"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 30. August 2010

Đúc tim Thánh Gióng

by Dr. Nikonian

“Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm con thì nhà người đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải” (Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim)


Hổm rày có nhiều chuyện vui quanh vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong đó, có chuyện đúc tim Thánh Gióng của bà chủ công ty ATS Nguyễn thị Thoa.

Ý kiến khen chê chát chúa cũng nhiều. Mấy bác nhà báo bạ đâu cũng chê, hình như đã là cố tật.

Tui tuy có máu ba trợn bông đùa, nghe bà chủ còn rất xuân sắc này nói trên báo chí như sau, cũng thấy xuôi xuôi:

Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương là một trong Tứ bất tử, là biểu tượng của trí tuệ, dũng khí trường tồn của dân tộc Việt, là hình tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Sự thật là Đức Thánh Gióng từ nhân thoại đời sống thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã đi vào huyền sử của dân tộc Việt. Vì thế, việc đúc tim tượng là thể hiện sự tôn kính người anh hùng của dân tộc và hơn thế chúng tôi mong muốn đức Thánh mãi mãi sống trong lòng người dân đất Việt, sự sống ấy biểu hiện ở trái tim của Ngài chứ không chỉ là biểu tượng.

Trái tim Ngài sẽ tỏa sáng, che chở cho người con đất Việt. Trái tim đó biểu hiện sức sống mãnh liệt của Ngài để người dân Việt hướng về, qua đó để sống tốt hơn, sống có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh.Việc đúc tim tượng là thể hiện tinh thần bất tử của Ngài từ huyền sử vào đời sống hiện tại của dân tộc.

Blah, blah, blah… Quả là không tệ! Nhất là cái tượng coi cũng dũng mãnh ghê chớ. Nó đẹp hơn cái tượng Phù Đổng Thiên Vương ở ngã sáu Sài Gòn, thánh tổ binh chủng thiết giáp hồi đó là cái chắc.

Thiệt tình tui thấy chuyện này cũng hay hay. Đã gọi là niềm tin, tôn kính thì miễn bàn. Nhất là việc tâm linh, khen chê thị phi đủ đường là việc bình thường. Nhưng thời buổi lòng người ly tán, tôn vinh một huyền sử Việt (dù là không có thật) để kết nối nhân tâm, tui thấy hổng tồi chút nào.

Miễn sao làm cái tựơng coi cho đựơc, cho xứng tầm Đức Phù Đổng Thiên Vương

Miễn sao tiền đúc tượng không bị xà xẻo như người ta đã làm với tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Miễn sao tiền, dù là của cải cá nhân, cung tiến để đúc tượng là tiền lương thiện, tiền sạch, công sức thật sự của kẻ thành tâm. Không phải tiền ăn cắp, tham nhũng, bóp nặn mồ hôi nước mắt người dân…

Miễn là phát tâm đúc tượng không để mua danh, không quên nhìn xuống muôn vạn đồng bào-con cháu Đức Thánh còn đang đói khổ.

Lại nghĩ ngợi mà tự hỏi rằng: tại sao không đúc tượng Lạc Long Quân, quốc tổ nước Nam mà lại đúc tượng Thánh Gióng? Chắc mai mốt cũng có doanh nghiệp khác cũng phát tâm, “chơi” tiếp một quả tượng Quốc Tổ thiệt oách, cho con cháu hương khói thờ phụng. Vậy cũng hay, cũng là điều đại cát!

Lẩn thẩn tự hỏi thêm rằng: Đã đúc tim cho tượng Thánh Gióng, nay đúc gì cho tượng Ngài Lạc Long Quân? Tim, gan, thận, não, phèo, phổi…?

Xin đừng rủa tôi bất kính nếu kẻ hèn này mạo muội đề xuất: hãy đúc… chym cho tượng Quốc Tổ. Hay gọi tắt là đúc QUỐC CHYM.

Quốc Tổ mình, hổng biết nam tính dũng mãnh đến cỡ nào, mà xxx Quốc Mẫu Âu Cơ một phát, đẻ ra cả bọc trăm con. Nam tính hùng hậu như sấm như sét đến thế, phỏng dứơi gầm trời này có kẻ thứ hai? Có bậc danh nhân, quốc phụ nào của Tây của Tàu nào cường tráng, khang kiện hơn Ngài không? Nếu “cái ấy” của Ngài xìu xìu ển ển, làm gì có 80 triệu con dân Việt đầu đen máu đỏ trên mảnh đất chữ S: hôm nay?

Không lấy dương cụ thuần Việt, siêu hạng của Ngài mà đúc, thì đúc cái gì cho Tây Tàu nó nể? Xin đừng giãy nảy lên mắng tôi bất kính! Người Hindu cũng đã từng đúc Linga, Yoni tổ chảng vái lạy sì sụp, có ai chê bai cười cợt đâu?

Việc thiết kế mẫu chẳng cũng chẳng khó khăn gì. Thời đó mặc khố, cứ nhờ chị Minh Hạnh thiết kế cho Ngài một cái khố thiệt thời trang rồi cậy bác Phạm Văn Hạng gắn thêm con chym thật oách, vén cái khố qua một bên là ổn. Hay cho cái khố bay phất phơ cho nó dynamic cũng được.

Nếu các đại gia Việt chê ý tưởng này tục tĩu mà không tài trợ, đã có hãng Pfizer, nhà sản xuất Viagra. Cơ hội marketing bằng vàng, sức mấy nó bỏ qua.

Điều cuối cùng, phải chọn hướng đặt tượng Quốc Tổ sao cho dương cụ dũng mãnh của Ngài chỉ thẳng về hướng Bắc. Phải show hàng vậy để cho mấy thằng lang băm chuyên bán thuốc tráng dưong đểu kiểu Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn, sừng tê tay gấu… lè lữơi xanh mặt, hết dám cậy đông chạy qua đây lừa gạt ăn hiếp cứơp bóc dân mình. Dùng dương cụ thần sầu của Ngài “yểm xì bùa” đám cậy đông cướp đất cướp biển, cho nó lăn ra bất lực tiêm la mới bõ ghét.

Lại đọc được câu này trong Việt Nam Sử lược của Sử thần Trần Trọng Kim:

”Gốc tích truyện này có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (tỉnh Hồ Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích xác được”

Vâng, “đấy cũng là điều nói phỏng”, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là điều chưa bao giờ có thật. Vẫn biết thế, Thánh Gióng, Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ,… chỉ là huyền sử (myth) rất xa xăm từ thuở Việt Thường, trong những ngày đầu khai quốc. Nhưng huyền sử đó đã ăn vào máu thịt, vào tim óc muôn con dân Việt tự bao giờ không biết. Càng ngẫm càng thấy nghĩa lý sâu xa của tổ tiên mình. Nhớ tích cũ để cùng ghi tâm khắc cốt ẩn dụ bọc trăm trứng nở trăm con, cùng một khí cha huyết mẹ mà thành. Nhớ hai chữ đồng bào mà bớt hiềm khích, quên thù hận. Nhớ nghĩa anh em mà đấm ngực ăn năn về bao cuộc tương tàn đau đớn nhất trần gian đã xảy ra trên mảnh đất này.

Được vậy, cuộc đúc chym Quốc Tổ há chẳng mang ý nghĩa sâu xa lắm ru?

Mượn tích cũ, ôn cố để tri tân. Nghe không lọt tai thì bỏ, đừng trách tôi đem quốc sử ra cười cợt. Thế thì oan tôi lắm, thưa các bạn.

Thành tâm kính cáo.

http://drnikonian.wordpress.com/2010/08/12/duc-tim-thanh-giong/#more-2706