 người tới Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình để được nhìn thấy Ngô Bảo Châu. Với những gì đã làm được, GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn xứng đáng với những lời ca ngợi và sự ái mộ mà mọi người dành cho.

Nhưng Ngô Bảo Châu là một nhà khoa học, anh không làm chính trị, càng không phải là diễn viên nên tốt nhất không nên bắt anh “diễn” quá nhiều. Hình như GS Ngô Bảo Châu đã từng nói, đại ý: Phương châm sống của tôi là càng để lại ít dấu vết trong cuộc đời, càng tốt. Tôi tin rằng, GS Ngô Bảo Châu không thích những gì đang diễn ra quá ồn ào xung quanh mình. Đã đến lúc để anh yên để trở về với công việc yêu thích là nghiên cứu Toán.

Có thể nói những gì đang diễn ra nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields là hơi lố. Không phải Ngô Bảo Châu lố, mà chúng ta, trong đó báo chí cũng rất lố. Trong số hàng ngàn lời chúc, lời ca ngợi, lời mời chào chân tình và thông minh, cũng có những lời sáo mòn và thiếu tinh tế, thậm chí là không tế nhị. Không nên để cái tư tưởng chức quyền lộ ra ở đây. Đã đến lúc xác định giá trị con người không phải là anh giữ chức gì, mà là anh làm được những gì! Thứ trưởng, bộ trưởng cũng chẳng dành được lòng kính trọng của mọi người nếu chỉ lo mua quan bán bán tước, xây nhà, gửi tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài... Còn người nông dân đã được kính trọng khi đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

Vào thời điểm này nên dành nhiều thời gian, sức lực, trí tuệ để suy ngẫm xem vì sao một nước nghèo như nước ta lại “ném tiền qua cửa sổ” qua phi vụ Vinashin?! Còn nhân sự kiện Ngô Bảo Châu, chúng ta nhìn nhận xem vì sao những người giỏi làm việc tại Việt Nam lại không đạt được những thành tựu có ý nghĩa? Có phải vì họ không có tự do tư tưởng? Có phải môi trường làm việc bị ô nhiễm bởi những cuộc họp vô bổ, những cuộc bình bầu kịch cỡm, những nghi kỵ tối tăm?...

Chúng ta nên ứng xử thế nào với GS Ngô Bảo Châu?

Muốn hay không muốn, GS Ngô Bảo Châu cũng đã trở thành tài sản quý báu của quốc gia. Chỉ là những ca sỹ, diễn viên, người mẫu khi đã trở thành người của công chúng, họ đã mất đi một phần tự do cá nhân, mất đi những thứ riêng tư trong cuộc sống… GS Ngô Bảo Châu nay không chỉ là người của công chúng mà là người của quốc gia, của đất nước, của dân tộc; liệu anh phải sống thế nào cho tròn vai đây? Trước khi được giải Fields, chính Ngô Bảo Châu nói anh hơi lo. Nay anh được giải rồi thì tôi và nhiều người quen biết và ngưỡng mộ anh lo; không chỉ hơi lo mà rất lo.

Điều đáng lo nhất là GS Ngô Bảo Châu bị lôi kéo vào hoạt động chính trị, bị đặt vào ghế lãnh đạo, quản lý. Đã có những tấm gương: Sau khi trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, những nhà khoa học xuất sắc như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự… gần như không có đóng góp gì đáng kể cho khoa học nữa. Chỉ có Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, tuy là Ủy viên trung ương Đảng, là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nhưng ông vẫn bám lấy mảnh đất của Viện cây lương thực và cây thực phẩm bên Hải Dương để tạo giống lúa, giống rau, giống cây ăn quả… chứ ít khi về Hà Nội để họp hành. Chính vì vậy ông vẫn có những đóng góp cho khoa học khi đã là quan chức.

GS Ngô Bảo Châu hiện nay đang được mời về Việt Nam làm việc, nhưng làm gì thì người ta chưa nói rõ. Với người có tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc và cụ thể như Ngô Bảo Châu, lại được đặt vào vị trí “báu vật quốc gia”, anh khó mà từ chối thẳng thừng lời mời này. Nhưng anh về thì có lợi gì, có hại gì là điều rất nên cân nhắc. Anh Đinh Trúc Nam – một nhà Vật lý hạt nhân nổi tiếng thế giới, hiện đang là cố vấn năng lượng nguyên tử cho Chính phủ Thụy Điển; hơn chục năm trước cũng đã về, lên cả Đà Lạt để khảo sát, anh nói: “Trong điều kiện hiện nay, là tôi làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài, chia sẻ kết quả và kiến thức với đồng nghiệp trong nước tốt hơn là về làm việc tại Việt Nam”. GS Vật lý Đàm Thanh Sơn (Đại học Washington , Hoa Kỳ) cũng có suy nghĩ tương tự.

Có thể có người cho rằng, với Vật lý mới cần những thiết bị hiện đại, còn với Toán, không cần như thế nên GS Ngô Bảo Châu vẫn về Việt Nam làm việc được. Thiết bị, phòng thí nghiệm là quan trọng, nhưng đây chỉ là điều kiện. Cái quan trọng nhất là môi trường, không khí, phong cách làm việc. Nói thật là hiện tại ở Việt Nam không có những thứ này thuận lợi cho các nhà khoa học. Ví dụ, đang miên man theo đuổi một ý tưởng nào đó, người ta gọi đi họp chi bộ, họp công đoàn, bình bầu lao động tiên tiến... Thế là đứt mạch. Nếu anh không tham dự những hoạt động này, người ta cho anh là kiêu, xem thường tập thể, vô kỷ luật. Sống với những “cái mũ” như vậy thì làm sao thanh thản mà làm khoa học? Đấy là chưa kể rất có thể anh bị lôi kéo vào phe phái nào đó, suốt ngày nghĩ chuyện đấu đá và lật đổ nhau.

Vì vậy, với GS Ngô Bảo Châu, tốt nhất là để cho anh tự do, tự ý quyết định làm việc ở đâu, sống như thế nào, khi nào thì về Việt Nam, với tư cách gì, trong bao lâu...

Đấy là cách tôn vinh GS Ngô Bảo Châu lịch lãm và đúng mực.

http://vn.360plus.yahoo.com/batkhuatho